Chúng ta

Mình là Tây!

Thứ năm, 26/3/2015 | 08:14 GMT+7

Ban lãnh đạo khách hàng hóa ra lại quen thuộc với Việt Nam. Các chương trình tăng cường giao lưu học hỏi của Tây khuyến nghị là sang Việt Nam cho gần gũi. Thế là Tây Việt Nam tha hồ mà kể. Chương trình hàn lâm được pha thêm chuyện cười đặc trưng FPT khiến khán giả hưng phấn lắm, hận không thể ký hợp đồng ngay được do cơ chế.

(Truyện viết về những người bạn thân thương và tài giỏi của tôi, hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, tính chân thực đã bị thay đổi)

Miến Điện truyện

“Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”. Khẩu hiệu cướp tiền Tây trên đất Việt bây giờ hình như khác lắm rồi. Tuấn "Béo" (Tô Mạnh Tuấn - Trưởng VPĐD Bangladesh), với giọng nói lúc nào cũng vượt công suất 20 đề-xi-ben (20db) so với âm lượng chuẩn, nói với tôi “Mình là Tây, anh ạ! Là Tây nó mới sợ!”.

Ông Vũ Trọng Phụng thì viết hẳn một truyện về “kỹ nghệ lấy Tây”, còn “kỹ nghệ làm Tây” thì hình như chưa có ông nào chịu viết. Lâu lâu lắm rồi, các cụ cũng cố làm Me-xừ hay Má-đầm thì cũng chỉ trên xứ Tonkin (Bắc Kỳ) thôi, còn bỗng nhiên mình trở thành một ông da trắng, mũi lõ, mắt xanh, tiếng Anh nhanh như gió thì kể cũng là oai thật. Đằng này, mình vẫn da vàng, mũi tẹt và ngữ âm tiếng Anh pha nửa chất Việt vào thì luyện kiểu gì cho nó ra Tây đây? Đấy, cái căn bản còn khó nữa là việc mình phải làm “tư vấn giải pháp”, nghĩa là chuyên gia, chuyên gia Tây đấy.

Mấy ông bạn xóm xuất khẩu lao động cứ đứng dòm, đôi khi lại cố khuyên một câu: “Ở đây có bán cá tươi”. Chậc chậc vài cái rồi tự nhủ “âu cũng là cái liễn”.

tuantm-9574-1427275161.jpg

Tô Mạnh Tuấn - Trưởng VPĐD FPT IS Bangladesh - trong một lần ra sân cổ vũ bóng đá.

Cái khó ló cái khôn. Mình sang bên “hàng xóm”, nhà nó kém hơn mình tí, nghèo hơn mình tí thì chắc làm Tây nó dễ hơn. Nói là làm thôi. Chả gì thì Bangladesh với Myanmar cũng có thể coi là Ta được.

Trường "Mai-cơn" (Micheal Do - Giám đốc Kinh doanh ERP Myanmar) dáng nhỏ con, tóc lúc nào cũng vuốt keo thành lọn. Gã có sở trường là cười, chắc tại răng! Vui gã cũng cười, buồn gã cũng cười. Cả khi giận, gã cũng nhe răng ra, y như là cười vậy. Gã nổi danh với câu tuyên ngôn bất hủ “Ai hép ơ lót, bất ai đông oăn tu pây sâu mắc” (I have a lot, but I don’t want to pay so much). Cái ao làng Yangon bé như cái làng Vũ Đại mà có nhà nào to mồm là cả Đông Nam Á đều biết. Chả thế mà mấy ông Phi-li-pin-nô và Tàu lai Sing-ga-po-ri-an đều hì hục vào. Chiến lược bán hàng đủ cả, giá không thành vấn đề. Thế mà dân làng Myanmar vẫn cứ bình chân như vại. Chuyện! Đến cái “dỡ cấm vận” của tụi Mỹ còn được lùi sang năm tới thì mình vội quái gì. Để cho Tây nó thi thố như hoa hậu không phải tốt hơn à!

