Chúng ta

Những gương mặt khách mời FLI 2011

Thứ tư, 11/1/2012 | 10:38 GMT+7

Năm qua, Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) đã có dịp gặp gỡ rất nhiều gương mặt chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, giáo dục, văn hóa, xã hội...

Nhân dịp cuối năm, hãy cùng Chungta.vn điểm lại một vài gương mặt khách mời tiêu biểu.

1. Giáo sư Hồ Ngọc Đại - nhà cải cách giáo dục Việt Nam

Buổi gặp gỡ với Giáo sư Hồ Ngọc Đại nằm trong chương trình FLI Club tháng 2/2011. Nhà cải cách giáo dục nổi tiếng với mô hình trường Thực nghiệm - từng gây rất nhiều tranh cãi trong ngành giáo dục - đã chia sẻ với FLI về quan điểm giáo dục của ông: Học để làm người bình thường.

Tại ngôi trường thực nghiệm Bưởi, Giáo sư chính là người thầy đã ươm mầm tài năng cho cậu học trò của mình - GS. Ngô Bảo Châu.

Tại ngôi trường thực nghiệm Bưởi, Giáo sư chính là người thầy đã ươm mầm tài năng cho cậu học trò của mình - GS. Ngô Bảo Châu. Ảnh: C.T.

Chia sẻ tại chương trình, ông cho rằng, con người càng lớn càng bị nhiều hệ thống lý lẽ uốn nắn, khiến họ phải phát triển theo hình mẫu nọ, tiêu chuẩn kia, mà không còn là chính mình. Quan điểm giáo dục mà ông áp dụng tại trường Thực nghiệm là cho đứa trẻ được phát triển một cách tự nhiên nhất theo đúng thế mạnh của mình.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại thẳng thắn: Không ai lo cho một người bằng chính người đó, nên cứ để họ tự làm theo cách tốt nhất và phù hợp nhất với họ. Những quan điểm giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã khiến người FPT tham dự chương trình phải trăn trở nhìn lại bản thân và phương pháp giáo dục con cái của mình.

2. Nhà báo Tạ Bích Loan - Giám đốc VTV6

Với chủ đề “Nơi bí quyết được nói ra”, nhà báo Tạ Bích Loan đã biến buổi sinh hoạt FLI Club thành một buổi chia sẻ về kỹ năng giao tiếp của một MC chuyên nghiệp. Từng gặp gỡ hàng nhìn nhân vật với đủ ngành nghề, nhóm tính cách, nữ nhà báo đã có những phương pháp “phá băng”, đào sâu tâm lý để khơi gợi câu chuyện rất khác nhau, để đạt được mục tiêu cuối cùng của chương trình “Người đương thời” - chia sẻ những bí quyết thành công của từng nhân vật.

s

Với vai trò người dẫn dắt, chị luôn khiến những người khác bộc lộ bản thân và tỏa sáng. Ảnh: C.T.

Mặc dù là khách mời nhưng nhà báo Tạ Bích Loan đã nhanh chóng giành vị trí chủ động hoàn toàn trong cả chương trình và không ngần ngại “hỏi xoáy đáp xoay” với những lãnh đạo FPT như Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc, Giám đốc Chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa… để giới thiệu các kỹ năng khai thác đối phương trong giao tiếp. Chương trình có độ tương tác cao và sức hấp dẫn của MC nổi tiếng khiến gần 200 người tham dự vô cùng thích thú.

3. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia

Diễn ra trong tháng 5/2011, thời điểm thị trường tài chính Việt Nam có nhiều biến động lớn, buổi giao lưu với tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa thu hút đông đảo người FPT tham dự, đặc biệt là "dân" tài chính. Lần lượt điểm qua thực trạng nền kinh tế Việt Nam qua từng lĩnh vực: tài chính ngân hàng; chứng khoán; bất động sản, tiến sĩ trả lời cặn kẽ từng thắc mắc của người tham dự và thuyết phục hoàn toàn bằng những biểu đồ phân tích thể hiện kiến thức uyên thâm của mình.

s

Thể hiện hầu hết các vấn đề bằng các đồ thị và công thức, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã giúp người nghe hình dung ra bức tranh kinh tế một cách tương đối dễ hiểu. Ảnh: C.T.

