Chúng ta

'Nhịp cầu' nối những thành công

Thứ hai, 30/4/2012 | 08:00 GMT+7

"Comtor (viết tắt của từ Communicator - người truyền đạt) giống như chiếc cầu nối giữa khách hàng và FPT.

Họ không chỉ làm cho khách hàng hài lòng mà còn phải làm thỏa mãn cả đồng nghiệp, vì thế chẳng khác gì những người làm dâu trăm họ", Lương Hoàng, FPT Software Đà Nẵng, tâm sự về công việc của mình.

a

Các Comtor thường được ví von như là nhịp cầu nối những thành công, giúp cho công ty và khách hàng hiểu nhau hơn. Ảnh: S.T

Tốt nghiệp Đại học Cơ khí ô tô Yomiuri ở Nhật Bản, sau khi về nước, được bạn bè, người thân giới thiệu, Hoàng bắt đầu thi tuyển và gia nhập FPT Software Đà Nẵng từ tháng 10/2010.

Vì có sở thích “nói cả ngày không biết chán” nên Hoàng thấy công việc Comtor của FPT Software quả là phù hợp với anh.

Theo Hoàng, do tính chất công việc nên ở FPT Software Đà Nẵng, Comtor thường chia thành hai nhóm, gồm dịch viết và dịch nói.

Với Comtor dịch viết, công việc hằng ngày là phải xử lý khối lượng tài liệu khổng lồ từ phía khách hàng, dịch thư, dịch Q&A và tất cả các loại tài liệu của đội dự án,

Riêng Comtor dịch nói thường sẽ dịch trực tiếp các buổi meeting với khách hàng, từ việc chào hỏi những khách hàng mới, order dự án cho FPT đến khách hàng sang công tác dài hạn.

Hoàng nói vui: “Một ngày làm việc của Comtor trôi qua êm đềm và bằng phẳng nhưng lắm khi cũng chông gai và đầy sóng gió”.

Khó khăn thường gặp nhất của các Comtor là ngôn ngữ chuyên ngành IT. Đa phần họ đều có xuất thân từ dân ngoại ngữ, biết rất ít về kỹ thuật nên việc dịch làm sao để truyền tải được cho đồng nghiệp thông tin chính xác nhất bằng những từ ngữ chuyên ngành thì quả là không hề dễ. Rất nhiều Comtor sau khi bước vào nghề phải tự học và nâng cao kiến thức về IT cho mình mới có thể hoàn thành công việc.

Những ngày đầu gia nhập FPT Software, Hoàng từng rất sốc và choáng ngợp với những ngôn ngữ lập trình ở môi trường làm việc. Dần dần, anh bắt đầu lấy lại bình tĩnh để làm việc bằng cách luôn lẽo đẽo theo các anh chị đồng nghiệp xin được tham gia đào tạo dịch nói, dịch viết… Một mặt là muốn được trau dồi thêm khả năng tiếng Nhật, mặt khác là muốn tìm hiểu thêm về kỹ thuật cũng như ngôn ngữ của FPT Software.

a

Trương Thị Hoài Dương là một Comtor lão làng của FPT Software Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.

“Hiện, để đáp ứng công việc mình vẫn vừa dịch vừa học hỏi thêm từ khách hàng, anh em, bạn bè và đồng nghiệp. Mình nghĩ đó là cách hay nhất để làm quen với công việc này”, Hoàng nói.

Ngoài kiến thức về IT thì “Deadline” cũng là vấn đề với các Comtor. Anh Nguyễn Tiến Việt, Trưởng phòng JCA, FSU17, FPT Software, chia sẻ, chất lượng dịch (nói và viết) của các comtor có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ của các Comtor có kinh nghiệm và thậm chí cả các bộ phận khác.

