Chúng ta

'Hội thảo học thuật' hâm nóng lễ tốt nghiệp ĐH FPT

Chủ nhật, 23/10/2016 | 21:33 GMT+7

15 diễn giả là các giảng viên, chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế đã cùng tham dự "Hội thảo học thuật" - một hoạt động nằm trong lễ tốt nghiệp đợt 3 của sinh viên ĐH FPT diễn ra sáng ngày 22/10 tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Lễ tốt nghiệp đợt 3 của sinh viên ĐH FPT diễn ra trong không khí toàn thể cán bộ nhân viên, giảng viên và sinh viên nhà trường đều tự hào với chặng đường 10 năm hiện thực "Khát vọng đổi thay". Trong buổi sáng, mọi người cùng tham gia đã dự các buổi chia sẻ về học thuật với chủ đề Internet of thing (IoT), SMAC, khởi nghiệp, lộ trình thăng tiến, lập kế hoạch kinh doanh, tham quan các công trình kỷ niệm 10 năm thành lập như Bảo tàng Truyền thống và Công trình 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp.

1.jpg

TS. Tạ Ngọc Cầu, Giám đốc ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc phát biểu khai mạc "Hội thảo học thuật" trong khuôn khổ buổi lễ tốt nghiệp.

Mở đầu phiên khai mạc của Hội thảo, Hiệu trưởng Trường ĐH trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam chia sẻ với bài tham luận: "Giáo dục có cần cách mạng?". Người đứng đầu FUNiX cho rằng giáo dục không cần cách mạng mà cần sự ổn định lâu dài. 

DSC07679.jpg

Hiệu trưởng ĐH trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam cho rằng làm bất cứ việc gì cũng cần có tính khoa học. Tinh thần ấy đặc biệt quan trọng trong môi trường đại học. 

Trò chuyện với đông đảo cán bộ, sinh viên và phụ huynh tại ĐH FPT, anh Nam đưa ra dẫn chứng về các quy tắc: cho phép học viên học nhanh theo khả năng, đưa giảng viên trình độ cao vào giảng dạy, xóa bỏ rào cản ngoại ngữ, học đại học không cần thi tuyển đầu vào, học xong 1 học kỳ có thể ra làm việc thực tế, duy trì hứng thú học tập cho học viên, dạy không bằng “dỗ”, xây dựng cộng đồng học viên - giảng viên. "Trong giáo dục, dạy tốt là yêu cầu tối thiểu. Đó là tâm niệm khi tôi mở FUNiX", anh Nam tâm đắc nói.

Nếu như anh Hiệu trưởng ĐH trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam đem đến Hội thảo chủ đề tâm đắc về giáo dục thì Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Văn Lạng lại chia sẻ về "Khai thác lợi thế của Việt Nam để nghiên cứu khoa học nhằm phát triển kinh tế" - một chủ đề có tính thực tiễn, dẫn chứng nhiều từ hiện trạng khoa học và kinh tế Việt Nam hiện nay.

DSC07729.jpg

TS. Nguyễn Văn Lạng cho rằng khởi nghiệp đang là xu hướng nhưng người Việt Nam cũng cần cân nhắc đến lợi thế quốc gia, lợi thế bản thân để lựa chọn khởi nghiệp trong ngành nghề phù hợp.

Chia sẻ về câu chuyện nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của bản thân, TS. Nguyễn Văn Lạng cho rằng Việt Nam có tiềm năng để phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn nữa. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giảng dạy nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin. "Khoa học công nghệ là đòn bẩy quyết định cho phát triển, giáo dục đào tạo là giải pháp căn cơ, lâu dài, chiến lược cho phát triển", TS. Nguyễn Văn Lạng chia sẻ. Xuất phát từ bản thân vẫn đang không ngừng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, TS. Nguyễn Văn Lạng mong muốn thế hệ trẻ nói chung và sinh viên ĐH FPT nói riêng sẽ không ngừng học hỏi, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học vào học tập, công việc.

thu-trung-1111.jpg

Phần chia sẻ của các chuyên gia trong phiên khai mạc thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên và phụ huynh.