Mai-cơn thì lúc nào cũng toát mồ hôi. Căn bản không phải gã sợ, mà là do nóng quá. Bên Miến Điện cùng vĩ tuyến với Quảng Trị nhà ta thì nóng là phải. Loay hoay một hồi, gã gọi thêm một lão Tây đích thực là Uy-lem. Uy-lem là dân Hà Lan, da trắng, béo và nói nhanh hơn Tây. Gã phụ trách SAP, sống ở Singapore, nhưng bôn ba khắp Lào, Campuchia, Miến Điện và vài nước đang phát triển khác. Thế là một già, một trẻ, một cao, một thấp và là hai Tây bắt đầu đi chiến. Khó nhất là gặp được đội lãnh đạo của khách hàng. Họ cũng tò mò, không hiểu hai ông Tây này muốn diễn trò gì.

Giờ diễn bắt đầu. Ban giám khảo bao gồm Hội đồng quản trị, toàn bố - con - họ - hàng ngồi. Hai ông Tây Mai-cơn và Uy-lem đứng lên giới thiệu tiết mục. Chết, mình không có Anh-téc-na-xi-on-nan tên. Thế là lại đành làm Việt vậy. Sau màn chào hỏi và mất mười lăm phút để học cách đánh vần tên Việt, mình bắt đầu bài ca giải pháp. Ban giám khảo dừng ngay, gọi điện thoại í ới. Một ông Tây đích thực khác nhanh chóng đi vào. Bách-gờ-rao (background information) giới thiệu đầy đủ, mười lăm năm làm tư vấn kiểm toán cho KPMG Malaysia, hiện đang là Xi-Ép-Âu (CFO). Ông này khẳng định luôn, nếu bạn “hát” mà tôi thấy hay thì cho qua, còn không thì mời bạn và hai ông Tây đi về.

Thôi, đành phải làm Tây thật rồi. Bao nhiêu mớ kiến thức học mót từ chương trình hoành tá tràng nhất FPT là mi-ni-em-bi-ây (Mini MBA) lôi ra hết. Được cái, mình thật thà toàn hỏi chuyện nhà người ta, rồi kết luận là nhà người ta có chuyện. Ban giám khảo gật đầu như bổ củi. “Ca sĩ” và ông KPMG đấu nhau như hai ứng cử viên tổng thống hùng biện. May mà cuộc đấu không có khái niệm một mất một còn. Chiến lược “hai con xe uyn” (win-win solution) được hai ông võ sư “thái cực quyền” vận dụng triệt để. Cuộc đấu đang đến hồi quyết liệt thì hai bên hoàn toàn nhất trí được giải pháp và mời Ban giám khảo quyết. Các thành viên nhìn nhau, lúng túng rồi đề nghị thi thêm vòng nữa. Mai-cơn nghe xong lại toát mồ hôi. Lần này là tại cái điều hòa mất điện.

Dao-phay1-7200-1427275161.jpg

Anh Vương Quân Ngọc (ngoài cùng bên trái) trong chuyến đi Trường Sa.

Qua vòng sơ khảo, hóa ra chung khảo lại dễ hơn. Lần này thì mình được làm Tây thật. Vác cái võ bét-pờ-rác-tic-xít (best practices) của SAP ra mà dọa thì ai mà cãi được. Chả nhẽ công ty Miến lại giỏi hơn Đê-hát-lờ (DHL) với Uôn-mát (Wallmart). Mai-cơn và Uy-lem cười tít mắt, lao ra quán, làm vài hơi shi-sha (mà ông Tây Mai-cơn lần đầu hút, ho sặc sụa và luôn mồm hiểu biết gọi là xa-xi). Ba ông Tây đập tay kết nghĩa tại quán, thề “không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”, nhưng sẽ ký hợp đồng này “cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”.

