Chúng ta

Người thầy đồng nghiệp

Thứ sáu, 19/11/2010 | 03:42 GMT+7

Từ lúc ra trường, nghiệp dạy học và làm tín dụng cứ đeo đuổi, giằng co, lôi kéo anh về hai hướng tách biệt. Chỉ khi đến TiênPhongBank, anh mới thực sự hòa hợp được hai sở thích, trở thành thầy của nhiều đồng nghiệp.



Giám đốc TiênPhongBank chi nhánh Cần Thơ - Đặng Vũ Khoa

Năm 1994, anh Đặng Vũ Khoa tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành Anh văn. "Chân ướt chân ráo" dời mái trường, những hoài bão, ước mơ về nghề nghiệp đang phôi thai hình thành bỗng bất ngờ chuyển hướng ngoài dự định.

"Trong khi chờ kết quả thi tốt nghiệp đại học sư phạm, mình thử sức, đi làm trợ lý tiếp thị cho một công ty nước ngoài. Làm vui lấy kinh nghiệm, ai dè sau hai tháng làm việc, từ nhiều lần tiếp xúc với Vietcombank (VCB) Cần Thơ, mình được mời vào làm phòng thanh toán Quốc tế. Đâm ra, học xong là mình đi làm ngân hàng luôn mà chưa có dịp 'thể hiện', kiểm chứng khả năng sư phạm.

Thời gian sau, công việc ở VCB dần ổn định, "máu" dạy học trỗi dậy, mình nhận dạy tiếng Anh cho trung tâm ngoại ngữ trường Đại học Cần Thơ vào ban đêm nhằm thỏa mãn cảm giác được đứng trên bục giảng, việc này kéo dài gần bốn năm", Giám đốc TiênPhongBank chi nhánh Cần Thơ kể lại.

Vài năm đầu sau khi tốt nghiệp, sự hấp dẫn của kinh doanh Ngân hàng cứ thế cuốn anh đi. Anh nhận học bổng Chevening sang Anh học MBA về chuyên ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế. Về nước, anh trở lại VCB Cần Thơ. Nghề ngân hàng thêm lần nữa níu chân anh với các vị trí phó phòng tín dụng, rồi trưởng bộ phận vốn, rồi giám đốc của VCB khu công nghiệp Trà Nóc.

"Nhiều khi bản thân cũng thấy 'lăn tăn' vì làm trái nghề. Thậm chí, đã có lúc mình quyết định dứt bỏ hẳn ngân hàng để quay về với môn được học, được đào tạo. Đó là thời điểm mình dời VCB chuyển sang làm chuyên viên huấn luyện cao cấp của công ty Prudential Việt Nam.

Thế rồi, có lần 'tặc lưỡi' vì lại nhớ ngân hàng, mình đến với HSBC làm Giám đốc quan hệ khách hàng. Sau đó, như 'giời xui', cái sự dạy học lại giằng mình ra, chia tay HSBC để tập trung chuyên sâu vào nghiệp giảng dạy, đào tạo.

Có lẽ đó là thời gian 'chung thủy' lâu nhất với nghề đứng trên bục làm thầy. Mình đã tham gia hợp tác đào tạo, giảng dạy với hàng loạt các công ty như APMG, BTC (Bank Training and Consultancy Company), Spectra, Business Edge, Language Link, Mekong Star. Ngoài ra, mình còn thỉnh giảng tại các trường đại học Cửu Long, đại học Tây Đô, đại học tại chức Cần Thơ", anh KhoaDV nhớ lại.

Có lẽ, với anh Khoa làm tín dụng ngân hàng cũng là mối lương duyên khó tách dời, chẳng thể nào quên. Tưởng đã "an bài" cùng chuyện dạy học, năm 2009, anh bất ngờ nhận lời mời hấp dẫn từ TiênPhongBank.

"Thời gian dài giảng dạy toàn các môn học liên quan đến tín dụng ngân hàng như Quản trị ngân hàng thương mại, thanh toán quốc tế, phân tích tín dụng... mình lại thấy "ngứa" nghề, muốn áp dụng vào thực tế, thực hành nhiều kiến thức, lý thuyết tự nghiên cứu.

Đúng lúc TiênPhongBank gợi mở, mình quyết định 'gác bút', xuống núi, trở lại với món ưa thích đã quen thuộc: Kinh doanh ngân hàng.

Khá may mắn, chính tại TiênPhongBank, song song với việc quản trị, kinh doanh tín dụng mình lại có được cơ hội đứng trên bục giảng truyền thụ các kiến thức mà bản thân đã tích lũy. Thật thú vị, lần đầu tiên mình có thể 'bắn' bằng cả hai tay tại nơi công tác", anh Khoa chia sẻ.

Hơn một năm ở ngân hàng Tiên Phong, anh Khoa nhiều lần vào Nam ra Bắc đứng lớp giảng dạy theo đề nghị từ phòng Nhân sự. Các môn học mà bấy lâu nay "thi triển" ở bên ngoài được chia sẻ cho chính những đồng nghiệp mà hàng ngày anh tiếp xúc, hợp tác.

