Chúng ta

Giám đốc dự án 'khủng long' giấu nước mắt khi chia sẻ với phụ huynh

Thứ tư, 12/12/2018 | 18:22 GMT+7

Buổi chia sẻ giữa Giám đốc dự án P3 - anh Lê Téc Nen và phụ huynh đồng nghiệp thực sự gây xúc động với người trong cuộc. 

Đầu giờ chiều ngày 8/12, anh Lê Téc Nen chỉn chu trong bộ vest đen tiếp đón những phụ huynh đầu tiên của đồng nghiệp trong sự kiện đến thăm để biết công việc hằng ngày của con em mình bên chiếc máy tính trong campus nhà Phần mềm ở khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM.

15h, khách mời đặc biệt của Ngày Phụ huynh được lãnh đạo các đơn vị tiếp đón, chia sẻ ngay tại khoang mà con em họ làm việc mỗi ngày. Khác với phần lớn đơn vị, dự án đặc biệt P3 cũng thật đặc biệt. Số lượng phụ huynh tương đương với các kỹ sư đang OT (over time - làm thêm giờ) trong chiều thứ Bảy. Bên các máy tính, lập trình viên miệt mài gõ và chỉnh code trong khi phụ huynh của đồng nghiệp quây quần quanh khu relax. Người chia sẻ câu chuyện là Giám đốc Lê Téc Nen.

VAN-3413-JPG-6012-1544605450.jpg

Giám đốc P3 - anh Lê Téc Nen chào đón và chia sẻ với phụ huynh tham quan nơi làm việc của con.

Lãnh đạo đơn vị cho hay, nửa cuối năm 2018, dự án bước vào giai đoạn nước rút với hai chiến dịch lớn: Thu Đông 2018 và mùa Xuân 2019. Trong đó, chiến dịch Thu Đông 2018 vừa hoàn tất 65 chức năng chuẩn chỉnh cho khách hàng Nhật. “Khi làm móng, chúng con chưa hình dung được quy mô, độ khó. Thời điểm bàn giao 65 chức năng - được ví như phòng khách - đối tác mới thực sự xem được cái nhà của mình hình hài như thế nào”, anh Nen hồ hởi. Giám đốc P3 gửi lời tri ân sâu sắc đến những người bạn đồng hành - những viên gạch quý góp phần xây nền móng cho dự án.

Mô tả về dự án rất đặc biệt, anh Nen dùng hình ảnh từ chính mình và lãnh đạo P3: từ tổng chỉ huy đến thành viên ban điều hành phải học rất nhiều bởi đơn vị làm những cái mới quá. 

“Không những mới, công việc của 500 lập trình viên chạy rầm rập mỗi ngày không tránh khỏi những sai sót. Làm thế nào để đồng đội và quản lý có thể sửa được những dòng lệnh giúp chức năng "chuẩn chỉnh" cũng là cách để động viên nhau”, anh Nen nói và cho hay, để thích nghi với tính đặc biệt của dự án, không cách nào khác là phải thay đổi nhanh theo. Chính P3 đã đập đi xây lại "móng" ba lần, liên tục thay đổi các tính năng và số lần thất bại chiếm phần lớn. Để chữa cháy, đơn vị P3 phải điều động khoảng 50 kỹ sư từ Hà Nội và Đà Nẵng vào ngồi ngay tại F-Town để sửa "móng" và giải cứu.

VAN-3465-JPG-9134-1544605450.jpg

Kết phần chia sẻ, lãnh đạo P3 nhấn mạnh đơn vị sẽ không dừng bước ở dự án 35 triệu USD, anh em đang ấp ủ viết tiếp những giấc mơ lớn hơn mà họ gọi là những giấc mơ “leng keng”… Giấc mơ về dự án 100 triệu USD, giấc mơ trở thành một Đơn vị đặc nhiệm làm Full Lifecycle (dịch vụ trọn gói)… mà bằng mọi giá họ sẽ từng bước chạm tới.

Với ý chí luôn sẵn sàng đón nhận thử thách, không ngại dấn thân, P3 dần tìm được hướng đi đúng để giải những bài toán khó. Sau khó khăn là những niềm vui khó tả. Chỉ cần hoàn thành một chức năng mới và chuyển đối tác xem, anh em đã rất háo hức khi thấy thành quả của mình đang dần tượng hình, