Chúng ta

Phòng ngừa rủi ro khi đi nghỉ mát

Thứ hai, 7/5/2012 | 15:14 GMT+7

Trong dịp nghỉ mát, một số rủi ro có thể xảy ra bất ngờ khi đi chơi xa, dài ngày. Chúng ta ghi lại chia sẻ của bác sĩ Cao Thúy Tạo, Phòng Y tế FPT về tình huống thường gặp và cách sơ cứu khẩn cấp.
> Phòng bệnh trong ngày nắng nóng

Choáng

Đây là hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Biểu hiện của choáng là nhợt nhạt, chân tay giá lạnh, da lạnh nhớt, huyết áp tụt, mạch nhỏ, nhanh, vẻ mặt hốt hoảng bối rối, một số trường hợp có hôn mê.

Choáng thường là hậu quả của chảy máu nặng, mất nước trầm trọng, nhiễm trùng nhiễm độc, cũng có thể do chấn thương, dị ứng hay bệnh tim tiên phát gây nên.

Với trường hợp bệnh nhân bị choáng nhẹ cần nhanh chóng được giảm đau, cầm máu, chống lạnh và động viên tinh thần. Trường hợp nặng, sau khi đã áp dụng biện pháp sơ cứu, bạn cần đưa bệnh nhân chuyển viện kịp thời.

a

Bác sĩ Cao Thúy Tạo đang kê đơn cho bệnh nhân ở FPT. Ảnh: Lưu Vân.

Say nóng

Khi vui chơi, hoạt động ngoài trời vào dịp nghỉ hè, nhiệt độ ngoài trời thường cao hơn so với cơ thế, bạn có thể gặp chứng say nóng hoặc say nắng.

Nếu bị say nóng, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, mặt đỏ, khó thở, buồn nôn và hoa mắt. Ngoài ra, mặt tái nhợt, tiểu tiện ít, sốt cao, da và niêm mạc khô, mạch nhỏ nhanh có khi trụy mạch, nặng có thể nằm li bì hoặc giẫy giụa. Người bệnh sẽ bị mê sảng, hôn mê và co giật.

Lúc này, nên để bệnh nhân nằm nơi thoáng mát hạ thân nhiệt dần dần, chườm đá lạnh ở trán, gáy và gan bàn chân. Đồng thời, có thể cho bệnh nhân uống nước Oresol hay nước chè đường.

Với bệnh nhân nhân nặng có thể nhúng vào bể nước lạnh, chườm lạnh liên tục đến khi nhiệt độ hạ xuống 38 độ C. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi thoáng mát để nghỉ ngơi, nếu bệnh nhân nặng cần chuyển đến bệnh viện ngay.

Đuối nước

Biển thường là địa điểm mọi người lựa chọn cho kỳ nghỉ mát. Nhưng khi ra biển, đuối nước chính là nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

Việc đầu tiên là đưa ngay nạn nhân lên khỏi mặt nước để tiến hành cấp cứu nhanh chóng. Nếu nạn nhân còn thở, tim còn đập (trường hợp hiếm) thì đặt nằm đầu thấp cho nước thoát ra, lấy khăn mặt bọc ngón tay, móc đờm dãi trong miệng, thay quần áo, ủ ấm, xoa nóng người.

Trường hợp tim còn đập, hô hấp đã ngừng thì dốc ngược nạn nhân (vác lên vai, đầu dốc xuống) để cho nước trong đường hô hấp thoát ra. Sau đó, đặt nạn nhân nằm nghiêng, móc đờm dãi, thổi ngạt trực tiếp, ấn tim ngoài lồng ngực. Khi thổi ngạt phải thay quần áo ướt ra vì nó làm trở ngại tuần hoàn, đồng thời lau khô người nạn nhân, ủ ấm, xoa bóp thân thể, các chi theo hướng về tim.

Nếu nạn nhân ngừng thở và không nghe thấy tiếng tim đập nữa thì kết hợp thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực (3 lần ấn tim một lần thổi ngạt). Khi tim đập trở lại, nạn nhân có thể thở yếu, cần cho thở hỗ trợ và theo dõi cấp cứu nếu thấy ổn định, chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để tiếp tục được chăm sóc.

Cấp cứu bỏng

Bỏng chia làm ba độ: Độ 1 bỏng nhẹ không gây rộp da, độ 2 bị rộp da và độ 3 là bỏng sâu.

Với bỏng độ 1, ngâm ngay chỗ bỏng vào chậu nước mát, nếu do axit hoặc kiềm có thể dùng vòi nước máy xả vào là tốt nhất, nếu nạn nhân đau cho uống thuốc giảm đau.

Bỏng độ 2, nếu chỗ rộp đậm đặc không được xối nước vì da dễ bị tổn thương. Nên rửa nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội, phải giữ cho vết bỏng sạch sẽ không cần phải băng kín. Nếu có điều kiện, đun sôi vadolin để nguội rồi phết lên miếng gạc vô trùng, đậy miếng gạc lên vết bỏng.

Với bỏng độ 3 là bỏng sâu phá hủy da làm trơ mảng thịt đỏ ra. Trường hợp này là bỏng nặng, phải nhanh chóng đưa đến cơ sở gần nhất để điều trị.

Trước khi mang đến viện, cần sơ cứu, dùng băng hoặc miếng vải sạch băng lại nhẹ nhàng kín phần da bị bỏng. Bỏng nặng dễ bị sốt do dâu và mất dịch nên cần cho nạn nhân uống thuốc giảm đau. Nếu nạn nhân bị bỏng gấp 2 lần kích thước bàn tay nên cho uống nhiều nước như Oresol (một gói pha 1 lít nước) và nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Lưu Vân (ghi)

Ý kiến

()