Chúng ta

Mục sở thị phố 'đèn đỏ' ở Hà Lan

Thứ hai, 5/11/2012 | 08:50 GMT+7

Khu đèn đỏ “Red light” ở Hà Lan tràn ngập những cửa hàng bán sex toys, phim sex. Rất nhiều ngôi nhà có đèn neon màu đỏ, tấm màn nhung đỏ hoặc trắng. Phía sau khung cửa kính là những cô gái mặc bikini khoe thân thể, đang đứng "chào hàng" rất tự nhiên.
> Bữa cơm Việt đầu tiên ở trời Âu

Phía sau khung cửa kính là những cô gái mặc bikini khoe thân thể ở khu Red light. Ảnh: S.T.

Phía sau khung cửa kính là những cô gái mặc bikini khoe thân thể ở khu Red light. Ảnh: S.T.

Ngày thứ ba, theo lịch, đoàn chúng tôi đi Hà Lan. Duy chỉ có một đôi vợ chồng cùng con nhỏ phải ở lại Paris vì đi xa sợ cháu mệt. Cả nhà ở lại để đi Disneyland thì bị mưa to, không chơi được mấy lại về khách sạn sớm. Nhóm 6 người chúng tôi may mắn hơn là 5h30 có mặt ở Gare du nord để đi Amtesdam, Hà Lan.

Nhìn khung cảnh sân ga tôi lại chợt nhớ đến ga mà Harry Potter đến trường phù thủy để học phép thuật, không biết cửa 9 ¾ ở đâu ý nhỉ. Lúc ấy, tôi mới thật sự hình dung được nhà ga của châu Âu, vừa hiện đại vừa cổ kính và thật lạ mắt. Rồi chứng kiến cảnh những đôi nam nữ chia tay ở sân ga quyến luyến nhau, đặc biệt là họ hôn tự nhiên trước mắt bao người, không có cảm giác e thẹn, xấu hổ.

Khi đến cửa ga, trời bắt đầu lất phất mưa nhưng trên quãng đường 1000 km, trời lại hửng sáng dần. Chúng tôi được đón ánh ban mai dần hiện rõ khi đi qua Bỉ và đến Hà Lan. Ánh mặt trời rạng ngời tỏa ra những tia nắng vàng ánh đỏ trên nền trời xanh ngắt. Những nông trang tít tắp chạy qua vùn vụt trước mắt chúng tôi, mờ mờ lớp sương sớm đang tan dần.

Nhìn từ trên tàu thấy một dòng xe đứng yên, tôi thầm nghĩ đường cao tốc sao lại tắc đường dài thế. Đến khi nhìn kỹ hóa ra là do tàu chạy quá nhanh nên khi nhìn vào dòng xe như đứng yên. Lúc tôi phát hiện ra thì thấy mình vừa ngờ nghệch vừa buồn cười, cũng thấy vui vui. Hãng tàu Thalys đi thật nhanh và hiện đại. Chúng tôi được ngồi toa riêng có wifi trên tàu, có chỗ xạc iPad, điện thoại, ghế ngồi rộng hơn ghế máy bay, vận tốc trung bình là 300 km/giờ. Chúng tôi so với tàu Việt Nam thì quả là khác xa, đi 3 tiếng một ngàn cây số, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Được đi chuyến tàu này cũng thật xứng đáng.

8h30, chúng tôi đã đặt chân đến thành phố Amtesdam, nhà ga Amterdam xây dựng giống như một lâu đài. Nhìn bên ngoài tưởng như là ngôi nhà của một vị lãnh chúa giàu có chuyên nghề lúa gạo. Dưới nắng sớm hiếm hỏi của những ngày cuối thu, chúng tôi thu mình nép vào nhau vì thời tiết khá lạnh. Sau khi ăn sáng, chúng tôi dạo quanh quảng trường Dam square, nơi tháp chuông nhà thờ cao vời vọi. Chúng tôi đi lang thang dạo qua các con phố, khu trưng bày tượng sáp, nơi tái hiện những hình tượng về con người, cuộc sống của Hà Lan, bảo tàng Vangogh với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới.

