Chúng ta

Nhân viên FPT bị đe dọa tính mạng qua tin nhắn

Thứ ba, 24/11/2015 | 11:03 GMT+7

Trong vòng một tháng, điện thoại di động của anh Trần Dương Thi, Phòng Truyền thông và đối ngoại, FPT Software, nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn lăng mạ, dọa nạt.

“Mày đi xe bus xuống trạm ở Thảo Cầm Viên hay đường 3/2, hay mày về Gò Vấp… thì tao cũng chém mày được. Mày mà chọc ghẹo vợ tao thì mày chết”, tin nhắn ngày 23/11 viết.

Khi được anh Thi nhắn hỏi lại việc chọc ghẹo cụ thể là gì, người này nhắn thêm: “Từng bước đi của mày tao đều biết. Mày mà còn chọc ghẹo vợ tao làm việc ở FPT thì mày sống không bằng chết”.

Sau khi anh Thi thông báo mình sắp lấy vợ và không có ý đồ gì với các đồng nghiệp mà chỉ đơn thuần là quan hệ xã giao bình thường, chủ nhân của số kia bồi thêm: “Ừ, tao theo mày mấy ngày rồi nhưng tao không xuống tay được. Mày làm sao thì làm đừng để tao điên”.

Untitled-1_1448290365.jpg

Các tin nhắn giữa anh Thi và người lạ chiều 23/11.

Chiều tối ngày 23/11, anh Thi chụp màn hình các đoạn nhắn tin và đăng lên trang cá nhân. “Cuối cùng cũng biết được lý do. Từ nay trở đi đề nghị mấy chị em FPT Software có chồng hoặc có bạn trai vui lòng tránh xa mình ra nha. Mình cảm ơn”, status của anh Thi viết. Bài đăng của anh Thi lập tức "dậy sóng" với hơn 130 bình luận của bạn bè, đồng nghiệp sau ba giờ đăng.

Theo chị Đào Thị Bích Trâm, FPT Software HCM, tính cách của anh Thi là vui vẻ và do đặc thù công việc nên cũng hay chọc vui mọi người. "Đồng nghiệp chọc ghẹo nhau là chuyện bình thường. Nếu chơi thân với nhau như anh em, tôi nghĩ vấn đề đó không sao", chị nói.

"Cô vợ nào xui có ông chồng như này bỏ cho xong. Trên đời này đâu phải chỉ có vợ có chồng, còn biết bao mối quan hệ đáng trân trọng khác. Chồng con kiểu này ở một mình cho sướng", chị Lê Hoàng Anh, FSU1, FPT Software, bình luận. 

Anh Thi cho biết, hơn một tháng trước đây (ngày 15/10), chủ nhân của các số điện thoại này (01698671xxx và 01647711xxx) từng gọi điện hù dọa nhưng khi hỏi lại thông tin, người này không cung cấp và nói: "Tôi thích vậy. Tôi chỉ cảnh báo thế". Sau đó, người này tiếp tục nhắn hàng loạt tin chửi rủa, hù dọa. Bẵng đi một thời gian, các tin nhắn hù dọa lại tiếp tục được gửi với lời lẽ nặng nề hơn.

"Ban đầu, người này biết xe máy tôi đi loại gì, đón bus ở đâu. Sau còn biết thêm vài thông tin cá nhân nữa. Nhân vật có vẻ bí hiểm", anh Thi chia sẻ. "Nếu người kia còn hù dọa, nói chính xác là khủng bố liên tục, tôi sẽ trình báo công an".

Tư vấn cho một trường hợp tương tự trên VnExpress, Luật sư Đỗ Trọng Linh, Công ty Luật Bảo An, Hà Nội, cho biết việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng các hành động khác nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy sẽ bị khép vào tội Đe dọa giết người, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, hành vi nhắn tin đe dọa người khác là vi phạm pháp luật vì xâm hại đến sức khỏe của công dân. Tùy theo mức độ, hậu quả đã gây ra mà người vi phạm có thể bị pháp luật xử lý như sau:

Đối với việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách của người nhắn tin, hành vi này không phạm tội hình sự nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông.

Cụ thể người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi "đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ viễn thông.

Đối với việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng với các hành động khác nhằm làm cho người bị đe dọa biết việc giết người là có thể xảy ra và làm cho họ tin rằng nếu họ không thực hiện các yêu sách của kẻ đe dọa thì tính mạng của họ hoặc những người thân thích của họ có thể bị đe dọa, hành vi này thỏa mãn tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, điều luật quy định “người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.

Theo Luật sư Linh, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị đe doạ cần làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của kẻ đe dọa tới cơ quan điều tra công an quận, huyện. “Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Trong trường hợp vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi”, luật sư Công ty Luật Bảo An tư vấn.

Để có chứng cứ nộp kèm theo đơn tố cáo, người bị đe doạ cần cung cấp cho cơ quan điều tra các tin nhắn đe dọa khủng bố tinh thần.

>> Phát hiện đối thủ lấy cáp FPT Telecom lắp cho khách hàng

Nguyên Văn

Ý kiến

()