Chúng ta

Giữa 'đầm lầy' khởi nghiệp Việt, chọn làm cá sấu hay cá vàng?

Thứ năm, 2/3/2017 | 15:38 GMT+7

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng ĐH trực tuyến FUNiX, nhắn nhủ bạn trẻ ngừng "than" về môi trường kinh doanh chưa chuyên nghiệp tại Việt Nam mà hãy biến nó thành một lợi thế. "Nếu coi Việt Nam là đầm lầy, thì mình phải làm cá sấu, chứ làm cá vàng không sống được". 

Cuối tháng 2, Học viện Khởi nghiệp (Start-up Academy) do TS. Giáp Văn Dương sáng lập đã ra mắt tại BKUP, một không gian làm việc nhóm (co-working space) trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong sự kiện, anh Giáp Văn Dương và anh Nguyễn Thành Nam đã tổ chức buổi tọa đàm "Khởi nghiệp là khởi cái gì", thu hút hàng trăm bạn trẻ tham dự. 

nam-2-2915-1488339021.jpg

Anh Nguyễn Thành Nam đã có những chia sẻ thú vị về khởi nghiệp từ những câu chuyện thật mà anh đã trải qua.

Trong bài chia sẻ của mình, anh Nam đi thẳng vào các vấn đề gây tranh cãi như định nghĩa của khởi nghiệp, bán cà phê, bán phở có phải là khởi nghiệp... Theo anh Nam, khởi nghiệp phải nói được bạn muốn làm gì, tham vọng như thế nào, rồi mới đi tiếp được các bước khác. "Bởi lẽ, khởi nghiệp phần nào đó là thuyết phục người khác tin vào cái bạn đang làm. Nếu không đủ tham vọng, khát vọng và niềm tin thì chẳng thuyết phục được ai cả", anh nhấn mạnh.

Anh Nam còn chứng minh cho luận điểm của mình bằng câu chuyện của những nhà khởi nghiệp trẻ đã phải lặn lội, gặp gỡ các đối tác ra sao, mỗi lần gặp lại một lần lặp lại giấc mơ của mình với sự hào hứng, đam mê không hề giảm bớt. "Hồi chúng tôi lập FPT, tham vọng là làm sao khỏi chết đói", anh hài hước chia sẻ. "Nghe thì tầm thường nhưng đó là điều thiết thực, mang lại động lực mạnh mẽ để mỗi người đều phải vươn lên. Nếu cao quá, dễ nảy sinh tâm lý nhanh chán dẫn đến nguỵ biện “không làm được hôm nay thì để đời sau nó làm". 

Anh Nam đã nhiều lần khởi nghiệp, bắt tay vào công việc kinh doanh với đồng vốn eo hẹp. Năm 35 tuổi, anh mở quán cafe Internet đầu tiên và thất bại thảm hại, chỉ tồn tại được hơn một năm. "Lúc đấy Intenet còn mới, người ta chỉ thích chơi game, lên mạng, không ai có nhu cầu vừa gửi mail vừa nhâm nhi ly cafe", anh lý giải việc làm ăn thất bại do không hiểu nhu cầu của người dùng. Bài học anh Nam có được chính là giá trị của Internet để rồi những FPT Software hay ĐH FUNiX ra đời.

Hiệu trưởng FUNiX còn không ngần ngại "thú nhận" từng tham gia "bán hàng đa cấp" và rất thành công với thương hiệu mỹ phẩm mới toanh do chính anh và các đồng sự góp vốn nghiên cứu, sản xuất. Từ đó, anh Nam nhắn gửi bạn trẻ đừng vì thiên hạ "chửi" mà không dám làm nếu chúng ta làm những điều pháp luật không cấm. "Đa cấp thực ra rất tốt nếu biết tận dụng", anh Nam khẳng định.

nam-1-6465-1488339021.jpg

Anh Nam còn nán lại để trò chuyện với những bạn trẻ yêu thích kinh doanh sau buổi tọa đàm.

Đến tuổi U50, anh Nam lại tiếp tục khởi nghiệp với lĩnh vực giáo dục. Là Phó Chủ tịch ĐH FPT, anh khởi xướng dự án FUNiX - trường đại học trực tuyến "ba không": Không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa. Sau hơn một năm hoạt động, FUNiX hiện có hàng nghìn sinh viên với lứa tuổi từ 12 đến 60 theo học.

Trải qua nhiều cung bậc trong bước đường kinh doanh, anh Nam khuyên các bạn trẻ mạnh dạn làm và bớt "than thở" về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Luật lệ mà ngon lành cả thì tính cạnh tranh rất cao. Đối với các sản phẩm hàng hóa, cái yếu kém về pháp lý là “lợi thế” trong khởi nghiệp chứ không phải bất lợi. 

Anh Nam ví von: "Cứ coi Việt Nam là đầm lầy thì vẫn tốt chứ sao. Cá sấu sống được ở đầm lầy rất tốt, nhưng quyết làm cá vàng thì sống ở đầm lầy rất dở. Muốn làm cá vàng thì sang Mỹ”.

Ngọc Dung

Ảnh: Startup Academy

Ý kiến

()