Cũng trong buổi chia sẻ, tiến sĩ đã phân tích xu hướng kinh doanh hiện đại trong bối cảnh thế giới phẳng. Theo ông, vùng lợi nhuận trước chỉ tập trung tại một số người, một số doanh nghiệp, nay đã được san phẳng, mở ra cơ hội cho nhiều người hơn. Ông cũng nhắc nhở FPT không được “ngủ quên trên đỉnh vinh quang”, phải thay đổi tư duy làm giàu trong bối cảnh hiện đại.

4. Đại úy Vũ Đăng Toàn - chỉ huy xe tăng 390 cùng chú Nguyễn Hữu Thái - Nguyên Tổng thư ký Hội Sinh viên Sài Gòn

Cuộc hội ngộ của hai nhân vật tại FLI Club tái hiện những câu chuyện lịch sử mà họ đã cùng trải qua tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: Đại úy Vũ Đăng Toàn là chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, mở đường cho đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản chính quyền Sài Gòn. Chú Nguyễn Hữu Thái đã cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến trường kỳ.

s

Không chỉ anh Bình, anh Ngọc mà toàn thể khán giả dự buổi giao lưu đều có chung cảm giác xúc động, tự hào khi nhắc lại những giờ phút lịch sử trong đại của dân tộc. Ảnh: C.T.

Những câu chuyện lịch sử qua con mắt của người trong cuộc, lại được FLI khai thác lần lượt từ hai góc nhìn khác nhau: Cùng là những thanh niên yêu nước, một người là bộ đội giải phóng, một người là thủ lĩnh phong trào sinh viên tranh đấu miền Nam, và cùng mang chung ước mơ thống nhất “Nam Bắc một nhà” đã gặp nhau trong thời khắc trọng đại và góp phần làm nên lịch sử. Buổi sinh hoạt xúc động đã khiến lớp thanh niên trẻ FPT hiểu và tự hào hơn về truyền thống.

5. Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên

Những câu chuyện về chặng đường lập nghiệp đầy khó khăn, gian khổ của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm nổi bật lên chủ đề mà FLI khai thác trong chương trình Leader Talk tháng 9: Tư tưởng đua tranh và sự thành công của thương hiệu Việt.

fptflianh3-233378-1412971303.jpg

"Không có tiền thì phải có đầu óc, không có đầu óc thì phải chịu đổ mồ hôi” là quan điểm mạnh mẽ trong kinh doanh của vị Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Ảnh: H.N.

Người FPT đã được chia sẻ những ý chí, khát vọng mà vị khách mời theo đuổi từ khi còn là đứa trẻ nghèo, tới lúc đã thành đạt, trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong nước. Anh còn truyền cho những người FPT nỗi trăn trở cá nhân về một “tâm thế Đại Việt” - ước mơ đưa Việt Nam đứng ngang tầm với những nước khác. Chữ “Dũng” của người doanh nhân - tinh thần liều lĩnh, dám xông vào khó khăn là điều mà tất cả người tham dự đều tâm đắc thu nhận từ chương trình.

6. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

Buổi gặp gỡ chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành diễn ra vào thời điểm cuối năm, khi bối cảnh nền tài chính thế giới đang hết sức ảm đạm. Qua những chia sẻ giá trị của chuyên gia, người FPT đã hình dung được bức tranh toàn cảnh về kinh tế thế giới cũng như những cơ hội lớn của Việt Nam trong thời điểm biến động này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá. Ảnh: Lâm Thao.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá. Ảnh: Lâm Thao.

Không chỉ hài lòng về những nội dung chuyên môn mà khách mời chia sẻ, người FPT còn dành sự ngưỡng mộ và yêu mến cho chuyên gia Bùi Kiến Thành khi nghe những tâm sự về tình yêu dành cho dân tộc, cho quê hương của ông. Từng là cố vấn cấp cao của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đã định cư ở nước ngoài nhưng ông luôn hết lòng hết sức đóng góp cho đất nước.

