Chúng ta

Nữ tướng FPT Telecom là Chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Việt Nam

Thứ bảy, 3/11/2018 | 21:17 GMT+7

Chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, trở thành người đứng đầu Liên đoàn Trượt băng trong nhiệm kỳ 5 năm.

Hôm nay (ngày 3/11), Đại hội đại biểu thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam nhiệm kỳ I (2018 – 2023) đã diễn ra tại Hà Nội. Đến dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Thể dục thể thao; các Liên đoàn, Hiệp hội cùng thành viên các câu lạc bộ trượt băng.

f17fe14b82ce62903bdf-6706-1541254569.jpg

Đại diện Bộ Nội vụ chúc mừng chị Hà được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Việt Nam.

Kết quả, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam nhiệm kỳ I chính thức được thành lập với tổng số 19 Ủy viên; trong đó Chủ tịch FPT Telecom – chị Chu Thanh Hà được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Việt Nam nhiệm kỳ I (2018 – 2023); bà Trịnh Thị Trang, Phó Ban Quản lý dự án cải cách chế độ công vụ công chức Việt Nam – Bộ Nội vụ được bầu làm Tổng Thư ký Liên đoàn Trượt băng Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Chu Thanh Hà cho hay, ở Việt Nam, trượt băng nghệ thuật được công chúng biết đến từ lâu qua truyền hình và báo chí. Tuy nhiên, việc tiếp cận trực tiếp với môn thể thao này còn khá mới mẻ. Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn môn thể thao này trở thành niềm đam mê của mình. Đến nay, phong trào tập luyện và thi đấu bộ môn thể thao này đã phát triển mạnh mẽ trên phạm vị cả nước, ước khoảng 1.000 vận động viên tại các câu lạc bộ chuyên nghiệp đang theo đuổi bộ môn này.

Liên đoàn Trượt băng Việt Nam được gọi tắt là VSF, sau khi thành lập sẽ thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao trong công tác tập hợp, đoàn kết tổ chức, công dân Việt Nam nhằm phát triển phong trào tập luyện, thi đấu môn Trượt băng để rèn luyện thể chất, ý chí, phẩm chất đạo đức, nâng cao sức khỏe, phát triển tài năng Trượt băng thể thao, góp phần phát triển và nâng cao vị thế của môn Trượt băng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung trên đấu trường quốc tế...

Dai-hoi-Lien-doan-truot-bang-C-5565-8717

“Tôi không biết trượt băng và cũng không có thế mạnh gì. Tôi muốn góp sức thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam để mở ra sân chơi và cơ hội lớn cho con gái và thế hệ trẻ nước nhà”, chị Hà tiết lộ. 

Đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều vận động viên nhỏ tuổi nhưng đã giành được Huy chương trong các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, có rất nhiều giải đấu các vận động viên Việt Nam không được tham gia hoặc tham gia không chính thức do Việt Nam chưa là thành viên của Liên đoàn Trượt băng thế giới (Internaltion Skating Union - ISU).

Liên đoàn xác định nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó đáng chú ý như tham dự Á vận hội Mùa đông 2021; Thế vận hội mùa đông 2022; Các giải thuộc hệ thống của Liên đoàn trượt băng Thế Giới ISU từ năm 2021; Các giải trượt băng mở trong khu vực và Quốc tế từ năm 2019...

"Ở cương vị mới, chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất để thúc đẩy bộ môn thể thao trượt băng phát triển mạnh mẽ hơn nữa và gần gũi hơn nữa tới người hâm mộ Việt Nam”, Chủ tịch Chu Thanh Hà chia sẻ trong lễ nhậm chức.

Chủ tịch FPT Telecom bén duyên trượt băng qua con gái - Lê Diệu Hương, 11 tuổi. Mặc dù trượt băng nghệ thuật là một môn thể thao mới du nhập Việt Nam khoảng 5 năm nhưng Diệu Hương đã sớm bộc lộ năng khiếu ở bộ môn này.

Lê Diệu Hương đã 3 lần liên tiếp Vô địch nội dung Pre-Novice giải đấu trượt băng nghệ thuật Cup VinpearlLand Việt Nam 2015-2016-2017. Mới đây, hồi tháng 4, Diệu Hương cũng giành ngôi cao nhất ở giải Skate Asia 2018 tại Indonesia.

Những cú ngã và những cơn đau ê ẩm sau mỗi buổi tập không làm cô bé 11 tuổi nản lòng. Hầu như ngày nào Diệu Hương cũng đều tập luyện với HLV người Ukraine từ 3-4 giờ. Tiết lộ về ước mơ của mình, Diệu Hương muốn trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam giành ngôi vô địch thế giới.

Chị Chu Thanh Hà sinh năm 1974, có bằng cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân và bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - Đại học Hawaii (Mỹ). Gia nhập FPT từ năm 1995, chị gắn bó với FPT Telecom (tiền thân là Công ty Truyền thông FPT) kể từ khi ra đời đến nay và đã có nhiều đóng góp quan trọng để đơn vị này trở thành công ty viễn thông hàng đầu tại Việt Nam.

Tháng 3/2011, chị Chu Thị Thanh Hà được bổ nhiệm làm PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Telecom. Từ 4/2015, chị Hà thôi làm PTGĐ tập đoàn để chuyên tâm cho Viễn thông FPT. Trong vài năm gần đây, đơn vị đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ hiệu quả kinh doanh đến vận hành theo xu hướng doanh nghiệp chuyển đổi kỹ thuật số. Năm 2017, Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, trong đó có 20 nữ doanh nhân. Chủ tịch FPT Telecom là đại diện duy nhất của ngành Viễn thông.

>> Chị Chu Thanh Hà lọt Top 'nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam'

Tân Phong

Ý kiến

()