Chúng ta

'Món quà giúp học sinh thêm yêu trường lớp'

Thứ sáu, 15/11/2013 | 15:30 GMT+7

“Thầy trò nhà trường rất cảm động trước món quà về vật chất cũng như tinh thần mà đoàn FPT đã mang đến. Đây là động lực giúp chúng tôi phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục, mang ánh sáng tri thức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và giúp các em có thêm tình yêu vào học tập”, thầy Phạm Trường Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú Thượng Trạch, bày tỏ.
> FPT mang niềm tin đến người dân vùng bão / Món quà thể hiện tấm lòng nhân ái của FPT

Dưới tiết trời nắng mưa bất chợt, vượt nhiều chặng đường đèo dốc trên chiếc xe của Hội chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình, đoàn FPT đã về với những xã khó khăn nhất thuộc hai huyện  Bố Trạch Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “ FPT ngàn tấm lòng - hướng về miền Trung ruột thịt” do công đoàn FPT tổ chức với nhiều hoạt động trong thăm hỏi động viên, tặng quà cho bà con các tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam, nơi vừa chịu thiệt hại nặng do do cơn bão số 10 và 11.

Đặc biệt, đoàn cũng đến trao tặng tủ sách, học bổng và các quà tặng khác cho học sinh các trường thuộc diện khó khăn trong địa bàn.

a

Các em học sinh người dân tộc Arem, trường THPT Dân tộc nội trú Tân Trạch.

Theo thầy Lê Văn Trương, Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú Tân Trạch, toàn xã có 119 cháu trong độ tuổi đi học. Hiện tại, xã đã có trường cấp 1, cấp 2 nhưng cơ sở vật chất lại quá thiếu thốn. 35 cháu đủ độ tuổi học mầm non không có lớp để học. Nhà nội trú của cán bộ giáo viên có 5 phòng nhưng có tới 29 người ở. Học sinh không có sách vở, đồ dùng học tập, chủ yếu nhà trường tự mua sắm. Bàn ghế cho học sinh không đủ, ở bản chưa có điện lưới, chỉ dùng điện năng lượng.

“Với hoàn cảnh khó khăn như vậy nên tập thể thầy trò nhà trường vô cùng xúc động khi được đón đoàn FPT về thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn sau cơn bão vừa qua. Mọi người đã không quản trời mưa to, đường xa khó đi, vượt núi băng rừng đế đến nơi đây. Những món quà của FPT rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong công tác dạy và học của nhà trường. Tấm lòng đáng quý ấy, thầy trò chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi”, thầy Trương xúc động nói.

a

Thầy Trương xúc động khi đón đoàn FPT về thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn sau cơn bão vừa qua.

Thầy cho biết thêm, trường học nằm ở vùng sâu vùng xa, các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế rất khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học còn rất đơn sơ. Điều vất vả nhất là quá trình vận động, thay đổi tư tưởng của bà con dân tộc về việc cho con đi học. Các thầy cô cũng phải rất vất vả khi dạy dỗ vì hầu như các em chưa nhận thức được sự cần thiết của học tập. Bút, vở và các đồ dùng học tập khác, thầy cô đều phải tự mua cho học sinh.

Thầy cũng hy vọng sẽ được các nhà hảo tâm giúp các em có đủ bàn ghế để ngồi học, có một chiếc TV để buổi trưa ở lại trường, các em được xem tin tức, được tiếp xúc với văn minh. “Tôi lúc nào cũng mong mỏi sẽ có một bộ loa để phục vụ các chương trình văn hóa văn nghệ vì các em rất thích ca múa. Thầy cô trong trường cũng gặp muôn vàn khó khăn, muốn giúp đỡ các em nhưng ‘lực bất tòng tâm'. Do vậy, chúng tôi chỉ biết hy vọng vào sự giúp đỡ của các tổ chức nhân ái như FPT”, thầy nói.

Cô Nguyễn Thị Kiều Loan, phụ trách công tác đội và chăm lo đời sống cho các em khi ở bán trú, bồi hồi kể lại: “Trước khi công tác ở trường, tôi không biết rằng cuộc sống của các em lại khó khăn, vất vả như vậy. Khi tận mắt chứng kiến, trải qua nỗi khổ cùng bà con ở đây, tôi càng quyết tâm đem hết sức mình giúp các em có những niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống thêm ấm áp. Thật vui khi các CBNV FPT đã không quản khó khăn tới đây, cùng sẻ chia những nỗi cơ cực và thắp lên ánh sáng cho ước mơ của các em. Tôi rất xúc động”.

Khi nói xong, trong mắt cô giáo trẻ bỗng ngấn lệ. Trong suốt buổi gặp gỡ, cô luôn ân cần chăm sóc cho các em. Cô Loan cũng là người dạy các em những bài hát, điệu múa để các em thêm yêu cuộc sống, yêu mái trường. “Tôi rất cảm động trước những tấm áo đồng phục mà các anh chị FPT đã tặng và tận tay mặc cho các em. Mùa đông này, các em sẽ bớt lạnh hơn nhờ tấm áo ấm tình thương của tập đoàn”, cô rưng rưng nói.

a

Các em học sinh tươi tắn trong chiếc áo mới, phấn khởi hát tặng đoàn.

