Chúng ta

Gió bay mái nhà, đêm ngủ bạt nhưng vẫn đau đáu việc công ty

Thứ bảy, 16/9/2017 | 17:08 GMT+7

Dưới sức gió ở cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15, ngôi nhà của chị Hà Huyền Trang, FPT Telecom Quảng Bình, bị thổi tung phần mái. Cả gia đình phải ngủ dưới bạt trong mưa lạnh.

Trang kể, căn nhà cấp 4 của gia đình chị ở huyện Bố Trạch. Ngày 15/9, khi cơn bão số 10 hung dữ nhất, nó đã kéo tung phần mái. “Đồ đạc trong nhà ngập trong nước”, nữ nhân viên kinh doanh FPT Telecom Quảng Bình mô tả. “Tối qua, cả nhà phải chăng bạt ngủ tạm trong mưa lạnh”.

Sáng 16/9, cả nhà dậy sớm hơn thường lệ. Ra vườn cao su hơn 1.000 gốc để kiểm tra, cả nhà không khỏi bàng hoàng khi “70% cây cao su đang cho mủ bị gió quật gãy ngang”.

700-stamp-1-2260-1505555110.jpg

Huyền Trang cho hay, những cây cao su bị gãy ngang phải thuê người cắt cây và máy xúc múc rễ để trồng mới.

Ngổn ngang việc nhà nhưng Trang cũng đau đáu việc công ty khi FPT Telecom Quảng Bình là một trong hai chi nhánh bị thiệt hại nặng nhất trong cơn bão số 10. “Sáng nay tôi vẫn đi làm bởi muốn chung tay cùng đồng nghiệp khi công ty gặp khó khăn. Sau khi chia sẻ thông tin, biết gia đình thiệt hại nặng, quản lý chi nhánh đã thăm hỏi động viên và đặc cách cho tôi về sớm để lo việc nhà".

“Vườn cao su là thu nhập chính. Mỗi ngày, trừ chi phí nhân công, số tiền bán mủ còn lại khoảng hơn 500.000 đồng. Đấy là thu nhập lớn với một gia đình ở miền Trung”, Trang trả lời qua điện thoại khi đang đếm lại số cây bị gãy chiều 16/9 trong tiếng thở dài. "Gia đình đầu tư phân bón cho mùa mới thậm chí còn chưa trả xong tiền. 

Tại Quảng Bình, một trong hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 10, theo anh Nguyễn Đặng Nhật Khánh, Giám đốc chi nhánh, sau khi bão ngớt, chiều tối 15/9, anh em đơn vị đã toả đi kiểm tra đài trạm, hạ tầng của chi nhánh. Một phần nhân sự đơn vị cũng chung tay Ban đường trục giải cứu tuyến trục qua địa bàn.

“Sáng nay 16/9, dù nhiều gia đình đồng nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của bão nhưng CBNV đã gắng sắp xếp việc nhà để lên văn phòng chung sức cùng tập thể. Anh em thì chia nhau đi cùng nhân viên kỹ thuật để khảo sát đài trạm, các POP và tuyến cáp trong khi chị em hỗ trợ đội chăm sóc khách hàng. Tôi rất xúc động về hình ảnh này”, anh Khánh nói.

QBH-1-2360-1505555110.jpg

Tập thể FPT Telecom Quảng Bình cùng sinh hoạt và phân công công việc sáng thứ Bảy, ngày 16/9.

Chị Trần Thị Nga, cán bộ Hành chính – Nhân sự FPT Telecom Quảng Bình, thông tin, CBNV chi nhánh và thân nhân đều an toàn. “10/38 nhà CBNV bị tốc mái, ngập úng hoa màu, gia súc gia cầm bị chết, hằng trăm héc ta cao su và hồ tiêu bị quật ngã. Thống kê nhanh thiệt hại lên tới 500 triệu đồng”, chị Nga chia sẻ và cho hay, hiện địa bàn thành phố Đông Hà nhiều cột đèn giao thông, cây to ngã đổ ảnh hưởng đến việc đi lại. Toàn tỉnh bị mất điện khiến tất cả các nhà mạng bị ảnh hưởng chứ không riêng FPT.

Ở Hà Tĩnh, tâm bão, rạng sáng đến hết buổi chiều ngày 15/9, cơn bão số 10 đã đổ bộ với mưa to kèm gió lớn gây mất điện diện rộng trên cả 3 khu vực Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và Hồng Lĩnh.

