Chúng ta

Nhân viên FPT IS onsite ở Campuchia cấp cứu vì sốt xuất huyết

Thứ hai, 21/12/2015 | 09:54 GMT+7

Anh Trần Gia Kim, FPT IS IPS, bị sốt xuất huyết và giảm tiểu cầu nghiêm trọng nên phải đưa từ Campuchia về Việt Nam cấp cứu. Hiện tại sức khỏe anh đã ổn định và xuất viện.

Ngày 14/12, ba nhân viên thuộc Trung tâm Giải pháp nền tảng và hạ tầng Công nghệ thông tin FPT (FPT IS IPS) là Trần Gia Kim, Trần Nam Hiếu và Nguyễn Đức Thái đang onsite cho dự án FMIS (Bộ Tài chính Campuchia) bị sốt xuất huyết và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện ChakAngre Phnom Penh. “Đây là các nhân viên đã sang công tác vài tháng rồi”, anh Nguyễn Trung Bắc, GĐ FPT IS Campuchia, cho biết.

Untitled-1-3290-1450264672.jpg

Ba nhân viên FPT IS khi điều trị tại Phnom Penh. Anh Trần Gia Kim (giữa), được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Ảnh chụp tối ngày 15/12. 

Với kinh nghiệm hơn 7 năm ở đất nước chùa Tháp, anh Bắc và các đồng nghiệp FPT IS Campuchia đã chuẩn bị đầy đủ thông tin, hồ sơ và gửi gắm ban lãnh đạo cao nhất của bệnh viện. Trong 2 ngày đầu nhập viện, ba nhân viên FPT IS IPS được thăm khám hàng giờ trong điều kiện tốt.

Tuy nhiên, sang ngày thứ ba thì anh Trần Gia Kim bị tụt tiểu cầu (thrombocyte). Theo chuyên môn y khoa, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu vào khoảng 150.000 - 450.000 mỗi micro lít máu (một phần triệu của một lít). Nhưng anh Kim bị nặng, chỉ số này chỉ còn 9.000.

Trưa ngày 16/12, khi vào thăm anh Kim, nhận thấy tình hình đồng nghiệp trở nên nghiêm trọng trong khi các bệnh viện lớn ở Phnom Penh không còn tiểu cầu lưu trữ, anh Bắc đã trao đổi với Giám đốc bệnh viện ChakAngre Phnom Penh để chuyển anh Kim về Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM. "Rất may là ChakAngre là một trong hai bệnh viện có xe cấp cứu chạy thẳng từ Phnom Penh về TP HCM. Bệnh viện cũng đã bố trí một bác sĩ theo xe", anh Bắc chia sẻ.

Song song đó, FPT IS Campuchia cũng đã cập nhật tình hình về Việt Nam để FPT IS HO và FPT IS HCM hỗ trợ đồng nghiệp khi về đến nơi. Chị Nguyễn Hoài Anh, vợ anh Kim, cũng bay vào Sài Gòn để chăm sóc chồng.

Khoảng 21h ngày 16/12, anh Kim được chuyển vào khoa Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy. Đón anh Kim có cán bộ Nhân sự FPT IS HCM. Cán bộ onsite được giải quyết thủ tục nhanh chóng để nhập viện. Chia sẻ với phóng viên Chungta.vn ngay tại khoa Cấp cứu, anh Kim cho rằng tinh thần ổn định, "chỉ duy nhất chỉ số tiểu cầu giảm sâu", anh Kim vừa nói vừa tự di chuyển giường bệnh theo yêu cầu của nhân viên y tế. Anh Kim chia sẻ, đây không phải là chuyến công tác đầu tiên của anh tại Campuchia.

Sáng 17/12, anh Kim được chuyển về khoa Nhiệt đới để điều trị. Theo chị Hoài Anh, anh không phải truyền máu mà chỉ uống thuốc và theo dõi. Ngay sáng hôm đó, chỉ số tiểu cầu của anh Kim đã lên 13.000. Cùng ngày, CBNV FPT IS HCM cũng đã vào thăm và động viên đồng nghiệp.

Sau 4 ngày điều trị, chiều 20/12 anh Kim đã xuất viện và bay về Hà Nội. "Chỉ số tiểu cầu của anh Kim lên 133.000. Anh ấy phục hồi nhanh", chị Hoài Anh chia sẻ. Anh Kim tiết lộ, về nhà nghỉ ngơi 1-2 ngày anh sẽ bay sang Phnom Penh tiếp tục công việc đang dang dở.

Theo anh Bắc, hai đồng nghiệp ở lại Phnom Penh đã khỏe và xuất viện.

Theo Trung tâm Phòng chống sốt rét, Bộ Y tế Campuchia, 10 tháng đầu năm 2015, nước này đã ghi nhận 7.799 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 350 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của ông Ly Sovann, Cục trưởng Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm Campuchia, sự gia tăng mạnh số trường hợp mắc sốt xuất huyết tại nước này là do chu kỳ của vi rút sốt xuất huyết. Sự biến đổi này xuất hiện cứ hai hoặc ba năm một lần. Ông cũng cho biết mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhưng chưa đến mức phải cảnh bảo tình trạng khẩn cấp.

Cũng theo báo cáo, 80% trường hợp mắc là người dân sống tại thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh, thành phố khác (Banteay Meanchey, Kandal, Kompong Cham, Kompong Speu, Kompong Thom, Prey Veng và Siem Reap).

Bộ Y tế Campuchia đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng.

Tại Việt Nam và Campuchia, sốt xuất huyết phát triển theo chu kỳ năm một, mỗi năm có một đỉnh dịch. Đỉnh thường rơi vào mùa mưa là các tháng 8, 9 hoặc 10; và thấp điểm vào tháng cuối năm. Hai năm gần đây đỉnh dịch xuất hiện muộn, như năm 2014 dịch lên cao vào tháng 11 kéo dài đến tận tháng 12. Các chuyên gia dự báo dịch năm nay diễn biến phức tạp, bắt đầu vào mùa và sẽ tiếp tục tăng cao vào cuối năm do vào chu kỳ dịch bệnh. 

Để phòng bệnh Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguyên Văn

Ý kiến

()