Chúng ta

'Lãnh đạo càng cần tạo dấu ấn cho riêng mình'

Thứ bảy, 17/5/2014 | 07:55 GMT+7

“Việc xây dựng danh tiếng cho lãnh đạo nên hướng theo lợi ích doanh nghiệp nhưng phải dựa trên tính cách cá nhân, tìm ra điểm mạnh có thể dung hòa được với mục tiêu chung ”, nhà báo Lê Quốc Vinh chia sẻ.
> Xây dựng danh tiếng cho lãnh đạo

Leader Talk số 32 với chủ đề " Nghệ thuật xây dựng thương hiệu cá nhân”, do anh Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn truyền thông Lê (Lê Group of Companies) - trình bày chiều ngày 16/5 tại Hà Nội đã thu hút hàng trăm CBNV tham gia, vượt cả con số đăng ký ban đầu.

a

Rất đông khán giả đã đến tham dự chương trình.

Theo anh, việc xây dựng thương hiệu cá nhân, hay còn gọi là “nhân hiệu” cũng giống như xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm hay một doanh nghiệp, muốn cho người khác biết mình là ai, có vai trò, giá trị gì, có thể giúp ích ra sao cho cộng đồng. “Có nhiều cách để tạo nên thương hiệu mà chúng ta vẫn thấy, nhất là trong giới showbiz như tạo scandal, "chém gió" ở những chỗ thị phi…nhưng đó là những cách không bền, tự phát. Muốn thành công, chúng ta nên có chiến lược bài bản”, anh nói.

Lấy ví dụ về chính mình, doanh nhân kể lại, anh khởi nghiệp là một nhà báo, vì gương mặt khá “non” nên khi đi phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao đều bị thư ký, trợ lý từ chối. Do vậy, anh đã tự lên chiến lược thay đổi diện mạo lẫn cách ăn nói của mình. Quả nhiên, trong bộ vest lịch sự với chiếc cà vạt, gương mặt được điểm thêm bộ râu cùng cách ăn nói chững chạc, anh đã được đón tiếp và thực hiện thành công các cuộc phỏng vấn. Sau này, anh tham gia tư vấn truyền thông cho giới showbiz, thấy phong cách “đạo mạo” không còn hợp nên đã cạo râu, bỏ cà vạt, tạo phong thái trẻ trung, thoải mái để phù hợp với công việc mới. Anh bày tỏ: “Rõ ràng, đôi khi chiến lược không xuyên suốt cả cuộc đời mà cần phù hợp theo từng giai đoạn”.

a

Anh Vinh chia sẻ những câu chuyện của chính mình về việc lựa chọn chiến lược xây dựng thương hiệu.

Câu chuyện của diễn giả khiến nhiều khán giả băn khoăn, liệu khi có tình huống xảy ra mới bắt tay vào xây dựng hình ảnh có muộn không? Anh Vinh cho rằng: “Rất khó để biết được tương lai mình sẽ ở vị trí gì để chuẩn bị. Thực tế có đến 90% người bất ngờ khi được đặt vào vai trò mới. Trừ khi chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng để đạt được địa vị nào đó. Khi ấy, xây dựng chiến lược từ trước là tốt nhất. Song, nếu bước chân vào vị trí đó mới bắt đầu tạo dựng cũng không quá muộn. Bởi bản thân tôi khi còn là nhà báo cũng không biết được sau này mình lại là doanh nhân”.

Hằng ngày hằng giờ, mỗi người đều đang xây dựng hình ảnh riêng trong mắt người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Dù là ai, công nhân hay nhà lãnh đạo cũng đều cần có phong cách riêng để tạo nên “bản ngã”, giúp ta nổi bật hoặc khác biệt với những người còn lại. Việc xây dựng cũng phải dựa trên giá trị của bản thân, không thể bắt chước hay sao chép của người khác.

a

Anh nhấn mạnh tầm quan trọng xây dựng danh tiếng của lãnh đạo.

Đặc biệt, là lãnh đạo càng phải tạo dấu ấn cho riêng mình. Phong cách lãnh đạo và phong cách sống chính là đặc trưng để mọi người nhận biết về cá nhân đó rõ ràng hơn. Để làm được điều này cần một quá trình lâu dài, thể hiện qua cách sống, cách làm việc, ứng xử…hằng ngày.

Ngoài ra, việc xây dựng danh tiếng cho lãnh đạo nên hướng theo lợi ích doanh nghiệp nhưng không nên khiên cưỡng, mà phải dựa trên tính cách cá nhân, tìm ra điểm mạnh có thể dung hòa được với mục tiêu chung. Thương hiệu cá nhân phải phù hợp với thương hiệu sản phẩm hoặc doanh nghiệp, tránh lấy ý chí, tham vọng, chủ quan của người lãnh đạo “khoác” lên sản phẩm đó.