Một số bảo tàng độc đáo mà khách du lịch rất ưa chuộng như bảo tàng về tình dục (sex museum), bảo tàng đề tài khiêu dâm (erotic museum), bảo tàng về các trò tra tấn (torture museum), bảo tàng các túi sách và ví (museum of bags and purses)… Hà Lan là một quốc gia cởi mở và tự do về phương diện tình dục. Khu đèn đỏ “Red light” tràn ngập những cửa hàng bán sex toys, phim sex… Rất nhiều ngôi nhà có đèn neon màu đỏ, tấm màn nhung đỏ hoặc rèm trắng. Phía sau khung cửa kính là những cô gái mặc bikini khoe thân thể, đang đứng "chào hàng" rất tự nhiên. Du khách có thể đi bên ngoài đường để nhìn ngắm các cô gái mang nhiều màu da, nhiều “kích cỡ”. Thỉnh thoảng có một số khách ghé vào hỏi han và có vị đã được “mời vào phòng”.

Chúng tôi hơi thất vọng vì đường phố quá bẩn, nhất là khu phố có nhiều nhà hàng và khu phố Đèn đỏ, khu tập trung ăn uống và chơi đêm nổi tiếng của Hà Lan và dòng kênh rạch quanh khu phố du lịch. Dự định của chúng tôi là sẽ xuống thuyền đi tour dọc các con kênh nhưng bất thành vì nhìn thấy nước quá bẩn và nhiều rách thải trên dòng kênh đã chuyển màu do ô nhiễm.

Lưu dấu ở Quảng trường Dam square, Hà Lan trong chuyến du lịch châu Âu. Ảnh: NVCC.

Lưu dấu ở Quảng trường Dam square, Hà Lan trong chuyến du lịch châu Âu. Ảnh: NVCC.

Buổi chiều tà trước khi rời Hà Lan, chúng tôi dạo quanh quảng trường Dam và ngắm những con chim bồ câu đậu đầy trên sân, thân thiện, không sợ hãi con người. Chúng tôi cho các chú chim ăn gạo và chụp ảnh với đàn bồ câu, đúng là cảnh tượng tuyệt vời tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh. Đâu đó các góc quảng trường là những người hát rong, làm trò đang diễn… Chúng tôi không có thời gian ở lại để được hòa vào không khí của Amtesdam, được chứng kiến khung cảnh hoạt náo của một trung tâm châu Âu sống về ban đêm. Một người bạn trong đoàn trước khi ra về còn nuối tiếc và muốn đến Hà Lan một lần nữa và “chỉ đi một mình”…

22h30, chúng tôi về lại khách sạn ở Pháp. Trời lại mưa rét, hy vọng sáng hôm sau trời tạnh để còn thực hiện kế hoạch shopping.

Ngày thứ 4, sáng sớm, có lẽ vì lý do mệt mỏi do một ngày quần thảo ở Hà Lan mà thời tiết lại ủng hộ chúng tôi, mưa sụt sùi suốt buổi sáng. Được thể, chúng tôi ngủ nướng, dậy muộn, nấu ăn trưa một bữa thịnh soạn cuối cùng trước khi rời Paris để sang Đức. Nào lẩu bò, rau diếp, chim bồ câu hầm thuốc bắc, nào trứng tráng các loại rau cỏ còn lại mang ra chế biến vì về Đức, chúng tôi ở khách sạn không có cơ hội tụ tập nấu nướng nữa. Trước khi ra sân bay, tôi và vợ sếp còn lượn qua đại lộ Elysee ngắm một số đồ hàng hiệu. Thời gian không còn nhiều nên đành ngậm ngùi sang Đức dành thời gian shopping thật nhiều.

Đến Hamburg, Đức, chúng tôi lên taxi về trung tâm, bất ngờ đầu tiên khi đặt chân đến đây là taxi không chở quá người dù đó là trẻ em 4 tuổi. Ở Pháp vẫn đi được 8 người lớn và một trẻ em trên hai xe 4 chỗ, thế nhưng sang Đức trẻ em tính là một người, thậm chí phải có order riêng loại xe có chỗ ngồi có ghế dành cho trẻ em.

