Chúng ta

'Ở FPT, thu nhập không phải điều quan trọng nhất'

Thứ bảy, 19/3/2016 | 20:59 GMT+7

"Môi trường FPT đã cho tôi những trải nghiệm quý giá. Tiếp đó là những kiến thức, kỹ năng cùng các mối quan hệ", Chu Quang Huy, Phó Giám đốc Kinh doanh Ecom của FPT Retail, chia sẻ trong chương trình 72h trải nghiệm, tại ĐH FPT, diễn ra sáng nay, ngày 19/3.

2015 là một năm đáng nhớ với Huy và đơn vị khi FPT Retail hoàn thành vượt kế hoạch, bản thân cậu giành được cú đúp với hai danh hiệu danh giá: Trạng Nguyên FPT và Hoa hậu FPT. Đối với Huy, thành công này được đánh đổi bằng nhiều công sức, nỗ lực và hy sinh cá nhân.

Ngay sau khi được chọn tham gia chương trình Sinh viên thực tập tài năng, những ảo tưởng về vị trí trợ lý Phó TGĐ hào hoa nhanh chóng bị xóa bỏ. Huy được giao về FPT Retail và bắt tay vào làm những công việc không tên: thổi bóng bay chuẩn bị mở shop, MC...

Đến nay, cậu đã đặt chân 60/63 tỉnh thành trong cả nước.

Huy từng nhập viện vì căng thẳng khi tiếp nhận dự án mới. Hiện tại, Huy đang ưu tiên cho công việc, thời gian còn lại cho gia đình. Vấn đề tình cảm, cậu chưa nghĩ tới.

Kết thúc 3 tháng thử việc, Huy từng có ý định dừng lại khi đứng giữa lời mời gọi tham gia khởi nghiệp của người bạn, hoặc tiếp tục ở lại FPT với những công việc "không tưởng". Cuối cùng, quyết định ở lại đã giúp Huy có được vị trí xứng đáng. Hiện cậu là Phó Phó Giám đốc Kinh doanh Ecom của FPT Retail. Còn bạn cậu, cũng lọt trong top Under 30 của Forbes. Đến tận bây giờ, Huy vẫn thấy "đó là một quyết định sáng suốt của mình". 

"Nếu chỉ làm vì lương, thì giờ này chắc tôi đã không còn ở FPT. Nhưng lý do tôi ở lại chính vì FPT đã cho tôi cơ hội được trải nghiệm, được thu nạp kiến thức, có thêm nhiều mối quan hệ. Sau khi hoàn thành tốt những việc này, thu nhập và địa vị xã hội sẽ tự đến", Huy chia sẻ quan điểm của cậu ngay từ những ngày đầu vào FPT.

Đúng thời điểm FPT mở rộng hình ảnh của đơn vị, Huy được giao nhiệm vụ vừa phải thu hút khách hàng, vừa phải giúp cải thiện doanh số. "Hồi đấy chỉ nghĩ đơn giản cứ máu là xong nên nhận làm. Tôi thường xuyên thức đến 2-3h sáng để thiết kế tờ rơi, rồi đi phát tờ rơi, giảm thiểu chi phí thuê MC bằng cách tận dụng chính bản thân mình...", Huy nhớ lại. Chương trình của Huy sau đấy đã thu về hiệu ứng tốt và được FPT Retail mở rộng ra toàn quốc. Cậu được bổ nhiệm vị trí Phó cửa hàng bán lẻ. 

Cũng trong năm 2012, chấp nhận "đi tỉnh" đã trở thành một trong những "biến cố" trong lộ trình làm việc của Hoa hậu FPT. Nhờ những kết quả sau đó, Huy tiếp tục được thử thách với dự án Smart Retail và Ecomerce.

