Chúng ta

Onsite và những chuyện chưa kể

Thứ bảy, 24/3/2012 | 11:26 GMT+7

“Mình thích onsite!”, Hà Tiến Dũng, FSU11, FPT Software khẳng định, bởi với anh, “mỗi chuyến onsite lại được đi đến một nơi mới, biết thêm nhiều thứ mới, ăn những món mình chưa được nếm bao giờ”.

“Được sống và cảm nhận con người mình khi ở một nền văn hóa khác biệt… Thật thú vị!”, Dũng tâm sự.
 
Tất nhiên công việc là trên hết, nhưng ngoài giờ làm việc ra, vẫn có thể coi việc đi onsite là một cơ hội để du lịch nước bạn. Ở FPT Software, do Nhật Bản là thị trường lớn nhất cho nên việc đi onsite tại Nhật đối với CNBV FPT Software đã không còn quá lạ lẫm. Và những chuyến onsite tại đất nước này đã mang đến không ít những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm mới mẻ.
 
“Nhật Bản là một đất nước tuyệt vời, môi trường sống rất tốt, không khí trong lành, người dân thì hết sức thân thiện và dễ mến, nhờ đó 3 tháng onsite của mình đã trôi qua mà không mang lại khó khăn gì lớn”, Nguyễn Anh Tú – Đơn vị Phần mềm chiến lược số 11 (FSU11) kể lại.

Nhóm

Nhóm cán bộ onsite của FSU11 trong một chuyến tham quan ở Nhật Bản.

Ngày 25/3 chính thức được chọn làm Ngày Onsiter của FPT Software từ năm 2009, bắt nguồn từ chuyến onsite đầu tiên của CBNV FPT Software, chuyến đi Mỹ ngày 25/3/2000 của anh Nguyễn Lâm Phương (nay là PTGĐ FPT Software) để thực hiện dự án Smarttouch.

Cứ đến ngày 25/3 hằ̀ng năm FPT Software lại tôn vinh những chiến sĩ phần mềm đang thầm lặng cống hiến trên đất nước khách hàng…

Hiện FPT Software có 167 CBNV đang đi onsite, trong đó 120 người đang làm việc tại khách hàng tại các nước Nhật, Singapore, Malaisiai, Vương quốc Anh, Mỹ... và 47 người onsite tại các miền ở Việt Nam.

Còn Nguyễn Thị Hoa, cũng là cán bộ onsite của FSU11, nhận xét: “Do chưa có cơ hội đi nhiều nơi cho nên mình chưa gì nhiều về cuộc sống ở Nhật, chỉ thấy rằng nơi đây mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng nề nếp. Điều khiến mình thấy thích nhất đó là văn hóa xếp hàng, giống như một cái gì đó đã thành truyền thống, từ lúc sinh ra họ đã được giáo dục như thế, dù có thể đang rất vội nhưng không bao giờ có sự chen lấn, luồn lách”.
 
Về con người Nhật Bản, trong mắt Nguyễn Xuân Tùng, FSU11, tuy vào giờ làm việc họ rất nghiêm túc, nhưng trong cuộc sống thường nhật, họ rất “máu lửa”. Anh kể lại kỷ niệm một lần nhậu cùng khách hàng “bết xa lết”, anh chàng PM phía khách hàng thường ngày nghiêm nghị là thế vậy mà hôm đó trong lúc “biêng biêng” cũng cao hứng phi ra giữa đường nhảy múa.

Nguyễn Thị Hoa thì có ấn tượng tốt đẹp với những người bán hàng của Nhật, chị cảm nhận thấy ở họ toát lên một vẻ tươi tắn, dễ gần và chuyên nghiệp đến lạ lùng. Cô bạn ở quán ăn lúc nào cũng mỉm cười rất tươi, còn những người ở quầy mỹ phẩm luôn nhiệt tình tư vấn, mang lại cảm giác gần gũi và tin tưởng.
 
Thường thì suy nghĩ chung, đặc biệt của các bạn trẻ là thích đi onsite vì nghĩ đây là cơ hội để đi du lịch, cơ hội được "xuất ngoại"... “Nhưng đi rồi mới biết onsite không chỉ toàn màu hồng”, Lã Tiến Thành, FSU17 chia sẻ.

“Đi onsite cũng đồng nghĩa các bạn phải mang trọng trách khá lớn là đại diện cho hình ảnh của công ty để làm việc với khách hàng. Với các dự án thử nghiệm (pilot) thì trọng trách đấy còn lớn hơn, liên quan đến một cơ số anh em ở nhà có việc làm tiếp hay không? Nói vậy thì thấy có vẻ ‘khổ đau’ nhiều hơn… sung sướng”, Thành phân tích.
 
Nguyễn Xuân Tùng kể khổ: “Trong nhà thì việc gì cũng đến tay từ cái ăn, cái mặc đến giặt giũ, dọn dẹp... ra ngoài đường thì do trình độ ngoại ngữ cũng thuộc loại ‘phình phường’ thì giao tiếp cũng là một trở ngại, lên tàu điện thì lúc nào cũng đông nghẹt toàn người những người, số lần được ngồi ghế thì chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Nguyễn Xuân Tùng

Nguyễn Xuân Tùng trong một chuyến công tác tại Nhật Bản.

