Chúng ta

Nhà 'Cáo' đồng loạt nói không với bia rượu

Thứ năm, 29/9/2016 | 17:35 GMT+7

CBNV FPT Telecom mọi miền, kể cả nước ngoài, đều cho rằng quyết định cứng rắn của đơn vị là kịp thời nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Ngày 27/9, FPT Telecom đã ban hành quyết định về việc không sử dụng bia, rượu và đồ uống có cồn trong toàn công ty. Cụ thể, nghiêm cấm CBNV FPT Telecom sử dụng đồ uống có cồn trong giờ làm việc; cấm các đơn vị tổ chức liên hoan ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn sau giờ làm việc.

FPT Telecom cho phép các đơn vị, tổ chức liên hoan có sử dụng rượu, bia vào các dịp có ý nghĩa (tổng kết năm, thành lập đơn vị…). Tuy nhiên, trưởng đơn vị có trách nhiệm tổ chức và hạn chế rượu bia được sử dụng trong buổi liên hoan. Chế tài khi vi phạm cũng rất nghiêm, nặng nhất là sa thải.

Quyết định mạnh tay nhận được sự ủng hộ của CBNV FPT Telecom. “Tôi cũng đang trong chế độ kiêng cữ rượu, bia nên hoàn toàn ủng hộ”, anh Võ Đình Hảo, PTGĐ FPT Telecom Campuchia, nói.

Theo anh Hảo, ở FPT Telecom Campuchia, anh em chỉ uống bia trong những dịp lễ, tết và sự kiện của công ty tổ chức tập trung nên quyết định mới không mấy ảnh hưởng. “Tôi thấy tốt cho những người quản lý bởi có thêm thượng phương bảo kiếm để hạn chế nhậu. Ngay lập tức, FPT Telecom Campuchia đã hưởng ứng với một quyết định tương tự phiên bản tiếng Kh’mer để áp dụng cho toàn thể nhân viên tại Campuchia”.

2016-09-29-163949-4031-1475143377.png

Trong status đăng sáng thứ Tư, sau khi quyết định ban hành, GĐ Vùng 5 (FPT Telecom Sài Gòn) Phạm Thanh Tuấn đã thể hiện sự hưởng ứng quy định mới bằng cách tag tất cả quản lý của Vùng.

Khi biết tin về hai đồng nghiệp ra đi mãi mãi sau khi gặp tai nạn giao thông lúc người có hơi men, chị Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Hà Nội 1 Hoàng Lan Hương thấy choáng váng và hụt hẫng. “Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định về cấm bia rượu của FPT Telecom”.

Chị Hương cho rằng, thực tế ở HNx cũng giống như ở nhiều đơn vị khác trong công ty, mỗi dịp cuối tháng, sau khi chốt những hợp đồng cuối cùng, anh chị em thường liên hoan hay những đợt teambuilding, khởi động đợt thi đua, nhận thưởng… thường không thể thiếu chén rượu hay cốc bia như một việc kích thích tinh thần.

“Ở vị trí quản lý, lần nào tôi cũng phải chú tâm để ý bạn nào uống nhiều rồi, có biểu hiện say... để còn bố trí người tỉnh táo đưa về. Bạn nào về đến nhà là check in group Viber hoặc Zalo điểm danh. Lần nào chưa điểm danh xong cũng căng thẳng. Rất may mắn vì đơn vị chưa xảy ra những sự cố đáng tiếc”, chị Hương chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Hà Nội 1 cho rằng, bia rượu vẫn đang là khó thiếu trong các buổi liên hoan, kick - off. “Trước đây, trong những buổi như thế, tôi thường chủ động hạn chế về số lượng rượu, bia sử dụng. Từ khi có quy định vừa mới, chắc chắn đơn vị sẽ tuôn thủ tuyệt đối. Kể cả việc trưởng đơn vị, trưởng phòng đứng ra tổ chức nhậu sẽ hạn chế theo đúng quy định”.