Kết thúc phiên khai mạc, diễn giả và khách mời tham dự di chuyển về các phòng để tham gia 13 phiên trình bày chuyên sâu. Tại phòng A với bài trình bày "Đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị trên thị trường chứng khoán. Những điều chúng ta có thể học và ứng dụng" được trình bày bởi TS. Tạ Ngọc Cầu, Giám đốc ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc.

anh-cau.jpg

“Đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị trên thị trường chứng khoán. Những điều chúng ta có thể học và ứng dụng” dưới sự trình bày của TS. Tạ Ngọc Cầu.

Với TS. Tạ Ngọc Cầu, đầu tư là một quá trình thử nghiệm, phải sai nhiều lần thì chúng ta mới có thể thành công được. Dựa trên những triết lý của Phillip Fisher và Warren Bufett – hai nhà đầu tư chứng khoán thành công và có ảnh hưởng ở mọi thời đại, TS. Tạ Ngọc Cầu đã có những chia sẻ và phân tích về các kiểu đầu tư, định giá và nhận diện công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, từ đó mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho người sáng suốt.

Sau phần trình bày của TS. Tạ Ngọc Cầu, diễn giả Nguyễn Đình Hùng tiếp nối phiên thảo luận bằng chủ đề "Khát vọng tỷ đô – Khởi nghiệp từ 2,5 triệu đồng".

Hai chủ đề: TTP (Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương) và cơ hội cho Việt Nam do diễn giả Nguyễn Đức Nhật (Viện Quản Trị Kinh doanh FPT) trình bày, và "Quản trị dự án PMI" do diễn giả Bùi Đình Chiến (FPT Software) chia sẻ cũng thu hút được đông đảo người nghe.

nguyen-duc-nhat.jpg

Theo diễn giả Nguyễn Đức Nhật, Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương có các tính chất đặc trưng khác với các cộng đồng, tổ chức hợp tác kinh tế khác đó là tính tự do và tính tiên phong.

Mở đầu phần trình bày của mình, diễn giả Nguyễn Đức Nhật đã đi sâu làm rõ khái niệm TPP là gì và có những tính chất đặc trưng nào. Là một trong 11 nước tham gia TPP, Việt Nam có những lợi thế riêng về mặt xuất khẩu khi 27/97 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta có lợi thế cạnh tranh. Nhóm này chiếm tới 75% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 120 tỷ USD.

Với quy mô Hội thảo trong môi trường giáo dục FPT, khách mới tham dự đặt câu hỏi cho diễn giả: "TPP có tác động gì đến giáo dục?". Diễn giả Nguyễn Đức Nhật đánh giá đây là một câu hỏi hay nhưng khó. Trong khuôn khổ phiên trình bày, diễn giả tạm giải đáp: "Giáo dục là một trong những lĩnh vực được TPP ưu tiên. Khi tham gia vào TPP, các tổ chức giáo dục sẽ cạnh tranh nhau mạnh mẽ hơn, không chỉ các trường trong nước với nhau mà cả các trường nước ngoài chất lượng cao. Đồng thời, khi TPP được triển khai, hàng rào quản lý sẽ được thay đổi để phù hợp và đó là điểm lợi mà ngành giáo dục có thể nhận được khi vào TPP."

Nối tiếp phiên trình bày của diễn giả Nguyễn Đức Nhật, giảng viên Bùi Đình Chiến đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trọng về "Quản trị dự án PMI".

duc-sminh.jpg

Thạc sỹ Bùi Đình Chiến chia sẻ: thực trạng các dự án hiện nay thường có nhiều yêu cầu tính năng, chất lượng từ khách hàng khiến các sinh viên mới ra trường gặp khó khăn trong quá trình quản trị. 

Theo diễn giả Bùi Đình Chiến, cách quản trị dự án theo kiểu truyền thống không còn phù hợp trong xu thế hiện nay. Cùng với việc mô hình kinh doanh và yêu cầu của khách hàng liên tục thay đổi, các nhà quản trị dự án cần linh hoạt ứng dụng các mô hình học thuật vào công việc của mình. Điều này đặc biệt hữu ích với các sinh viên ĐH FPT chuẩn bị tốt nghiệp, những người sắp bước vào môi trường làm việc. "Để quản lý dự án đảm bảo chất lượng với nhiều đối tượng, rất cần những quy chuẩn chung để mỗi người tham gia dự án đều biết họ phải làm gì", anh Chiến nhấn mạnh.

