Chúng ta

'Lay động người xem bằng thiết kế của mình'

Thứ năm, 25/8/2016 | 14:38 GMT+7

Đưa ra ba câu đố, chuyên gia thiết kế đồ họa Nguyễn Tri Phương Đông đã khiến gần 100 sinh viên, khách mời phải “vắt óc” suy nghĩ, bàn luận trong sự kiện FE Talk số 4 diễn ra sáng ngày 24/8. Phía sau mỗi câu đố là một bài học kinh nghiệm quý báu mà diễn giả muốn chia sẻ cùng các nhà thiết kế tương lai.

phuong-dong-620-5728-1472097752.jpg

Chuyên gia thiết kế đồ họa Nguyễn Tri Phương Đông là diễn giả của FE Talk số 4 với chủ đề: Đồ họa - Từ học đường đến thị trường.

Giản dị và gần gũi, sau một vài câu giới thiệu về bản thân, công việc hiện tại, chuyên gia thiết kế đồ họa Nguyễn Tri Phương Đông đi vào chủ đề chính của FE Talk số 4 “Đồ họa - Từ học đường đến thị trường”.

Mở đầu phần chia sẻ, diễn giả Nguyễn Tri Phương Đông khiến khán giả có mặt tại hội trường ĐH FPT Detech băn khoăn với câu hỏi: “Trong siêu thị, quầy bán sữa chua thường được đặt ở đâu?” Một vấn đề tưởng như chẳng hề liên quan đến thiết kế đồ họa và các bạn sinh viên đưa ra câu trả lời cũng rất tự nhiên như: ở góc trong cùng nơi dễ đặt tủ lạnh, gần nguồn điện nhất, bên ngoài như các hàng tạp hóa vẫn thường sắp xếp…

Câu hỏi thứ hai, diễn giả càng khiến người nghe phải “vắt óc” suy nghĩ: “Vì sao bạn đến các quán café công cộng để uống nước? Câu trả lời là một từ có hai chữ đều bắt đầu bằng “th”. Hội trường xôn xao bàn luận, câu trả lời liên tiếp được đưa ra: “thư thả”, “thảnh thơi”, “thưởng thức”… nhưng tất cả đều sai đáp án.

Thử thách thứ ba dành cho mỗi cá nhân đến tham dự sự kiện. Với một keyword “thất tình”, diễn giả Nguyễn Tri Phương Đông yêu cầu mỗi người thể hiện điều đó bằng hình ảnh do chính mình tự vẽ tay. Sinh viên nào cũng có tác phẩm của riêng mình, đa số chọn hình trái tim, số khác lại vẽ hình tròn, đường thẳng như trường phái siêu thực...

Ba câu đố của diễn giả dường như khá lạc lõng khi đang bàn tới chủ đề “Đồ họa - Từ học đường đến thị trường”. Nhưng khi nghe lời giải thích chính “người thắt nút”, cả khán phòng ồ lên, thích thú và tâm đắc với những bài học trong ngành thiết kế và quảng cáo.

Sữa chua -  một trong những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày - được xếp ở quầy cuối trong siêu thị để “buộc” khách hàng phải đi qua các gian hàng khác, tăng mức độ nhận diện thương hiệu, kích thích tiêu dùng. Đó là một bài học trong ngành Marketing bán lẻ. Và để đạt được mức độ nhận diện thương hiệu tốt nhất, thiết kế đồ họa cho bao bì cần được chú trọng.

SV-FU-620-9600-1472097752.jpg

Khách mời tham dự chương trình đa phần là sinh viên ngành thiết kế đồ họa.

Người ta đến với quán café hay các không gian công cộng bởi sự “thân thiện” trong không gian. Từ này diễn tả cả những tâm trạng, cảm xúc mà người ta muốn như được thưởng thức đồ uống ngon, được phục vụ, thư giãn, gặp gỡ bạn bè. Chìm trong không gian của quán, khách hàng mong muốn cảm nhận được sự “thân thiện” ấy toát lên từ cách thiết kế, bài trí nội thất. Đây lại là một bài học của anh Phương Đông về nắm bắt nhu cầu khách hàng trong công việc.

Trong thử thách cuối cùng, từ những hình vẽ tay đơn giản hay phức tạp, diễn giả đều “đọc” được tâm lý và độ trải nghiệm của người tạo nên tác phẩm. Với sự trải nghiệm khác nhau, nhà thiết kế đồ họa sáng tạo nên những mẫu hình không giống nhau, dù cùng về một chủ đề. Sự sâu sắc hay nông nổi, đột phá hay lặp lại ý tưởng bị ảnh hưởng bởi độ từng trải và tâm hồn cảm xúc của người thiết kế.

Chỉ với ba thử thách nhỏ, chuyên gia thiết kế đồ họa Nguyễn Tri Phương Đông đã lồng ghép những bài học sâu sắc về nghề. “Bắt đầu việc thiết kế, bạn phải như một nhà báo: Đặt câu hỏi làm cho ai, tại sao phải làm, làm như thế nào…”, diễn giả chia sẻ.

Anh tiếp lời: “Để nuôi dưỡng, rèn luyện một kỹ năng chuyên môn nào đó, bạn luôn cần phải tìm lý do để theo đuổi? Một thiết kế trước tiên phải đúng, sau đó mới đẹp. Các bạn càng giỏi, càng có gu thẩm mỹ thị giác tốt, có nội tâm phong phú thì các bạn dễ dàng hơn trong việc diễn đạt thông điệp bằng hình ảnh. Bao giờ chúng ta cũng phải làm lay động người xem bằng thiết kế của mình.”

Diễn giả thừa nhận đã từng tỏ ra “sang chảnh” trước khách hàng nhưng càng làm nghề anh càng nhận ra đó là thái độ có phần “bất nhẫn”. Anh chia sẻ: “Nếu người ta chê bai mình nghèo ý tưởng, mình sẽ đáp trả bằng cách thay vì có 1 ý tưởng, mình có 10 ý tưởng. Mình có thể phải làm việc vất vả hơn nhưng 9 ý tưởng kia sẽ là sự trải nghiệm gấp bội so với việc chỉ nghĩ ra một ý tưởng.”

Điều quan trọng nhất mà bất cứ nhà thiết kế đồ họa nào cũng cẩn nuôi dưỡng suốt cuộc đời đó là niềm đam mê, diễn giả Nguyễn Tri Phương Đông khẳng định. Đó cũng là thông điệp anh muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ đang theo đuổi ngành này, dám đam mê và dấn thân, con đường từ “học đường” đến “thị trường” trong nghề không còn xa.

FE Talk (FPT Education Talk) là không gian gặp gỡ, giao lưu với những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng trong một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội; những người có trí tuệ, tài năng, đổi mới sáng tạo trong chuyên môn, có khả năng chia sẻ và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Trong mỗi sự kiện, diễn giả và khách mời tham dự sẽ cùng trao đổi, bàn luận xung quanh một sự kiện, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

FE Talk số 4 với chủ đề: Đồ họa - Từ học đường đến thị trường được tổ chức vào sáng 24/8 với sự tham gia của diễn giả - chuyên gia thiết kế đồ họa Nguyễn Tri Phương Đông và đông đảo khách mời, sinh viên trong và ngoài FPT. Chuỗi sự kiện FE Talk được tổ chức định kỳ 3 tuần một lần từ tháng 7/2016, luân phiên tại các cơ sở của ĐH FPT hai miền Bắc, Nam.

Ngọc Trâm

Ý kiến

()