Ông đã rời bỏ gia đình, bè bạn ở nước ngoài để về nước làm cố vấn tài chính với tâm nguyện phát triển kinh tế Việt Nam. Tại chương trình, FLI đã dành tặng ông bốn chữ “Hoài Kinh Trứ Thế” (Mang trong lòng việc kinh bang tế thế, mong góp phần làm rạng rỡ non sông) để chúc ông đóng góp được nhiều hơn nữa cho quê hương bằng trí lực của mình.

7. Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn GNBC, Nguyên TGĐ PepsiCo Việt Nam

Là một trong những gương mặt lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nổi bật nhất thập kỷ qua, trong tháng 7, doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai đến với FLI để chia sẻ về một chủ đề đầy lý thú: CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Độ khó của chủ đề phần nào kén người nghe, nhưng tên tuổi của vị khách mời rất nổi tiếng đã thu hút đông đảo người tham dự và theo dõi qua truyền hình trực tiếp, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo ở cấp cao nhất.

s

TGĐ PepsiCo VN cũng khuyên FPT cần phải chia sẻ, truyền thông mạnh hơn về những đóng góp của mình cho cộng đồng để tạo tiếng vang tốt trong xã hội. Ảnh: C.T.

Từ bỏ vị trí TGĐ PepsiCo Việt Nam khi đang ở đỉnh cao, doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai quyết định lập ra công ty tư vấn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Qua chương trình, nhận định về hoạt động CSR của FPT, anh Trai phân tích: đóng góp lớn nhất của FPT cho xã hội chính là hoạt động kinh doanh hiệu quả, việc tạo ra hàng chục ngàn lao động tri thức cho đất nước, đó chính là những công tác CSR hiệu quả nhất của một doanh nghiệp. Anh cũng khuyên FPT cần phải chia sẻ, truyền thông mạnh hơn về những đóng góp của mình cho cộng đồng để tạo tiếng vang tốt trong xã hội.

8. Giáo sư Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống

Giáo sư Trần Văn Khê là khách mời duy nhất từ trước tới nay có tới hai buổi chia sẻ trong cùng một năm. Tháng 2/2011, Giáo sư chia sẻ với người FPT tại TP HCM, và nhân chuyến công tác Hà Nội trong tháng 10, Giáo sư lại tái ngộ FPT với buổi chia sẻ tại FPT Cầu Giấy.

GS Trần Văn Khê xuất hiện trong chương trình với bộ đồ màu đen giản dị. Ảnh: B.N.

GS Trần Văn Khê xuất hiện trong chương trình với bộ đồ màu đen giản dị. Ảnh: B.N.

Đến với FPT, ông đã khiến cho người FPT vừa mến mộ, vừa kính phục không chỉ bởi kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống mà còn vì tình yêu vô bờ bến của ông với dân tộc. Người FPT được lắng đọng trong những khúc hò, khúc ví, những làn điệu dân ca, lại được GS Khê phân tích rõ ngọn nguồn và ý nghĩa của âm nhạc dân tộc, để thêm yêu nguồn cội của mình. Cũng trong chương trình, giới trẻ FPT đã “đáp lễ” GS Khê với một vài tiết mục “cây nhà lá vườn” độc đáo như Chầu văn, Xẩm… và được ông đặc biệt khen ngợi.

9. Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng – Phó TGĐ Tập đoàn Viettel

Lần thứ hai chia sẻ tại FPT, chương trình gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng tại CLB Quản trị nguồn nhân lực diễn ra trong tháng 11 thu hút đông đảo người FPT tham dự. Từng có những chia sẻ vô cùng hấp dẫn về chiến lược phát triển Viettel trong năm 2009, tới với chương trình này, anh Hùng chia sẻ sâu hơn về chủ đề nhân sự cũng như quan điểm nhân sự của Viettel.

s

Đây là lần thứ 2 anh có mặt tại FLI với tư cách diễn giả. Ảnh: Internet.

