Chúng ta

Kiếm tiền nhờ siêng học

Thứ hai, 14/11/2016 | 18:12 GMT+7

Tham gia và hoàn thành 12 khóa học MOOC, anh Trần Văn Anh Vũ (FPT Telecom) đã kiếm được tiền triệu từ chính sách khen thưởng của tập đoàn. 

P-20160709-194048-3555-1478838208.jpg

Anh Vũ cùng con trai. 

Chúng ta trò chuyện cùng Anh Vũ để tìm hiểu về kinh nghiệm học tập trong quá trình học MOOC.

- Động lực nào giúp anh hoàn thành 12 khóa MOOC khi việc học với mọi người thường không dễ dàng?

- Tôi không phải là mẫu người siêng năng học tập, điển hình là thời sinh viên vẫn hay cúp tiết để đi đá bóng hoặc chơi game (cười). Lúc đầu, tôi tham gia một khóa trên Coursera trên tinh thần để đáp ứng chỉ tiêu thôi, và các khóa học ở đây theo lối truyền thống, xem các video bài giảng, rồi tự setup các môi trường cần thiết để nghiên cứu... Nói chung là mất khá nhiều công sức và thời gian để hoàn thành một khóa học.

Sau đó tôi mới thử một khóa trên Codecademy (do Codecademy chỉ mới được tập đoàn áp dụng trong năm nay). Ở đây, các khóa học được cung cấp theo lối mới,  xem các gợi ý và trả lời các câu hỏi hoặc theo mô tả. Các môi trường cần thiết đều được cung cấp sẵn nên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Với tâm lý "mì ăn liền", muốn tìm hiểu nhiều công nghệ mới và không mất quá nhiều thời gian nên tôi đã học luôn cả chục khóa trong thời gian ngắn.

Họ tên: Trần Văn Anh Vũ

Năm sinh: 1988

Vị trí: Nhân viên phòng An ninh thông tin (SOC), FPT Telecom.

Sở trường: Tư duy lập trình, tư duy logic tương đối tốt, chơi tốt các môn thể thao.

Sở đoản: Do tính cẩn thận và chau chuốt nên đôi khi làm chậm tiến độ công việc.

Câu nói yêu thích: Trong lập trình, không chỉ code cho chạy mà phải code tốt nhất có thể.

- Trong số đó, khóa học nào khiến anh tâm đắc nhất?

- Các khóa học tôi tham gia đều liên quan đến lập trình. Mỗi khóa giúp cho tôi tìm hiểu một công nghệ khác nhau, và mỗi khóa đều có cái hay riêng nên tôi không nghiêng về một khóa cụ thể nào. Cái tôi tâm đắc nhất chính là cách mà Codecademy cung cấp các khóa học cho người dùng, giúp mọi người có được cái nhìn tổng quát về công nghệ mới trong thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo được chất lượng.

- Bình thường, một người cần khoảng thời gian dài để hoàn thành 1-2 khóa học, còn anh đã hoàn thành 12 khóa này trong bao lâu?

- Trong 12 khóa trên, ngoài một khóa trên Coursera mất 4 tuần do phải theo tính chất của course, còn 11 khóa còn lại trên Codecademy thì mất hơn nửa tháng (trung bình 1 đến 2 ngày một khóa, có một số khóa khá ngắn). Nhờ học bằng đấy khóa học nên tôi lọt vào Top 10 người học nhiều khóa nhất và được thưởng 1 triệu đồng.

- Bí quyết gì để anh có thể rút ngắn được thời gian học?

- Để hoàn thành được 12 khóa học trên trong thời gian ngắn chủ yếu do sự tiện lợi của các khóa học trên Codecademy như đã nói ở trên. Và cần thêm niềm đam mê công nghệ mới để có thể duy trì được khả năng tiếp thu lượng kiến thức khá lớn mà không bị chán. Ngoài ra, do hình thức chấm điểm tự động trên Codecademy nên không tránh khỏi việc nhiều lúc làm đúng yêu cầu nhưng ứng dụng vẫn không chuyển sang bước kế tiếp, lúc này cần tham khảo trên diễn đàn của chính Codecademy cung cấp để tìm kiếm câu trả lời chính xác và đi tiếp. Đây cũng chính là mẹo để có thể nhanh chóng vượt qua các bước mà tôi chưa nghĩ ra câu trả lời ngay. Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng khi thật sự bí và các phần kiến thức không quan trọng, không ảnh hưởng đến các phần sau của khóa học. 

- Những kinh nghiệm anh tích lũy được khi hoàn thành 12 khóa học?

- Việc học chỉ giúp tôi có cái nhìn khái quát về các công nghệ mới, giúp rút ra được điểm mạnh/yếu, và cho bản thân thêm nhiều lựa chọn công nghệ khi giải quyết các công việc chứ không rút được nhiều kinh nghiệm như khi làm dự án thực tế.

