Chúng ta

‘Người Mỹ trầm lặng’ họ F

Thứ ba, 11/10/2016 | 10:48 GMT+7

Anh là người nước ngoài hiếm hoi gia nhập FPT vào đầu những năm 2000. Anh chia tay nhà Phần mềm 2 năm sau đó để rồi một thập kỷ trôi qua lại tiếp tục trở thành người FPT một lần nữa, nhưng tại đất Mỹ. Anh là Martin Geiger.

Thế hệ đầu của FPT đều biết “anh Tây” này. Thậm chí, người dẫn đầu đoàn bê tráp trong đám cưới anh và một cô gái FPT - chị Khuất Thanh Thúy (cựu nhân viên FPT Software) vào tháng 10/2001 chính là Chủ tịch Trương Gia Bình. Anh Phan Phương Đạt (Hiệu phó FUNiX) và chị Lại Hương Huyền (Chánh Văn phòng HĐQT FPT) đi xin dâu. Chị Trịnh Thu Hồng (Trưởng ban Nhân sự FPT) là đạo diễn trong khi anh Nguyễn Thành Nam (Hiệu trưởng FUNiX) cùng tốp ca FPT Software hát đám cưới. Phù rể chính là anh Bùi Hoàng Tùng (GĐ FUSA) và dàn bên tráp có mặt anh Hoàng Việt Anh, anh Nguyễn Trọng Nghĩa…

IMG-4149-5837-1476154436.jpg

"Nhờ có sáng kiến của Martin mà chúng ta bấy giờ có G2 của Agilis, G3 của Cogita và G5 của Ambient", anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch ĐH FPT, nguyên Chủ tịch FPT Software, chia sẻ. Ảnh: Dương Thi.

CEO FPT Software Hoàng Việt Anh kể, hôm đó anh bê phải tráp cốm nên đi từ đường vào đến nhà cô dâu phải mất đến nửa tiếng và muốn vẹo hết sườn. “Vui nhất là nhìn chú rể cứ lóng nga lóng ngóng, không ho he nói năng gì, mặt đỏ như uống rượu”, anh Việt Anh nhớ lại. Đó là lúc khái niệm về Việt Nam và FPT dần rõ ràng trong Martin.

Trở thành người họ F không có trong kế hoạch của “anh Tây”, bởi vào năm 2001, Martin đang có một công việc tốt tại tập đoàn tư vấn chiến lược thị trường ParaMarketing ở Mỹ và chưa từng biết đến FPT. Qua một hợp đồng, anh được giao nhiệm vụ viết chiến lược cho tập đoàn, khi FPT muốn đặt chân lên xứ cờ hoa. Lúc dự án hoàn thành, anh Bình và anh Nam ngỏ lời mời gia nhập FPT và thực hiện chính kế hoạch do anh thiết lập. Martin đồng ý, viết đơn xin nghỉ việc, bán nhà và xe rồi bay sang Việt Nam. “Tôi không hề có ý định nào trước đó, chỉ là nắm bắt cơ hội khi nó đến thôi”, anh chia sẻ.

Ngay khi đến đất khách, việc đầu tiên của nhà chiến lược là tập hợp các thành viên ở Hà Nội và đối tác bên ngoài để thực thi kế hoạch. Thời điểm ấy, FPT không có nhân viên nào tại Mỹ. Vì thế, họ phải tìm và thuyết phục rất nhiều công ty công nghệ thông tin chuyên nghiệp trở thành đối tác của mình. Kế hoạch được Martin đánh giá là thành công khi hai trong số các đối tác lúc bấy giờ là Ambient Consulting và CorSource (thường được gọi Agilis/ProDX) vẫn còn làm việc với FPT Software cho đến tận hôm nay.

Không dễ dàng cho một người Mỹ lần đầu đến Việt Nam có thể nhanh chóng thích nghi và hiểu được phong cách làm việc hoàn toàn mới. Lúc ấy, Martin có những suy nghĩ khá tiêu cực và không đánh giá cao FPT Software. Khi thời gian trôi qua, suy nghĩ của anh dần thay đổi. “Càng tiếp xúc với người FPT và Việt Nam, tôi dần hiểu về sứ mệnh, cách thức làm việc và tầm quan trọng của FPT đối với sự phát triển của Việt Nam”.

Quá trình đó ngốn mất 5 năm của Martin song anh đã rời FPT trước đó, sau 2 năm gắn bó, khi kế hoạch Mỹ tiến gác tạm sang một bên. Tuy nhiên, chiến lược gia vẫn kịp để lại dấu ấn khi cùng các thành viên FPT Software thiết lập những mối quan hệ khách hàng nòng cốt, làm tiền đề cho sự phát triển của phần mềm nhà họ F tại Mỹ sau này. “Đứng ở khía cạnh đó, tôi không cho rằng đây là một thất bại”, anh bày tỏ.

Rời FPT năm 2003, Martin đồng sáng lập lần lượt MK Technology Group (tập trung vào thẻ dữ liệu) và Punch Entertainment (phát triển game trên di động) năm 2005. Đến năm 2011, anh bán công ty cho DeNA, công ty truyền thông - giải trí có tiếng ở Nhật và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của đơn vị này ở Hà Nội. Trong suốt một thập kỷ rời xa FPT, cựu chiến lược gia vẫn sống ở thủ đô và giữ mối quan hệ khá thân thiết với đồng nghiệp cũ. Sau 6 năm gắn bó với Punch, Martin hoàn toàn sẵn sàng cho một sự thay đổi mới. Anh chia sẻ mong muốn quay về đất nước cờ hoa với anh Nguyễn Thành Lâm (nguyên TGĐ FPT Software) và anh Bùi Hoàng Tùng với tư cách những người bạn. Bộ đôi đã mời Martin gia nhập FPT một lần nữa. “Tôi nghĩ đó là cơ hội tốt để tận dụng kiến thức học được tại Việt Nam và sự hiểu biết thị trường Mỹ của mình để tạo ra những giá trị riêng biệt cho FUSA. Và tôi đã đồng ý”.

