Chúng ta

‘Global ViOlympic tạo sân chơi quốc tế cho học sinh Việt Nam’

Thứ tư, 2/3/2016 | 09:16 GMT+7

“Với Global ViOlympic, học sinh Việt Nam đã thực sự được tham gia một sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, tiềm năng lâu dài còn phụ thuộc vào chất lượng và độ hấp dẫn của cuộc thi” GĐ Trách nhiệm xã hội (CSR) FPT Trương Thanh Thanh, khẳng định.

thanh-thanh-620ok.jpg

Theo Giám đốc CSR FPT, Global ViOlympic giúp học sinh Việt Nam đã thực sự được tham gia một sân chơi toàn cầu. 

2016 là năm mở màn triển khai Global ViOlympic - cuộc thi toán học trực tuyến quy mô quốc tế. Là người đồng hành cùng cuộc thi từ chặng đường đầu tiên và trong các giai đoạn phát triển, chị Trương Thanh Thanh, GĐ CSR của FPT, chia sẻ suy nghĩ, đánh giá và bày tỏ kỳ vọng của với Global ViOlympic.

- Chị nhìn nhận thế nào về giá trị xã hội của cuộc thi ViOlympic khi bước ra ngoài lãnh thổ Việt Nam?

- Sự thành công của chương trình thi Toán trên mạng - ViOlympic là sự thành công của FPT trong chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) với thông điệp: Mang giá trị cốt lõi của FPT là CNTT hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước. FPT đã thực hiện được quan điểm tiên tiến trên thế giới hiện nay về cách thức thực hiện CSR của doanh nghiệp, đó là chia sẻ giá trị. FPT hỗ trợ nâng cao tri thức cho thế hệ trẻ - nguồn lực tiềm năng cho sự phát triển CNTT nói chung cũng như cho FPT nói riêng trong tương lai.

Tháng 9/2013, ViOlympic bắt đầu có phiên bản tiếng Anh, chúng tôi đã từng có mơ ước hoạt động CSR của FPT sẽ "Go Global" bằng cách mời Lào, Campuchia cùng tham gia. Đến 2016, mơ ước đó đã trở thành sự thật.

Bằng sự nỗ lực của Trung tâm hỗ trợ học đường thuộc ĐH FPT, tháng 1 năm nay cuộc thi Global ViOlympic chính thức khởi động. Ngay trong những tháng đầu tiên cuộc thi đã thu hút được thành viên từ 32 nước tham gia, vượt kỳ vọng ban đầu. Global ViOlympic đã tạo một sân chơi cho học sinh toàn cầu.

Là người đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu cũng như những ngày bền bỉ thực hiện ước mơ, tôi thực sự có nhiều cảm xúc khó diễn tả. Chúng ta đã làm được một điều gì đó nhỏ nhoi nhưng đáng tự hào. Nếu cố gắng lấy chuẩn mực quốc tế để cân, đong, đo, đếm thì đất nước ta sẽ không phải mãi mãi đi phía sau.

- Lần đầu tiên ra mắt, Global ViOlympic thực sự đã tạo cơ hội và môi trường cho học sinh Việt Nam tham gia thi đấu giải Toán trực tuyến với học sinh trên toàn thế giới. Theo chị, điều gì là quan trọng nhất với học sinh khi tham gia sân chơi này?

- ViOlympic là cuộc thi không nhằm lấy thành tích để biểu dương. Điều quan trọng là qua cuộc thi này, học sinh tự rèn luyện kiến thức, kỹ năng trong cuộc thi, vượt qua những cái mốc của chính mình một cách rõ ràng minh bạch. Vì thế, ngôi vị nhất nhì không phải là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, năm nay, sân chơi đã là sân chơi quốc tế. Nếu học sinh Việt Nam cố gắng để thể hiện được khả năng của mình thì rất đáng khuyến khích và tự hào.

- Sau gần hai tháng chính thức khởi động, Global ViOlympic đã “phủ sóng” đến 35 nước và vùng kinh tế, thu hút tổng cộng trên 32.000 thành viên tham gia, trong đó có đông đảo các học sinh đến từ Hoa Kỳ, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Canada... chị đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của cuộc thi ở quy mô quốc tế?

- Phạm vi cuộc thi đã phủ rất rộng ngoài kỳ vọng của chúng ta. Tuy nhiên, tiềm năng lâu dài phụ thuộc vào chất lượng và độ hấp dẫn của cuộc thi. Trên thế giới có ngàn vạn cuộc thi, ngàn vạn lần trao giải. Nhưng những cuộc thi tồn tại lâu dài và được mọi người quan tâm có hạn. Hy vọng rằng FPT, ĐH FPT và Trung tâm hỗ trợ học đường sẽ có kế hoạch đi tiếp trên con đường đã mở.

- ViOlympic hiện đã trở thành cuộc thi giải Toán qua mạng Internet lớn nhất Việt Nam nhưng lộ trình cho Global ViOlympic vẫn còn ở phía trước. Là đại diện cao nhất của FPT đồng hành cùng ViOlympic, chị kỳ vọng gì ở sân chơi này?

- Thời gian qua, ViOlympic được đánh giá là rất thành công khi có được sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội trên phạm vi cả nước. Ngoài sự cố gắng về chuyên môn kỹ thuật, việc đồng hành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp FPT có được cơ hội đưa cuộc thi đến mọi miền đất nước và trở thành một kỳ thi quốc gia.

Với Global ViOlympic, chúng ta chỉ mới bước được những bước đầu tiên. Tôi hy vọng rằng với kinh nghiệm đã có ViOlympic sẽ tiếp tục có được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa cuộc thi lên tầm cỡ quốc tế. Tôi hy vọng rằng Global Violympic sẽ có sức hấp dẫn với học sinh Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới.

ViOlympic là cuộc thi cấp quốc gia về Toán học trên Internet (giải Toán bằng tiếng Việt và tiếng Anh) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tập đoàn FPT và ĐH FPT là đơn vị tổ chức. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc, được bắt đầu tổ chức từ năm 2008.

Đến nay, cuộc thi đã thu hút hơn 20 triệu thành viên, lan tỏa đến hơn 700 huyện thuộc 63 tỉnh thành trên toàn quốc,

Được tổ chức từ 15/1 đến 4/4 tại website http://global.violympic.vn, Global ViOlympic là cuộc so tài toán học trực tuyến quy mô quốc tế đầu tiên được ViOlympic tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi có 3 vòng: Tự luyện, quốc gia và vòng quốc tế. Các dạng bài thi của Global ViOlympic trong năm đầu tiên triển khai gồm có: Sắp xếp, Cặp bằng nhau, Trắc nghiệm và Tự luận.

Cuộc thi Global ViOlympic năm đầu tiên triển khai còn được sự tư vấn, hỗ trợ từ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013, TS Lê Anh Vinh, các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm dẫn đội tuyển Việt Nam đi thi đấu quốc tế, cũng như ban cố vấn chuyên môn tới từ các trường trung học trên toàn quốc.

Theo FE

Ý kiến

()