Chúng ta

'Hãy nắm thật chặt những gì mình có'

Thứ năm, 8/3/2012 | 10:02 GMT+7

"Chúng ta không thể quyết định được cuộc đời nhưng có thể hoàn toàn làm chủ được cuộc sống. Quan trọng là hãy nắm thật chặt những gì mình có, đừng ao ước những cái bên ngoài", chị Trương Thanh Thanh, Phó Chủ tịch HĐQT FPT kiêm GĐ FPT HCM, chia sẻ.
> Nữ lãnh đạo FPT 'Cám ơn tình yêu' / Chủ tịch Trương Gia Bình: 'Tôi rất thương chị em FPT' / Ngắm những người phụ nữ tặng tuổi thanh xuân cho FPT

Đó là một trong những câu chuyện lần đầu được bật mí của ba sếp nữ trong tập đoàn là các chị Trương Thanh Thanh, Chu Thanh Hà (Phó TGĐ FPT) và Trần Thu Hà (Phó Ban Nhân sự FPT) tại buổi Open Talk “Cảm ơn tình yêu” diễn ra chiều 7/3, tại tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. MC của chương trình là chị Bùi Nguyễn Phương Châu, Trưởng Ban Truyền thông FPT.

a

Lần đầu tiên, ba sếp nữ trong tập đoàn là các chị Trương Thanh Thanh, Chu Thanh Hà (Phó TGĐ FPT) và Trần Thu Hà (Phó Ban Nhân sự FPT) chia sẻ về tình yêu gia đình, công việc và bản thân. Ảnh: Lưu Vân.

Trước chương trình 15 phút, nhiều chị em FPT đã lục tục kéo nhau đến nghe các sếp nữ chia sẻ chuyện tình yêu. Trước đó, 140 chị em trong tập đoàn đã đăng ký tham gia chương trình, thậm chí có cả nữ nhân viên ở Thái Nguyên cũng bày tỏ mong muốn được góp mặt. Đến giờ bắt đầu cũng là lúc cả hội trường gần 150 ghế chật kín.

Trong chương trình, các sếp đã chia sẻ rất thẳng thắn những câu chuyện nhạy cảm liên quan đến tình yêu cuộc sống, công việc, gia đình. Những điều đó đã nhận được rất nhiều tiếng cười, những cái gật đầu đồng cảm của phái đẹp.

Chúng ta trích lược những câu chuyện lần đầu tiên được chia sẻ ở diễn đàn mở nhân ngày tôn vinh phái đẹp.

- Các chị làm thế nào để cân bằng được công việc và cuộc sống gia đình?

- Chị Trương Thanh Thanh: Chúng ta không thể quyết định được cuộc đời nhưng có thể hoàn toàn làm chủ được cuộc sống. Muốn có một cuộc sống hạnh phúc thì trước hết mình phải yêu mình. Bên cạnh đó, mình cần có một ông chồng, một bờ vai để nương tựa, con cái học hành tử tế. Cuộc sống có thể cho, lấy, thử thách hoặc tạo cơ hội cho mình. Nhiệm vụ của mình là phải nắm thật chặt những gì đang có, đừng ao ước những cái bên ngoài. Cuộc sống công bằng lắm.

Chị Chu Thanh Hà: Tôi mượn lời anh Nguyễn Thành Nam (Giám đốc dự án Nigeria) chúc các chị em nhân ngày 8/3 gói gọn trong hai từ là “Yêu đi” để trả lời cho câu hỏi này. Hãy trao đi để đón nhận tình yêu gia đình, công việc và bản thân bằng lòng nhiệt huyết và yêu đời.

Chị Trần Thu Hà: Tôi cũng cho rằng, mình phải cho đi thật nhiều mới mong được nhận lại. Thứ mình trao đi phải xuất phát từ tình cảm thực sự dành cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

- Có xung đột nào trong việc thực hiện tốt công việc với chăm lo cho hạnh phúc gia đình mà các chị từng gặp phải?

