Chúng ta

Phụ huynh FPT đề xuất cải cách giáo dục tại EduCamp

Thứ ba, 6/12/2016 | 08:41 GMT+7

''Trong 3 năm qua, FPT School đang từng bước nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất hiện đại hơn. Tôi tin tưởng rằng, muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi và bài toán đặt ra là hãy trả lương cho giáo viên cao hơn mức hiện tại", bác Ngô Khởi, phụ huynh học sinh FPT School, chia sẻ.

EduCamp 2016 diễn ra tại Hòa Lạc, Hà Nội, vào ngày 4/12 đã thu hút 32 diễn giả cùng 2 phiên khai mạc với 2 chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Các thảo luận, chia sẻ xoay quanh việc hướng tới chuẩn quốc tế trong giáo dục đào tạo được chia thành 5 chuyên đề trọng tâm: Phương pháp dạy và học; Xây dựng và phát triển chương trình; Đảm bảo chất lượng; Nghiên cứu và Quốc tế hóa. 

Trong đó, bài tham luận "Giáo dục Việt Nam và FPT" do diễn giả Ngô Khởi (phụ huynh học sinh FPT School) không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên mà các sinh viên ĐH FPT cũng theo dõi phần trình bày này. 

Sequence-02-Still001-6679-1480919947.jpg

Phụ huynh FSchool Ngô Khởi chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo diễn giả Ngô Khởi, FPT School nên mở nhiều lớp luyện IELTS, học sinh đạt kết quả đạt chuẩn từ 4.0 trở lên nên miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. Đại diện phụ huynh FPT cho rằng, IELTS là chương trình chuẩn quốc tế có nhiều điểm ưu việt, nhà trường nên xem lại quy chế về việc học sinh phải đạt từ 6.0 trở lên mới được học IELTS, các em học sinh đạt 4.0 đến 5.9 sẽ học Pathways. Đáp lại những đóng góp của phụ huynh trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tại FPT School, Hiệu trưởng FPT School Nguyễn Thị Tân tin tưởng, Pathways đã được Tổ tiếng Anh cùng nhà trường biên soạn và phát triển phù hợp với học sinh. 

Sequence-02-Still002-7708-1480919947.jpg

Phụ huynh FSchool Ngô Khởi là một trong ba diễn giả có số phiếu tín nhiệm cao nhất tại FPT EduCamp 2016.

Kết thúc phần trình bày, phụ huynh FPT Ngô Khởi chia sẻ "5 việc làm đầu tiên nếu ông làm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo". Theo ông, muốn có trò giỏi thì cần: Đội ngũ giảng viên phải có trình độ kiến thức chuyên môn sâu; Sinh viên sư phạm giỏi; Nhiều học sinh giỏi thi vào sư phạm; Lương giáo viên cao; Tăng lương cho giáo viên. Đối với FPT, diễn giả Ngô Khởi mong muốn FSchool đẩy mạnh các hoạt động thể chất, rèn luyện kỹ năng sống, tự lập... cho các em học sinh.

Bên cạnh bài trình bày về "Giáo dục Việt Nam và FPT" của diễn giả Ngô Khởi, người tham dự EduCamp 2016 còn được lắng nghe vào thảo luận cùng anh Phan Phương Đạt với chủ đề "Bí quyết "dỗ" sinh viên"; "Đảm bảo chất lượng đại học quyết định đến việc các chuyên gia, nhà khoa học và cả sinh viên có tìm đến với trường đại học đó hay không" do diễn giả Phạm Hùng Hiệp (Trưởng phòng Đào tạo FE Hà Nội) và chị Đỗ Thị Minh Thủy (Trưởng phòng Kiểm định chất lượng FE Hà Nội) trình bày; TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM) đã chia sẻ những nghiên cứu của mình về "Giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế"; Keynote "ứng dụng CNTT trong các mô hình giáo dục hiện đại" của Giám đốc khối Giáo dục Microsoft Việt Nam Trần Yên Định; Hiệu trưởng ĐH trực tuyến FUNiX với bài thuyết trình "gây bão" mang tên "Khi giáo sư 'mất dạy'"...

FPT EduCamp là hội thảo mở được FE tổ chức hằng năm nhằm kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và Tổ chức Giáo dục FPT nói riêng. Năm thứ ba, FPT EduCamp tập trung vào chủ đề “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục". Năm 2014 và 2015, các chủ đề của EduCamp lần lượt là "Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa" và "Vận hành tổ chức giáo dục".

Video toàn cảnh FPT EduCamp 2016:

 Thanh Tùng

Ý kiến

()