Một chủ đề khá thú vị, được nhiều người quan tâm do TS. Nguyễn Minh Hải trình bày là "Hình thành thói quen dễ như ăn phở: Bí mật giúp hàng triệu người hình thành thói quen tốt của Trường Stanford".

tung1.jpg

TS. Nguyễn Minh Hải đã mang đến bài chia sẻ đầy tâm huyết, tạo không khí hào hứng cho toàn buổi học thuật. 

Bằng câu hỏi làm thế nào để hình thành thói quen? Tiến sĩ Minh Hải đưa ra những bí quyết tưởng như rất đơn giản nhưng ít ai chú ý tới. Việc đưa những thói quen mới vào những công việc đã tồn tại hàng ngày với những nguyên tắc nhất định sẽ giúp chúng ta dần cải thiện bản thân bằng những thói quen tích cực.

tung-2.jpg

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho diễn giả Minh Hải.

Qua phần trình bày của TS. Nguyễn Minh Hải, các bậc phụ huynh, cán bộ và các sinh viên đã đưa ra nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn về những nguyên tắc có mục đích nhằm hình thành thói quen thay đổi cuộc sống. Bác Trần Trọng Vụ - phụ huynh của bạn Trần Trọng Tiến Đạt vui vẻ tâm sự: "Người lớn tuổi chúng tôi thường có lối suy nghĩ đơn giản, vì thế bài diễn thuyết của thầy Hải rất dễ hiểu và rất bổ ích đối với cá nhân tôi. Nắm được những điều này khi về cũng có thứ để chia sẻ và nuôi dạy con cháu".

Tiếp nối phiên thảo luận tại phòng, Giảng viên tiếng Nhật Lại Xuân Thu chia sẻ chủ đề: "Trải nghiệm thực tế: Sống và làm việc tại Nhật Bản".

tung6.jpg

Diễn giả Lại Xuân Thu khuyến khích và đưa ra nhiều lời khuyên để các bạn có cơ hội đến với đất nước Nhật Bản để trực tiếp cảm nhận về đất nước xinh đẹp này.

Diễn giả Lại Xuân Thu đã mang lại cái nhìn tổng quan cho những sinh viên và cán bộ giảng viên chưa có cơ hội được tới thăm xứ sở "Phù Tang". Những kiến thức về câu chuyện "shock" văn hóa, giới thiệu và đính chính những điều nhiều người còn chưa biết về đất nước "Mặt trời mọc qua" những hình ảnh thực tế và những câu chuyện trong 4 năm sinh sống tại Nhật, diễn giả đã mang đến không khí gần gũi và thoải mái cho người nghe.

Cùng thời điểm, TS. Bùi Quốc Trung với bài tham luận: "Tối ưu tổ hợp, Phương pháp và ứng dụng".

tung-8.jpg

Với những phân tích chi tiết và lý giải dễ hiểu, TS. Bùi Quốc Trung đã lôi cuốn đông đảo sinh viên và cán bộ, giảng viên đến lắng nghe và giao lưu chia sẻ. 

Từng học tập tại trường ĐH Công giáo Louvain (Vương quốc Bỉ), và nghiên cứu giải quyết các bài toán tối ưu tổ hợp, khai phá dữ liệu và ứng dụng của các bài toán này trong thực tế. Theo diễn giả Quốc Trung, bài toán tối ưu tổ hợp xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc giải và mô hình hóa, chính vì vậy, anh đã đưa ra một số thuật toán tối ưu và những ứng dụng thực tế để người nghe giải quyết được những khó khăn trong quá trình giải quyết các bài toán tối ưu tổ hợp.

Sau phần hội thảo buổi sáng, trong buổi chiều cùng ngày đã diễn ra lễ trao bằng và tiệc tốt nghiệp. Buổi lễ cũng là dịp ĐH FPT tri ân gia đình, người thân tân khoa đã luôn bên cạnh các em trên chặng đường 4 năm cũng như tin yêu, gửi gắm con em cho nhà trường. Đối với sinh viên tại TP HCM, nếu không có điều kiện tham gia tốt nghiệp đợt này tại Hà Nội sẽ tham gia lễ tốt nghiệp cùng sinh viên tốt nghiệp đợt 1 năm 2017.

Thanh Tùng - Ngọc Trâm

Ý kiến

()