“Nếu chất lượng dịch của comtor chưa tốt sẽ khiến trưởng nhóm bị quá tải, không kiểm tra được hết dẫn đến việc giao cho khách hàng hoặc đội dự án những tài liệu chưa đảm bảo hoặc không đúng thời gian và ngược lại. Vì thế, khi các comtor dịch tốt và kịp tiến độ thì các khâu hoặc bộ phận khác trong dự án mới có thể bắt đầu và hoàn thành tốt công việc của mình”, anh phân tích.

Ngoài việc dịch được chính xác thông tin, các Comtor còn phải biết cách làm sao để xoa dịu được tình hình trong những lúc dự án cẳng thẳng.

Mỗi nghề đều có những thú vị riêng. Với Hoàng, nghề Comtor thú vị ở chỗ, luôn phải tiếp xúc với nhiều khách hàng nên khiến cho các Comtor thường dạn dĩ, trưởng thành hơn và quan trọng nhất là nâng cao được khả năng giao tiếp cũng như xử lý tình huống trong cuộc sống.

Công việc này cũng mang đến cho Hoàng nhiều kỷ niệm. Vốn thường xuyên tiếp khách hàng nên từ ngày vào FPT Software đến giờ, khả năng uống bia của Hoàng ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với trọng lượng của cơ thể. Nhiều lúc đi tiếp khách, phải thể hiện được tinh thần FPT, phải thi uống bia bằng bát nên mọi người đặt luôn cho anh biệt danh là Hoàng “Tô”.

Vì công việc có khá nhiều áp lực và căng thẳng nên Hoàng tự giải tỏa stress cho mình bằng cách đá bóng hoặc vận động thật mạnh. Đôi khi, anh cũng dành thời gian để đi hát hò, nhảy nhót với bạn bè để lấy lại cân bằng và khí thế làm việc.

Gắn bó với công việc Comtor từ năm 2007 đến nay nên có thể coi chị Trương Thị Hoài Dương (JCA, FPT Software Đà Nẵng) là một trong những “lão làng” của FPT Software.

Một ngày của chị Dương thường gắn liền với cụm từ “dịch, dịch và dịch”. Giống như Hoàng, thông thường chị Dương phải dịch rất nhiều loại tài liệu và mail trao đổi qua lại giữa khách hàng và FPT. Ngoài ra, thi thoảng chị còn phải trở thành một “Customer care” (chăm sóc khách hàng) chính hiệu thông qua việc đi ăn nhậu, giao tiếp với khách hàng nhằm tạo ra mối quan hệ hữu hảo giữa công ty và đối tác.

Chị cho rằng, Comtor là một nghề đặc biệt không giống với bất cứ nghề nào ở FPT Software. Đây được coi như là cầu nối ngôn ngữ giữa đội dự án và khách hàng.

“Vì là cầu nối ngôn ngữ nên Comtor là người thấu hiểu nhất “tâm tư tình cảm” của cả hai phía và chuyển tải ngôn ngữ khéo léo để vừa lòng cả hai bên. Theo mình, đó là một điểm rất thú vị”, chị Dương chia sẻ.

Ngoài những khó khăn về kiến thức kỹ thuật, thời gian gấp gáp… thì chị Dương cho rằng việc đi làm về muộn cũng là một trở ngại, nhất là với những chị em đã có gia đình.

Thông thường, với một Comtor mới, sau khoảng nửa năm được đồng nghiệp kèm cặp thì đã có thể tự đảm nhận những dự án quy mô nhỏ. Tuy nhiên, vì ngôn ngữ là vô hạn nên các Comtor thường xuyên phải học tập và trau dồi thêm vốn kiến thức của mình.

Hiện, chị Dương cũng được giao trọng trách đào tạo, hướng dẫn cho các Comtor mới vào nghề để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của công việc.

Vốn là dân IT “xịn”, lại biết thêm tiếng Nhật nhưng lại không muốn suốt ngày làm lập trình nên ngay sau khi ra trường, chị Lê Thị Ngọc Anh đã quyết định trở thành Comtor của (JCA, FPT Software Đà Nẵng) để vẫn có thể sử dụng cả kiến thức IT và vốn tiếng Nhật của mình.

