Chúng ta

‘Mãi gìn giữ văn hóa Tết người Việt’

Thứ bảy, 1/2/2014 | 08:00 GMT+7

“Tết là dịp người Việt hướng về tổ tiên, cội nguồn và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Dù ở đâu, văn hóa Tết đều được người Việt thể hiện và gìn giữ cho các thế hệ tiếp theo”, anh Mai Thanh Hải, FPT USA, tâm sự.
> 'Nhà Cóc' chơi xuân

Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là lúc những người con xa quê hương thổn thức nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị ngày Tết. Đã 3 năm ăn Tết xa quê hương, anh Hải ngậm ngùi: “Tôi rất nhớ không khí nhộn nhịp của phố phường Hà Nội những ngày giáp Tết và luôn mong được trở về để hòa mình vào không gian đó”.

a

Gia đình anh Mai Thanh Hải thường đi chùa và thăm quan các hội chợ dịp Tết.

Hiện FPT có mặt tại 14 quốc gia gồm: Lào, Campuchia, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Singapore, Australia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Anh, Myanmar, Đức và Việt Nam. Tập đoàn cũng có gần 300 người làm việc tại nước ngoài cùng hàng nghìn nhân viên hỗ trợ cho thị thị trường này, Đây là kết quả ban đầu của FPT trong hành trình chinh phục thế giới.

Khi ở Việt Nam, gia đình anh thường trang trí nhà cửa, mua vật dụng mới, quan trọng nhất là chọn mua được cây đào, cây quất vừa ý mà hợp túi tiền. Sáng ngày mùng 1, cả nhà thường dậy sớm đi ngắm cảnh để tận hưởng không khí tĩnh lặng hiếm có của đường phố Hà Nội, tới thắp hương đền Ngọc Sơn, Văn Miếu… sau đó đi chúc Tết họ hàng.

Tuy ở Mỹ, nhưng mỗi dịp Xuân về, gia đình anh vẫn đi chợ Việt để mua gạo, đậu, thịt, lá chuối (vì không có lá dong) để gói bánh chưng, làm các món truyền thống như nem, nộm, thịt đông, gà… để cúng Giao thừa. “Ở Dallas (Mỹ), người Việt cũng đông nên không khí Tết khá vui. Gia đình tôi thường đi đến ngôi chùa lớn có tổ chức lễ hội và tham quan các hội chợ Tết”, anh chia sẻ.

Ở xứ cờ hoa, người Việt đón Tết trong cộng đồng nhỏ hơn và vẫn bận rộn với công việc như ngày thường. Không khí chuẩn bị Tết cũng chỉ diễn ra ở khu chợ có đông người Việt và Trung Quốc. Ở đây, mọi người không được xem các chương trình Tết, pháo hoa, không được hưởng không khí Giao thừa hay tham gia các lễ hội truyền thống đầu xuân như ở quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, FPT Japan, sang Nhật lần đầu năm 2004 và ở dài hạn từ tháng 12/2009 đến nay. Chị đang sống cùng chồng và hai con gái. Mỗi dịp Tết đến, chị thường có cảm giác xốn xang. Là con gái đất Bắc, đã trải qua hơn 20 năm ăn Tết ở Hà Nội nên chị nhớ những cơn mưa phùn ngày Tết, đi chọn mua hoa đào, cành quất, sáng mùng 1 rửa mặt rau mùi, mua muối cho may mắn và đi chùa với gia đình. Chị cũng rất thích cảm giác ngày bé được nhận tiền mừng tuổi, được diện quần áo mới, bóc bánh chưng và ăn thịt gà đêm Giao thừa.

a

Chị Thảo vẫn luôn nhớ cái Tết cổ truyền của người Hà Nội.

Lần thứ ba ăn Tết ở xứ Phù Tang, với chị, đây là kỳ nghỉ dài, giúp thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Gia đình chị thường đi tắm nước nóng, đi chùa hoặc du lịch nước ngoài. “Có lẽ tôi là người Việt Nam nên không thấy được hết ý nghĩa Tết ở Nhật. Các gia đình ít đi chúc tụng, thăm hỏi như người Việt”, chị chia sẻ.

“Tôi nghĩ tiền bạc tiêu bao nhiêu cũng hết, sắc đẹp rồi cũng tàn phai, sức khỏe cũng sẽ yếu đi nên chỉ chúc các bạn đang có kế hoạch, hãy làm ngay hôm nay vì cuộc sống là không chờ đợi”, chị nhắn nhủ.

a

Anh Ngân đã có hai lần ăn Tết ở nước bạn.

Sang công tác tại FPT Telecom Campuchia từ ngày 13/8/2012, anh Nguyễn Quốc Ngân đã có dịp trải nghiệm cái Tết xa xứ. “Mỗi tháng, tôi chỉ về thăm nhà được một lần. Con nhỏ vừa tròn năm, khi về phải mất một ngày làm quen con mới chịu cho bồng”, anh kể.

Tính cả năm nay, anh Ngân có hai lần ăn Tết ở nước bạn. Trong dịp Tết Nguyên đán, các đồng nghiệp trong công ty sẽ sắp xếp thay nhau về ăn Tết để đảm bảo trực công việc. Vì thế, năm trước, anh ăn Tết ở nhà được 3 ngày, đến sáng sớm mùng 2 đã xách ba lô lên đường sang Campuchia.

Tết ở Campuchia diễn ra vào tháng 4. Đa số người Việt, người dân sinh sống ở thủ đô cũng về quê ăn Tết như người Việt nên đường phố vắng vẻ.