NIK-2125-JPG-9135-1475143377.jpg

Quyết định cho phép CBNV FPT Telecom dùng rượu, bia trong các dịp liên hoan như tổng kết năm, kỷ niệm thành lập đơn vị...

Là phái nữ nên chị Võ Thanh Tố, FPT Telecom Cà Mau, cảm thấy rất vui khi công ty ban hành quyết định. “Điều này rất tốt. Nếu các bạn trong chi nhánh thực hiện nghiêm túc là các bạn đang tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mang đến hạnh phúc cho gia đình”.

Anh Diệp Minh Hoàng, tân Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Tây (Vùng 7), chia sẻ, trong vòng hai tháng đơn vị xảy ra hai vụ tai nạn giao thông do rượu bia thì quá đau buồn. “Mọi người phải tự ý thức về việc tham gia giao thông hơn. Quyết định này ban hành rất kịp thời và cần tuyên truyền nhắc nhở CBNV thực hiện nghiêm túc”, anh Hoàng cho hay.

Với cương vị là người đứng đầu Vùng 7, anh Hoàng cho biết sẽ nghiêm túc tuân thủ quy định và nhắc nhở anh em cùng thực hiện. “Chúng tôi đã truyền thông ngay qua email đến các đơn vị và sẽ thông báo trực tiếp ngay cuộc họp giao ban đầu tháng 10”.

Tại Hưng Yên, nữ tướng Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc chi nhánh, kể, từ trước khi FPT Telecom ban hành quyết định, đơn vị đã cấm rượu bia: cấm uống trong giờ nghỉ trưa (kể cả một lượng nhỏ) và hạn chế đến mức tối đa các cuộc nhậu sau giờ làm, đặc biệt các nhóm nhỏ, các hội.

“Khi nhân viên có đám cưới xa công ty trên 9km, chi nhánh sẽ thuê xe ô tô đưa đón để CBNV đi về an toàn sau khi uống bia rượu”, chị Tuyết nói. “Là sếp nữ nên anh em trong chi nhánh hay bị hạn chế và quản chặt vấn đề này. Bản thân tôi khi đi tiếp khách dù uống ít nhưng không bao giờ lái xe”.

Bày tỏ ý kiến đồng tình, Giám đốc FPT Telecom Nghệ An Trần Mai Tú đã trực tiếp truyền thông đến tất cả CBNV chi nhánh nội dung quyết định và đính kèm theo link bài trên Chúng ta hai vụ tai nạn của đồng nghiệp gần đây.

“Tôi cũng quán triệt anh em không tổ chức tụ tập ngoài giờ làm việc. Bên cạnh đó là nhắc nhở anh em hạn chế nhậu với bạn bè, vì tác hại và hậu quả sẽ là rất lớn”, anh Tú cho hay. “Để dần thay đổi ý thức và thói quen nhậu của mọi người, tôi nghĩ sẽ phải làm lâu dài, mưa dầm thấm lâu. Ngoài việc truyền thông, tôi sẽ cho thiết kế một số hình ảnh và khẩu hiệu về việc không sử dụng rượu bia để treo tại các phòng ban trong chi nhánh”.

>> Những cái chết vì rượu bia

44% nam giới ở Việt Nam uống rượu bia ở mức nguy hại. Đây là một kết quả trong điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam vừa được công bố. Theo đó, rượu bia là chỉ số có mức tăng mạnh nhất và đang bị nghi là yếu tố nguy cơ góp phần tăng ung thư.

Rượu bia còn là tác nhân chính của tai nạn giao thông. 70% số vụ tai nạn là do lái xe có sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện. Tình trạng say rượu, bia, không kiểm soát được hành vi dẫn đến gây tai nạn và thương vong đang có xu hướng gia tăng. Hơn nữa hậu quả của các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất của vụ việc lẫn mức độ thiệt hại về kinh tế với ước tính mất 250 tỷ đồng/ngày, gây thiệt hại 2,9% GDP/năm.

Nguyên Văn

Ý kiến

()