Hiện nay, nhiều lãnh đạo ở Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hình ảnh, không có chiến lược rõ ràng nên khi có sự cố xảy ra dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Ở các nước khác, hầu như các lãnh đạo đều có trợ lý truyền thông nhưng ở nước ta, nhiều khi nghĩ theo hướng PR là “tô vẽ”, song thực chất đó là làm sao cho người khác hiều được chính xác con người và thông điệp của mình. Điều này rất quan trọng, nhất là với những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ hay doanh nghiệp…

a

Theo anh, hiện nay, nhiều lãnh đạo ở Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hình ảnh.

Nói về lãnh đạo FPT, anh Vình có ấn tượng nhiều về Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến - một người gần gũi, cởi mở trong cộng đồng. Hình ảnh đó cũng có lợi cho FPT vì khi lãnh đạo được khách hàng, đối tác quý trọng sẽ có nhiều cơ hội. “Anh Tiến đã xây dựng thành công hình ảnh đó trên Faceook lẫn trong cảm nhận của nhân viên. Khi cấp dưới lấy hình tượng anh đùa vui trong các tiểu phẩm chúng tỏ họ thấy sếp gần gũi và hòa đồng”, anh nói.

Trong phần thảo luận, diễn giả đã chia sẻ chân tình với người FPT về thương hiệu của ngôi sao, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nước, người Việt ở sân chơi quốc tế, cách xử lý khủng hoảng truyền thông… Anh Vũ Minh Tùng, FPT Sofware, đã có câu hỏi thú vị: “Tôi rất kém trong việc xây dựng hình ảnh cho mình. Một thời gian dài tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng "hữu xạ tự nhiên hương", thường để mọi thứ diễn ra tự nhiên, cho nên dù đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả vẫn mờ nhạt. Giờ đây, tôi được biết cần phải PR mới giúp mình thành công, song chưa biết cách thức ra sao?”.

a

Anh Tùng trao đổi về khó khăn xây dựng hình ảnh bản thân.

Dường như thắc mắc của anh Tùng cũng là câu hỏi chung của khán giả. Anh Vinh cho hay, người Việt bị ảnh hưởng lớn bởi nền văn minh lúa nước và tư tưởng Phật giáo nên nghĩ rằng khiêm tốn mới đúng. Nhưng ngày nay, PR thực sự rất cần thiết cho sự thành công của cá nhân lẫn doanh nghiệp. PR không phải quảng cáo, mà là làm cho mọi người nói và nghĩ tốt về mình. Bước đầu tiên là nên tích cực tham gia các diễn đàn, hội nhóm, các buổi giao lưu, họp hành…để trình bày ý tưởng, thể hiện năng lực một cách tự nhiên theo công việc. Khi đó, mọi người sẽ nhìn nhận và đánh giá tích cực về mình.

Khi chương trình kết thúc, nhiều khán giả còn tỏ ra nuối tiếc vì thời gian có hạn chưa thể hỏi sâu hơn. Đa số CBNV đánh giá rằng cách trả lời, xử lý vấn đề của diễn giả rất thông minh, PR được thương hiệu của chính anh với người FPT. Đây cũng chính là một ví dụ sinh động về việc tạo hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng để CBNV học hỏi.

a

Nhiều CBNV hào hứng đặt câu hỏi cho khách mời.

Anh Vũ Minh Tùng không giấu được sự vui mừng khi được nhà tư vấn thương hiệu nổi tiếng chỉ ra những bước đi ban đầu, những điểm mấu chốt để vững vàng khẳng định dấu ấn cá nhân. Còn chị Nguyễn Thị Hải Vân, FPT Software, tin rằng, sau buổi nói chuyện, có nhiều bạn trẻ sẽ ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho mình, biết hài hoà giữa lợi ích doanh nghiệp và cá nhân... Chị rất tâm đắc với lời khuyên của anh Vinh: Muốn có được hình ảnh đẹp, ngoài khả năng chuyên môn phải xây dựng phong cách riêng song hành để người khác nhận diện được mình. Không cần câu nệ bạn là ai, đang ở vị trí nào trong công ty, trước khi đặt mục tiêu để phấn đấu hãy xây dựng thương hiệu cho mình ngay từ bây giờ, đừng chần chừ đợi đến ngày mai.

“Tôi đánh giá cao chương trình Leader Talk của FPT, đây là môi trường rất tốt để giao lưu, học hỏi, xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai. Đây là điểm mà tôi và các doanh nghiệp khác cần học hỏi. Tôi nghĩ, đội ngũ lãnh đạo FPT đã có hình ảnh khá tốt nhưng vẫn cần có chiến lược bài bản hơn để tạo dựng danh tiếng một cách sâu sắc và rộng rãi hơn, phù hợp với tầm vóc của tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ.

Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()