Chúng ta

Ký sự Hoà Lạc: 'Ước mơ' sau nhiều lần bị trì hoãn

Thứ bảy, 5/5/2012 | 13:56 GMT+7

“Không phải bây giờ mình chuyển trụ sở. Mà bây giờ mình mới chính thức về nhà, nhà do chính mình xây nên”, TS. Nguyễn Khắc Thành, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, Giám đốc ĐH FPT Hoà Lạc, nói bằng cái giọng khảng khái như mọi khi.
> Sinh viên FPT hồi hộp 'chuyển nhà' / Giá thuê KTX ĐH FPT là 800.000 đồng/tháng / Chùm ảnh mới nhất về ĐH FPT tại Hòa Lạc

Ẩn sau câu nói đó, là rất nhiều cảm xúc, về một “ước mơ” sau nhiều lần trì hoãn đã trở thành sự thực.

Cái tên Hoà Lạc bắt đầu xuất hiện từ những năm 2005, ngay từ khi ước mơ về một trường đại học của FPT bắt đầu manh nha.

Sáng 5/5, các sinh viên đầu tiên của ĐH FPT đã bắt đầu chuyển lên cơ sở mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Lần trở về quá khứ, nhiều người FPT vẫn còn nhớ như in khẩu hiệu WEGUC của Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Chiến lược cho Tập đoàn FPT giai đoạn 2006-2008 được tóm gọn bởi năm chữ nghe có vẻ rất “dớp” – WEGUC, đọc như "We gục" - cái tên mà anh Bình văn hoa đặt thêm một câu khẩu hiệu “We’re a Global & United Corporation”.

S

Sau 2 năm thi công, ngày 5/5, ĐH FPT đã hoàn thành để đón những sinh viên đầu tiên chuyển đến sinh sống và học tập. Ảnh: Chí Kiên.

Nhưng thực tế mọi người chỉ đơn giản mong "chúng ta sẽ không gục". WEGUC được viết tắt bởi các định hướng chiến lược của FPT khi đó: Wimax (một nền tảng công nghệ phát sóng không dây rất hot bấy giờ); Embedded (công nghệ phần mềm nhúng); Global (định hướng toàn cầu hoá); University (dự án thành lập Đại học FPT); và City (ước mơ về một thành phố mang tên FPT).

Khi đó, anh Bình bị ấn tượng mạnh sau chuyến thăm Infosys City. Một “thành phố” của riêng Infosys – công ty phần mềm lớn nhất Ấn Độ, với diện tích 23 ha, dân số 15.000 người. Tại đây có Trung tâm chăm sóc khách hàng, Trung tâm phát triển phần mềm, Trung tâm hội nghị, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu của Infosys.

Ước mơ của anh Bình thì lớn hơn thế. Đó không chỉ là một thành phố có môi trường làm việc hiện đại, mà còn đáp ứng được cho nhu cầu nhà ở của CBNV trong những khu đô thị xanh mướt, và nhất định rồi, nơi đó sẽ có Trường Đại học FPT!

Cuối cùng thì, sau 7 năm, FPT City Đà Nẵng đã bắt đầu chào bán những căn hộ đầu tiên. Và sau 8 năm, campus của Đại học FPT tại nơi mà anh mong ước được xây dựng FPT City Hoà Lạc đã thành hình.

Lật giở lại những “trang sử” về dự án Hoà Lạc từ những ngày đầu khi còn nằm trên giấy, nhiều chi tiết có thể bị bỏ qua, nhưng nó đem đến rất nhiều cảm xúc. Cảm xúc về những khó khăn chồng chất khó khăn, cảm xúc về những con người nhỏ bé quanh tôi đã gồng mình để làm nên nhiều điều kỳ diệu, cảm xúc về ước mơ lớn của những người đi “khai hoang”.