Hàng trăm lượt nhân viên ở TiênPhongBank đã được anh đào tạo về các kiến thức, kỹ năng như: Kỹ năng mềm (bán hàng, chăm sóc khách hàng, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thương lượng, xử lý xung đột trong đàm phán, quản lý sự thay đổi, quản lý‎ thời gian, tạo động lực cho nhân viên, ủy thác công việc,..); Quản lý‎ quan hệ khách hàng, thẩm định phương án kinh doanh của khách hàng; Chương trình chuyên viên quan hệ khách hàng ngân hàng chuyên nghiệp; Chương trình đào tạo giám đốc chi nhánh ngân hàng...

Bắt đầu đứng lớp nội bộ ngân hàng từ tháng 09/2009, anh Khoa đã trực tiếp tham gia giảng dạy cho cả nhân viên mới, nhân viên cũ và thậm chí cho nhiều lãnh đạo, cán bộ cốt cán của TiênPhongBank.

Anh KhoaDV tâm sự: "Việc giảng dạy không chỉ là việc truyền đạt kiến thức hay kinh nghiệm cho người khác mà còn là cơ hội rất lớn cho mình được học hỏi những trải nghiệm từ người học, qua đó giúp mình nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về nghề. Không những thế, mình còn hoàn thiện bản thân về nhiều kỹ năng trong cuộc sống hay công việc như thuyết trình, giao tiếp, kỹ năng làm việc với con người...

Nhớ lại hồi mới đứng lớp giảng dạy kỹ năng quản lý cho một ngân hàng, học viên là giám đốc các chi nhánh. Họ đã phản ứng tiêu cực vì thấy mình còn quá trẻ, thậm chí còn phản ánh với ban tổ chức. Tuy nhiên, ngay sau đó, mình đã thuyết phục được họ với các kinh nghiệm, kiến thức thực tế hữu ích.

Đối với đồng nghiệp ở bên ngoài, họ hay hỏi "không biết anh đã trải qua việc đó chưa mà giảng dạy cho chúng tôi ?". Còn với đồng nghiệp ở TiênPhongBank, mọi người có vẻ suy nghĩ rất khác: "giảng viên nội bộ chắc là không có chất lượng rồi!"

Chính vì vậy, mình luôn chuẩn bị rất kỹ các nội dung sẽ chia sẻ với TiênPhongBanker. Tài liệu luôn phải ngắn gọn, cô đọng nhưng phải đầy đủ, mang tính thực tế cao, có nhiều bài tập tình huống. Nhiều lúc, có giáo trình riêng, phương pháp riêng cho học viên đồng nghiệp".

Giảng dạy nội bộ luôn khó hơn hẳn. Học viên là các đồng nghiệp, thậm chí còn là 'quân', là 'sếp' của chính người dạy. Đồng thời, những nội dung được truyền đạt sẽ mang ra thực tế kiểm nghiệm và phản hồi ngay.

Theo anh Khoa: "Giảng dạy nội bộ chính là cách để giảng viên kiểm tra chính mình. Đã có lúc, mình dạy cho các anh em Cần Thơ. 'Lính' luôn có tâm lý không được thoải mái khi sếp đứng giảng dạy trực tiếp vì họ cho rằng họ bị bắt buộc phải học, sợ sếp đánh giá thái độ học tập, sợ sếp dạy dở nhưng phải chịu đựng, làm việc cả ngày đã mệt rồi lại còn phải đi học thêm ban đêm v.v...

Do vậy, mình phải 'chế' món ăn riêng dành cho các bạn. Phải điều tra tâm lý anh em rồi soạn chương trình rất ngắn gọn, đi vào trọng tâm. Điều quan trọng hơn cả là phải chọn lọc những ví dụ, tình huống thực tế phát sinh trong công việc của họ, sắp xếp thời gian học phù hợp và luôn tạo ra một môi trường học thoải mái để nhân viên cảm thấy như một hoạt động ngoại khóa thú vị".

Vừa "chạy sô" các lớp học nội bộ và cả bên ngoài, bận rộn nhưng anh Khoa khá chỉn chu, cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc kinh doanh tín dụng ngân hàng. TiênPhongBank chi nhánh Cần Thơ luôn trong top dẫn đầu về hoàn thành kế hoạch toàn hệ thống.

"Việc kinh doanh ở chi nhánh chính là cơ sở, căn cứ cụ thể và thuyết phục nhất để mình đem ra 'nói chuyện phải quấy' với anh em tại các lớp học. Kinh doanh tốt là cách minh chứng tốt nhất cho nghề dạy.

Phải nói thật tình, nghề giáo là công việc đòi hỏi phải lòng đam mê và sự tận tâm. Công việc có rất nhiều áp lực nhưng cũng đem lại nhiều niềm vui. Mình cảm thấy 'happy' khi hòa hợp được cả hai sở thích tại TiênPhongBank", giám đốc TiênPhongBank chi nhánh Cần Thơ hồ hởi.

AK47


Ý kiến

()