Vì thế nên so với các Comtor khác, chị không gặp quá nhiều khó khăn về kỹ thuật. Sau khoảng hai tháng “cày” triền miên thì chị đã có thể dịch viết tốt khi lần đầu tiên tham gia dự án. Riêng dịch nói thì phải mất thời gian hơn nên cứ lúc nào rảnh là chị lại tự nghe các băng, đĩa tiếng Nhật để tăng cường khả năng nghe nói của mình.

Tuy làm quen với công việc chưa lâu nhưng chị được mọi người đánh giá là dịch đáp ứng được “tốc độ yêu cầu” và đảm bảo chất lượng. Đó là điều khiến chị thấy vui và có thêm tâm huyết với nghề.

a

Dù mới "vào nghề" nhưng Lê Mai Ly đã nhận được những nhận xét tốt của khách hàng. Ảnh: NVCC.

Sinh năm 1989, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật thương mại của Đại học Ngoại Thương, Lê Mai Ly gia nhập FPT Software ngay (FSE.JCD, FPT Software) nên có thể coi cô là Comtor mới tinh.

Trong gần nửa năm làm việc tại vị trí này, điều thú vị nhất với Ly có lẽ là được mở rộng mối quan hệ cũng như kiến thức của mình. “Vì Comtor không làm cố định tại một chỗ, mà đi theo các dự án nên có thể quen biết được nhiều người thú vị, cùng với đó là được mở rộng vốn hiểu biết của mình”, Ly lý giải.

Theo Ly, với nghề Comtor, khó khăn lớn nhất gặp phải là khi dịch một tài liệu mới mà không có bất cứ tài liệu nào khác để tham khảo. Những lúc đó, cô thường xuyên hỏi các anh chị đi trước kết hợp với việc lên mạng tìm kiếm.

“Mỗi một từ tìm được thì phải tra xem trong tiếng Nhật thì người ta dùng như thế nào, khá mất thời gian và công sức. Nhưng bù lại, mình được biết thêm rất nhiều từ mới và cách dùng hay”, cô chia sẻ.

Mỗi khi có kiến thức hay thuật ngữ nào về kỹ thuật chưa rõ, cô lại “truy hỏi” các anh chị đồng nghiệp cũng như những người xung quanh. Ngoài ra, cô vẫn thường xuyên lướt web để tìm hiểu thông tin về dự án mình đang hỗ trợ.

Vì mới vào nghề nên Ly không tránh khỏi những sai sót. Còn nhớ, lần đầu tiên cô tham gia dịch biên bản họp, Comtor chính đã bôi đỏ cả trang tài liệu Ly dịch khiến cô buồn mất mấy ngày. Rồi có lần, dịch xong hết cả tập tài liệu nhưng do sơ suất trong quá trình thao tác khiến cho cả phần dịch biến đâu mất khiến cô lo sợ cuống cuồng vì phải ngồi dịch lại từ đầu cho kịp tiến độ.

Do công việc khá nhiều áp lực nên cuối tuần, Ly thường dành thời gian tụ tập với bạn bè để xả stress, đồng thời tham gia vào CLB tiếng Anh của FPT Software để vừa có thời gian sinh hoạt vui vẻ vừa nâng cao được khả năng ngoại ngữ.

Bình Nguyên

 

Comtor là cách gọi, viết tắt của Communicator.

Các công việc thường thấy nhất của Comtor là dịch tài liệu, mail trao đổi với khách hàng, dịch nói các buổi meeting, là cầu nối không chỉ về thông tin mà còn cả văn hóa giữa đội dự án và khách hàng.

Hiện, FPT Software có khoảng 160 Comtor làm việc tại các bộ phận có khách hàng Nhật, Anh, Pháp...

Ý kiến

()