Chúng ta

Những ‘công dân toàn cầu’ mang họ F

Thứ hai, 19/9/2016 | 10:12 GMT+7

Làn sóng toàn cầu hóa không chỉ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho Tập đoàn FPT, mà còn là nơi để giấc mơ về tương lai mới của các gia đình họ F được ươm mầm, nảy nở. 

Cơ hội trở thành công dân toàn cầu đến với anh Nguyễn Bảo Huỳnh, FPT Software, khi onsite vào đúng thời điểm văn phòng FPT bên Los Angeles cần nhân viên để trao đổi và đảm bảo thông tin giữa đội làm việc ở nhà và khách hàng. Nhận thấy công việc khá thử thách, anh mạnh dạn đề xuất với Ban lãnh đạo, “tình nguyện” sang Mỹ làm việc lâu dài. Tháng 7 vừa qua, cả gia đình anh bước vào cuộc sống mới tại đây.

Ở môi trường công nghiệp, mọi thứ gọn trong 3 chữ “Nhanh không đứt!”. “Đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Tôi sang từ tháng 6, chuẩn bị các việc cơ bản như nhà cửa, xe cộ, giấy tờ, khi vợ, con có thể sớm bắt nhịp”, anh Huỳnh chia sẻ.

Quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ định cư và làm việc được xem là cơ hội để anh Huỳnh tự rèn luyện của a

Quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ định cư và làm việc được xem là cơ hội để anh Huỳnh tự rèn mình. Ảnh: NVCC.

Để đảm bảo công việc, anh phải lên kế hoạch cho từng ngày và tranh thủ khi có thời gian. Đầu tiên là làm SSN (Số an sinh xã hội) để nhận lương, thực hiện giao dịch... Việc xác minh thủ tục khá phức tạp bởi nhiều vấn đề như người trùng tên, tên họ đảo ngược… nếu không may có thể mất tới 2 tháng để hoàn thành. 

Đi tìm chỗ ở cũng phải triển khai nhanh chóng, sau khi “nhắm” trường học cho con. Lúc mới sang, anh Huỳnh bị mất tiền đặt cọc thuê nhà vì chưa có thẻ credit. Hạ tầng bên này được xây dựng từ thập niên 60 -70 đã cũ, nhưng giá lại cao, đặc biệt mùa cao điểm kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 nên công cuộc tìm nhà càng thêm vất vả. 

“Nhiều điều kiện ràng buộc, xe cộ không có, phải đi Uber để tìm mất nhiều thời gian. Xin học thì cần có hợp đồng nhà, hóa đơn điện… thủ tục giấy tờ khá rối rắm. Tại Mỹ, gia đình nào muốn xin học phải cho con tiêm chủng đủ theo các tiêu chuẩn”, anh chia sẻ.

May mắn được đồng nghiệp tại FPT USA và khách hàng chỉ lối, mọi việc rồi cũng ổn. Cuối tháng 8, hai con đã chính thức nhập học. Anh Huỳnh mới thi đỗ bằng lái xe, bước chân vào cuộc sống công nghiệp nơi đây. “Nhiều khi cũng thấy sự thay đổi quá lớn mà ở tuổi băm không biết còn làm được không. Nhưng rồi bỏ qua những lăn tăn, tôi quyết định lấy cơ hội này để rèn mình”, anh trải lòng.

Năm 2007, anh Nguyễn Tuấn Dương cùng vợ là đồng nghiệp bén duyên khi tham gia dự án của FPT Software tại Nhật Bản. Sau khi kết hôn, tháng 7/2014, cả gia đình anh đã chọn xứ sở mặt trời để an cư.

Cuộc sống ổn định, con trai lớn vào tiểu học, con gái nhỏ đi mẫu giáo. Hai anh em đều tự lập và có thể giúp bố mẹ nhiều việc nhà. Vợ anh đang làm cho một công ty của Nhật, có thể thu xếp thời gian để lo lắng cho con cái hằng ngày. Vào cuối tuần, anh có thể cùng cả nhà đi chơi, đi ăn uống, shopping hoặc chơi nhạc...

Gia đình anh Nguyễn Tuấn Dương đã có những trải nghiệm thú vị tại đất nước mặt trời mọc sau khi ổn định cuộc sống tại đây.

Gia đình anh Nguyễn Tuấn Dương đã có những trải nghiệm thú vị tại đất nước mặt trời mọc sau khi ổn định cuộc sống tại đây. ẢnhNVCC.

Để có được “quả ngọt”, hai vợ chồng đã trải qua tháng ngày đầy vất vả. Ba tháng sau khi anh trở lại FPT Japan, vợ chồng con cái mới được đoàn tụ. Và cũng mất ngần ấy thời gian để các thành viên thích nghi môi trường mới.

“Lúc mới sang, các cháu còn nhỏ và chưa biết tiếng. Khoảng 2-3 tuần đầu, khó khăn lớn nhất là giao tiếp với mọi người. Nhưng bất ngờ là bọn trẻ học tiếng Nhật và làm quen với môi trường mới rất nhanh. Giờ thì tiếng Nhật đã có thể giao tiếp rất trôi chảy với cô giáo và các bạn. Gần đây, vợ chồng tôi đang lo làm sao để các con không quên tiếng Việt”, anh Dương chia sẻ.

