Chúng ta

Nhân viên FPT Telecom bị rút trộm sạch tiền ATM sáng 30 Tết

Thứ năm, 15/2/2018 | 14:44 GMT+7

Đang ngủ nhưng sáng sớm 30 Tết, nhân viên FPT Telecom Quảng Bình liên tục nhận tin nhắn điện thoại báo có giao dịch rút tiền. Toàn bộ tiền thưởng Tết và lương tháng 1 "không cánh mà bay".

Anh Lưu Quý Phương, phòng Hạ tầng, FPT Telecom Quảng Bình, là chủ tài khoản 0061000911XXX mở tại Vietcombank Đồng Hới. Vào khoảng 3h sáng ngày 15/2 (30 Tết), đang ngủ ở nhà thì anh Phương bất ngờ nhận liên tiếp 12 tin nhắn thông báo giao dịch rút tiền bằng thẻ ATM. Tổng số tiền bị rút là 24 triệu đồng.

Screen-Shot-2018-02-15-at-11-2-6072-2512

Trong khoảng 8 phút, tài khoản của anh Lưu Quý Phương bị rút 12 lần với số tiền 24 triệu đồng.

Anh Phương khẳng định khi đó đang ngủ ở nhà và thẻ ATM Vietcombank của anh vẫn cất trong ví. Tá hoả, anh không thể hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra.

Mất giây lát định thần, nam nhân viên FPT Telecom gọi điện thoại đến số đường dây nóng của Vietcombank trình báo vụ việc. Sau đó, anh Phương được hướng dẫn ra ATM gần nhất để check-in chứng minh chủ tài khoản đang giữ thẻ. Cuối cùng, đại diện Vietcombank hẹn anh Phương đến mùng 6 Tết ra ngân hàng làm việc.

Số tiền bị "bay" khiến các kế hoạch Tết của gia đình bị thay đổi hoàn toàn. “Tiền đó là thưởng Tết và lương tháng 1 tôi chưa kịp rút”, anh Phương ngậm ngùi. “Dự định về quê ngoại ở Nghệ An đành huỷ. Cả nhà sẽ ở lại Quảng Bình ăn Tết”. Anh Phương cho hay, lần gần nhất dùng thẻ ATM Vietcombank là ngày 9/2.

atm-cvb-mat-tien-6853-1518669180.jpg

Thay vì cả nhà về quê ngoại ăn Tết, gia đình anh Phương đã thay đổi phút chót bởi sự cố thẻ ATM bị rút sạch tiền.

Trước đó, Zing đưa tin khách hàng tên Nguyễn Thị Thu ở quận 7, TP HCM, có tài khoản thẻ ATM tại Vietcombank, trong thời gian đi công tác tại Mỹ từ ngày 18/5/2017, chị phát hiện 72 triệu đồng trong tài khoản ATM của mình đã bị đánh cắp.

Theo đó, ngày 28/5, tài khoản của chị Thu bỗng phát sinh 36 giao dịch rút tiền từ thẻ ATM. Mỗi giao dịch có giá trị 2 triệu đồng, tổng cộng, tài khoản của chị đã bị rút 72 triệu đồng chỉ sau một đêm.

Do đang công tác tại Mỹ nên chị không nhận được thông báo biến động số dư trong tài khoản từ phía ngân hàng. Phải đến chiều 29/5 theo giờ Hà Nội, khi sử dụng tài khoản online, chị mới phát hiện số tiền bị mất qua 36 giao dịch này.

Trao đổi với Zing.vn, bộ phận quản lý rủi ro của Vietcombank xác nhận vào đêm 29/5, có khách hàng liên hệ với trung tâm dịch vụ khách hàng, thông báo về việc tài khoản ATM bị rút trộm 72 triệu đồng thông qua 36 giao dịch.

"Ngay khi nhận được thông tin từ phía khách hàng, các bộ phận của Vietcombank đã tiến hành kiểm tra thông tin. Ban đầu ngân hàng xác định thẻ đã bị sao chép thông tin để làm thẻ giả và rút trộm tiền", đại diện Vietcombank nói.

Phía ngân hàng này cũng cho biết đã liên hệ với chi nhánh phát hành thẻ để trao đổi với chủ thẻ. Theo đó, Vietcombank sẽ hoàn trả tạm thời khoản tiền bị rút trộm của khách hàng, sau đó phối hợp với cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.

Thời gian gần đây, nhiều người nhà F cũng phản ánh tình trạng thẻ ATM bị mất tiền dù vẫn giữ thẻ bên mình và không thực hiện giao dịch. Cũng trong dịp Tết cách nay 2 năm, anh Phạm Phú Phi, Tổ chức Giáo dục FPT, bị mất oan uổng 20 triệu đồng trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Một chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết, thói quen sử dụng thẻ ngân hàng của người dân hiện nay, cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng, rất dễ tạo điều kiện cho kẻ xấu đánh cắp thông tin. Qua những vụ bị rút trộm tiền như trên, người dùng thẻ cần trang bị một số kiến thức cơ bản khi giao dịch.

Theo vị này, đối với thẻ tín dụng thì sau khi nhận thẻ từ ngân hàng, chủ thẻ nên ghi nhớ số CVV (3 số ở mặt sau của thẻ) rồi dùng băng dán che lại hoặc có thể cạo mờ đi. Cách này tránh trường hợp bị kẻ xấu sao chép số thẻ.

Còn với thẻ ATM, chuyên gia này cho rằng sự mất cảnh giác khi thao tác rút tiền ở các trụ ATM hay thanh toán bằng máy POS chính là nguyên nhân khiến cho thông tin thẻ bị kẻ gian đánh cắp.

Theo đó, khi rút tiền ở trụ ATM người dùng thẻ cần quan sát khe đọc thẻ trên máy có gắn thêm thiết bị đọc trộm nào khác lạ hoặc bàn phím nơi nhập mã PIN có gắn camera quay lén hay không. Nếu cẩn thận hơn, khi nhập mã PIN người dùng cần dùng tay che lại hay làm động tác giả khi nhập mã.

Trường hợp thanh toán qua máy POS ở các cửa hàng, người dùng nên chú ý xem thẻ của mình có bị quẹt qua thiết bị đọc trộm nào khác trước khi qua máy POS. Thậm chí để ý máy POS có gắn thiết bị đi kèm gì không. Khi nhập mã PIN, người dùng cũng nên che tay để tránh bị quay lén.

>> Nhân viên FPT mất 20 triệu đồng khi thẻ ATM vẫn trong ví

Nguyên Văn

Ý kiến

()