Sau nhiều khảo sát, anh Bình mong muốn có thể xây dựng ĐH FPT ở Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Tuy nhiên có một điểm hạn chế là KCNC Hoà Lạc không có quy hoạch cho Giáo dục đào tạo. Đồng nghĩa với việc sẽ không thể xây dựng ĐH FPT tại đây.

Năm 2005- 2006, lãnh đạo Tập đoàn đã nhiều lần làm việc, xin được điều chỉnh quy hoạch. Cuối cùng thì chúng ta đã làm được! KCNC được điều chỉnh quy hoạch với 100 ha dành cho giáo dục đào tạo. 30 ha được giao cho ĐH FPT, 70 ha còn lại dành cho trường Đại học Khoa học công nghệ. Đối diện KCNC Hoà Lạc là 1.000 ha dành cho Đại học Quốc gia.

Xong bước cơ bản đầu tiên, đã có đất xây trường, nhưng mọi thứ mới chỉ nằm trên giấy. Phải chờ đến cuối năm 2007 Ban quản lý KCNC mới tiến hành giải toả xong mặt bằng và bàn giao đất cho ĐH FPT.

C

ĐH FPT Hòa Lạc là công trình tâm huyết của anh Bình, anh Tùng, anh Thành và của cả hàng trăm CBNV ĐH FPT. Ảnh: Lâm Thao.

Xong khâu đất cát, lại đến khâu xây dựng. Vậy ai sẽ đứng ra xây? Cái sự trì hoãn thứ ba này đến từ sự nhập nhằng về mô hình. “FU chỉ có chuyên môn là dạy học, Làm gì có kinh nghiệm xây nhà mà bảo đi xây nhà. FPT đã có hẳn một công ty về bất động sản là FPT Land, có lẽ nên uỷ quyền cho FPT Land xây”, ý kiến này của lãnh đạo ĐH FPT được Tập đoàn FPT tán thành. Thế nhưng tiến độ sau đó không được như ý.

“Có cái gì đó không ổn về mô hình”, T.S Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT nói với Phó Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thành trong một buổi họp. “Phải chăng chúng ta đang đi ngược lại quy luật muôn thủa. Rằng cần kíp cái gì thì tốt nhất là phải tự đi mà làm?”, thầy Thành nhớ lại.

Đầu năm 2010, dự án được chuyển về cho ĐH FPT trực tiếp triển khai với quyết tâm cao ngùn ngụt, rằng nhất định cuối năm 2011 sẽ phải xây xong!

“Trong chưa đầy 2 năm, hoàn thiện xong giai đoạn I trên 9,1 ha, với 2 toà nhà Ký túc xá, 1 khu giảng đường, 1 nhà dịch vụ, và các hạng mục thể thao khác dành cho sinh viên?”. Bất chấp khí thế hừng hực của Ban Giám hiệu FU, kế hoạch này bị các chuyên gia xây dựng cười khẩy.

Mỗi một đầu việc trong xây dựng được tính bằng đơn vị tháng, và các công trình chậm tiến độ theo đơn vị năm là chuyện bình thường. Và quả thật, thực tế chứng minh, những tiên liệu của các chuyên gia xây dựng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi có vô vàn những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát.

Cái mốc đầu tiên cho việc hoàn thành dự án là tháng 9/2011. Không kịp! Tiếp tục chạy tiến độ cho cái mốc thứ hai vào tháng 11/2011. Không kịp! Cái mốc thứ ba được đặt ra vào tháng 1/2012. Tưởng rằng như vậy là xông xênh, nào ngờ cho đến cái mốc thứ tư vào tháng 5/2012 dự án mới thực sự hoàn thành giai đoạn I và sẵn sàng đón sinh viên lên học tập và sinh hoạt.

Một lần khi đi thị sát công trình, thầy Tùng ngước nhìn tấm biển “An toàn, Chất lượng, Tiến độ” treo trên toà nhà Ký túc rồi hóm hỉnh đùa rằng “Vì chữ Tiến độ được đặt xuống cuối cùng nên công trình mới chậm như vậy”. “Nguyên nhân chậm tiến độ thì nhiều lắm, kể không hết. Cứ mỗi thứ cộng lại một tý”, thầy Thành vừa nói vừa cười.

