Chúng ta

Hiệu trưởng ĐH FPT: 'Sinh viên thất nghiệp là do chất lượng đào tạo kém'

Thứ bảy, 11/6/2016 | 09:00 GMT+7

Là nhà giáo dục tâm huyết và có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực CNTT, Hiệu trưởng ĐH FPT đã có nhiều chia sẻ bổ ích liên quan chủ đề này vào chiều ngày 8/6 trên báo điện tử Dân trí. 

Dam-Quang-Minh1-620.jpg

Anh Minh đã chia sẻ với độc giả Dân trí về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT vào chiều ngày 8/6.

Anh Minh thông tin, theo Sách trắng CNTT Việt Nam 2014, ước tính đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 1 triệu lao động ngành CNTT, nhưng hiện tổng số nhân lực làm việc trong ngành này mới đạt hơn 440.000 người, trong đó kỹ thuật Phần mềm là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất trong khối ngành CNTT.

Theo báo cáo của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về công nghệ thông tin), Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm.Trong năm 2014, TP HCM xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong tốp 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Từ năm 2012, Việt Nam trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản. Những năm gần đây, ngành CNTT luôn phát triển với tốc độ cao (năm 2013 tăng 55,3% so với năm 2012) khiến cho nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng cao.

Tuy nhiên, hiện nay, học sinh thường lựa chọn ngành học theo nhu cầu của xã hội khi chưa xác định được đam mê hoặc sở trường. Các em tin rằng tỷ lệ đảm bảo việc làm sẽ cao hơn nếu ngành học đó đang có nhu cầu lao động lớn. Bởi, thị trường lao động đòi hỏi người học hay người đi làm việc không chỉ có hiểu biết duy nhất về một lĩnh vực, mảng kiến thức mà còn phải có cả những hiểu biết chung về các lĩnh vực khác. Hiểu biết đa ngành và có nhiều hơn một chuyên môn cũng là lợi thế lớn.

"Những sinh viên này là cân nhắc thật kỹ giữa những lựa chọn của mình, nếu ngành học đó chưa phải là đam mê thì ít nhất cũng phải lựa chọn ngành học mà chắc chắn mình có khả năng học được để trong khả năng tối thiểu có thể có đủ năng lực làm việc đúng chuyên ngành mà mình đã chọn", Hiệu trưởng Đàm Quang Minh khuyên.

Bên cạnh đó, việc sinh viên thất nghiệp còn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của trường đại học. Với CNTT ngày nay, thách thức rất lớn với các trường do đặc thù ngành này có tốc độ thay đổi rất nhanh chóng. Có thể chắc chắn một điều là hầu hết những sinh viên học ngành CNTT khi ra trường sẽ không sử dụng trực tiếp những kiến thức đã được đào tạo trong trường vì khi học xong thì nội dung học đã bị lạc hậu. 

Tuy nhiên, trách nhiệm của các trường đại học đào tạo về ngành CNTT là phải đảm bảo được việc sinh viên ra trường sẽ có việc làm đúng ngành học đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Để đáp ứng được việc đó, nhà trường phải luôn cập nhật chương trình học và cung cấp những kỹ năng tự học, học tập suốt đời để sinh viên ra trường luôn sẵn sàng với những thay đổi.

Ở ĐH FPT, việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp luôn là vấn đề được trường đặc biệt chú trọng. Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng chương trình, ĐH FPT đã tham khảo ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp. Từ năm thứ 3, 100% sinh viên ĐH FPT được tham gia chương trình thực tập tại doanh nghiệp (On the job training) nhằm giúp sinh viên nhanh chóng tiếp xúc với thực tế của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các em sau khi ra trường.

Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp của ĐH FPT cũng thường xuyên tổ chức các Ngày hội việc làm định kỳ cho sinh viên… Theo thống kê mới nhất vào tháng 5/2015, 98% sinh viên ĐH FPT có việc làm sau khi ra trường, trong đó 15% sinh viên đang học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển: Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Philippines, Nhật… Năm 2015, ĐH FPT được xếp hạng 5 sao về việc làm (mức đánh giá cao nhất) theo chuẩn QS Star…

Ngoài ra, TS Đàm Quang Minh cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ với bạn đọc quan tâm đến khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Anh Mình cho rằng, sự “mạo hiểm” trong khởi nghiệp ở chỗ mọi người thường xuất phát từ con số 0, với những nguồn lực còn hạn chế và kinh nghiệm chưa nhiều. Đôi khi, người khởi nghiệp phải “đặt cược” tất cả những gì đang có để bắt đầu một công ty như: tiền bạc, thời gian, tâm huyết và rất nhiều những thứ khác nữa. Tuy nhiên, cơ hội thành công của khởi nghiệp không phải lúc nào cũng “an toàn”. Tỷ lệ thất bại của những người làm khởi nghiệp bao giờ cũng cao hơn bình thường. Thực tế là chỉ có 10% trong tổng số các công ty khởi nghiệp là thành công. Nghĩa là trong số 100 công ty khởi nghiệp thì chỉ có 10 công ty là có thể trụ lại được còn 90 công ty sẽ phá sản và đóng cửa.

Dù thực tế khắc nghiệp nhưng khởi nghiệp vẫn rất hấp dẫn với nhiều người và đặc biệt là những người trẻ. Khởi nghiệp có thể bắt đầu từ con số 0 đồng hoặc thậm chí vài trăm nghìn đồng - một số tiền quá ít để có thể bắt đầu. Với quy mô công ty nhỏ, áp lực về nhân lực cũng giảm, những thiếu sót về mặt kinh nghiệm hoặc năng lực về quản lý đều có thể được chấp nhận tại thời điểm bắt đầu. Quá trình làm việc cũng sẽ là quá trình củng cố và học hỏi những kiến thức này. Những hạn chế về các mặt trên có thể sẽ gặp khó khăn nhưng sẽ không ảnh hưởng quá lớn như đối với một công ty đã có quy mô và phát triển mạnh. Trong khi, một sinh viên hay một người quá trẻ thiếu kinh nghiệm gần như không có cơ hội quản lý một tổ chức, công ty đã hoạt động lâu dài mà chỉ để học hỏi kinh nghiệm hoặc thử nghiệm những cái mới. 

Theo anh Minh, để khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT cần phải có những yếu tố sau: Đam mê, nhạy bén và chấp nhận rủi ro. Theo đó, đam mê đối với lĩnh vực mà mình muốn khởi nghiệp đôi khi không cần phải là chuyên gia hàng đầu hoặc chuyên sâu nhưng nếu không có đam mê hoặc sự yêu thích đối với công việc thì khó thành công. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp cần sự nhạy bén đối với những thay đổi của lĩnh vực mà mình khởi nghiệp để cạnh tranh. Cuối cùng, dám chấp nhận rủi ro vì khởi nghiệp giống như đánh cược “được ăn cả, ngã về không” là yếu tố vô cùng quan trọng với người khởi nghiệp khi có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh không dự đoán trước được có thể tác động đến sự sống còn của công ty.

Chiều qua (8/6), ĐH FPT phối hợp với Dân trí tổ chức buổi tư vấn với chủ đề “Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin”.

Buổi tư vấn với sự tham gia của các khách mời: TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH FPT; TS. Nguyễn Lê Minh - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm; bạn Võ Thị Mỹ Quỳnh, cựu sinh viên ĐH FPT - hiện làm việc tại công ty PISE tại Nhật Bản.

Lưu Vân tổng hợp

Ý kiến

()