Mấy ông bạn bên xã Singapore nghe tin liền nhảy vào hát hò điên cuồng, y như mấy show diễn ở miền Tây. Chả hiểu mấy ông diễn “Tây” quá hay sao mà cuối cùng, Ban giám khảo lại kết luận: Nên tin tưởng mấy ông thật thà người Việt là hơn. Ô hay, mình có công thức mới: Tây + Việt = Thật Thà! Mai-cơn hồ hởi báo tin: “Hợp đồng đầu tiên của SAP tại Miến Điện do mình ký anh ơi!”. Lần này, chắc gã cười thật, mà không phải tại răng.

Băng-la truyện

Thị Quỳnh cao một mét sáu có lẻ, chân to như đùi. Thị người gốc Hải Phòng, nổi danh kiều nữ. Hồi xưa nghe đồn muốn cặp kè với bạn cùng trường là Tô-ni Tùng (Nguyễn Xuân Tùng - Giám đốc của FPT IS USA), nhưng vừa mở lời để đề nghị thì anh kia sợ quá, chạy mất dép sang bên châu Mỹ cho chắc ăn. Thị chán đời, sang xứ Phù Tang học Tiến sĩ dù tiếng Nhật bẻ đôi một chữ không biết. Đang làm giáo viên, thị chuyển về FPT làm tư vấn, chuyên về cơ sở dữ liệu cho đúng bản chất, nhưng chủ yếu là mong cơ hội anh Tô-ni chú ý lại lần nữa.

Việt Nam mình mở cửa, người thì vẫn ta, nhưng ăn mặc thì cởi mở như Tây luôn. Thị cũng theo phong trào đó mà hoành tráng, chân váy không qua đầu gối. Thế mà mấy thằng giai trẻ của FPT IS cứ nhìn thị như nhìn cột đèn. Chả có nhẽ chúng nó mù hết cả? Hay là làm Ta nó thế? Thị tức khí quyết một lần làm Tây thật! Thế là thị cùng lão Ba và tôi sang Bangladesh theo tiếng gọi toàn cầu hóa.

Đón thị ở sân bay là Tuấn "Béo". Gã cao một mét tám, nặng ngót nghét một trăm ký. Nhưng cái to nhất trên cơ thể thì chắc lại là cái mồm. Gã nổi danh từ hồi bắt đầu làm bảo hành, rồi vào lớp mi-ni-em-bi-ây. Chả hiểu cơ duyên thế nào, gã xin sang Bangladesh. Vốn thuở bé, gã hay nhét thuốc pháo vào đùi mà nhồi nên gã đâu có sợ gì. Việc đầu tiên của gã là vào ngày Quốc khánh của xứ bạn, gã phi ra quảng trường xem đánh bom cảm tử cho vui. Đi đâu gã cũng kể câu chuyện này nên dân xứ bạn nể lắm. Thế là thành Tây chứ có quái gì?

fis-7637-1427275161.jpg

Những chuyên gia FPT IS đang trở thành những "ông Tây" trong quá trình toàn cầu hóa. 

Tuấn "Béo" là Tây thật. Gã quát tháo mọi lúc, mọi nơi. Gã cười hềnh hệch, bảo: “Lúc đầu, em cũng nhẹ nhàng. Nhưng cái xứ này nó thế, mình càng quát thì nó càng sợ”. Nhìn người đàn ông nhỏ bằng nửa mình, vừa túm váy long-gi, vừa đạp xe lôi chở gã mà thấy Việt Nam những năm 30. Một ông cao-to-đen (không rõ hôi ít hay nhiều), cao mét tám, nặng trăm ký quát thì còn có lý, đằng này mình có sáu mấy cân, thôi chả dại!

Gã cùng thị đi tung tăng khắp Đác-ca (Dhaka). Lạ thật, đi đâu thị cũng bị nhìn như người ta nhìn kiều nữ Hải Phòng lần đầu. Ba mấy năm nay, cảm giác ngượng ngập bỗng từ đâu quay lại, lan dần từ chân lên đùi thị. Thị chợt nhận ra, cả cái xã hội này chỉ có mỗi thị không mặc quần, mà thị mặc mi-ni-juyp.

