Chúng ta

Mật mã BFR và bí quyết thành công của Chủ tịch Trương Gia Bình

Thứ bảy, 7/4/2018 | 21:39 GMT+7

“Phải làm sao để cho nhân viên của mình được vui vẻ, hạnh phúc?” là chìa khóa cho việc quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Đó là bài học mà Chủ tịch Trương Gia Bình đã rút ra từ mật mã BFR - bài học từ đất nước Malaysia.

Tối 6/4, người đứng đầu FPT đã có buổi chia sẻ về chủ đề “Mật mã BFR - bài học từ đất nước Malaysia” trong chương trình open talk cho Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) tổ chức tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội. Buổi talk thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà quản lý đến từ nhiều doanh nghiệp khách nhau trong cộng đồng doanh nhân F.Biz.

Buổi talk có sự tham gia của các học viên từ 6 lớp MBA và 2 lớp MiniMBA của FSB. Ảnh: Lý Hoài Sơn.

Buổi talk có sự tham gia của các học viên từ 6 lớp MBA và 2 lớp MiniMBA của FSB. Ảnh: Lý Hoài Sơn.

Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ về câu chuyện đổi mới của Malaysia - đất nước đang đứng thứ 23 trên thế giới về GCI (chỉ số cạnh tranh toàn cầu) trong khi 9 năm về trước họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và khủng hoảng. Câu chuyện anh Bình chia sẻ xoay quanh mật mã “BFR” mà tác giả của nó đã “tiết lộ” với anh trong một chuyến công tác tại Malaysia.

Anh Bình cho hay, 9 năm về trước, khi Malaysia đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, dân chúng mất niềm tin, vấn nạn tham nhũng, tắc đường diễn ra liên miên đe dọa sự phát triển của đất nước thì một người bạn của Thủ tướng Malaysia đã hiến kế cho ông. Đó là một kế sách giúp đất nước thay đổi một cách tích cực và nhanh chóng, được gọi tắt là BFR (Big Fast Resulf).

“Tất cả chỉ nằm trong một câu hỏi duy nhất “Làm sao để người dân Malaysia được hạnh phúc, vui sướng?”, anh Bình nói. Chỉ có trả lời cho câu hỏi này mới có thể thay đổi được tình hình của đất nước. Trước tiên, để làm được điều này thì rất cần có sự quyết tâm và thống nhất cao độ của người thực hiện. “Chỉ có khát khao và quyết tâm cao để hành động thì mới có thể thành công”, Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định.

Anh Bình nhấn mạnh vào yếu tối "lập kế hoạch chi tiết" cho chiến lược thay đổi và phát triển của bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Ảnh: Diệu Anh.

Anh Bình nhấn mạnh vào yếu tối "lập kế hoạch chi tiết" cho chiến lược thay đổi và phát triển của bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Ảnh: Diệu Anh.

Việc đầu tiên mà Chính phủ Malaysia đã làm đó là “định hướng chiến lược”. Họ tập trung vào các chương trình chuyển đổi quốc gia, biến đổi về kinh tế; đảm bảo an toàn, an ninh xã hội để người dân có cuộc sống sung túc, bình yên hơn. Bên cạnh đó, họ còn xử lý tình trạng tắc đường một cách triệt để và xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, kết nối các vùng với nhau để rút ngắn khoảng cách địa lý, phát triển giao lưu, thương mại.

Để hiện thực hóa được những chiến lược ấy Chính phủ Malaysia đã lên kế hoạch một cách chi tiết và cụ thể. “Bộ hồ sơ chuẩn bị cho chiến dịch thay đổi này của Malaysia dài tới hơn 1m”, anh Bình cho biết. Kế hoạch đưa ra càng chi tiết thì tỷ lệ thành công sẽ càng cao. Thực tế chứng minh là Malaysia đã thành công trong công cuộc thay đổi đất nước.

