Chúng ta

'Nhân viên FPT có nhiều cơ hội thăng tiến'

Thứ bảy, 6/6/2015 | 12:13 GMT+7

"Với mức tăng trưởng nhân viên lớn mạnh, ước tính giai đoạn 2016-2020 sẽ có khoảng 50.000 người, nghĩa là số quản lý phải tăng gấp đôi. Do vậy, khả năng thăng tiến của lớp nhân viên hiện tại rất cao", anh Lê Quang Tiến, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, chia sẻ với tân binh trong "72 giờ trải nghiệm".

Đã lâu mới trở lại với các lớp học FPT, anh Lê Quang Tiến vẫn giữ sự nhiệt huyết và hóm hỉnh khi chia sẻ về quá trình ra đời của FPT cách đây 26 năm và những chuyện vui gắn liền với 13 thành viên Hội đồng Sáng lập.

Với lăng kính hài hước, anh giải thích về nguồn gốc lựa chọn ngành nghề công ty thuở ban đầu, tên viết tắt tiếng Anh của FPT, tầm nhìn và sứ mệnh công ty... mang lại những tràng cười thú vị cho CBNV.

"Ngày đó, chúng tôi cùng trải qua nhiều khó khăn để thành lập và xây dựng công ty. 13 người với 13 cá tính khác nhau, ai cũng có cái tôi mạnh và là trí thức cả nên không tránh khỏi bất đồng, nhiều lúc cãi nhau mệt quá thì... nghỉ. Cũng bởi chúng tôi cùng chung lý tưởng, cùng chung hoàn cảnh đói nghèo nên có thể tạm gạt bỏ khúc mắc để tập trung gây dựng sự nghiệp", anh Tiến nói.

anh1-2256-1433559690.jpg

Anh Tiến chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa lịch sử tập đoàn.Ảnh: Đuông Man.

Không chỉ chia sẻ về lịch sử văn hóa FPT, Phó Chủ tịch Ngân hàng TienPhong Bank còn dành nhiều thời gian giải đáp những băn khoăn của tân binh họ "F". Câu hỏi thú vị của chị Đỗ Thị Giang, FPT Software, về mức độ gắn bó của nhân viên với FPT, đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi. "Em mới vào FPT chưa lâu, là một người trẻ nên em muốn chọn một môi trường năng động để thử sức mình. Em thấy rằng khá nhiều nhân viên sau khi gắn bó một thời gian ở công ty khoảng vài năm thì sẽ rời đi để tìm môi trường khác. Vậy anh có suy nghĩ gì về câu chuyện này", chị Giang bày tỏ.

Trả lời câu hỏi này, anh Tiến cho rằng, câu chuyện "kẻ đi người đến" như vậy là bình thường và lành mạnh trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đôi khi nhân viên gắn bó quá lâu mà không có sự phát triển cũng là điểm không tốt. Giống như một câu lạc bộ bóng đá đào tạo cầu thủ từ năm 10 tuổi, khi đạt một mốc nhất định trong sự nghiệp, họ có thể lựa chọn ở lại hoặc tìm một môi trường khác để phát triển.

anh-2-4565-1433559690.jpg

CBNV đặt nhiều câu hỏi thú vị cho anh Lê Quang Tiến. Ảnh: Đuông Man.

Theo anh, công ty luôn chịu sức ép từ nhân viên và cổ đông. Nhân viên luôn mong muốn lương cao còn cổ đông thì ngược lại, nếu lãi gộp tạo ra dành trả lương cho người lao động nhiều hơn thì họ sẽ bất lợi. Do vậy, phải cân bằng giữa nhu cầu của nhân viên và sức ép của cổ đông.

"Có lý thuyết chỉ ra rằng, hành vi của con người được chi phối 80% bởi các tính toán về tài chính, lợi ích kinh tế, 20% còn lại phụ thuộc yếu tố như văn hóa, tôn giáo, tình yêu, lý tưởng, niềm tin, ngôn ngữ... Cùng một công việc, công ty lớn có thể trả thấp hơn nhưng đổi lại có cam kết lâu dài, công ty nhỏ thường có xu hướng trả lương cao hơn để giữ người tài. Vì vậy, người lao động có thể có nhiều lựa chọn, họ có thể rời FPT để đến một "bến" mới với mức lương cao hay ở lại FPT vì yêu thích môi trường, con người...là do nhu cầu riêng của mỗi người", anh phân tích.

Cùng có mặt trong chương trình, chị Trịnh Thu Hồng, Trưởng Ban Nhân sự FPT, bổ sung rằng, FPT đang phát triển với tốc độ rất nhanh nên có sự đào thải nhân sự là bình thường. Đơn cử như FPT Sofware - một đơn vị luôn có những chiến lược mới gắn với toàn cầu hóa, do vậy, những nhân viên không đáp ứng được với mục tiêu, với sự thay đổi của công ty thì sẽ tự rời bỏ. Hay như FPT Retail cũng có sự thay mới nhân sự liên tục để đáp ứng tính chất ngành bán lẻ với thị phần ngày càng mở rộng và yêu cầu cao với sự nhiệt huyết của nhân viên bán hàng. 

Chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề này, tân binh Trần Thị Thu Hà, FPT School, bày tỏ: "Sự gắn bó là câu hỏi thường trực trong đầu tôi từ khi bắt đầu bước vào FPT. Tại sao có sự ra đi ở FPT? Liệu mình có gắn bó lâu dài với nơi đây không? Nhưng đến nay tôi đã tìm được câu trả lời cho riêng mình".

Với Thu Hà, FPT như một chàng thanh niên hoặc một cô gái ở độ tuổi xuân thì rất hấp dẫn, có nhiều điểm thu hút mọi người đến làm quen và trải nghiệm. FPT còn là một công ty khá "dị" khi những cuộc liên hoan cấp trên thường là người trả tiền, nhân viên có thể thoải mái "nói xấu" sếp qua văn hóa STCo, lãnh đạo cao cấp rất gần gũi, hài hước, luôn có chính sách tuyển dụng sinh viên mới ra trường và tạo điều kiện cho nhân viên phát triển...

"Đặc biệt, tôi chưa thấy có một tổ chức nào dành một nửa sứ mệnh của mình cho nhân viên phát triển tài năng, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần và đến nay FPT đã và đang làm được điều đó. Công ty tạo điều kiện cho nhiều sinh viên, nhân viên mới phát triển khả năng, trang bị nhiều kinh nghiệm, đến khi "đủ lông đủ cánh", họ có thể ở lại hoặc sẽ bay để lựa chọn một nơi khác. Tôi cảm giác FPT không cần phải níu giữ vì đã có nguồn đầu vào rất tốt, rất nhiều sinh viên mới ra trường đang cần một nơi chuyên nghiệp và năng động như vậy để phát triển. Mọi người ở lại hay ra đi là do mục tiêu riêng có phù hợp hay không phù hợp thôi, còn môi trường ở FPT quả thực rất tốt", chị giãi bày.

Từ câu chuyện đó, nhiều CBNV bày tỏ nỗi băn khoăn làm thế nào để nhân viên ngày càng gắn bó với công ty hơn. Bàn về vấn đề này, anh Lê Quang Tiến cho rằng, cần chú ý ba yếu tố: Lương bổng, cơ hội thăng tiến và sự khác biệt.

Theo anh, lãnh đạo nào cũng muốn giữ nhân viên của mình vì người cũ đã thạo việc, hơn nữa thay người mới rất tốn kém, mất thời gian đào tạo. Do vậy, các công ty cần xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp, dựa trên cơ sở thị trường. Người lao động hiện nay có nhiều lựa chọn, nếu mức lương không phù hợp thì họ vẫn ra đi dù có yêu môi trường công ty đến mấy. Nếu chỉ một vài người đi thì không có nhiều ảnh hưởng nhưng nếu hàng nghìn người rời bỏ công việc là có vấn đề, phải tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời điều chỉnh. FPT hiện nay đã hơn 23.000 người và đang có một chính sách lương và đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ những người công ty cần. 

Hơn thế, với mức tăng trưởng nhân viên lớn mạnh, ước tính giai đoạn 2016-2020 sẽ có khoảng 50.000 nhân viên, nghĩa là số quản lý phải tăng gấp đôi, do vậy khả năng thăng tiến của lớp nhân viên hiện tại rất cao. Ví dụ, FPT Retail đang mở rộng vùng phủ với tốc độ chóng mặt khắp 63 tỉnh thành, tạo cơ hội lớn cho nhân viên lên quản lý cửa hàng và quản lý cửa hàng trở thành quản lý khu vực... Việc thăng tiến tại những môi trường như vậy rõ ràng thuận lợi hơn ở một công ty quy mô nhỏ, mức độ tăng trưởng thấp, không có xu hướng phát triển... 

"Với nhân viên mới, tôi khuyên các bạn nên đặt mục tiêu rõ ràng cho mình khi lựa chọn công việc, phải hỏi rõ làm vì tiền, vì niềm vui hay vì môi trường... để từ đó tự lên kế hoạch cụ thể mỗi ngày để dần đạt được mục tiêu đề ra", thành viên Hội đồng Sáng lập FPT nhắn nhủ.

Từ ngày 4 đến 6/6, hơn 100 CBNV khu vực Hà Nội tham dự "72 giờ trải nghiệm" tại ĐH FPT, khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cùng thời điểm, hơn 100 tân binh FPT HCM cũng tham gia chương trình tại Khu Du lịch BCR, quận 9. 

"72 giờ trải nghiệm" là chương trình đào tạo tân binh theo hình thức mới của tập đoàn do trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) triển khai từ đầu năm 2015. Với chủ đề “Đồng đội” xuyên suốt, chương trình sẽ giúp CBNV cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, con người FPT, mở rộng quan hệ, làm quen với nhiều đồng nghiệp khác trong tập đoàn. Trong phần Open Talk tại Hà Nội, khách mời chia sẻ về Lịch sử văn hóa FPT là anh Lê Quang Tiến - người xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho FPT, là một trong 13 sáng lập viên của tập đoàn và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank. Tại TP HCM, CBNV đã được giao lưu với anh Hoàng Minh Châu - Cố vấn cao cấp về Văn hóa của FPT.


Tử Quyên

Ý kiến

()