Tuy nhiên, một số khóa học có cung cấp một vài dự án nhỏ và phổ biến cho người lập trình, giúp lập trình viên so sánh được sự tiện lợi của ngôn ngữ mới trong một lĩnh vực nào đó so với ngôn ngữ sở trường. Điều này giúp cho lập trình viên có lựa chọn sáng suốt hơn và đa dạng hơn khi quyết định công nghệ sẽ áp dụng cho ứng dụng của mình. Nếu học được nhiều và tìm hiểu kĩ thì lựa chọn càng hợp lý và tiết kiệm được nhiều thời gian để hoàn thành ứng dụng cũng như cải thiện được chất lượng sản phẩm cuối cùng.

- Những khóa học đã trải qua giúp anh ra sao trong công việc?

- Đa số các khóa học trên liên quan đến các ngôn ngữ lập trình, chúng giúp ích rất nhiều trong việc tìm và sửa lỗi, từ đó đánh giá độ an toàn của hệ thống. Ngoài ra, nó còn giúp tôi viết được các phần mềm nhỏ hỗ trợ cho công việc.

- Anh có gợi ý gì cho người FPT có thể tìm được niềm vui hay động lực ở các khóa học MOOC?

- Tôi cũng hiểu tâm lý chung của người đi làm ở FPT là công việc khá nhiều, nên khi rảnh mọi người thường tìm kiếm một hình thức giải trí (chơi game, xem phim, nghe nhạc, ...) hơn là lao vào các khóa học. Tuy nhiên, để phát triển thì bắt buộc phải bổ sung thêm kiến thức mới. Việc bổ sung này không nhất thiết là phải tham gia các khóa học, mình có thể tìm kiếm trong quá trình tham gia dự án có liên quan đến công nghệ mới, hoặc tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình đang đảm nhận để cải thiện kết quả làm việc của bản thân và đơn vị. Nhưng nếu chỉ lao vào tìm hiểu khi đụng việc thì hơi bị động, cho nên mọi người cũng nên có kế hoạch học tập cho riêng mình.

Tôi thấy chính sách của tập đoàn vừa bắt buộc vừa khuyến khích thông qua các giải thưởng là rất hợp lý. Ngoài ra, tôi cũng thấy nên mở rộng cơ cấu giải thưởng hoặc tăng lương (có tài chính thì mọi người sẽ có động lực ngay) để khuyến khích thêm tiềm năng học tập của tất cả cán bộ nhân viên ở FPT.

- Trong thời gian học đó, điều gì làm anh ấn tượng?

- Tôi không có kỷ niệm gì nhiều, đáng nhớ nhất là lúc hoàn thành khóa học cuối trong chuỗi khóa học trên thì tính học để kiếm tiền thêm, nhưng nhìn đi nhìn lại chỉ còn có vài khóa học thôi. Vì trên Codecademy lúc này khá hạn chế về số lượng khóa học nên đành để giành lại cho năm sau học tiếp.

Tôi không thuộc dạng ham học nhưng nếu chính sách khuyến khích học tập của tập đoàn tiếp tục cải thiện, tôi sẵn sàng bỏ bớt thời gian giải trí để học tập và tranh giải thưởng. 

MOOC là viết tắt của cụm từ Massive Open Online Course (tạm dịch: Cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà). Sự ra đời của MOOC được nhiều chuyên gia đánh giá là một cuộc cách mạng trong giáo dục và The New York Times đã gọi 2012 là năm của MOOC. Phương pháp này được tiên phong bởi các giáo sư trường ĐH Stanford (Mỹ) và như tên gọi của nó, là một khoá học trực tuyến (online) nhắm tới số lượng lớn người tham gia trên phạm vi rộng lớn (massive), được truy cập miễn phí qua mạng Internet (tính mở - open). Do là khoá học trực tuyến, mỗi khoá học có thể thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự trên toàn thế giới. 

MOOC chính là một hình thức phát triển của loại hình đào tạo đại học từ xa. Sự phát triển nhanh chóng của MOOC trong những năm gần đây đã khiến cho việc học trở nên dễ dàng cho mọi người và ở mọi nơi.

Ở FPT, năm 2015, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đã ký quyết định ban hành quy định Đào tạo nội bộ cho tập đoàn và các công ty thành viên. Theo đó, CBNV từ level 3 trở lên phải hoàn thành một trong các khóa học Coursera, Duolingo hoặc khóa học chuyên môn của đơn vị.

Theo Quy chế khen thưởng MOOC của FCU, có hai hình thức khen thưởng theo đơn vị và cá nhân. Theo đó, FCU sẽ khen thưởng cho đơn vị có nhiều CBNV hoàn thành khóa học nhất, 100 CBNV đầu tiên hoàn thành khóa học cũng sẽ được khen thưởng. Trong đó có 80 suất dành cho học viên học trên Coursera và 20 học viên Duolingo với định mức khen thưởng 300.000 đồng mỗi người.

Ngoài ra, 50 người hoàn thành nhiều khóa học nhất trước ngày 13/9 sẽ được 1 triệu đồng mỗi người. 50 học viên xuất sắc đầu tiên cũng được thưởng 1 triệu đồng mỗi người. CBNV sẽ chỉ được thưởng tối đa 2/3 tháng lương thứ 13 nếu không hoàn thành việc học tập trong năm. 

Bình Nguyên thực hiện

Ý kiến

()