“Đến công ty, do tính chất công việc luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ và khối lượng công việc khổng lồ nên hầu như ngày nào cũng hăng hái đi làm buổi sáng sớm và thất thểu, ‘tay nhặt lá chân đá ống bơ’ vào buổi tối muộn về vì mệt mỏi và đói. Về đến nhà thì lại lao ngay vào cơm nước, tắm táp, tranh thủ e-mail và gọi điện về cho gia đình, nếu công việc bận quá thì lại lao ngay vào tranh thủ làm tiếp... Hầu như không có lúc nào đầu óc ngơi ra để nghĩ đến cái gì khác vì chỉ có công việc, ăn, tắm, ngủ... rồi lại công việc”, Tùng nhớ lại.
 
Vũ Lê Nam cũng có những kỷ niệm “đau thương” khi đi làm việc ở nước ngoài: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là đợt onsite lần này tại Osaka, đây là lần onsite với nhiều cái đầu tiên nhất của mình. Lần đầu tiên đến Nhật, lần đầu tiên đi tàu điện ngầm, lần đầu tiên đi tàu cao tốc (shinkansen), lần đầu tiên đến Tokyo và cũng là lần đầu tiên tham gia một lễ hội của Nhật Bản”.

Chỉ sau 4 ngày đến Osaka, Nam và các thành viên trong nhóm đã bắt tàu điện cao tốc lên Tokyo, tất cả thời gian chuẩn bị đến quyết định đi chỉ trong vòng 2 giờ. Do không chuẩn bị trước nên không mua được vé xe bus Osaka-Tokyo, cả nhóm khá lúng túng. Nhưng vì đã trót ra khỏi nhà nên Nam và một bạn nữa quyết định phải đi bằng được, thế là 9h tối bắt đầu lên shinkansen đi Tokyo.

Đến Tokyo thì chỉ còn một chuyến cuối cùng đến nhà người thân nên mọi thứ đều vội vã. Sáng hôm đó, Tokyo mưa rả rích, trời âm u và lạnh, cứ vào ga, lên tàu rồi đi ra ngoài trời, chỉ một buổi sáng đôi giầy đã ướt sũng, lạnh cóng. Nhưng cũng có lẽ vì đi liên tục mà 2 bạn quên đi đôi chân đang mỏi nhừ. Thời gian nghỉ ít nên cả hai cứ đi một mạch, mỗi điểm chỉ dừng lại chút thời gian. “12 giờ liền lang thang Tokyo đến lúc về nhà mới thấy chân đỏ hết lên, rã rời…”, Nam cười nói.
 
Trước mỗi chuyến onsite, CBNV FPT Software đều được tham gia khóa học để nắm được những điểm cần biết căn băn khi sang sinh sống và làm việc tại nước bạn. Tuy nhiên có nhiều kiến thức không nằm trong sách vở mà phải trải qua mới biết được.
 
Anh Nguyễn Văn Thành, FSU17, chia sẻ: “Trước khi đi, các bạn nên tìm hiểu càng nhiều thông tin về nơi mình đang đi càng tốt. Và ngôn ngữ là một điều quan trọng để giúp bạn dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới. Cần cố gắng tìm cách giữ liên lạc với người than và bạn bè trong những ngày đầu để tránh bị sốc tinh thần trong một môi trường mới toàn người lạ. Cố gắng liên hệ với cộng đồng người Việt tại đất nước đang onsite. Và đừng quên lên kế hoạch để tận dụng những khoảng thời gian rỗi rãi trải nghiệm những món ăn mới, vùng đất mới”.

Ngô

Ngô Thu Huyền luôn sẵn sàng cho những chuyến onsite.

Ngô Thu Huyền, FSU17 đúc kết: “Mang theo ngọn lửa FPT luôn cháy trong tim, tôi sẽ là đại diện của công ty tại nước bạn, được làm việc với vai trò là một kỹ sư cầu nối (BrSE) tại đất nước Hoa Anh đào xinh đẹp ấy. Công việc trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, cuộc sống xa nhà ở Nhật sẽ còn cô đơn và khắc nghiệt hơn ở TP HCM rất nhiều. Nhưng tôi không hề thấy sợ tất cả những điều đó!”

“Cho dù con đường trước mắt đấy có nhiều chông gai, nhưng đó là con đường tôi đã chọn. Tôi sẽ vẫn luôn cố gắng hết sức mình để làm tốt nhất công việc này. Bạn có ước mơ, bạn có quyết tâm, vậy cớ gì bạn không chắp cho mình đôi cánh để thực hiện ước mơ ấy?”, Huyền khẳng định quyết tâm và cho biết, sẽ sẵn sàng lên đường cho những chuyến đi onsite sắp tới.

Nguyễn Xuân Tùng chia sẻ những kinh nghiệm bản thân khi onsite ở Nhật:
- Cứ theo dõi người phía trước làm những gì và mình cứ thế học mà làm theo.
- Luôn cần một chiếc đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc đi tàu xe cho thuận lợi.
- Đi chợ mua đồ ăn thì tìm những hàng Hangaku (giảm nửa giá) mà mua để tiết kiệm chi tiêu.
- Có thể lên trang web của
Furimarket  để theo dõi những phiên chợ trao đổi, mua bán hàng cũ rẻ nhưng chất lượng Made in Japan hoàn toàn.
- Do không có nhiều thời gian cho việc chợ búa, đề phòng những hôm ở lại công ty đến muộn giờ về các cửa hàng đóng cửa và đỡ tốn thời gian đi lại thì mỗi lần có thời gian mua sắm nên sắm sửa đồ ăn, thức uống trong khoảng 1 tuần luôn.

Quỳnh Tâm

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ý kiến

()