Khi đoàn tới, các em học sinh đã ngoan ngoãn đứng quây quần trong sân trường từ lâu. Em Y Rôn, học sinh lớp 4, nhìn các thành viên đoàn với ánh mắt khá rụt rè, đứng nấp sau lưng các bạn. Phải mất khá nhiều thời gian mới gọi được em lại gần trò chuyện. Lúc này, mọi người mới thấy được em đi chân đất, chân tay lấm lem và mặc một bộ quần áo cũ đã rách nhiều chỗ, đứng run rẩy trong mưa. “Em muốn có sách bút, quần áo mới và cơm ăn mỗi ngày”, cô bé nói lí nhí và diễn đạt một cách khó khăn khi được các anh chị hỏi về mơ ước của mình.

Các thành viên đoàn và thầy cô giáo lần lượt đi phát kẹo và mặc từng tấm áo khoác đồng phục mới cho các em học sinh. Ánh mắt các em dường như tươi sáng hơn, miệng cười ríu rít. Khi mọi người đang chợt cảm thấy ái ngại, xót xa thì rất bất ngờ khi các em đứng xếp hàng ngay ngắn, đồng thanh hát vang nhiều bài hát bằng tiếng Kinh rất hay. Sự nhút nhát, rụt rè khi nãy dường như đã tan biến. Nét hồn nhiên, vô tư đã trở lại trên gương mặt trẻ thơ của các em.

Chia tay thôn Tân Trạch, đoàn đến thăm các em học sinh và thầy cô giáo ở trường THPT Dân tộc nội trú Thượng Trạch. Cơ sở vật chất của trường khá hơn song nhìn chung vẫn khó khăn, thiếu thốn. Thầy Hiệu trưởng Phạm Trường Thọ bày tỏ: “Thầy trò nhà trường rất cảm động trước món quà về vật chất cũng như tinh thần mà đoàn FPT đã mang đến. Đây là động lực giúp chúng tôi phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự nghiệp giáo dục, mang ánh sáng tri thức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và giúp các em học sinh có thêm tình yêu vào học tập”.

a

Đoàn FPT đến gặp gỡ và trao quà cho các em ở xã Thượng Trạch.

Thầy cho biết thêm, nhà trường rất khó khăn để vận động được các em học sinh đến trường vì nhu cầu và động lực học tập của các em chưa có. Các em chưa xác định được học để làm gì, việc học gần như là “ép buộc”. Nhà các em ở trong rừng sâu khá xa trường, đi bộ mất cả ngày vì đường rất khó đi. Tuy ở nội trú được thầy cô chăm lo nhưng cứ một vài tuần các em lại trốn về nhà đi làm nương rẫy. Nhiều khi thầy cô đến trước nhà để vận động phụ huynh thì các em trốn ở phía sau. Dù thầy cô trong trường cùng các ban ngành chức năng rất nỗ lực tuyên truyền việc học tập nhưng tư tưởng của bà con và các em vẫn chưa cải thiện nhiều.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác dạy và học. Cơn bão vừa qua làm vỡ hết các ô cửa kính, nhà trường phải tu sửa mất nhiều tiền nhưng chưa có khoản nào để bù đắp. Chính quyền địa phương cũng rất khó khăn, trường chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của tỉnh và các đoàn hảo tâm. Lán xe của trường cũng do thầy cô góp tiền xây dựng, mọi thứ nhỏ nhất đều phải chắt chiu, dành dụm.

32 thầy cô đang ở chung trong 7 phòng tập thể. Đó vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc. Mỗi lần về nhà, các thầy cô đều mang đồ ăn sao cho đủ dùng trong 10 ngày. Cuộc sống khó khăn nhưng các thầy cô đều rất yêu nghề và hơn cả là yêu các em học sinh, mong các em được học hành để có tương lai tươi sáng hơn.

a

Thầy Thọ (trái) hy vọng có được bộ loa máy phục vụ văn nghệ cho các em học sinh.

“Tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của tập đoàn FPT. Tuy các em chưa thật sự chú tâm vào học tập nhưng có tâm hồn rất trong sáng, hồn nhiên, yêu thích ca hát. Nếu có được bộ loa máy phục vụ văn nghệ cho các em, tôi tin các em sẽ mạnh dạn và yêu thích việc học hơn”, thầy Thọ mong mỏi.

Khi được trao học bổng, em Y Chun, học sinh lớp 8 của trường THPT Dân tộc nội trú Thượng Trạch, xúc động nói: “Em rất thích được đi học, được đến trường cùng bạn bè nên sẽ chăm chỉ học giỏi để sau này được ra thành phố học cấp 3. Em rất vui khi được nhận học bổng, đây là số tiền rất lớn và ý nghĩa với gia đình em”.