Hiện là Delivery Lead của PTS (Platform Transformation Solution Group), một trong những dịch vụ mới mà FPT Software triển khai tại Nhật từ năm nay, công việc của anh khá căng thẳng. Vừa hỗ trợ presales, vừa chịu trách nhiệm delivery, nên hằng ngày anh thường về nhà khá trễ.

Giữa nơi đất khách, vợ chồng anh nhận được hỗ trợ lớn từ công ty trong việc thu xếp chỗ ở thời gian đầu cũng như hướng dẫn thủ tục cần thiết để đưa các con sang. FPT Japan cũng thường xuyên có hoạt động tập thể cho CBNV và người thân như cùng đón Tết âm lịch, tổ chức Tết thiếu nhi, nghỉ mát…

Xác định lập nghiệp tại mảnh đất này, vợ chồng anh nỗ lực làm việc để củng cố thêm thu nhập, cũng như có được sự vững chắc và ổn định trong tổ chức. “Tôi cố gắng mang lại cho gia đình cuộc sống theo đúng như tầm nhìn của công ty là đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”, Delivery Lead của PTS mong mỏi. 

Quyết định đầu quân sang Myanmar thực hiện mục tiêu xây dựng miền đất hứa thứ hai cho công ty của Lê Xuân Thủy, FPT Trading, vào năm 2013 đã đem đến cho anh và gia đình nhiều trải nghiệm chưa bao giờ có trong đời.

Ngay khi thị trường trong nước có dấu hiệu bão hoà, để tiếp tục đà tăng trưởng, FPT Trading cần những hướng đi mới, trong đó có hướng toàn cầu hoá. “Lãnh đạo trực tiếp động viên, cá nhân tôi cũng thấy nên tham gia vì trách nhiệm, và vì bản thân muốn bổ sung năng lực toàn cầu hoá. Tôi nhận lời”, anh Thủy nhớ lại. 

Myanmar đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình anh Lê Xuân Thủy. Ảnh: NVCC.

Myanmar đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình anh Lê Xuân Thủy. Ảnh: NVCC.

Đúng vào thời điểm ấy, con trai thứ hai của anh mới được 4 tháng tuổi. Đi xa lúc này, vợ con anh sẽ vất vả và thiệt thòi. Bạn bè, đồng nghiệp nhiều người khuyên can không nên đi vì con đường mới nhiều gian nan, thử thách. Tuy nhiên, được sự hậu thuẫn của gia đình, đặc biệt là vợ và mẹ, mọi người tích cực tìm giải pháp hỗ trợ, ổn định hậu phương, anh vững tâm khăn gói lên đường. 

Theo kế hoạch, anh Thủy đi sứ 2 năm. Sau khi hết nhiệm kỳ, FPT cần anh ở lại với vị trí Giám đốc điều hành để củng cố lực lượng. Đồng thời, hỗ trợ anh đưa cả gia đình sang đây cư trú. 

Ngoài sự giúp đỡ của công ty, cách để anh thích nghi với cuộc sống mới là xây dựng mối quan hệ vừa công việc, vừa bạn bè. Tại Yangon có nhiều người Việt sinh sống, anh tham khảo từ họ kinh nghiệm chọn trường, thuê nhà. Văn hóa Myanmar cơ bản không có nhiều khác biệt, cuộc sống xa quê vì thế cũng bớt đi vất vả. 

“Hai đứa nhỏ sang đi học luôn và thích nghi môi trường mới chỉ trong một tháng đầu. Vợ thì mất thời gian lâu hơn do thay đổi thói quen sinh hoạt, bạn bè xung quanh, môi trường và ngôn ngữ”, anh chia sẻ. 

Quá trình xây dựng cơ sở của FPT tại Myanmar ghi nhận nhiều đóng góp của anh cùng đồng đội. Đặc biệt, thời gian đầu mới sang rất nhiều khó khăn vất vả. Hai tuần trong đợt nghỉ lễ té nước của Myanmar, mọi nơi đều đóng cửa, không Internet, điện mất liên tục, chẳng có người địa phương hỗ trợ. Anh và Hưng “Tám” (Nguyễn Văn Hưng, FPT Trading) tự thân lọ mọ khắp Yangon để khám phá mảnh đất chùa Vàng. 

Đến nay, mọi thứ đi vào quỹ đạo, anh Thủy dồn sức cho công việc phát triển mảng thương mại của đơn vị. Những lúc rảnh rỗi, anh có thể đưa cả nhà đi chơi, hoặc chơi những môn thể thao yêu thích.

FPT chính thức toàn cầu hóa vào năm 1999, với sự dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm. Sau 17 năm toàn cầu hóa, FPT hiện có mặt tại 21 quốc gia và 2 văn phòng mở tại Hàn Quốc và Trung Quốc với hơn 27.000 CBNV, trong đó có 1.134 CBNV người nước ngoài. Đến năm 2020, tập đoàn kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 30%.

Tô Ngà

Ý kiến

()