Anh Phạm Trần Phúc Hậu chia sẻ, ngoài hạ tầng của chi nhánh, Hà Tĩnh còn chung sức với Ban đường trục (PMB) để xử lý sự cố, khôi phục tuyến trục. “Toàn chi nhánh đang dốc sức phối hợp PMB xử lý các sự cố mạch B trục Bắc – Nam”, anh Hậu nói.

Cùng với đó, FPT Telecom Hà Tĩnh cũng dồn nguồn lực rà soát kiểm tra, thống kê các thiệt hại do bão gây ra; thành lập các tổ ứng cứu cơ động ưu tiên xử lý các sự cố hạ tầng và chủ động chăm sóc, thông tin đến khách hàng. “Phương châm là ai vào việc nấy để khắc phục sự cố nhanh nhất có thể”.

ftel-3-9720-1505555110.jpg

FPT Telecom có 3 tuyến trục đi qua miền Trung, trong đó có một tuyến theo đường sắt. Ảnh Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc (INF) và Giám đốc FPT Telecom Hà Tĩnh trực tiếp ra hiện trường khắc phục sự cố sáng 16/9.

Theo anh Lê Trường Sơn, FPT Telecom Quảng Trị, khi có thông tin về bão, đơn vị đã chủ động phương án phòng chống và bố trí nhân sự trực. “Ngay trong đêm 14/9, khi bão vào, một vài POP bị mất điện đã được anh em xử lý ngay”.

Mặc dù bão số 10 không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị, nhưng do ảnh hưởng hoàn lưu bão gây gió mạnh và mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân cũng như các công trình công cộng tại khu vực ven biển. Theo anh Sơn, do cây cối và cột điện đổ đã ảnh hưởng đến hạ tầng viễn thông của FPT khiến nhiều khách hàng bị ảnh hưởng.

“Gia đình CBNV chi nhánh an toàn. Một số bị ảnh hưởng nhẹ về hoa màu, cây cối”, anh Sơn chia sẻ. “Sáng thứ Bảy, 100% nhân sự FPT Telecom Quảng Trị đi làm bình thường. Khối kỹ thuật đang đánh giá tổng quan để đưa ra phương án khắc phục nhanh nhất trong khi nhân viên kinh doanh hỗ trợ chăm sóc khách hàng”.

fpt-4-4514-1505555110.jpg

Hạ tầng viễn thông của tất cả nhà mạng ở miền Trung đều bị ảnh hưởng bởi bão số 10. Và người FPT Telecom đang dốc toàn lực nhằm khôi phục nhanh nhất cho khách hàng.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Phượng, GĐ Trung tâm Quản lý Đối tác phía Bắc (TIN), đoàn cán bộ Quản lý tỉnh của TIN đang vào đánh giá tình hình và phân bổ nhân sự cho các đơn vị bị ảnh hưởng. “Dự kiến từ ngày 17/9 chúng tôi sẽ 'đổ' 100 nhân viên kỹ thuật vào miền Trung, trong đó nhờ chi viện từ Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam khoảng 30 người.

Đại diện FPT Telecom thông tin, sau khi khôi phục kết nối cho toàn bộ khách hàng bị ảnh hưởng, đơn vị vẫn túc trực và gia cố phòng diễn biến phức tạp của mưa bão.

Cùng với việc bày tỏ sự mong muốn nhận được sự thông cảm của khách hàng với sự cố bất khả kháng xảy ra tối 15/9, FPT Telecom cũng khuyến nghị khách hàng có thể cập nhật tình hình và liên hệ, yêu cầu hỗ trợ qua Hi FPT - ứng dụng tương tác khách hàng của FPT Telecom trong trường hợp chưa thể kết nối với tổng đài.

"Mong mọi người chia sẻ và thông cảm. Nếu ai đang có dịp ở miền Trung sẽ thấy anh em kỹ sư, kỹ thuật viên của các nhà mạng đang vật lộn với bão để khắc phục sự cố. Thậm chí họ còn chưa về nhà, vào bệnh viện để lo cho người thân, gia đình mình bị ảnh hưởng bởi bão. Cầu mong một tấm lòng vị tha và chia sẻ của mọi người”, CEO FPT Telecom – anh Nguyễn Văn Khoa, bày tỏ.

>> Mạng FPT Telecom trở lại bình thường sau sự cố

Nguyên Văn

Ý kiến

()