Chúng ta

‘Nhờ làm giảng viên nội bộ mà có ‘visa’ về khuya’

Chủ nhật, 20/11/2016 | 15:49 GMT+7

Được vinh danh là “Giảng viên nhiều giờ dạy nhất năm 2015-2016” của FPT Telecom, anh Lê Trung luôn mong muốn "chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mình đã khổ công có được, muốn các bạn sau này có khởi điểm tốt chứ không phải vất vả mất thời gian không đáng”.

Lê Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển hạ tầng (INF), FPT Telecom, tự trở thành giảng viên nội bộ khi chuyển từ Trung tâm Điều hành mạng (NOC) về phòng Kỹ thuật Hệ thống cách đây hai năm. “Khi ấy, tôi có kế hoạch cập nhật kiến thức cho các nhân sự cũ và kết hợp đào tạo nhân sự mới. Các lớp diễn ra liên tục trong hơn 3 tháng, ngày nào cũng đến 20-21h anh em mới ra về”, Trung kể và tiết lộ chuyên đề đầu tiên anh làm thầy là "Các kiến thức cơ bản về Internet, Network và thiết kế, vận hành mạng Metro FPT Telecom".

DSC-7442-1476781744-660x0-1943-147962670

Chỉ sau 6 năm gia nhập FPT, từ một sinh viên mới ra trường trong vị trí kỹ sư mạng, Lê Trung từng bước khẳng định tầm ảnh hưởng trong đơn vị với nhiều thành tích nổi trội và mới nhất là được chính thức bổ nhiệm làm PGĐ Trung tâm Phát triển Hạ tầng FPT Telecom.

Ảnh anh Trung (trái) trò chuyện với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong lễ vinh danh chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn năm 2016.

Gia đình có truyền thống dạy học (Bố dạy Toán và mẹ dạy Hoá cấp 3 (cộng thêm kiến thức, kinh nghiệm có sẵn nên việc chuẩn bị bài giảng với anh Trung khá đơn giản. Trung cho hay, với anh, việc đào tạo không khó.

“Tôi cũng thích việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mình đã khổ công có được, muốn các bạn sau này có khởi điểm tốt chứ không phải vất vả mất thời gian không đáng”, Trung tâm sự. “Qua đào tạo, tôi biết các bạn INF, PNC, INDO yếu những điểm nào khiến kết quả làm việc không đạt hiệu quả cao. Thành quả của đào tạo là cải thiện chất lượng công việc khiến tôi rất hào hứng”.

Làm giảng viên nội bộ, Trung phát hiện ra những "tác dụng phụ tuyệt hảo": Giúp ôn lại kiến thức, nhớ dai hơn từng chi tiết thiết kế, các tham số, nắm rõ quy trình hoạt động của hệ thống. Đặc biệt, về quản trị nhân sự và các mối quan hệ liên phòng ban, PGĐ INF có cảm giác được mọi người yêu mến hơn, hỗ trợ nhiệt tình hơn. “Nhân viên cấp dưới không chỉ nể ở góc độ người quản lý mà còn tôn trọng tôi như một người thầy”, Trung nói về khám phá mới.

Trung bảo, nhớ nhất khi làm giảng viên nội bộ là… chuyện về muộn. Liên tục hơn 3 tháng đào tạo nội bộ toàn đến 20-21h, rồi gần đây các lớp dành cho trưởng INF chi nhánh, nhiều khi đến 23h mới xong. “Lúc này vợ tôi đang mang bầu nên cũng cằn nhằn, nghi ngờ. Nhưng từ khi đăng ảnh vinh danh của FTC kèm lời viết "Giảng viên nhiều giờ dạy nhất năm 2015-2016" lên mạng xã hội, tôi đã đủ ‘căn cứ chứng minh’ lý do về trễ và đây sẽ là ‘visa’ để đi chơi về trễ thường xuyên”, PGĐ INF nói vui.

Với Đoàn Thị Hương, ứng tuyển vị trí Quản lý đào tạo, công việc quen thuộc, nhưng lại được quản lý của Dong Phuong Group, nơi làm cũ, thuyết phục vào vị trí giảng viên nội bộ. “Lúc đó tôi không tự tin nên đã từ chối. Sau một đêm thuyết phục của người phụ trách tuyển dụng, tôi đồng ý thử. Chỉ trong một buổi, tôi được nhận ngay lập tức”, chị nhớ lại ngày đầu bén duyên làm giảng viên nội bộ.

Gia nhập FPT Telecom phụ trách các môn liên quan kỹ năng mềm của Trung tâm Đào tạo (FTC), từ cuối tháng 6 đến 31/10, Hương đã dạy 391 buổi.

Như những giảng viên nội bộ khác, chị cũng không có giáo trình hay bài giảng sẵn. Việc biên soạn phải dựa theo những đơn đặt hàng từ các đơn vị liên quan và yêu cầu cụ thể từ cán bộ quản lý. “Sau khi nhận được ‘đề bài’, tôi sẽ tìm hiểu đối tượng, đặt thù công việc, mô tả công việc, tính cách sơ bộ của đối tượng… để lên chương trình đào tạo phù hợp”, Hương trải lòng.

Khi gia nhập nhà Cáo được 20 ngày, sếp trực tiếp chỉ định chị phụ trách đào tạo lớp tân binh khối Văn phòng với 95 học viên từ rất nhiều bộ phận. Chưa nắm bắt được sơ đồ tổ chức và các vấn đề liên quan, chị khá hoang mang. Được đồng nghiệp FTC trấn an, động viên, khích lệ, chỉ trong hai ngày cuối tuần, chị đã soạn xong giáo án. Sáng thứ Hai gặp, sếp hỏi: “Ổn rồi phải không?”. “Câu hỏi đơn giản nhưng tạo động lực rất lớn. Buổi học diễn ra với nhiều tiếng cười, hòa chung với thảo luận, trao đổi. Lớp học kết thúc với rất nhiều nhận xét hài lòng và dễ hiểu...”, Hương nhớ lại.