Khi được nhận những phần quà ý nghĩa từ FPT, thầy Đoàn Ngọc Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hóa Sơn, chia sẻ: “Cũng giống như toàn thể các thầy cô và các em học sinh, tôi rất vui mừng và xúc động khi nhận được tin đoàn FPT về thăm hỏi, động viên thầy trò nhà trường. Những quà tặng của đoàn thực sự rất ý nghĩa và cần thiết với chúng tôi vì các em học sinh đa số là con em dân tộc thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn, điều kiện học tập thiếu thốn nhiều. Những suất học bổng, những quyến sách và chiếc áo đồng phục là sự động viên rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho thầy trò cùng nhau phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học”.

hs-10-439447-1413013365.jpg

Em Đinh Thị Hằng (phải) cho biết: “Em rất vui và hạnh phúc khi nhận được quà từ các anh chị FPT".

Nhận được học bổng, em Đinh Thị Hằng, học sinh lớp 8, cho biết: “Em rất vui và hạnh phúc khi nhận được quà từ các anh chị FPT. Em sẽ sử dụng học bổng để học thêm tiếng Anh và giúp đỡ bố mẹ. Sau này em ước mơ trở thành họa sĩ vì em rất yêu thích môn vẽ”.

“Em thích học môn Toán và tiếng Việt. Em rất vui và bất ngờ khi được nhận học bổng, em sẽ cố gắng phấn đấu học giỏi hơn nữa để trở thành thầy giáo”, em Cao Ngọc Quyết, học sinh lớp 5, bày tỏ.

Em Nguyễn Thị Linh, lớp 5, là học sinh giỏi môn Toán và tiếng Việt. Em ước mơ được làm cô giáo dạy Văn để giúp đỡ các bạn nhỏ khác. "Em thích nhất là chiếc áo đồng phục mà anh chị đã tặng. Em sẽ mặc đi học mỗi ngày và giữ gìn cho thật mới. Học bổng của em sẽ tặng cho mẹ để mua gạo và để dành một ít để mua sách mới", em vui vẻ nói. 

a

Em Nguyễn Thị Linh (giữa), là học sinh giỏi môn Toán và tiếng Việt. Em ước mơ được làm cô giáo dạy Văn để giúp đỡ các bạn nhỏ khác.

Điểm đến cuối cùng của đoàn là trường Tiểu học và THCS Hóa Phúc, Minh Hóa, Quảng Bình. Đây cũng là điểm trường khó khăn vì học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số Sách và Thổ. Em Đinh Thị Bích Phương, học sinh lớp 8, hiện đang ôn thi học sinh giỏi môn tiếng Anh, vui vẻ bày tỏ: “Em rất vui và tự hào khi được nhận học bổng. Em sẽ dành số tiền này mua một cái đài nhỏ để nghe các chương trình dạy học tiếng Anh. Đây là niềm mơ ước của em từ rất lâu rồi, nay mới trở thành hiện thực”.

“Em ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho các bạn nhỏ. Em biết các anh chị ở FPT là công ty lớn về CNTT. Em mong đoàn sẽ tặng nhà trường một chiếc máy vi tính để học tập”, em Đinh Thị Thu Hà, bộc bạch. Em Hà là người dân tộc Sách, bố mẹ chủ yếu làm nương rẫy nhưng đã bị mất trắng trong cơn bão vừa qua, nhà cũng bị tốc mái, hoàn cảnh khá khó khăn. Tuy vậy, em Hà luôn được thầy cô khen ngợi, là một học sinh giỏi trong lớp. “Em thích nhất chiếc áo đồng phục mà các anh chị tặng. Chúng em chưa bao giờ được mặc chiếc áo đẹp như thế”, em phấn khởi nói.

a

"Em mong đoàn sẽ tặng nhà trường một chiếc máy vi tính để học tập”, em Đinh Thị Thu Hà (phải), bộc bạch.

Xúc động và bất ngờ khi đoàn FPT về thăm trường, thầy Hiệu trường Trần Giang Nam cho biết, trường thành lập từ năm 2002, đến nay đã hơn 10 năm nhưng cơ sở vật chất vẫn thiếu rất nhiều từ bàn ghế đến thiết bị dạy học. Đồ dùng học tập của học sinh như sách vở, bút viết... đều do thầy cô đóng góp ngày lương để mua cho các em. “Vận động được các em đi học đã là may mắn rồi nên hầu hết chi phí học tập của học sinh đều do nhà trường và các ban ngành đoàn thể chi trả để các em có điều kiện đi học, nâng cao tri thức, sớm thoát khỏi cuộc sống khó khăn".

a

Tập thể thầy cô giáo nhà trường chụp ảnh kỷ niệm với đoàn FPT.

“Với tấm lòng sẻ chia, các CBNV FPT đã mang lại cho chúng tôi niềm tin vào lòng nhân ái của con người Việt Nam. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tổ chức khác sẽ đến và giúp đỡ người dân và các em học sinh đỡ khó khăn hơn”, thầy Nam nói.

Bài, ảnh: Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()