Chúng ta

Nhân viên kho hàng FPT IS 8 năm giành sự sống cho vợ

Thứ năm, 8/3/2018 | 16:07 GMT+7

“Tưởng chừng như cơn bạo bệnh của người vợ đã cướp đi nụ cười của anh. Giờ đây, được thấy nụ cười hiền hậu ấy, tuy trên gương mặt đã hằn nhiều nét khắc khổ, tôi cảm thấy thật ấm lòng” - lời chia sẻ của đồng nghiệp về anh Lê Xuân Kỳ (nhân viên tổng kho FPT IS).

Năm 2010, anh Kỳ nhận được tin vợ ở quê nhà Thanh Hóa mắc căn bệnh lạ. Bệnh viện tuyến tỉnh không thể tìm ra nguyên nhân. Sức khỏe vợ ngày càng suy yếu, anh về quê đón vợ ra Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm. Nghe chuẩn đoán bệnh của bác sĩ, anh Kỳ như chết lặng. Vợ anh mắc chứng bệnh nhược cơ vô cùng hiếm gặp tại Việt Nam. Tuyến giáp của chị tự nhiên sinh ra một chất độc khiến các cơ suy giảm khả năng hoạt động. Đây là một chứng bệnh nan y, trên thế giới hiện chưa có loại thuốc chữa trị dứt điểm. Chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận “sống chung với lũ”, mỗi khi phát bệnh phải đi lọc hết chất độc trong máu.

Ba năm trước đó, sau nhiều năm bôn ba làm ăn tại miền Nam nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, anh Kỳ để lại vợ ở quê, một mình ra Hà Nội xin việc. Được nhận vào làm tại FPT IS, anh nghĩ cuộc đời mình từ đây bước sang trang mới. Anh tự hứa sẽ làm việc chăm chỉ để lo cho tương lai gia đình. Chỉ cần vài năm cố gắng, anh sẽ đón được vợ con cùng ra Hà Nội để con được gần cha, vợ được gần chồng. Một tương lai tươi sáng được anh vẽ ra. Anh đã lên kế hoạch tất cả, sẽ thuê một ngôi nhà mới, sẽ tìm cho vợ một công việc nhẹ nhàng, sẽ cho con được hưởng môi trường học tập tốt hơn trường làng...

DSC-7465-2791-1520434083.png

So với lúc mới vào FPT, anh Kỳ đã giảm gần 20kg.

Thế nhưng khi những dự định của anh Kỳ sắp thành hiện thực, cơn bạo bệnh lại đổ xuống với người vợ thân yêu của anh. Với căn bệnh của chị, khi chữa trị phải nằm khoa đặc biệt, dùng những loại thuốc đặc biệt. Cứ mỗi lần vợ anh đi lọc máu là tiêu tốn hàng chục triệu tiền thuốc, viện phí. Vậy là mọi vốn liếng tích cóp với bao mồ hôi nước mắt của vợ chồng anh nhanh chóng ra đi trước sự bất lực của anh chị.

Đều đặn cách 3 tháng, vợ anh lại phát bệnh. Anh Kỳ lặp lại hành trình tổng cộng gần 400 km cả đi lẫn về đưa đón vợ từ quê lên Hà Nội chữa trị. Sáng đi làm, tối lại vào chăm vợ, anh hầu như không có một phút giây được nghỉ ngơi. Nhiều đêm suy nghĩ, anh thức trắng đêm, người gầy đi trông thấy. Chỉ sau một năm, anh sút gần 20 kg. Mới tuổi 30 mà gương mặt anh đã hằn thêm nhiều nếp nhăn như người đã ngoài tứ tuần. Ấy vậy nhưng mỗi khi gặp vợ, anh Kỳ vẫn phải tỏ ra lạc quan, vui vẻ. “Còn người còn của, chỉ cần mình khỏe lại, thiếu gì cơ hội gây dựng lại kinh tế”, anh vẫn động viên vợ như vậy mỗi khi chị tỏ ra chán nản hay có ý định từ bỏ cuộc chiến vô cùng tốn kém này.

DSC-7473-7115-1520434083.png

Vẻ đăm chiêu trên khuôn mặt đã đồng hành với anh suốt quãng thời gian anh cùng vợ chiến đấu với bạo bệnh.

Bốn năm chạy chữa liên tục, với 16 lần lọc máu, số tiền tiêu tốn anh không thống kê được hết. Tiền tiết kiệm đã hết. Đồng lương anh làm ra chỉ đủ để gia đình sinh hoạt, cho con đi học. Sự giúp đỡ của gia đình hai bên nơi làng quê nghèo cũng vơi dần theo từng năm. Anh thực sự lâm vào bế tắc, không biết xoay sở ra sao.

Chính lúc này, tinh thần tương thân tương ái của người FPT một lần nữa lại được thể hiện. Hoàn cảnh của anh nhanh chóng được lan truyền trong FPT IS cũng như toàn tập đoàn. Hàng trăm đồng nghiệp đã quyên góp tiền để giúp anh trang trải chi phí. Anh Kỳ vẫn nhớ có người ủng hộ một ngày lương, có người vài triệu đồng, có lãnh đạo còn ủng hộ anh hơn 10 triệu đồng. Không những vậy, những đồng nghiệp trong đơn vị còn sẵn sàng làm thêm phần việc, giúp anh có thêm thời gian chăm vợ cũng như nghỉ ngơi mỗi lần vợ nằm viện.

BB0R6039-6724-1520434083.png

Khó khăn dần qua đi, nụ cười lại xuất hiện trên gương mặt hốc hác của anh Kỳ.

Thời gian khó khăn nhất cũng qua đi. Bệnh tình của vợ anh thuyên giảm từ một năm điều trị 4 lần xuống 2 lần rồi có thể tự điều trị tại nhà. Mọi người thấy anh phấn khởi trông thấy. Đi làm, anh tươi tỉnh hơn, đã chịu ngồi uống nước, tán phét với đồng nghiệp thay vì gương mặt ủ rũ, đăm chiêu như trước. Rồi nụ cười cũng đã trở lại trên gương mặt hốc hác của anh. Ai cũng nể phục anh kiên cường, còn anh thì lại cho rằng nếu không có sự giúp đỡ về vật chất từ người FPT, nếu không có sự chia sẻ, động viên của những đồng nghiệp thân thiết, anh sẽ không biết liệu mình có thể vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó hay không.

Đến nay, sau gần 8 năm biến cố, sức khỏe của vợ đã dần ổn định nhưng vẫn còn rất yếu, không làm được việc nặng. Anh vẫn tiếp tục với công việc của một nhân viên quản lý kho hàng. Để có tiền gửi về quê, anh chi tiêu vô cùng tiết kiệm. Anh sống chung với 4 người trong một căn phòng trọ vẻn vẹn 20 m2. Những khi rảnh rỗi, anh kiếm việc làm thêm. Ai giới thiệu việc gì làm việc đó chẳng nề hà nặng nhọc. 

BB0R6033-6881-1520434084.jpg

Lê Xuân Kỳ lại làm việc miệt mài với một niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Cuộc sống vẫn còn khó khăn là thế nhưng anh chẳng bận tâm. Anh bảo, còn làm ở FPT thì anh tin cuộc đời mình rồi sẽ ổn thôi vì "mọi điều khó khăn nhất đã vượt qua cùng FPT thì đâu còn gì có thể đánh gục mình nữa".

>> Nghị lực thép của ông bố lái xe nâng hàng ở FPT

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()