Chúng ta

‘Người sắc bén chọn người sắc bén để đồng hành’

Chủ nhật, 13/5/2018 | 21:42 GMT+7

GS. Phan Văn Trường dùng câu nói nổi tiếng “Người sắc bén của chọn người sắc bén để đồng hành” của Douglas William Jerrold làm chủ đề buổi chia sẻ với các doanh nhân tại café Lộc Việt, số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sáng 12/5.

Buổi chia sẻ của GS. Phan Văn Trường nằm trong chuỗi hoạt động open talk do Cộng đồng Doanh nhân F.Biz phối hợp cùng Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) tổ chức. Buổi chia sẻ đã thu hút sự tham gia của hơn 40 doanh nhân, lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp và các học viên của FSB.

Dẫn chứng cho câu nói “Quản trị giỏi là phải biết chọn đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi”, Giáo sư dùng chính 2 câu chuyện lịch sử của bản thân đã từng trải qua khi còn làm việc tại Pháp. Thầy Trường đã mang về 2 dự án lớn tưởng chừng như không còn cơ hội có được về cho nước Pháp nhờ vào tài quản trị của mình.

Một trong 2 dự án lớn gây tiếng vang ở Pháp và làm nên tên tuổi của Giáo sư Phan Văn Trường là dự án thủy điện lớn nhất lúc bấy giờ. Bằng sự nhạy bén và tài tình trong việc “dùng quân” của mình, Giáo sư đã mang dự án này về cho chính phủ Pháp dù trước đó Đức đã ký nháy cùng đối tác Epon. Người trợ giúp đắc lực cho Giáo sư trong dự án lịch sử này là một người khuyết tật, liệt nửa người bên trái.

32332317-1750000185087973-3474-2185-4948

Giáo sư Phan Văn Trường hiện đang là cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại Quốc tế. Ông đã có 55 năm sinh sống và làm việc ở Châu Âu, đã từng kinh qua rất nhiều vị trí lãnh đạo từ cấp trung đến cấp cao. Ông cũng là tác giả của 2 cuốn sách “Một đời thương thuyết” (2014) (được vinh danh Giải sách Hay 2016) và “ Một đời quản trị” (2017).

Khi nhận thấy anh chàng khiếm khuyết kia là người duy nhất biết tiếng Hà Lan (rất cần thiết lúc ấy) dù không bình thường như những người khác nhưng Giáo sư đã động viên và khích lệ tinh thần anh ta chỉ bằng một câu nói: “Chỉ có anh mới có thể làm được điều này”. “Và chiến binh khiếm khuyết ấy đã chiến đấu với động lực gấp 5 lần bình thường và đã chiến thắng”, Giáo sư chia sẻ.

Vận dụng vào việc quản trị của những người lãnh đạo doanh nghiệp, Giáo sư nhấn mạnh: “Người quản trị cần phải tạo động lực cho nhân sự của mình, dẹp hết mọi ý tưởng quan liêu, mối quan hệ chủ - tớ phải loại bỏ. Có như vậy những người làm việc cho ta mới cống hiến hết mình, không nề hà, ngần ngại”.

Theo Giáo sư, để có thể biến nhân viên của mình thành những người phi thường, sắc bén thì những người làm quản trị không quá chú trọng vào thưởng – phạt mà cần phải tôn vinh họ một cách chân thành. Đó cũng là cách tạo động lực cho họ phấn đấu và cống hiến, nhiều người cùng cố gắng hết mình thì sẽ tạo nên một sức mạnh rất to lớn.

Không chỉ chia sẻ về cách làm quản trị, Giáo sư Phan Văn Trường còn nhiệt tình giải đáp các câu hỏi từ những người tham gia về vấn đề khởi nghiệp và cách thuyết phục khách hàng. “Tôi rất ấn tượng với câu nói của thầy khi nói về khởi nghiệp rằng các bạn đừng sợ mình già, sự thật là sau 50 tuổi chúng ta mới thực sự giỏi, còn trước đó là thời gian để ta học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho mình”, chị Nguyễn Thái Hà, cán bộ ban Đầu tư công ty TNHH Long Dũng bày tỏ.

Vừa mới bắt tay vào khởi nghiệp trong lĩnh vực dược mỹ phẩm gần 2 tháng, anh Nguyễn Tuấn Anh rất tâm đắc với những chia sẻ của thầy Trường, anh cho hay: “Tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản trị và bài học về thương thuyết từ Giáo sư. Tôi sẽ áp dụng cho chính công ty của mình để có thể tạo động lực cho nhân viên và phát triển doanh nghiệp dài lâu”.

Diệu Anh

Ý kiến

()