“Là người xa quê hương, tôi luôn mong ước cái Tết trọn vẹn với gia đình. Cảm giác đó rất vui và ấm cúng. Đó là dịp được họp lớp, gặp bạn bè trong xóm, đi chúc Tết bà con. Nhưng bây giờ đôi khi phải hy sinh niềm vui giản dị đó vì công việc và cuộc sống. Bạn bè, gia đình đều hiểu, thông cảm và luôn động viên tôi. Đây cũng chính là động lực để tôi phấn đấu và cố gắng làm việc nhiều hơn nữa”, anh tâm sự.

Anh Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc FPT Software châu Á Thái Bình Dương, hiện sống cùng gia đình tại Singapore. Từ năm 2012 trở về trước, anh luôn về ăn Tết tại Việt Nam. Nhưng từ Tết năm ngoái, anh bắt đầu ăn Tết tại Singapore.

a

Anh Trung bắt đầu ăn Tết tại Singapore từ năm 2012.

Sinh sống và làm việc ở đất nước nhỏ xinh, thân thiện đã 7 năm, cảm giác chờ đón Tết trong anh dường như cũng giảm dần do cường độ làm việc vào dịp này hầu như không thay đổi, không có không khí chuẩn bị tưng bừng hay chúc tụng sau đó. Anh cho biết: “Vào hai ngày nghỉ Tết tại đây, tôi thực sự hụt hẫng. Mọi công việc dừng lại, hầu hết anh em FPT đã về nước, người dân bản địa xung quanh cũng đi du lịch rất nhiều, đường phố vắng vẻ, hàng quán đóng cửa, lúc đó tôi rất nhớ quê nhà”.

Những ngày ăn Tết ở Việt Nam, nhà anh đều tự gói và nấu bánh chưng và vẫn duy trì truyền thống đó để cả nhà cùng tâm sự và chia sẻ. Anh kể: “Đêm Giao thừa, tôi thường được chọn xông nhà nên sẽ đi chơi và về nhà sau Giao thừa, mừng tuổi, uống ly rượu khai xuân cùng gia đình. Ngày mùng 1, tôi đưa mẹ đi chúc Tết họ hàng và mùng 2, mùng 3 dành cho thầy cô và bạn bè”.

Theo anh, Singapore có xu hướng dàn đều ngày lễ trong năm nên tháng nào cũng có ngày nghỉ. Điều này giúp họ giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vì người dân có thể đi nghỉ vào bất kỳ dịp nào trong năm chứ không tập trung vào ngày Tết. Khoảng gần một nửa cư dân ở Singapore là người nước ngoài, nên vào dịp Tết, Singapore trở nên vắng vẻ. Ngoại trừ các hoạt động lễ hội ở Chinatown, các khu vực khác đều vắng hơn ngày thường.

Do đa sắc tộc và đa tôn giáo, người Singapore có Tết Phật đản dành cho người theo Phật, lễ Hari Raya (kết thúc tháng Ramadan) của người Hồi giáo, lễ Deepavali (lễ hội ánh sáng) của người Ấn Độ, lễ Giáng sinh và năm mới của người Thiên chúa giáo, lễ Quốc khánh của người Singapore và Tết Âm lịch của người Trung Quốc. “Mức độ quan trọng của các ngày Tết này gần như nhau. Singapore quanh năm có tết nên cảm giác háo hức chờ đón cũng giảm đi nhiều”, anh chia sẻ.

Anh Vũ Văn Kết, FPT Telecom Campuchia, gia nhập tập đoàn từ năm 2012. Vợ anh cũng là nhân viên FPT Telecom sang công tác dài hạn. Hiện gia đình anh sinh sống ở nước bạn. Là một người con xa quê hương, dịp Tết về, anh càng nhớ nhà và mong muốn đoàn tụ cùng gia đình. Với anh, “Tết ở nhà luôn vui hơn vì được đi chơi, gặp gỡ bạn bè, họ hàng, chăm sóc cho gia đình. Ở Campuchia, đón Giao thừa xong, CBNV được nghỉ ngày mùng 1 rồi lại tập trung làm việc ngay nên không có được cảm giác như ở nhà”.

a

Anh Vũ Văn Kết muốn đoàn tụ cùng gia đình dịp năm mới.

“Năm trước, khoảnh khắc đón Giao thừa cùng Ban lãnh đạo công ty tại nước bạn rất đáng nhớ. Anh em quây quần thắp hương cầu mong năm mới công việc thuận lợi, vượt kế hoạch, cùng ngồi bên nhau kể chuyện ở quê khi đón Giao thừa, nhắc lại kỷ niệm năm cũ”, anh bồi hồi.

a

Chị Hằng có nhiều cảm xúc khi ăn Tết tại Nhật.

“Ở Nhật Bản, mỗi dịp Tết, tôi thường đón năm mới cùng các đồng nghiệp Việt Nam. Lần thứ ba ăn Tết ở Nhật, nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Cứ mỗi dịp xuân về, tôi lại thương mẹ một mình lủi thủi, mong ngóng con xa nhà”, chị Nguyễn Thị Hằng, FPT Japan, cho biết.

Chị vẫn nhớ Tết đầu tiên ở xứ Phù Tang cùng với các bạn onsite đi đền, đang đứng cầu nguyện mong cho năm mới tốt lành thì có bạn người Nhật chạy ra hỏi: "Có cần tớ dịch cho không?” vì lo mọi người cầu bằng tiếng Việt không thiêng.

Với chị, Tết ở Việt Nam hay Nhật Bản đều hướng về cội nguồn, mang nét văn hóa Á Đông như chào đón Giao thừa, đi chùa ngày Tết, bốc quẻ đầu năm, mừng tuổi, quây quần bên gia đình. “Một mùa xuân nữa lại đến gần, tôi muốn chúc cho tất cả mọi người sức khỏe, may mắn, thành công và hạnh phúc”, chị nhắn nhủ.

Tử Quyên
Ảnh: NVCC

Ý kiến

()