Chúng ta

Khi stress được 'xả' vào sếp

Thứ ba, 24/12/2013 | 10:56 GMT+7

Tức giận sếp, bạn chỉ có cách nuốt giận vào lòng hoặc khóc tấm tức. Riêng trong môi trường của FPT, còn lâu mới có chuyện ấy. Không tin, hãy gõ cửa phòng nhân viên FPT thử xem cách họ xả giận vào sếp như thế nào.
> Sử ký FPT: Rộn ràng nhạc hội Đồ Rê Mí

Những biệt danh để 'trút giận'

Trong FPT, không có ngôi thứ, tất cả mọi người đều được xướng tên theo account mạng nội bộ, như TGĐ Bình “Tê giê” (BìnhTG), Phó TGĐ Tiến “Lờ quờ” (TiếnLQ, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT), GĐ FBI Sơn “Ti ti” (SơnTT, nay đã nghỉ ở FPT). Dương Dũng Triều, TGĐ Công ty Giải pháp Phần mềm FPT - FSS, TGĐ trẻ nhất trong lịch sử FPT ở tuổi 29 được gọi thân mật là Triều "Dê dê" (nay là TGĐ FPT IS)... Toàn công ty, trừ bác NhânNT, bảo vệ lâu năm và chú VinhĐ, thanh tra Công ty (cả hai bác nay đã nghỉ hưu), là được kính cẩn đưa lên hàng cha chú, còn lại, đại từ "anh, chị" được ưu ái dùng cho tất cả, từ giới manager trên dưới 50 đến lũ thanh niên trai tráng chưa đầy 30. Cũng tiện cho sinh viên thực tập hay lũ lính mới, chẳng cần phân biệt khi chạm mặt các anh chị ở thang máy.

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc rất thích đá bóng và thường cổ vũ phong trào cho anh em trong tập đoàn. Ảnh: C.T.

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc (bên trái) rất thích đá bóng và thường cổ vũ phong trào bóng đá trong tập đoàn. Ảnh: C.T.

Có những biệt danh tương đối "láo toét" lại được ưu ái tặng cho các sếp. TGĐ Công ty Phần mềm FPT được gọi là Nam "Già" (nay là Phó Chủ tịch ĐH FPT), Phó TGĐ Học viện FAI có tên âu yếm là Thành "Còi" (nay là Phó hiệu trưởng ĐH FPT) vì dáng hình khiêm tốn, TGĐ Công ty Phân phối FDC tự là Tiến "Béo" (nay là Chủ tịch FPT Software) vì chưa hề biết giảm cân là gì từ khi vào FPT. Nói chung, khi nào hậm hực, có thể "gầm gừ" với mấy cái biệt danh ấy.

Nhằm chân sếp mà sút

Với mấy ngàn nhân viên, lại dồi dào nam giới, FPT là nơi có phong trào thể thao rất mạnh, đặc biệt là bóng đá. Tập đoàn thành lập hẳn một liên đoàn bóng đá FFF (FPT Football Federation) với ban bệ điều hành, luật lệ riêng không thua gì mô hình chuyên nghiệp. Các giải bóng đá lớn nhỏ được tổ chức quanh năm, là nơi để giới hâm mộ túc cầu được xả stress sau giờ làm, đồng thời là chỗ để nhân viên giao lưu.

Và đương nhiên, trên sân cỏ là nơi "trả thù sếp" ngon lành nhất. "Ra sân, sếp hay bố sếp cũng chấp tất" - là lời khảng khái của một nhân viên mới toe. Chính vì thế, việc đốn ngã sếp Nam "Già", ngáng chân sếp Tiến "Béo" là... chuyện thường ngày. Mọi người đồn đại: "Chỉ tội cho 'chú' nào lỡ vào trận với anh Ngọc "Bê quy" (NgọcBQ, nay là TGĐ FPT), cứ khi nào chạy đến tranh bóng với anh lại bị hăm dọa: "Mày thích tháng này bị cắt lương không?". Mọi người còn hả hê nghe kể trước đây TGĐ BìnhTG chạy tung tăng trên sân bóng, bị đá đến sưng chân, Phó TGĐ FPT Software Hùng "Râu" làm Trưởng Ban tổ chức kiêm Xuân tóc đỏ (nhặt bóng). Đáng đời sếp quá!

Phi tiêu

Với 7 công ty con, 7 trung tâm trực thuộc và 7 ban chức năng, với các trụ sở nằm rải rác ở nhiều địa điểm, việc nhân viên nhớ mặt hết giới lãnh đạo là điều nhiều khi không tưởng. Thậm chí, ở cùng trụ sở chưa chắc nhân viên đã thuộc mặt sếp, nên "đi cùng thang máy mà mặt nó cứ vênh vênh, không thèm chào mình câu nào" - lời than của sếp nhớn.

Để cải thiện tình hình này, Ban Truyền thông FPT - FCC quyết định in một áp phích to, đủ mặt giới leader, manager các cấp, hầu hết đều theo kiểu Most Wanted (lệnh truy nã). Khẩu dụ được truyền, tất cả các bộ phận phải bằng cách này cách khác, đảm bảo được nhân viên của mình thuộc mặt đội ngũ lãnh đạo. Phương pháp được triển khai đồng bộ ở hầu khắp các đơn vị là dán áp phích cỡ A0 lên tường, tập ném phi tiêu. Sau những tiếng hô hào hứng "trúng cằm BìnhTG", "một tai Hoài Ria"... hình như tình hình am hiểu mặt mũi của các VIP cũng được cải thiện chút đỉnh. Tấm áp phích với những bức ảnh 4x6 xinh đẹp của các sếp thì rách tả tơi.

Nào, cùng mổ bò!

Đây là truyền thống được duy trì lâu dài trong nội bộ FPT, đặc biệt là ở các cuộc họp. Tranh luận thoải mái, tự do đưa ra và bảo vệ ý kiến của mình. Nhân dịp này, tội gì không "tay bo" với sếp. Cực ít cuộc họp nào diễn ra trong không khí bình thường. Người FPT gọi đó là "mổ bò".

Luận chiến trên mail đàn cũng không kém phần quyết liệt với các diễn đàn Thể thao, Âm nhạc, Thơ ca, Tâm sự, Thư giãn... trên mạng nội bộ. Từ việc tranh luận "Tại sao nhạc sến tồn tại và phát triển" đến "Ai xứng đáng là quả bóng vàng FFF", "Nên chi bao nhiêu tiền cho nghỉ mát hè"... dù cực kỳ gay gắt với những ý kiến trái chiều nhưng lại giúp nhân viên được bộc lộ quan điểm, sở thích của mình, đồng thời giúp lãnh đạo hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của đàn em.

Đó là những kiểu "phòng trút giận" mà FPT không ai nói ra nhưng đều rất khoái. Có gì đâu, hả hê rồi thì mới tiếp tục có hứng thú để lao vào làm việc hết năng suất chứ!

(Theo sách Đồng đội

Ý kiến

()