Chúng ta

Khởi nghiệp bằng dự án trồng rau sạch

Thứ ba, 24/1/2017 | 11:37 GMT+7

Tình cờ xem được những đoạn phim ngắn về công nghệ trồng rau mầm sạch, Trần Duy Quang, sinh viên FPT Polytechnic Đà Nẵng, yêu thích ngay và quyết tự mày mò nghiên cứu công nghệ, tìm đầu ra để khởi nghiệp. 

Quang chia sẻ, sau khi xem đi xem lại các video clip mô tả quy trình trồng rau mầm sạch của anh Huỳnh Văn Khải ở Bình Dương, với diện tích sân đất 50 m2 sẵn có của nhà, cậu trồng thử một khay rau. Có kết quả tốt, cậu tìm hiểu kỹ hơn về quy trình kỹ thuật và phương pháp trồng.

Anh-5.jpg

Mong muốn đem lại nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng, Trần Duy Quang, sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa - Mỹ thuật đa phương tiện, FPT Polytechnic Đà Nẵng, quyết tâm thực hiện dự án trồng rau mầm sạch. Sau gần 6 tháng triển khai, dự án bắt đầu mang lại thu nhập cho tác giả.

Trang trại nhỏ của nam sinh nằm ở địa chỉ 27 Hòa An 9, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Trong khu vườn ươm rộng hơn 50 m2, các giá rau mầm trải đều tăm tắp từng hàng dài xanh mướt. Xác định rõ thế mạnh sản phẩm là thực phẩm sạch, Quang nhận thấy tìm năng để phát triển hệ thống bởi "chưa bao giờ thực phẩm bẩn lại đáng báo động như hiện nay, người dân ngày càng băn khoăn mỗi lần ra chợ, không biết làm sao để chọn được rau sạch".

Mô hình trồng rau mầm của chàng trai gồm có hạt giống rau mầm, xơ dừa, khay xốp và hệ thống tưới nước phun sương, tất cả số vốn chỉ 2 triệu đồng. Với Quang, rau sạch là rau được trồng ở trong môi trường sạch, nước tưới sạch, không sử dụng các chất bảo vệ thực vật hoặc nếu cần thiết phải đúng liều lượng và đúng thời gian quy định. Riêng đối với rau mầm, do điều kiện trồng ngắn ngày nên không thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tất cả đều được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ như ủ phân vi sinh với xơ dừa, chỉ dùng nước sạch để tưới, không dùng thêm bất kỳ chất gì khác.

Dù mô hình nhỏ nhưng kỹ thuật trồng rau sạch không phải câu chuyện đơn giản. Hạt giống trước khi gieo được Quang ngâm trong nước ấm nhiệt độ từ 40-50 độ C với công thức “2 sôi 3 nguội” trong vòng từ 4-6 giờ đồng hồ. Sau khi ngâm giống xong, rửa lại bằng nước sạch, loại bỏ những hạt lép và cho vào rá để ủ ở nơi tối cho tới khi hạt giống nẩy mầm. Tiếp đến, cho giá thể xơ dừa vào khay xốp, trải cho xơ dừa đều và dày từ 2-3 cm. Gieo hạt giống đều tay lên bề mặt giá thể đảm bảo hạt giống phải đủ dày nhưng các hạt không được chồng lên nhau, tưới nhẹ bằng vòi phun sương cho giá thể đủ ẩm, đậy lại bằng bìa carton hoặc tấm bạc và để trong tối từ 2-3 ngày, mỗi ngày tưới nhẹ một lần bằng vòi phun sương. Giai đoạn sau cùng là đưa rau mầm đặt ở chỗ có ánh nắng nhẹ, mỗi ngày tưới nước từ 2-3 lần cho đến lúc thu hoạch.

Bước qua ngày thứ 6-7 thì rau mầm đã có thể thu hoạch bằng cách lấy kéo hoặc dao cắt gần sát gốc rồi sau đó đóng hộp. Hiện Quang đóng gói mỗi hộp 150g. Rau sau khi thu hoạch có thể bảo quản trong điều kiện thường 6h và để trong ngăn mát tủ lạnh từ 5–6 ngày. 

Anh-1-1-768x432.jpg

Rau mầm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với các loại rau thường, hơn nữa, rau mầm không chứa mầm bệnh và vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người.

Gần 6 tháng triển khai, dự án bắt đầu mang lại thu nhập cho tác giả. Mỗi ngày, trang trại có thể sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 6-10 kg rau mầm sạch. Doanh thu từ 300.000-500.000 đồng, lợi nhuận khoảng 200.000 mỗi ngày.

Sắp tới, Quang sẽ đẩy mạnh mô hình sản xuất để có thể đưa rau sạch đến với người tiêu dùng nhiều hơn đồng thời đăng ký thương hiệu riêng. 

“Những kiến thực học được từ FPT Polytechnic giúp tôi rất nhiều trong việc thiết kế mẫu mã, đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng. Những kỹ năng như truyền thông, marketing và bán hàng ở các môn học đã giúp giải quyết khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp", Quang tâm sự.

>> Nam sinh FPT chinh phục khán giả bằng tiếng sáo

Việt Nguyễn - Thanh Thảo

Ý kiến

()