Ban đầu là vai trò một nhà chiến lược, chiếc cầu nối với đối tác và tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới, năm 2014 “anh Tây” được bổ nhiệm làm COO (Giám đốc vận hành) của đơn vị. Giờ đây, mỗi ngày của Martin bắt đầu lúc 8h sáng tại văn phòng Dallas, nhưng trước đó anh đã kiểm tra email tại nhà ngay sau khi thức dậy.

Cái duyên từ Mỹ đến Việt Nam rồi ngược lại, trở về chốn thân thuộc của Martin đều đến từ FPT.

Martin Geiger

Năm sinh: 1967

Sở thích: Quây quần với gia đình. Đầu tư thứ gì đó. Nghiên cứu lĩnh vực hàng không. Du lịch khắp nước Mỹ.

Thuở nhỏ ước mơ làm phi công.

Trong một thập kỷ đó, anh dần hiểu nhiều hơn về phong cách làm việc của FPT và cả người Việt Nam. “Thực dụng” là ưu điểm được “anh Tây” nhắc đến, trong khi nhược điểm cũng được chỉ ra là phớt lờ những rủi ro cho đến khi điều tồi tệ xảy đến, như kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” mà dân gian hay nói.

Từ ngày đầu đến đất nước hình chữ S, Martin được anh Nguyễn Thành Nam gửi cho quyển sách về văn hóa Việt Nam, nhưng anh chỉ đụng đến nó sau khi rời FPT. Bởi ở thời điểm đó, nhà chiến lược không quan tâm quá nhiều đến vấn đề này. Tuy nhiên, bài học quan trọng nhất mà “anh Tây” nghĩ bất cứ người nước ngoài nào làm việc với người Việt Nam cũng nên biết là: “Đừng tỏ ra mình là một giáo sư hay chuyên gia”.

IMG-4150-1-5318-1476154436.jpg

Martin (phải) đang là COO của FUSA. Ảnh: Dương Thi.

COO FUSA nhận ra mọi người rất tôn trọng người nước ngoài với nhiều kinh nghiệm trong công việc và tạo ra những thứ có giá trị trong quá khứ. Người Việt muốn học hỏi nhưng cũng mong đợi họ tạo ra giá trị và chứng minh những sự chỉ bảo đó là hữu ích. “Đó là thách thức của tôi trong những ngày đầu, để hiểu và thích nghi với văn hóa của các bạn. Giờ đây, sau 10 năm, tôi thấy rằng khoảng cách giữa văn hóa làm việc của hai nước đã thu hẹp đáng kể, đặc biệt là trong ngành phần mềm”.

Nhưng bản thân Martin đã tự thân trở thành một “người thầy” của nhiều thế hệ người FPT. Sự chuyên nghiệp và thấu đáo trong công việc của anh gây ấn tượng với anh Hoàng Việt Anh ngay lần đầu gặp gỡ. “Martin đã dạy cho tôi nhiều từ những ngày đầu làm xuất khẩu phần mềm, khi đi những bước đầu tiên tại thị trường Mỹ”, CEO FPT Software nhấn mạnh.

FPT không chỉ là công việc mà còn là “ông tơ - bà nguyệt” cho Martin với “mối tình Việt Nam” trong cuộc đời anh. Tình cảm với FPT trong “anh Tây” vẫn giữ nguyên theo năm tháng còn nhờ vào những câu chuyện bất tận của người đời. “Có những điều chỉ ai từng làm FPT mới hiểu. Mặc dù đã chia tay nhưng tôi sẽ nói mãi về công ty. Đó chính là thành công bền vững của một doanh nghiệp. Đó chính là văn hóa và cái tâm lớn của một doanh nghiệp thành công”, chị Thúy tâm đắc giãi bày.

Với Martin, Việt Nam chính là ngôi nhà thứ hai, nơi vợ và con anh đều được sinh ra. Còn FPT, có phải là gia đình thứ hai của anh?  “Tôi chỉ có thể nói rằng, thật may mắn khi được gặp người phụ nữ của cuộc đời mình tại FPT. Chúng tôi không bao giờ quên sự hỗ trợ tận tình của các thành viên trước, trong và sau khi đám cưới diễn ra. Chuyển đến Việt Nam và gia nhập FPT năm 2001 là quyết định mà tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc trong đời”.

“Người Mỹ trầm lặng” (tựa tiếng Anh: The Quiet American) là một bộ phim của nhà văn Graham Greene về công việc của một phóng viên chiến trường với những thử thách khắc nghiệt. Với Martin Geiger, hành trình xuất khẩu phần mềm của FPT tại Mỹ cũng đầy gian nan trước khi thu được trái ngọt.

FPT tại Mỹ (FPT USA - FUSA) thành lập ngày 13/10/2008 có trụ sở chính tại Texas và 6 văn phòng kinh doanh ở Los Angeles, New York, Bellevue, Renton, Silicon Valley.

FUSA đang là đối tác với 40 khách hàng lớn, trong đó có 8 khách hàng trong danh sách Fortune 100. FPT USA đã chứng minh khả năng qua việc cạnh tranh bình đẳng với những công ty IT lớn nhất thế giới. FPT tại Mỹ đang tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dịch vụ trên nền công nghệ mới Cloud, Mobility, Analytics. 

>> FPT USA có quy mô gấp hơn 150 lần sau 7 năm

Trương Sanh

Ý kiến

()