- Chị Trương Thanh Thanh: Tôi không bao giờ đặt mình lên trên hết, mà luôn đặt quyền lợi của bản thân thấp nhất trong gia đình. Với tôi, phụ nữ về nhà sau 7h tối là có tội. Mình phải sắp xếp được công việc, nếu không sắp xếp được thì phải “nịnh” và chia sẻ để giành được sự cảm thông. Nếu tôi không sắp xếp được, tôi thường phải kéo chồng con tham gia cùng, chứ không để họ phải chờ đợi.

Chị Chu Thanh Hà: Muốn đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc sống thì phải có kế hoạch chuẩn. Tôi luôn lên kế hoạch dài hơi cho từng thời kỳ và kế hoạch ngắn hạn (hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng).

Chị Trần Thu Hà: Tôi lại thường tạo sự tình cờ do mình sắp xếp từ trước. Tôi không có nhiều thời gian chăm sóc chồng, còn anh ấy cũng bận rộn công việc nên không có nhiều thời gian dành cho tôi. Vì vậy, tôi cố gắng sắp xếp để tăng giá trị của khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên nhau. Ở cương vị người mẹ, tôi không dành được 2 tiếng mỗi buổi tối cho con như chị Chu Thanh Hà. Có lúc tôi thấy con mình ao ước được mẹ đón khi tan học lúc 4h chiều. Thỉnh thoảng, tôi cũng tạo bất ngờ cho con khi có mặt ở cổng trường đón con về.

a

Nhiều câu chuyện thú vị từ thực tế cuộc sống được các sếp nữ chia sẻ rất cởi mở. Ảnh: Lưu Vân.

- Các chị có thể “hiến kế” cho chị em làm cách nào để lo toan được cuộc sống gia đình với quỹ tài chính có hạn?

- Chị Trương Thanh Thanh: Thu xếp gia đình khéo là do chúng ta chứ không phải do yếu tố tài chính. Tôi rất tâm đắc câu mà mẹ tôi hay dạy “dù no dù đói cho tươi mặt mày”. Với tôi, đói mà thu xếp được vẫn vui. Điều quan trọng là phải xác định được điều gì là quan trọng nhất, hãy chọn một vài ưu tiên để xây đắp. Vì thế, tôi cũng đã có lúc khó khăn nhưng chưa bao giờ bí cả.

Chị Chu Thanh Hà: Cuộc sống gia đình có hạnh phúc hay không là do người phụ nữ vun vén. Hãy nhìn sang bên cạnh bạn bè có năng lực thu xếp tài chính, tham khảo nguồn thông tin trên mạng… để có lời giải tốt nhất cho vấn đề này.

Chị Trần Thu Hà: Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thường chia tầm quan trọng và giai đoạn để đầu tư. Đầu tư cho con là hiệu quả và lâu dài nhất nên cần có kế hoạch dài hơi cho việc này. Với nhu cầu khác, tôi chia giai đoạn để đầu tư, có thời gian sẽ đi du lịch, thời gian khác lại dành tiền mua sắm…

- Nói về chuyện riêng tư, các chị có bao giờ có cảm giác bị “rung rinh”?

- Chị Trương Thanh Thanh: Câu hỏi này chắc không phải nhằm vào tôi. Ông xã tôi cũng không bao giờ lăn tăn về vấn đề này. Vậy chắc phải để dành câu hỏi đó cho chị em vừa xinh đẹp vừa thành đạt. (Cười)

Chị Chu Thanh Hà: “Rung rinh” thì chắc chị em nào cũng có. Chồng tôi thường không hiểu tại sao vợ rất thích xem phim Hàn Quốc. Điều này chỉ có tôi lý giải được. Vì xem phim Hàn Quốc tôi được thấy các anh chàng đẹp trai, galant, lãng mạn, nhiều tiền… mà ở ngoài đời hiếm thấy. Sống với cảm xúc trong phim, tôi thấy hơi “rung rinh”. Chồng biết được thế thì cũng cảm thấy an tâm. (Cười)

Chị Trần Thu Hà: Phụ nữ có quyền được đón nhận tình cảm, sự ngưỡng mộ hoặc có điều gì đó chia sẻ từ nam giới, đó là phần tất yếu của cuộc sống. Mình cần có sự đáp trả với sự tôn trọng và sẻ chia. Đó là cách mà phụ nữ giành được nhiều sự quan tâm từ phái mạnh.

- Trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, các chị có bí quyết nào để hài hòa được?

- Chị Trương Thanh Thanh: Tôi không có kinh nghiệm về việc này vì không sống với mẹ chồng. Nhưng tôi khuyên các bạn, trong trường hợp xấu nhất, hãy nhớ đó là người đã sinh ra chồng mình.

Chị Chu Thanh Hà: Tính đến nay, tôi ở với mẹ chồng 17 năm, tình cảm mẹ con thân như mẹ đẻ - con ruột. Hai thế hệ khác nhau sẽ có suy nghĩ khác nhau, đôi lúc sẽ dẫn đến điểm không hài lòng. Tuy nhiên, nếu xuất phát điểm từ sự tôn trọng, luôn bình tĩnh đặt mình vào địa vị của mẹ để thấu hiểu thì sẽ dễ hòa hợp.

Chị Trần Thu Hà: Tôi không được sống với mẹ chồng, vì khi tôi lập gia đình thì mẹ chồng đã mất. Nhưng tôi thường được nghe câu chuyện về mẹ chồng - nàng dâu. Ở khía cạnh nào đó, tôi thấy mẹ chồng đúng vì luôn mong muốn tốt cho gia đình, con cháu. Nếu được sống với mẹ chồng, tôi sẽ cố gắng giành được sự yêu mến của bà như chị Chu Thanh Hà để có được sự bao dung, trên cơ sở đó mọi xung khắc sẽ dễ dàng giải tỏa.

- Trong công việc và cuộc sống khó khăn bộn bề, các chị làm cách nào để giữ “mặt mày tươi tắn”?

- Chị Trương Thanh Thanh: Mình phải thương thân mình và thương người. Điều không vui trong cuộc sống thường chỉ nói với đúng đối tượng cần chia sẻ. Tôi suốt đời không uống thuốc và tắm bằng xà bông nhưng lại chăm tập thể thao bởi nó sẽ mang lại trí tuệ. Tôi thường bơi, mỗi lần bơi liền khoảng 1.500-2.000 m để tập thần kinh dẻo dai.

Chị Chu Thanh Hà: Ngoài sắc đẹp, người phụ nữ phải rèn luyện tinh thần để dù xảy ra bất kỳ vấn đề gì đều không bị stress. Ngoài ra, chị em nên dành 15 phút hoặc -1 giờ mỗi ngày để tập thể dục.

Chị Trần Thu Hà: Giữ được tinh thần và thần thái tốt sẽ cho mình vẻ đẹp tâm hồn. Ngoài ra, một lời khuyên hơi lý thuyết là phải lạc quan. Trong cuộc sống, sẽ có lúc gặp khó khăn và thất bại, không ai có thể giúp được mình thì lạc quan chính là cách giải quyết tốt nhất.  

Những con số ấn tượng về phái đẹp ở FPT

4.893 là số nữ giới đang làm việc tại FPT, chiếm 37,7% tổng số CBNV.

28 là độ tuổi trung bình của chị em FPT.

FPT Software đang là đơn vị có nhiều chị em nhất.

44/173 lãnh đạo là nữ trong tập đoàn, chiếm 25,4%.

Nữ lãnh đạo trẻ nhất sinh năm 1980.

Nữ nhân viên ít tuổi nhất FPT (tính đến nay) sinh năm 1993.

Lưu Vân (ghi)

Ý kiến

()