Thế là đoàn chúng tôi đi 3 xe về khách sạn, may thay tiền taxi ở Đức rẻ gần bằng một nửa ở Pháp nên không có vấn đề gì lắm. Một bất ngờ nữa là taxi ở Đức quy định một loại là Mescedes màu vàng, ngoài ra không được loại xe khác và màu khác. Chúng tôi như được là những khách hạng sang ở Việt Nam vậy, nhìn xe đẹp bóng loáng mà chạy taxi thì phí quá, giá mà mình có xe này để đi ở Việt Nam thì tốt biết mấy.

Trên đường từ sân bay về khách sạn Sofitel, có rất nhiều cây lá đỏ, lá vàng lá trắng như bông trông thật lạ mắt. Đến khách sạn, chúng tôi nhận phòng, sau đó cùng nhau kéo đến căn hộ của hai anh làm cùng công ty của chồng tôi đã sang từ một tuần trước. Lần này chúng tôi lại được ăn gà già, sườn rán, lạp xường rán, bò xào cần tỏi tây, canh bí xanh do hai anh chế biến.

Đức có món gà già ngon tuyệt giống như gà chạy bộ Việt Nam, phải nấu gần 3 tiếng mới được thưởng thức. Chúng tôi ăn cơm và trò chuyện vui vẻ. Lúc này đã bắt đầu thấm mệt vì mấy ngày đi nhiều, tối về khách sạn ngủ liền một mạch đến sáng, bắt đầu quen giấc ngủ châu Âu.

Ngày thứ 5, chúng tôi ăn sáng bằng cơm muối vừng, lúc ấy cơm muối vừng giá trị làm sao. Vì đoàn có cháu nhỏ nên thường xuyên có nồi cắm cơm. Cơm muối vừng ăn lúc trời lạnh giá lại nhớ nhà da diết. Thế rồi đoàn chúng tôi lại lao ra đường phố Hamburg, dạo phố dọc theo dòng sông Elbe hiền hòa, một bầy thiên nga trắng muốt tung tăng bơi lội. Chúng tôi vừa chụp ảnh vừa co ro, vậy mà cái lạnh ấy chẳng ảnh hưởng đến những chú thiên nga của xứ ôn đới này.

Vừa chụp ảnh, vừa co ro đi dạo phố ở Hamburg. Ảnh: NVCC.

Vừa chụp ảnh, vừa co ro đi dạo phố ở Hamburg. Ảnh: NVCC.

Chúng tôi chụp được rất nhiều ảnh đẹp, nhưng mục tiêu lớn nhất là đi siêu thị để mua sắm đồ về cho gia đình. Chúng tôi chia thành ba nhóm nhỏ hơn để mua cho dễ. Thời điểm này không phải mà mùa hàng giảm giá nên mua gì cũng phải cân nhắc. Hàng hóa đương nhiên là chuẩn rồi, chỉ có giá cả thế nào thôi. Lúc đầu mọi người còn dè dặt nhưng về sau mua rõ nhiều. Ai cũng nói, giá như có nhiều tiền để mua được nhiều thứ hơn nữa

Chúng tôi tạm nghỉ ăn trưa ở quán phở, mỳ các loại do người Việt Nam chế biến. Món ăn rất ngon và nhiều nữa, lượng nhiều gấp đôi ở Việt Nam. Chúng tôi đưa đồ về khách sạn và chiều lại làm một “quệt” tiếp. Khách sạn cách trung tâm mua sắm khoảng 300 m vì vậy, đoàn chúng tôi thi nhau ra siêu thị mua sắm, nào đồng hồ, giầy dép, áo mũ, kính thời trang, đồ mỹ phẩm, dầu gội sữa tắm đủ cả. Đúng là mua sắm thỏa thích, mỗi tội khi về khách sạn tính lại cũng thấy mình có quá tay nhưng mà được thỏa mãn lắm.

