Chúng ta

'Hành trình kết nối' được 'bẻ đường' vì lý do đặc biệt

Thứ tư, 8/8/2018 | 15:01 GMT+7

Tại Chặng 6 vào ngày 10/8, theo kế hoạch ban đầu, “Hành trình kết nối” sẽ từ thị xã Hoàng Mai tới thị xã Cửa Lò qua Quốc lộ 1 - Quốc lộ 536 - đường Bình Minh, nhưng vì một lý do đặc biệt, Ban tổ chức đã quyết định “bẻ đường”. 

Chungta.vn có cuộc trao đổi cùng anh Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Ý tưởng của giải chạy, về việc này.

- Xin anh chia sẻ cụ thể về lý do BTC thay đổi đường chạy ở chặng 6 (Nghệ An)?

- Theo lộ trình cũ, chúng tôi sẽ chạy những cung đường thẳng hơn, nhưng sáng thứ Hai vừa rồi (ngày 6/8), sau cuộc họp báo cáo với lãnh đạo tập đoàn về giải chạy, anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, có trao đổi với tôi về việc muốn được tham gia giải chạy "Hành trình kết nối" ở đoạn quốc lộ chạy qua quê anh là xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi rất trân trọng việc đó. Đây tuy là hoạt động nội bộ của FPT Telecom, nhưng chúng tôi luôn chào đón những vị khách quý trong Tập đoàn FPT cùng tham gia. Tuy nhiên, khi kiểm tra lộ trình, BTC phát hiện ra “Hành trình kết nối” không chạy qua xã Nghi Thuận mà sẽ rẽ vào Quốc lộ 536 ở ngã ba Nam Cấm, trước đoạn quốc lộ chạy qua Nghi Thuận vài km.

Tôi đã trao đổi với anh Tiến về việc này. Tôi tưởng anh ấy sẽ không chạy nữa, nhưng anh ấy lại reo lên: “Như vậy sẽ chạy qua đường mang tên ba anh. Quá tuyệt!”. Tôi cũng bất ngờ về việc đó. Tôi biết là ở quê của anh Tiến có một con đường mang tên Hoàng Đan, ba của anh Tiến, nhưng không nghĩ là nó lại nằm trên lộ trình của chúng tôi.

Dinh-Tien-Dung-ok-1654-1533703241.jpg

Giám đốc Ý tưởng của giải chạy anh Đinh Tiến Dũng chia sẻ về lý do đặc biệt khiến Ban tổ chức "Hành trình kết nối" quyết định "bẻ đường" chạy. Ảnh: FOX News.

- Vậy Ban tổ chức quyết định “bẻ đường” như thế nào?

- Ban đầu chúng tôi không thay đổi lộ trình vì việc này khá phức tạp. Bởi khi thiết lập hành trình giải chạy, chúng tôi phải làm việc cùng các sở, ban ngành địa phương để xin phép chạy qua cũng như bàn bạc với anh em chi nhánh để thực hiện. Lộ trình không chạy qua đường Hoàng Đan mà ở gần đó, anh Tiến mong muốn được nhận cờ ở đoạn giao cắt với con đường này, nơi sẽ có biển tên đường Hoàng Đan. Tôi xem lại bản đồ hành trình thì thấy lộ trình không có đoạn giao cắt nào như vậy vì từ Quốc lộ 536 sẽ chạy thẳng ra đường Bình Minh luôn. Nếu muốn chạy qua điểm giao cắt với đường Hoàng Đan, chúng tôi phải đổi lộ trình sang Quốc lộ 46, rồi rẽ vào đường Sào Nam, trên đường Sào Nam sẽ có điểm giao cắt mà anh Tiến muốn chạy qua.

Do vậy, BTC quyết định sẽ đổi lộ trình chạy qua cả đường Hoàng Đan và rẽ vào đường Nguyễn Sinh Cung, ra lại đường Bình Minh về Cửa Lò. Tôi nghĩ, bác Hoàng Đan là bậc phụ huynh của FPT, một phụ huynh của FPT được đặt tên cho một con đường thì không chỉ là vinh dự của gia đình anh Tiến mà còn là của FPT chúng ta. Do vậy, được chạy qua đường Hoàng Đan cũng là vinh dự của “Hành trình kết nối”. Nó sẽ làm hành trình của chúng tôi ý nghĩa hơn.

- Anh Hoàng Nam Tiến phản ứng ra sao với sự thay đổi này?

- Tôi nghĩ anh Tiến chỉ mong muốn được nhận cờ ở đầu đường mang tên ba mình và sẽ chạy tiếp trên một con đường khác, không nghĩ là chúng tôi sẽ đổi lộ trình chạy qua cả đường Hoàng Đan. Nhưng sau đó thì anh ấy lại lo lắng.