Các cơ quan Nhà nước của Bangladesh giống hệt nước ta hồi bao cấp. Bên xứ này thì đặc sản chả có gì ngoài người. Trong nhà không đủ chỗ, người chui ra ngoài đường cho vui. Đến Hiệp hội CNTT của Bangladesh còn bị lão Triều “Cái” (Dương Dũng Triều - Phó Tổng giám đốc FPT) đọc chính xác là Bi-ci-ét (Bangladesh Computer Society - BCS) thì đủ hiểu sao đất nước bạn diện tích bằng nửa ta mà dân số lại gấp đôi ta rồi. Đừng tưởng họ nghèo mà mình thấy oai. Người Bangladesh nói tốt tiếng Anh ngay cả ăn xin ngoài chợ. Bạn ăn xin có nguyên một bài thuyết trình lẽo đẽo theo thị từ chợ về nhà, đại khái nội dung bao gồm có thế giới phân ra giàu nghèo và sứ mệnh của người giàu là chia sẻ cho người nghèo, rồi đến khi chết sẽ được lên thiên đường. Thị vừa háo hức nghe lại vừa sờ sợ, chỉ thiếu nước vén váy lên mà chạy cho nó nhanh.

Hội trường của khách hàng to và đẹp hơn vẻ bên ngoài. Trang thiết bị khá tốt với hệ thống đàm thoại phòng họp TOA của Nhật và máy chiếu của Đài Loan. Đón tiếp bốn ông bà Tây chúng tôi là gần 60 người đủ các phòng ban, ngang một buổi seminar chính hiệu của hãng. Gã béo hềnh hệch cười, bảo: “Bên này thích nghe ắc-xen (English British accent) chuẩn anh ạ, anh nói là nó thích đấy”. Thị lắc đầu, chối nguây nguẩy như gái chưa chồng: “Em không trình bày đâu, em sẽ làm chuyên gia”. Thôi thì có 3 chuyên gia (có cả anh Ba làm chuyên gia - ngược xuôi cả), mình lại thành ca sĩ chính vậy.

Ban lãnh đạo khách hàng hóa ra lại quen thuộc với Việt Nam. Các chương trình tăng cường giao lưu học hỏi của Tây khuyến nghị là sang Việt Nam cho gần gũi. Thế là Tây Việt Nam tha hồ mà kể. Chương trình hàn lâm được pha thêm chuyện cười đặc trưng FPT khiến khán giả hưng phấn lắm, hận không thể ký hợp đồng ngay được do cơ chế.

Trung tâm dữ liệu khách hàng là một hệ thống băng từ xịn của Mỹ, từ những năm 80 nhưng vẫn còn như mới. Anh bạn Giám đốc Ai-Ti (IT Manager) của khách hàng hồ hởi khoe vừa mua đấu giá được một cái đầu đọc hiếm còn có thể đọc được mấy cái băng này. Dự án là chuyển dữ liệu từ băng này sang dạng số và xây dựng cơ sở dữ liệu cho nó. Bốn ông bà Tây nhìn nhau, không hiểu mình có làm được nhiệm vụ bất khả thi này hay không?

***

Ông Dương Trung Quốc, một người hay phát biểu, từng nói: “Người Việt Nam rất giỏi thích ứng và vươn lên. Càng khó, họ lại càng vươn lên”. Tôi nhớ ông Phùng Tất Đắc, người viết lời tựa cho phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây” của Vũ Trọng Phụng từng nói rằng: “Được cái vinh dự sống trong một thời cục độc nhất của lịch sử, nhà cầm bút há chẳng nên tiến thẳng vào trung tâm thời cục mà tìm tòi, xem xét, suy nghĩ, ghi chép những sự trạng người trước chưa ai gặp thấy, những sự trạng người sau không thấy nữa, những sự trạng chỉ riêng mình được mục kích mà thôi?”. Phải chăng được làm toàn cầu hóa, được làm Tây như tôi mà há chẳng viết lấy đôi điều làm vui ngày Tết?

Vương Quân Ngọc

Ý kiến

()