Chúng ta

Người FPT ở Pháp an toàn

Thứ bảy, 14/11/2015 | 15:30 GMT+7

Theo đại diện FPT Software, đơn vị có hai nhân viên là anh Phạm Vũ Xuân An và chị Trần Nữ Quỳnh Như, thuộc FSU1, đang ở Pháp trong thời điểm vụ khủng bố tại Paris.

Trước đó, khoảng 9h tối ngày thứ Sáu, nhiều vụ tấn công nã súng đã liên tiếp xảy ra tại nhiều địa điểm như thủ đô Paris và ở Saint-Denis (Pháp). Tại quận 11, một người đã nổ súng ở trước quán cà phê La Belle Equipe. Tại nhà hát Bataclan, vụ nổ súng xảy ra và ít nhất 35 người thiệt mạng, khoảng 100 người bị giữ làm con tin. Một vụ nổ súng cũng xảy ra tại nhà hàng ở quận 10 và bên ngoài sân vận động Stade de France và ít nhất hai nhà hàng, lúc 9h17 và 9h19 tối.

Tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn nước Pháp. Paris bị giới nghiêm. Tổng thống Hollande ra lệnh đóng cửa biên giới.

Untitled-1-6869-1447475300.jpg

Anh An và chị Như đã thông báo mình an toàn.

Theo anh Ngô Duy Khang, Giám đốc thị trường Pháp của FPT Software, đơn vị có 2 nhân viên đang đi onsite một tháng ở Toulouse cho khách hàng Devoteam. 

“Vãi cả IS, các chú làm thế thì anh dám đi đâu”, cách đây khoảng 3h, anh An có cập nhật status và cho biết mình an toàn. Toulouse là một thành phố ở tây nam nước Pháp, cách thủ đô Paris 730 km. Đây là vùng đô thị có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Âu.

FPT Software có các khách hàng lớn ở Paris như Neopost, Criteo... "Chúng tôi đang liên lạc với các đối tác để cập nhật tình hình", GĐ Ngô Duy Khang nói và khuyến cáo nhân viên hạn chế ra ngoài ban đêm, tránh nơi đông người và metro.

Hay tin Paris, thành phố của tình yêu và du lịch, bị khủng bố, anh Lê Hà Đức, nguyên GĐ FPT tại châu Âu, cảm thấy sốc. "Paris không còn là nơi an toàn nữa rồi", anh Đức than và cho biết sau sự việc này người châu Âu sẽ rất nghi ngại khi nhìn thấy những người nước ngoài. Trước đó, châu Âu vừa tiếp nhận hàng chục nghìn người Syria di cư.

2015-11-14-105326-3404-1447475300.png

Trạng thái mới nhất của anh An.

Tối qua, đi ngủ sớm nên chị Như không biết thông tin vụ khủng bố. Sáng dậy thấy nhiều cuộc gọi nhỡ, tin nhắn của người thân, bạn bè, chị mới biết. “May quá vẫn không sao. Tôi bất ngờ và lo lắng cho mọi người ở Paris”, chị Như nói và chia sẻ thêm “tôi có kế hoạch đi Paris vào tuần cuối cùng của tháng 11 nhưng chắc phải hủy”.

Một người FPT khác là chị Đặng Thị Huệ Chi, PGĐ Trung tâm quản lý đối tác phía Nam kiêm PTGĐ Phương Nam, FPT Telecom, có con gái đang học ở Paris. Thời điểm khủng bố, nữ du học sinh này đang ở nhà và vừa xem trực tiếp sự kiện trên truyền hình Pháp và tường thuật qua Facebook cho các đồng nghiệp ở VnExpress. “Cháu đã chủ động gọi về Việt Nam để thông báo an toàn. Chỗ cháu ở cách khu vực đáng bom khoảng một giờ đi metro”, chị Chi nói.

Ngay lập tức, Facebook tung tính năng đánh dấu an toàn sau vụ khủng bố tại Paris. Theo đó, ứng dụng này cho phép người sử dụng trong một khu vực thông báo với bạn bè rằng mình vẫn an toàn.

2015-11-14-100024-5977-1447475300.png

Facebook cập nhật ứng dụng thông báo an toàn. Có 2 người trong danh sách bạn bè của tác giả đã sử dụng chức năng này.

Công cụ này sẽ hỏi người sử dụng rằng họ có “đang ở trong khu vực bị ảnh hưởng” không và có muốn thông báo cho bạn bè rằng mình vẫn ổn hay không. Đối với những người dùng sống bên ngoài nước Pháp, công cụ này sẽ giúp họ biết bất cứ người thân hoặc bạn bè nào của mình đang ở vùng lân cận và liệu họ có ổn không.

Công cụ này có thể được sử dụng để tìm kiếm một người bạn cụ thể. Ngoài ra, nếu bạn biết được ai đó đang an toàn và muốn thông báo cho bạn bè của mình, bạn cũng có thể đánh dấu người đó an toàn bằng “Mark Safe”. Chức năng này được bật gần nhất là vụ động đất ở Nepal hồi tháng 4.

>> ‘Chỉ FPT, Vinamilk, Viettel đủ sức vươn toàn cầu’

Nguyên Văn

Ý kiến

()