Qua lối kể chuyện dí dỏm, hấp dẫn rồi đúc rút ra các bài học của khách mời, hầu như tất cả người FPT tham dự đều ghi nhận mình thu được rất nhiều điều qua chương trình. Chương trình cũng biến thành cuộc giao lưu về kinh nghiệm nhân sự giữa hai tập đoàn Viettel và FPT, khi các khách mời từ Viettel chẳng ngần ngại “phỏng vấn” Chủ tịch UBTCCB Bùi Quang Ngọc về các kinh nghiệm nhân sự của FPT.

10. Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

Với 12 năm ở cương vị lãnh đạo, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ đã có những chia sẻ với người FPT về Chữ Tâm và chữ Tầm của người lãnh đạo. Bằng những dẫn chứng thực tế từ chính công tác quản lý của mình như việc thúc đẩy xây dựng Luật Đất đai, các chương trình thanh tra, kiểm tra đất đai toàn quốc, áp dụng GPS trong đo đạc địa chính… Giáo sư Võ đã đưa ra những bài học, đúc rút về bản lĩnh của người lãnh đạo, về sự vận dụng cương - nhu trong nghệ thuật lãnh đạo, và nhận định về vai trò song hành của cả Tâm lẫn Tầm trong lãnh đạo.

Đây là lần đầu tiên GS. Đặng Hùng Võ đến nói chuyện với người FPT về chủ đề

Đây là lần đầu tiên GS. Đặng Hùng Võ đến nói chuyện với người FPT về chủ đề "Tâm và Tầm của người lãnh đạo". Ảnh: C.T.

Trong buổi chia sẻ cuối năm tại Hà Nội, Giáo sư cũng đưa ra nhiều nhận định có giá trị về thị trường bất động sản trong nước, cũng như một số lời khuyên cho người FPT khi có dự định đầu tư, mua bán đất đai trong giai đoạn này.

11. Doanh nhân Hồ Huy - Chủ tịch, TGĐ Tập đoàn Mai Linh

Vị khách cuối cùng của năm 2011 là Chủ tịch, TGĐ Mai Linh - ông Hồ Huy - một người lính cụ Hồ cả trên chiến trường và thương trường. Đến với người FPT, ông chủ của Mai Linh đã chia sẻ về chặng đường phát triển của doanh nghiệp Mai Linh - một doanh nghiệp rất đặc biệt với tinh thần lính, “ISO” lính xuyên suốt mọi hoạt động, cơ cấu tổ chức.

Chủ tịch Mai Linh Hồ Huy đã chia sẻ rất cởi mở và thân tình với người FPT. Ảnh: Huyên Phương.

Chủ tịch Mai Linh Hồ Huy đã chia sẻ rất cởi mở và thân tình với người FPT. Ảnh: Huyên Phương.

Qua chương trình, ông Hồ Huy khẳng định chất lính của doanh nghiệp mình, thể hiện qua tinh thần quả cảm, anh dũng, hết mình vì xã hội, vì cộng đồng của CBNV Mai Linh. “Ai từng khoác áo lính sẽ hiểu ý nghĩa quan trọng của cuộc sống. Người lính là phải biết hy sinh, có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng”.

Còn rất nhiều nhân vật đã tới với FLI trong năm 2011, đều là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình: TSKH Ngữ văn Đoàn Hương; nhà báo chống tiêu cực Trần Đình Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Đông và châu Phi Đỗ Đức Định; Chủ tịch Công ty Môi giới, XNK VietEuro Nguyễn Thanh Lâm…

Tin tưởng vào các nhà lãnh đạo, quản lý trẻ tại FPT, họ đều đã dành những chia sẻ tâm huyết nhất của mình cho chương trình, và đều nhắn nhủ với người FPT thông điệp tin tưởng về sự đóng góp của FPT cho sự phát triển chung của đất nước.

Bích Vân

Ý kiến

()