Chúng ta

'Người Myanmar hỗ trợ rất nhiệt tình'

Thứ ba, 5/11/2013 | 17:16 GMT+7

"Sau 6 tháng ở Myanmar, bước đầu văn phòng đã có chút thành tích trong kinh doanh nhưng quan trọng nhất là việc học được nhiều điều mới lạ, thú vị từ những người bạn mới", anh Lê Xuân Thủy, một trong ba chuyên gia tiên phong onsite ở thị trường Myanmar, chia sẻ.
> Công ty thành viên FPT dốc sức toàn cầu hóa / 'Tin tưởng vào con đường toàn cầu hóa' / Myanmar và triển vọng nguồn lực cho FPT Software

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu khi quy mô FPT đã lớn mạnh, thị trường trong nước đã bão hòa và trở nên nhỏ bé. Do vậy, người FPT đã bắt đầu những chuyến hành trình ra biển lớn để chinh phục những thử thách mới.

Anh Lê Xuân Thủy hiện là Giám đốc bán hàng F9 miền Bắc, FPT Trading và là một trong 3 người đầu tiên được tập đoàn tin tưởng giao trọng trách khám phá, chinh phục thị trường Myanmar - một đất nước thanh bình ở Đông Nam Á.

Chúng ta đã có cuộc trò chuyện để tìm hiểu những trải nghiệm đầu tiên của anh và nhóm chuyên gia ở vùng đất mới này:

a

Anh Nguyễn Văn Hưng (ngoài cùng bên trái), anh Phạm Lê Hào (ngoài cùng bên phải), anh Lê Xuân Thủy (thứ 2 từ phải sang) là ba chuyên gia tiên phong "mở cõi" thị trường Myanmar. Ảnh: NVCC.

- Là một trong ba người đầu tiên sang “nằm vùng”tại Myanmar để “mở cõi” cho việc kinh doanh của tập đoàn, sau sáu tháng gắn bó với đất nước này, anh có những cảm nhận gì về văn hóa, con người ở đây?

- Khi được cấp trên giao trọng trách, ban đầu tôi cũng khá lo lắng vì nếu đi phải sắp xếp rất nhiều việc khác nhau trong đó khó khăn nhất là sắp xếp gia đình. Nhưng khát vọng đi chinh phục thị trường nước ngoài và quan trọng hơn là rèn luyện bản thân đã thôi thúc tôi đến với Myanmar. Tôi cùng Nguyễn Văn Hưng (Hưng “Tám”) và Phạm Lê Hào (Thám hoa FPT 2013) sang Myanmar để phát triển nền móng cho mảng phân phối.

Myanmar là một đất nước thanh bình với hàng ngàn ngôi chùa tháp rất đẹp. Người Miến rất tình cảm, dễ kết bạn, thật thà, ít có chuyện lừa đảo hay “chặt chém”. Người dân sống cộng đồng và có ý thức xã hội tốt.

te-nuoc-450-100712-1413012735.jpg

Tết té nước sôi động của người Myanmar. Ảnh: NVCC.

Văn hóa ẩm thực khác với người Việt, có sự pha trộn của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar. Vị đặc trưng của các món ăn là “cay, ngọt, mặn, nhiều dầu”. Người Myanmar theo đạo Phật nên không ăn thịt chó, ít ăn thịt bò với quan điểm rất nhân văn đó là những con vật giúp ích cho con người.

Myanmar có nền văn hóa đa dạng và phong phú vì có tới hơn 100 dân tộc. Vào tháng 4, người Myanmar đón năm mới với Lễ hội té nước rất vui và náo nhiệt. Tôi rất may mắn khi bắt đầu công việc ở đây đúng dịp Lễ hội té nước, được hòa mình trải nghiệm và khám phá sự náo nhiệt và tính cách hiền hòa, hiếu khách của người Myanmar.

Một điều rất thú vị ở Yangon (thành phố đông dân nhất của Myanmar, nơi FPT đặt văn phòng) là người dân không dùng áo mưa mà hoàn toàn dùng ô khi trời mưa. Những cô gái mặc váy cầm ô thong thả đi trong mưa tạo nên khung cảnh lãng mạn trên đường khiến ai đã nhìn thấy một lần là sẽ nhớ mãi. Ngoài ra, còn rất nhiều điều thú vị về Myanmar nữa.

- Anh đánh giá như thế nào về thị trường phân phối ở Myanmar?

