Chúng ta

Nữ Phó TGĐ FPT bỏ ước mơ du học làm nhân viên bán hàng

Chủ nhật, 8/2/2015 | 11:07 GMT+7

Quyết định gác lại giấc mơ ngồi trên giảng đường đại học tại trời Tây và ở lại công ty làm việc với mức lương bấp bênh đã giúp chị Chu Thanh Hà có được thành công ngoài mong đợi.

Trong phần Open Talk của chương trình 72 giờ trải nghiệm, Phó TGĐ FPT đã chia sẻ với tân binh về chủ đề "Làm thế nào để làm việc tốt tại FPT?". 

Bước chân vào công ty, chị Chu Thanh Hà khởi nghiệp bằng vị trí nhân viên bán hàng. FPT những năm 1993-1994 còn nhiều khó khăn và chủ yếu phát triển bằng việc buôn bán máy tính, các thiết bị điện tử, văn phòng... Công việc vất vả, bấp bênh và những thất vọng sau mỗi kỳ nhận lương từng khiến chị đặt câu hỏi "có tiếp tục gắn bó với FPT hay không?".

7-4869-1423299165.jpg

Phó TGĐ FPT Chu Thanh Hà nhận được khá nhiều câu hỏi thú vị trong chương trình chia sẻ với tân binh. 

Năm 1997, chị Hà xin được học bổng toàn phần từ Australia. Sau bao nỗ lực, giấc mơ đi học nước ngoài từ thuở nhỏ đã ngay trong tầm tay. Thế nhưng, chị đã nghe theo lời khuyên của chồng là anh Lê Thế Hùng (tức Hùng "Râu", nguyên Giám đốc FPT Software), gác lại giấc mơ để ở nhà tiếp tục công việc với đồng lương bèo bọt.

"Khi ấy tôi đã kết hôn và có con nhỏ. Quyết định từ bỏ việc đi học là một quyết định khó khăn đối với tôi. Tuy nhiên, dù đó là giấc mơ lớn nhất của tôi nhưng không phải là cơ hội tốt nhất", chị nói.

Theo chị Hà, học hỏi là quá trình kéo dài cả đời và có thể học bất cứ khi nào có điều kiện. Tùy theo từng lĩnh vực nhưng với vị trí nhân viên kinh doanh, chị cho rằng, trải nghiệm từ thực tế mới là lợi thế lớn nhất.

"Nếu đi học, chúng ta sẽ có thêm kiến thức. Nhưng kiến thức nhà trường đem lại chỉ là những kiến thức sách vở lý thuyết. Mặc dù giúp cải thiện trình độ ngoại ngữ đáng kể, song chỉ với tấm bằng và thiếu sự trải nghiệm, khi trở về, chúng ta vẫn phải xuất phát từ đầu", chị phân tích.

Cùng thời điểm chị Hà quyết định ở lại Việt Nam, FPT thành lập Trung tâm Dịch vụ trực tuyến (tiền thân của FPT Telecom bây giờ), chị Hà đã sang đó làm việc. Sau những khó khăn ban đầu, FPT xin thành công giấy phép triển khai dịch vụ Internet. "Công việc khi ấy đến ồ ạt, làm không xuể" đã đem lại "quả ngọt" cho sự nghiệp của chị. Hiện chị là Phó TGĐ của FPT và Chủ tịch FPT Telecom, FPT Retail.

Sau 9 năm vào FPT, chị mới quay lại thực hiện giấc mơ dang dở và sang Mhọc trong thời gian ngắn. "Học thế nào để hiệu quả và phải đảm bảo giữa công việc - gia đình", Phó TGĐ rút ra kết luận.

Với chị Hà, thành công được thể hiện trên ba phương diện: Công việc, cá nhân (tu thân) và gia đình. Ở FPT hiện nay chia làm nhiều loại công việc khác nhau, nhưng tựu chung ở 4 lĩnh vực cơ bản là Công nghệ, Kinh doanh, BO (văn phòng) và làm Lãnh đạo.

63-4319-1423299167.jpg

Tân binh dành nhiều quan tâm để hỏi về quá trình làm việc của chị Chu Thanh HÀ cũng như những khó khăn chị đã vượt qua.