Ngày thứ 6, hai vợ chồng tiếp tục hành trình bay về Frankfurt, nơi có gia đình bạn chồng đang sinh sống. Chúng tôi đến Frankfurt đúng lúc thời tiết xuống thấp trong suốt mấy tuần trở lại đây. Nhiệt độ trong ngày là 6 độ C , còn lúc tôi đến là 3 độ C. Lần đầu tiên được ở ngoài trời với nhiệt độ lạnh nhất trong đời, tôi có cảm giác vô cùng thích thú.

Chúng tôi dừng xe chụp ảnh trên cầu và thành phố hiện đại. Cảnh rất đẹp nhưng cũng chỉ đứng ngắm được một lúc là tôi lại chui tọt vào xe vì không chịu được rét. Chúng tôi đi lòng vòng thành phố, đến tháp bút chì, đài truyền hình, trung tâm mua sắm của Frankfurt vẫn còn đang đóng cửa. Đây đó có một vài cửa hàng đang chuẩn bị dọn đồ mở cửa dần.

Tôi bị choáng ngợp bởi sự văn minh, lịch sự của Đức. Anh bạn chồng tôi khi đỗ xe xong là đến cây tính tiền tự động tự mua vé gửi xe, ý thức của người dân thật tốt. Khi đi trên đường cần rẽ trái hay rẽ phải, hai xe đều ra hiệu cho nhau để xin đường, có lúc cả hai xe đều nhường nhau, điều này hiếm có ở giao thông nước mình. Xe ô tô không cất trong gara của gia đình mà để cả ngoài đường, đi lại cho tiện và chẳng lo bị tháo mất gương hay bánh xe.

Sau khi đi một vòng thành phố, chúng tôi trở về ngôi nhà của vợ chồng người bạn chồng tôi ở Darmstadt. Gia đình anh chị sống trong một ngôi biệt thự hai tầng có nhiều phòng và không gian rất ấm cúng. Tôi thích không gian của nhà vườn bên đó, thoáng đãng, sạch sẽ, có đầy đủ trang thiết bị, sân vườn có các trò chơi cho trẻ em như bóng đá, nhà bóng, bóng bàn, bóng rổ…

Ấm áp khi không khí gia đình Việt hiện hữu ở Đức. Ảnh: NVCC.

Ấm áp khi không khí gia đình Việt hiện hữu ở Đức. Ảnh: NVCC.

Tôi ấn tượng nhất với khoảng sân vườn có khu nuôi cá cảnh mang tên Hoàng Sa, có con tên Trường Sa, mỗi con đều có tên do anh đặt. Vườn cây có các loại hoa hồng, hoa thược dược, hoa tầm xuân rất đẹp, bông to như cái đĩa tây. Đặc biệt còn có cả bầu, bí xanh, bí ngô, cà tím, rau cải, rau mùi của Việt Nam được trồng cấy rất cẩn thận. Tôi thích được hái táo và nho ăn tại vườn, quả sai chĩu rụng đầy dưới gốc cây, thật tươi ngon.

Buổi tối, cả hai gia đình quây quần cùng ăn phở Việt Nam, cá chép nướng do anh chị nấu. Món ăn thật tuyệt vì anh là đầu bếp kiêm quản lý nhà hàng do anh chị tự kinh doanh. Đến tối, nghe chị nói tiếng Việt và bảo các cháu nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, chúng tôi thấy vô cùng ấm cúng. Các cháu vẫn học trường của Đức nhưng bố mẹ luôn dạy thêm tiếng Việt. Tôi thấy được bản sắc văn hóa của gia đình Việt vẫn hiện hữu ở đây. Chúng tôi hẹn có dịp anh chị đưa các cháu về Việt Nam sẽ tổ chức tour để cả nhà được thăm các di sản của đất nước và để các cháu hiểu biết thêm cuộc sống ở quê hương.

Tôi đã gặt hát được nhiều niềm vui từ chuyến du lịch này. Có những điều chúng ta nên học hỏi và có những thứ cần lưu giữ mãi về sau. Mặc dù thời gian trải nghiệm ở chuyến đi này không nhiều nhưng cũng coi như tôi đã được một lần đặt chân đến cái nôi văn minh của châu Âu.

Phần 1: Bữa cơm Việt đầu tiên ở trời Âu

Thu Hiền

Ý kiến

()