- Anh Tiến lo lắng điều gì?

- Lộ trình qua đường Hoàng Đan dài khoảng 1.200 m. Anh Tiến sợ không chạy hết được do chân anh chưa hồi phục sau một chấn thương nhỏ. Hơn nữa, hành trình dài nhất mà anh đi bộ thường là từ văn phòng ra đến sảnh để lên ô tô. Nên tôi nghĩ chắc anh sẽ chỉ chạy được khoảng 300 m.

- Ban tổ chức có giải pháp gì hỗ trợ cho vận động viên đặc biệt này?

- Với chúng tôi thì không vấn đề gì, vì các VĐV tham gia giải chạy đều được chuẩn bị khá kỹ về thể lực, hoàn toàn có thể hỗ trợ anh Tiến. Tuy nhiên, tôi không muốn như vậy lắm. Vẫn biết đây chỉ là một đoạn trên hành trình lớn của 3.000 người, nhưng ở đoạn đường này, tôi muốn nó có sự riêng tư của tình cảm gia đình.

Hãy tưởng tượng xem, có gì hạnh phúc và tự hào hơn khi được chạy trên con đường mang tên người thân yêu mình trong một hành trình đầy ý nghĩa. Tôi bảo với anh Tiến sao anh không rủ Nam Hải (con trai anh Tiến), cậu ấy cũng là người FPT. Hai phút sau, Nam Hải liên hệ với tôi để xin được tham gia. Nam Hải sẽ nhận lá cờ FPT từ tay ba mình - Hoàng Nam Tiến và hoàn thành hết đoạn đường mang tên ông nội cậu. Chỉ một hành trình ngắn, nhưng sẽ là những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc của tình cha con.

DSC06646-JPG_1533716112.jpg

VĐV Hành trình kết nối ở chặng 4 chạy từ Ninh Bình vào Thanh Hóa. Ảnh: Đức Thông.

- Trong những chặng tới, liệu có đoạn nào Ban tổ chức sẽ “bẻ đường” tiếp?

- Tôi nghĩ chắc là không. Trừ lý do bất khả kháng như sự cố về đường xá không thể đi qua. Còn việc thay đổi lộ trình không đơn giản chút nào. Lộ trình được chốt sau chuyến đi tiền trạm trước đó vài tuần, chúng tôi phải làm việc cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, với Phòng Cảnh sát giao thông của tỉnh để xin phép chạy qua những con đường cụ thể. Nên nếu có sự thay đổi, chúng tôi phải làm việc cùng các bên khá phức tạp. Thật may là trong lần đổi lộ trình này, mọi thứ đều diễn ra khá thuận lợi.

- Người FPT khác muốn tham gia “Hành trình kết nối” tương tự như anh Tiến thì làm thế nào, thưa anh?

- Hoàn toàn được. Theo quy định của Ban tổ chức, những người FPT không thuộc số những người FPT Telecom được phân công chạy muốn tham gia hành trình thì đăng ký chặng chạy mà mình muốn. Ban tổ chức sẽ làm việc cùng với lãnh đạo phụ trách nhân sự chặng đó để “mua số” vì những số áo này được bên giám sát độc lập (ngoài FPT) quản lý rất chặt và đã được giao cho những người cụ thể của FPT Telecom đảm nhận. Nếu lãnh đạo chặng đồng ý “bán” thì người FPT có nhu cầu sẽ nộp 10 triệu đồng tiền mặt để lấy số áo và tham gia hành trình. Số tiền này sẽ được chuyển về chi nhánh FPT Telecom phụ tránh chặng đó để phục vụ các công tác thiện nguyện, giúp đỡ các đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.

"Hành trình kết nối" diễn ra xuyên suốt trong 31 ngày, từ 5/8 đến 4/9 trên quãng đường dài 2.600 km với 31 chặng tại 28 tỉnh/thành, dọc theo đường trục Bắc Nam, nơi in dấu chân của những nười FPT Telecom đã đi qua, những đôi chân không mỏi mệt đưa Internet Việt Nam đi khắp mọi miền Tổ quốc góp vào sự tiên phong và trường tồn của FPT. 

Trong suốt một tháng, 3.000 người sẽ mặc áo đồng phục phủ một màu cam các ngả đường từ Bắc vào Nam, tạo sức lan tỏa và hình ảnh FPT to lớn đến cộng đồng. 

Dự kiến ngày 4/9, tại đất mũi Cà Mau, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sẽ nhận lá cờ FPT từ vận động viên mang số áo 3.000. Lãnh đạo FPT Telecom cắm cờ vào cột mốc kết thúc quốc lộ 1A, đánh dấu hoàn thành đường chạy lịch sử dọc chiều dài đất nước của nhà F. 

Ngư Nhi thực hiện

Ý kiến

()