Thông thường, khi vào công ty, nhân viên sẽ trải qua những chặng đường phát triển khác nhau, nhưng cũng có những mốc căn bản: năm đầu tiên, 3 năm, 5 năm, 10 năm và hơn thế nữa... Trong đó, năm đầu tiên được xem là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tân binh nhằm tìm kiếm môi trường làm việc phù hợp.

So với các cơ quan Nhà nước và nước ngoài, điểm nổi bật trong văn hóa và môi trường làm việc của FPT là đề cao sự sáng tạo và không giới hạn khả năng cá nhân. Tuy nhiên, chính sự năng động, sáng tạo đôi khi lại đẩy nhân viên mới rơi vào cảm giác "ngợp" khi phải tự mình mày mò, làm việc mà không có người cầm tay hướng dẫn.

"Ở FPT có rất nhiều người giỏi và sẵn sàng chia sẻ kiến thức. Học hỏi từ những người xung quanh là cách để giúp chúng ta tự tin giải quyết những vấn đề của mình. Vượt qua thử thách này, mỗi người còn có thể mở rộng khả năng của bản thân bằng việc giúp đỡ đồng nghiệp những vấn đề khó mà họ đang gặp phải", chị Hà nói.

Liên quan đến vấn đề cá nhân (tu thân), Phó TGĐ FPT khuyến khích tân binh học ngoại ngữ. Đồng thời, mỗi người nên dành 5 phút hằng ngày để kiểm điểm lại những việc đã làm được và liệt kê những việc sẽ làm sắp tới. "Các bạn hãy cố gắng lấp đầy thời gian của mình ngoài công việc bằng những môn thể thao để có sức khỏe tốt làm việc", chị nói thêm.

Trả lời câu hỏi: "Trong FPT chị thần tượng ai? Làm thế nào để cân bằng được cuộc sống cá nhân khi công việc bận rộn?"..., nữ tướng FPT hào hứng chia sẻ, mỗi người trong công ty đều có thứ để chị học hỏi. "Với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đó là niềm đam mê làm việc và truyền lửa; Phó Chủ tịch ĐH FPT Nguyễn Thành Nam là những ý tưởng sáng tạo bất ngờ; Nguyên TGĐ FPT Trương Đình Anh là ở sự quyết đoán...", chị Hà ví dụ.

Để cân bằng cuộc sống, Phó TGĐ FPT cho hay chị không có bất cứ bí quyết gì. Tuy nhiên, trong 20 năm kết hôn, những kế hoạch đặt ra với gia đình chị đều thực hiện đầy đủ với thái độ nghiêm túc.

Dương Thành Trung, FPT IS, chia sẻ, cậu rất ấn tượng với cách chia sẻ giản dị và gần gũi của chị Hà. "Mặc dù là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn, những gì chị chia sẻ là kinh nghiệm cần thiết, quý giá với tân binh. Những suy nghĩ, đắn đo của chị Hà trong 20 năm trước vừa thú vị, vừa có ích trong việc giúp tân binh định hướng con đường học tập và phát triển của cá nhân".

Chương trình 72 giờ trải nghiệm đã khép lại sau 3 ngày sinh hoạt tập thể tại Hòa Lạc, Hà Nội (từ ngày 5 đến 7/2). Số đầu tiên của chương trình đã có 92 tân binh đến từ 8 công ty thành viên tham gia. Trước phần Open Talk, tân binh đã được tham gia nhiều hoạt động bổ ích như: Big game, vượt qua thử thách, tìm hiểu về văn hóa và con người FPT qua chia sẻ của Phó TGĐ FPT Nguyễn Khắc Thành. Sau chưong trình, tân binh được trao chứng chỉ hoàn thành 72 giờ trải nghiệm.

72 giờ trải nghiệm là chương trình đào tạo tân binh mới được Ban Nhân sự FPT (FHR) thiết kế và triển khai từ năm 2015. Theo Phó TGĐ FPT Nguyễn Khắc Thành, mục đích chính của chương trình là tạo sự gắn kết giữa các CBNV và giữa CBNV với đơn vị.

Thanh Nga

Ý kiến

()