Có giai đoạn đang nước rút thì công nhân bỏ về lũ lượt vì đúng mùa vụ cấy lúa. Hay có những lúc nhà thầu gặp khó khăn, nợ lương công nhân, ĐH FPT phải trực tiếp đứng ra trả lương thay cho nhà thầu để đảm bảo tiến độ công trình. Mọi người cùng lắc đầu cười khi nhớ lại những lý do không-thể-lãng-xẹt-hơn.

Ngày

Ngày 13/2, ĐH FPT tại Hòa Lạc vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm. Ảnh: Hoàng Hà.

“Lúc bắt đầu làm dự án, anh Tùng bức xúc lắm. Cho lên ở, nhưng không cho chỗ output – input thì ở kiểu gì”, chị Phan Thị Hải Sơn, cán bộ phòng Hành chính ĐH FPT, người tham gia trực tiếp giai đoạn I dự án Hoà Lạc, kể lại về những ngày đầu khi nhận bàn giao.

Không có đường điện, không có đường nước, không có hệ thống cống, xử lý nước thải, không có đường cáp Internet, và tệ hơn là không đơn vị nào chịu nhận làm cho ĐH FPT.

Chi phí để kéo điện, nước, và internet từ ngoài vào campus quá tốn kém, trong khi việc thu hồi vốn lại quá chậm (do chỉ có ĐH FPT là đi vào hoạt động trong giai đoạn này) nên không đơn vị nào chịu triển khai.

“Nguyên tắc khi bàn giao mặt bằng tại các Khu công nghiệp là hàng rào xung quanh, điện nước tới chân, trong khi ĐH FPT chỉ được bàn giao một khu đất trống theo đúng nghĩa đen và mọi thứ đều phải tự thân vận động”, chị Sơn bộc bạch.

Những bức thư, kiến nghị được gửi tới Ban Quản lý KCNC Hoà Lạc, tới cả Thủ tướng Chính phủ, và rồi cuối cùng phải đưa ra giải pháp biến mình trở thành người khai hoang thật sự để giải quyết những nhu cầu tiên quyết cho dự án.

Một nhà máy nước mini được xây dựng ngay chính trong campus Hoà Lạc. Trong khi các công trình khác chỉ phải trả các phí dịch vụ khi sử dụng điện, nước, internet thì ĐH FPT phải tự chi trả cả chi phí lắp đường ống nước, hệ thống cống, xử lý nước thải, chi phí kéo điện, cáp quang internet… để có thể được sử dụng những dịch vụ cơ bản nhất tại đây.

Cơ sở ĐH

Cơ sở ĐH FPT tại Hòa Lạc sẵn sàng chào đón những sinh viên đầu tiên. Ảnh: Lâm Thao.

“Là những người khai hoang nên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống ở đây thời kỳ đầu sẽ không thể hoàn hảo, sẽ có những bất cập, có những thiếu thốn cần được hoàn thiện dần dần. Nhưng nếu vượt qua được, tương lai tươi sáng sẽ chờ chúng ta ở phía trước. Mọi thứ luôn luôn có một cái ngưỡng để bứt phá. Và Hoà Lạc chính là một cái ngưỡng quan trọng cho sự phát triển của FU”, những chia sẻ mộc mạc, giản dị nhưng cũng đầy quyết tâm của thầy Tùng về ước mơ bứt phá mang tên Hoà Lạc.

Phải rồi, sẽ có rất nhiều khó khăn, nhiều thách thức, nhưng cũng nhiều lắm những trải nghiệm thú vị. Và chúng tôi rất vui, khi được tham gia, chứng kiến và kể lại một phần giai đoạn lịch sử quan trọng ấy của ĐH FPT.

Hoài Anh

(Còn tiếp)

Ý kiến

()