Chúng ta

Phóng viên VnExpress kể chuyện vào ‘hang hùm’ tác nghiệp

Thứ ba, 26/2/2013 | 15:54 GMT+7

Để phản ánh được trung thực, kịp thời về nạn khai thác vàng tại Lương Sơn (Hòa Bình), hai phóng viên Ban Xã hội Bá Đô và Thanh Tùng đã đóng vai người mua đất để xâm nhập hiện trường trước con mắt đầy cảnh giác của các đầu nậu vàng và hội bảo kê.
> Nét chấm phá về phóng viên VnExpress

a

Phóng sự về nạn khai thác vàng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ảnh: S.T.

Đây là phóng sự đầu tay khi vừa đầu quân về VnExpress làm việc nên để lại cho anh Tùng rất nhiều kỷ niệm khó quên.

Thông thường, các khu vực khai thác vàng đều được canh phòng hết sức cẩn thận, ít khi người ngoài có thể lọt được vào nên anh Tùng và phóng viên Bá Đô đã nghĩ ngay ra cách giả làm người mua đất ở khu vực này. “Trong khi Bá Đô đang ngồi hỏi chuyện chủ nhà thì tôi giả vờ ra vườn hút thuốc cho thoáng rồi thay ngay bộ đồ giống màu lá cây để ngụy trang và chui vào bụi rậm quay lén khu vực xung quanh”, anh Tùng nhớ lại.

Biết được sự hung tợn của các đầu nậu vàng nên anh Tùng rất lo lắng bởi chỉ cần bị phát hiện, tính mạng của cả hai sẽ rất nguy hiểm. May mắn là nhờ sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, sau 6 giờ tác nghiệp (từ 10h đến 16h) cả anh Tùng và Bá Đô đã thoát khỏi “hang hùm” và trở về nhà an toàn.

“Điều vui nhất là ngay sau khi phóng sự đưa lên đã nhận được phản hồi tích cực từ độc giả, đặc biệt là từ lãnh đạo huyện Lương Sơn. Cũng nhờ đó mà tình trạng khai thác vàng làm ô nhiễm môi trường, phá hoại tài nguyên đã được ngăn chặn kịp thời”, anh Tùng hồ hởi kể.

Xem Clip 'Công trường khai thác vàng sát thủ đô' tại đây
a

Khi tác nghiệp về nạn mại dâm, các phóng viên phải đóng giả làm khách và ngã giá như thật. Ảnh: S.T.

Một lần tác nghiệp khác cũng đáng nhớ không kém, đó là khi làm phóng sự về gái mại dâm. Vì lượng hình ảnh quay được ở bên ngoài khá ít, không đầy đủ nên anh Tùng và phóng viên Bá Đô cũng phải trực tiếp đến những địa bàn có nhiều tệ nạn này để thực hiện.

Khi đó, các anh phải đóng vai khách làng chơi “hám của lạ”, cũng “chọn hàng”, ngã giá và vào phòng nằm tẩm quất như bình thường. Chỉ khác ở chỗ, trong khi các khách làng chơi “xịn” say sưa tận hưởng thì "khách làng chơi" phóng viên phải tranh thủ tận dụng từng phút, vừa hỏi chuyện, vừa dùng máy quay chuyên dụng để quay lén.

Anh chia sẻ: “Mọi thứ đều phải được thực hiện thật chi tiết, cẩn thận, tuyệt đối không được xảy ra sơ suất. Chỉ cần tay mình dùng máy không chuẩn hoặc có biểu hiện đáng nghi ngờ là một đám 10-15 kẻ bảo kê đứng bên ngoài sẽ chạy vào 'thịt' ngay lập tức”.

Biết rõ khi thực hiện những đề tài này, độ nguy hiểm luôn song hành nhưng vì niềm đam mê với nghề và tính chất công việc, anh Tùng cùng các đồng nghiệp vẫn không quản ngại khó khăn để đưa thông tin một cách trung thực, khách quan nhất đến độc giả.

Xem Clip 'Phố tẩm quất kích dục tại thủ đô' tại đây

Không chỉ "chui" vào những nơi nguy hiểm, các phóng viên còn đến cả những nơi bẩn thỉu, hôi hám mà mọi người ít dám đến như dưới cống ngầm ở Hà Nội để thực hiện đề tài về những nhân viên làm nghề cấp thoát nước, khơi thông cống rãnh.

Để thực hiện phóng sự này, anh phải khoác trên người bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân rồi chui xuống miệng cống có đường kính 60 cm để khám phá và quay những hình ảnh nơi đây.

“Ngay khi chui được xuống cống, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chúng tôi dường như ngộp thở và sốc nặng, phải ngoi ngay ra gần miệng cống để hít chút không khí. Sau nhiều lần như vậy, khi định thần lại, chúng tôi mới tác nghiệp được và hiểu được nỗi khổ mà những nhân viên thông cống phải hứng chịu hằng ngày”.

Xem Clip 'Những người mưu sinh dưới lòng thành phố' tại đây
a

Những câu chuyện cuộc sống đã đem lại cho anh Tùng nhiều trải nghiệm. Ảnh: Facebook.

Bên cạnh các đề tài mang tính thời sự, những câu chuyện cuộc sống, đề cập đến nhiều người hay những mảnh đời khác nhau trong xã hội cũng luôn khiến các phóng viên canh cánh trong lòng.

Đó là lần đi làm phóng sự về một ông cụ 93 tuổi làm nghề mài dao kéo ở Thanh Hóa. Ngay từ 6h, anh Tùng đã cùng ông cụ xách đồ nghề, đi ròng rã khoảng 20 km để làm việc.

“Mình còn trẻ khỏe mà đi được một lúc đã mệt phờ. Vậy mà cụ đã 93 tuổi, ngày nào cũng đi bộ trên quãng đường đó để mài dao kéo cho mọi người, kiếm từng đồng tiền lẻ để sống qua ngày. Tối đến, ông cụ lại ngủ tạm bợ ở mái hiên hay hàng quán, tích kiệm tiền một cách tối đa. Những điều đó gây cho tôi niềm cảm thương sâu sắc”, anh xúc động nói.

Từ những con người như thế mà anh nhận ra rằng cuộc sống này không phải chỉ có những điều tiêu cực mà còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương cần giúp đỡ. Anh mong muốn, những phóng sự truyền hình hay bài viết sẽ nhận được sự đồng cảm của xã hội để mọi người cùng chung tay, góp sức cả về vật chất lẫn tinh thần cho những con người như vậy.

Xem Clip 'Một ngày mài dao kiếm sống của ông lão 93 tuổi' tại đây

 Bình Nguyên

Ý kiến

()