- Trong lịch sử, Myanmar từng là đất nước thịnh vượng nhất Đông Nam Á. Sau nhiều năm dưới sự quản lý của quân đội độc tài và bị cấm vận kinh tế làm đất nước bị tụt hậu, nay bắt đầu mở cửa kinh tế và được xem như miền đất hứa còn lại của của thế giới.  

Thị trường phân phối Myanmar rất tiềm năng với hơn 60 triệu dân, chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế và thị trường đang trong giai đoạn chạy đà chờ cất cánh. Khi thị trường bùng nổ, cơ hội tăng trưởng cả về doanh số và lợi nhuận vô cùng lớn.

anh-myanmar1-450-446886-1413012735.jpg

FPT có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ ở Myanmar.

Mặt bằng thị trường Myanmar hiện nay gần giống như Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước nên FPT có cơ hội lớn áp dụng chiến lược “xuyên thời” ở thị trường này. FPT sẽ có cơ hội được trải nghiệm thêm một lần nữa giai đoạn tăng trưởng thần kỳ ở đây giống như tại Việt Nam giai đoạn 2003-2007.

Thuê bao điện thoại di động mới chỉ có 10% dân số sử dụng, hạ tầng và mặt bằng CNTT cũng như nhiều lĩnh vực khác còn khá thấp. Đây là cơ hội lớn cho nhiều lĩnh vực sở trường của FPT như hệ thống thông tin, viễn thông, đào tạo, phân phối... và thậm chí là những ngành kinh doanh mới.

Tuy nhiên, Myanmar mở cửa cho cả thế giới nên FPT sẽ phải cạnh tranh cùng nhiều đối thủ đẳng cấp quốc tế. Để xây dựng và phát triển mạnh mẽ đòi hỏi FPT phải thể hiện được bản lĩnh và đẳng cấp quốc tế tại thị trường này.

- Theo anh, người FPT làm việc tại đây sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Người Myanmar rất quý và có thiện cảm với người Việt Nam, họ khá tương đồng với mình vì cùng thuộc khối Asean. Các đối tác tại Myanmar có quan điểm làm ăn lớn, kỳ vọng dài hạn và có tinh thần hợp tác cao giúp chúng ta có nhiều thuận lợi khi đến và làm việc tại đây. Hơn nữa, họ rất ủng hộ FPT nên luôn hết lòng hỗ trợ để anh em hòa nhập được môi trường mới cũng như phát huy tốt năng lực của mình trong công việc. Bên cạnh đó, các CBNV ở Myanmar nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ Ban lãnh đạo công ty và gia đình ở Việt Nam nên thêm vững tin đi mở cõi.

Khó khăn chủ yếu là hiểu và thích nghi với những điều mới, từ ăn uống sinh hoạt tới công việc. Đa số nhân viên Myanmar phải đào tạo qua kèm việc. Cách tư duy và ngôn ngữ khác nhau cũng là một khó khăn lớn. Ngoài những khác biệt, việc khó khăn nhất là xây dựng lòng tin cho đối tác. Để làm được điều đó chỉ có cách duy nhất là thể hiện khả năng "nói được làm được", "người thực việc thực" qua công việc hằng ngày.

anh-myan-450-194763-1413012735.jpg

Anh Hoàng Minh Châu, Chủ tịch FPT Myanmar (ngồi giữa hàng thứ nhất) cùng các cán bộ trong buổi ký hợp đồng hợp tác đầu tiên với đối tác tại Myanmar. Ảnh: NVCC.

- Khi công tác tại nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa, cuộc sống, con người mới và phải xa gia đình, bạn bè... Vậy làm thế nào để anh cân bằng cuộc sống trên đất khách?

- Khi xa nhà, tôi thường liên lạc với gia đình, chat với bạn bè bằng nhiều hình thức như viber, facebook, skype… Ở Myanmar, hiện có hơn 300 người Việt Nam từ các công ty khác nhau tập trung chủ yếu ở Yangon. Mọi người thường gặp gỡ bạn bè, đồng hương để chơi thể thao, ăn uống, chia sẻ thông tin, giúp đỡ lẫn nhau…. Ngoài ra, anh em còn mua cả đầu thu K+ sang xem tin tức và các kênh tiếng Việt để "cải thiện" tinh thần và đỡ nhớ nhà.