Đây đều là những mảng việc chàng trai trẻ không có kinh nghiệm từ trước. Bí quyết của cậu chỉ đơn giản là học và dành nhiều thời gian cho việc đó. "Tôi học từ mọi người, học mọi lúc mọi nơi. Học từng chữ một, đi tìm ý nghĩa của từng con số. Trong thời gian ngắn không thể học hết mọi thứ, tôi phải xác định vấn đề chính (key) để học chứ không học ôm đồm. Quan trọng hơn là phải tìm được hứng thú, sẵn sàng bỏ ra 14-16 tiếng/ ngày để thu nạp kiến thức", cậu nói. 

Khó khăn lớn nhất khi Huy triển khai dự án chính là nhiều phản ứng trái chiều từ CBNV trong đơn vị. Dự án mới không có người làm, không nhiều người biết... Huy từng vào viện vì quá căng thẳng.

Lợi thế của cậu là nắm rõ hệ thống của FPT Retail, đồng thời xây dựng được lực lượng hỗ trợ từ bên trong và bên ngoài công ty. Từ bàn đạp này, cậu đặt mục tiêu mảng Ecom của FPT Retail năm 2016 sẽ cán đích thách thức doanh thu 1.000 tỷ đồng.

DSC02608-JPG_1458378178.jpg

Các thành viên tham gia chương trình hào hứng đặt câu hỏi cho Hoa hậu FPT.

Theo Huy, với doanh nghiệp nào cũng vậy, nhân viên được đánh giá ở các yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Các yếu tố này tạo nên khả năng, nhưng để trở thành năng lực, cần phải kết hợp với thái độ làm việc. Đặc biệt với người mới, đây chính là yếu tố quan trọng nhất để thể hiện bản thân.

Trong hơn 2 tiếng, Trạng nguyên FPT đã bật mí câu chuyện thành công thất bại, kinh nghiệm đương đầu với những thách thức mới, cơ hội thăng tiến của người trẻ ở FPT và cách làm việc, ứng xử… trong môi trường nhà họ F. Các thành viên tham dự chương trình đã cùng đưa ra những câu hỏi cho diễn giả về công việc, cách vượt qua khó khăn cũng như những cách để xây dựng lực lượng.

Khép lại phần nói chuyện của mình, Huy cho rằng, tuổi trẻ cần phải nghĩ tới tương lai, sẵn sàng đón nhận thách thức, dấn thân vào mảng mới thì cơ hội tốt hơn. "Cuộc sống là một quá trình, và nên sống thật nhất với bản chất của mình, không mất thời gian để diễn. Mỗi vấn đề đều có chi phí cơ hội, làm sao để chi phí thấp nhất". 

Nguyễn Bá Huy, Công ty Viễn thông Quốc tế FPT, FPT Telecom, nhận xét: "Mỗi lần nghe các lãnh đạo hoặc anh chị trong FPT chia sẻ, tôi như có thêm nhiều bài học quý giá. Buổi nói chuyện hôm nay cũng không ngoại lệ. Anh Huy cũng xuất phát điểm là sinh viên thực tập tài năng, tôi rất tin tưởng vào tương lai phát triển của bản thân trong công ty".

"72h trải nghiệm” là chương trình đào tạo dưới dạng trò chơi lớn, teambuilding chủ đề "Đồng đội" do Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) tổ chức. Chương trình chính thức ra mắt năm 2015 với đối tượng chính là tân binh FPT. Sau thành công của 10 số ở khắp ba miền, phiên bản “72h trải nghiệm” năm 2016 mở rộng cho toàn thể thành viên FPT. Người tham gia chỉ cần là người FPT có hợp đồng chính thức và chưa từng tham dự các số trước đó.

Trong năm 2015, chương trình đã triển khai 10 số trên toàn quốc với tổng số thành viên tham gia lên đến gần 700. Trong các số, đã có 13 lãnh đạo FPT chia sẻ, truyền lửa về lịch sử, văn hóa và con người FPT. Chương trình nhận được những phản hồi tích cực từ các thành viên tham gia và đóng vai trò lớn trong việc gắn kết cá nhân các đơn vị tập đoàn với nhau.

Tô Ngà

Ý kiến

()