HCM-20-20Khung-20anh-2015-20x-4371-3151-

Ảnh chị Đoàn Hương được vinh danh trong dịp Trainer's Day - Lễ dành cho các giảng viên nội bộ nhà F. Đoàn Hương tâm niệm: "Kiến thức chúng ta có thì hãy cho đi để chúng ta nhận lại được nhiều hơn”.

Theo giảng viên FTC, với một người đứng lớp, kỹ năng kiến thức chỉ mang tính chất lý thuyết. Vấn đề là làm sao truyền tải đến học viên những câu chuyện, những tình huống liên quan đến thực tế công việc của họ. “Trong lúc đào tạo, học viên thường chia sẻ kiến thức thực tế, vì vậy tôi luôn luôn làm mới kiến thức của mình qua mỗi lớp học”.

Trở thành giảng viên nội bộ nhà Cáo là một cơ duyên lớn đối với anh Lê Trung Tín, Truyền hình FPT. Do công tác tại phòng Kinh doanh Phát triển Dịch vụ Truyền hình, anh Tín phải thường xuyên đi onsite tại các chi nhánh để cập nhật cũng như giải đáp thắc mắc cho các nhân viên kinh doanh về chất lượng dịch vụ. Ban đầu chỉ thực hiện ở các nhóm nhỏ, dần dần nhu cầu ngày càng gia tăng, phải tổ chức cả lớp học mới phục vụ xuể. Và Tín nghiễm nhiên trở thành thầy.

Anh kể, trước khi vào FPT Telecom, anh cũng đã quen với việc nói chuyện trước đám đông, nhưng khi trở thành thầy của các salesman “cứng” nhà Cáo, nhiều câu hỏi khiến anh rất khó trả lời để thỏa mãn hết.

Buổi đứng lớp đầu tiên của Tín là đào tạo các tân binh kinh doanh. Chuẩn bị chi tiết từ slide, tập giọng và “phong thái” trước gương sao cho rõ ràng mạch lạc để nói cho các bạn dễ hiểu nhất. “Lần đầu tiên khá suôn sẻ giúp tôi tự tin hơn”, giảng viên nội bộ Truyền hình FPT nói.

Vừa làm vừa tham gia giảng dạy, Tín đã rong ruổi qua rất nhiều chi nhánh và trở thành thầy của đông đảo đồng nghiệp trẻ. Lần đi dạy tại 7 chi nhánh miền Tây khiến anh nhớ nhất. “Mỗi ngày phải dạy ở một tỉnh. Mùa mưa nên việc bắt xe từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng rất khó khăn. Rồi còn phải điều phối rất nhiều công đoạn liên quan đến lớp học nữa”, anh ví chuyến công tác này khiến anh có cảm giác giống như đang tham gia một bộ phim hành động vậy.

tin-thfpt-4620-1479626709.jpg

Anh Lê Trung Tín (phải), Truyền hình FPT.

“Tôi cũng có thêm những trải nghiệm mới về cuộc sống và công việc. Đào tạo cũng giúp tôi cải thiện kỹ năng diễn thuyết và điềm tĩnh trước những câu hỏi hóc búa và tình huống căng thẳng”.

Dù thích việc dạy học nhưng PGĐ INF Lê Trung không có đủ thời gian để đào tạo liên tục. “Tôi cho rằng đào tạo phải rộng khắp, đặc biệt là nhân viên ở chi nhánh và người làm các công việc trực tiếp) và phải liên tục, thường xuyên. Tôi đề xuất áp dụng công nghệ vào đào tạo như livestreaming, cầu truyền hình tương tác, video làm tư liệu; sắp xếp tổ chức thông tin chung (knowledge base) bằng slide, video... có cấu trúc theo chủ đề/công việc/môn học để ai cũng có thể tra cứu dữ liệu từ mọi nơi, mọi lúc”, anh Trung kiến nghị.

Cạnh đó, anh còn đề xuất tạo một kênh trên FPT Play/Truyền hình FPT dành cho tin tức và chiếu video giảng dạy hằng ngày tại các văn phòng.

Tri ân các giảng viên nội bộ dịp 20/11, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà bày tỏ sự tự hào vì trong thời gian qua, Ban lãnh đạo các cấp và các chuyên gia đã rất nhiệt tình tham gia vào công tác giảng dạy nội bộ của FPT Telecom. “Hơn 300 giảng viên nội bộ đã thực hiện được tổng cộng 14.801 giờ giảng dạy chỉ riêng 2 năm 2015-2016, đây là con số ấn tượng và rất đáng trân trọng”, chị Hà nói. “Chúng ta đã và đang tiếp nối truyền thống chia sẻ, gieo mầm tri thức cho thế hệ sau”.

Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh, nguồn nhân lực của đơn vị phải liên tục được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, như vậy FPT Telecom mới có thể tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, chinh phục những công nghệ mới và phát triển bền vững.

“Tôi luôn mong mỏi hai điều để FPT Telecom thực sự là một tổ chức học hỏi, góp phần giúp công ty trưởng mạnh mẽ. Thứ nhất, mỗi người FPT Telecom luôn có ý thức trau đồi kiến thức, kỹ năng hằng ngày và mỗi lãnh đạo, quản lý luôn lấy việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình là trách nhiệm và niềm tự hào trong công việc”.

>> Đừng chỉ tôn vinh

Nguyên Văn

Ý kiến

()