Về ăn uống sinh hoạt, nguyên liệu nấu ăn ở đây rất sẵn và tươi ngon nên anh em đều mua về tự nấu. Hưng “Tám” là bếp trưởng, Phạm Lê Hào là bếp phó, tôi làm chuyên gia nhặt rau nên anh em hôm nào cũng ăn cơm Việt đúng nghĩa và vui vẻ. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các món ăn Việt để xây dựng quan hệ với khách hàng rất hiệu quả.

Những người bạn địa phương ở đây cũng rất vui khi chơi với anh em FPT nên chúng tôi có khá nhiều bạn mới. Chính những người bạn chơi cùng này sẵn lòng hỗ trợ từ những việc nhỏ nhất như tìm thợ sửa ống nước hay tìm môi giới thuê nhà.

 - Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh ở đất nước Myanmar là gì?

- Người Myanmar có tới 90% theo Phật giáo nên họ có tính cách hiền hòa và trung thực. Trải qua 6 tháng ở đây, tôi rất hiếm khi gặp cảnh cãi vã hoặc đánh nhau ngoài đường, hiện tượng cướp giật cũng chưa gặp lần nào.

Ở Yangon đi lại chủ yếu bằng taxi vì cấm xe máy và xe đạp. Do hầu hết taxi không có đồng hồ tính tiền tự động nên phải hỏi giá trước khi lên xe. Một hôm tôi và Phạm Lê Hào đi tập thể thao, gọi xe taxi báo điểm đến mà không trả giá trước để xem có bị "chặt chém" không. Do tắc đường nên tài xế phải chạy đường vòng xa hơn.

Ngồi trên xe, tôi và Hào đoán xem tài xế sẽ đòi thêm bao nhiêu tiền so với giá thông thường. Thật bất ngờ khi dừng xe, thay vì đòi giá cao hơn, tài xế đòi ít hơn cả số tiền thông thường anh em hay đi. Khi trả thêm tiền bằng số tiền mọi khi hay đi vì thấy anh tài xế thật thà và nhiệt tình thì anh ta nhất định trả lại phần thừa, nói chỉ nhận bấy nhiêu là đủ. Hai anh em vào khu tập thể thao với một chút xấu hổ khi nghĩ xấu về anh taxi thì đồng thời phát hiện để quên một chiếc điện thoại đắt tiền trên xe.

15 phút trôi qua gọi vào máy bỏ quên không được, xác định là mất rồi. Một lúc sau bỗng thấy anh taxi mặt hớt hải cầm điện thoại vào tận khu tập thể thao tìm hai anh em để trả lại điện thoại. Vừa trả lại đồ cho khách xong, anh ta vội vã quay ra mà không cần cảm ơn khiến hai anh em càng ấn tượng về con người ở đây.

- Thời gian làm việc ở Myanmar đã mang lại cho anh những điều gì mới mẻ?

- Thay đổi môi trường sống và làm việc đã giúp tôi học thêm được nhiều điều mới cũng như có thêm nhiều người bạn. Làm việc với thị trường mới, đội ngũ nhân viên mới, văn hóa và cách tư duy khác biệt yêu cầu mình phải thích ứng để hòa nhập và đạt được mục tiêu đề ra. Ở ngoài "chiến trường", nhiều khi phải tự quyết và tự rút kinh nghiệm từ thực tế, điều đó giúp mình trưởng thành hơn trong công việc.

Những điều mới đến từ cuộc sống, đó là những người bạn mới sẵn lòng hỗ trợ. Những buổi tối tụ tập "chém gió", những buổi rủ nhau chơi thể thao cùng hay các sự kiện chung như Quốc khánh… giúp mình học hỏi được nhiều kiến thức mới và kỹ năng về toàn cầu hóa từ những người xung quanh. Đây chính là những điều mà ở Việt Nam ít có cơ hội được trải nghiệm.

Myanmar đang là nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp nước ngoài. Theo báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF), Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030.

Tháng 2 năm nay, HĐQT FPT đã thông qua phương án mở Văn phòng đại diện tại Myanmar và bổ nhiệm anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng Sáng lập, làm Trưởng Văn phòng đại diện.

Văn phòng Đại diện tại Myanmar (tên tiếng Anh: FPT Representative Office in Myanmar) sẽ đại diện tập đoàn thiết lập quan hệ với chính phủ, bộ ngành và các hiệp hội ICT, khách hàng có nhu cầu ứng dụng CNTT tại quốc gia này.

Nguyễn Nhàn thực hiện

Ý kiến

()