Sau khi đã lên được kế hoạch chi tiết họ đưa ra với công chúng để trưng cầu ý dân, tiếp nhận ý kiến của nhân dân để có thể chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp hơn. Kế hoạch đã hoàn chỉnh là lúc mà họ truyền thông, quảng bá mạnh mẽ để tất cả đều được biết đến chiến lược thay đổi lớn này và sẽ cùng đồng lòng thực hiện.

Một bước được người đứng đầu FPT nhấn mạnh trong phần chia sẻ là bước “tạo KPI” cho chiến dịch này khi đã bắt đầu triển khai. Anh cho hay: “Thực hiện bất cứ việc gì cũng cần phải có mục tiêu cụ thể, đặt ra chỉ tiêu rõ ràng. Chỉ tiêu ấy phải có nhịp độ kiểm soát theo tuần. Tuần sau phải cao hơn tuần trước thì mới là thành công”.

Phần cuối chương trình, các học viên tham dự hào hứng đặt câu hỏi cho anh Trương Gia Bình với mong muốn hiểu rõ hơn về mật mã BFR mà anh chia sẻ để có thể áp dụng vào doanh nghiệp của mình. Ảnh: Lý Hoài Sơn.

Phần cuối chương trình, các học viên tham dự hào hứng đặt câu hỏi cho anh Trương Gia Bình với mong muốn hiểu rõ hơn về mật mã BFR mà anh chia sẻ để có thể áp dụng vào doanh nghiệp của mình. Ảnh: Lý Hoài Sơn.

Chỉ sau 6 tháng áp dụng phương pháp BFR, Malaysia đã có sự chuyển biến rõ rệt về cả kinh tế và xã hội và sau 9 năm đã có vị trí thứ 23 trong chỉ số cạnh tranh thế giới. Từ bài học này của Malaysia, người đứng đầu FPT đã rất hy vọng Việt Nam có thể học tập để thay đổi, phát triển mạnh hơn. 

Đối với Việt Nam, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh vào các yếu tố đang là thế mạnh của nước ta như nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch. Đây là sẽ những phần cốt lõi để chiến lược hướng vào, kết hợp cùng với các lĩnh vực khác phụ trợ thì có thể đưa đất nước ngày một đi lên, đạt tới những đỉnh cao mới của nhân loại.

“Mật mã BFR áp dụng cho doanh nghiệp còn tốt hơn cho chính phủ”, anh Bình nhận định. Yếu tố quan trọng nhất là quyết tâm và khát khao của người đứng đầu doanh nghiệp cũng như chính phủ.

Cũng với câu hỏi “Làm sao để nhân viên của mình được hạnh phúc, sung sướng?”, các nhà quản trị doanh nghiệp là những người tham gia buổi chia sẻ đều có thể vạch ra được chiến lược, đường hướng phát triển cho doanh nghiệp mình. Yếu tố con người được coi trọng thì sẽ giúp cho các yếu tố khác được phát huy mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

“Tôi thực sự ấn tượng với phần chia sẻ của anh Bình, đặc biệt là phần “1m hồ sơ”. Mục tiêu thì doanh nghiệp nào cũng phải có nhưng cái thiếu ở đây là kế hoạch chi tiết. Tôi sẽ cần phải xây dựng một kế hoạch thật chi tiết hơn nữa cho doanh nghiệp của mình”, anh Phạm Văn Kiên, Giám đốc Kinh doanh công ty Anova, chia sẻ.

Rất hào hứng những nội dung mà Chủ tịch FPT mang tới, chị Dương Hoàng Hà, cán bộ quản lý của Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP bank) bày tỏ: “Tôi rất vui khi được tham gia những buổi đào tạo của FSB. Văn hóa FPT khiến tôi rất ấn tượng, bất kể doanh nghiệp nào bên ngoài hoặc cá thể nào cũng muốn hướng đến. Những nội dung anh Bình chia sẻ hôm nay rất tuyệt vời và vĩ mô. Tôi rất mong những chiến lược ấy có thể sớm được hiện thực hóa ở Việt Nam”.

Diệu Anh

Ý kiến

()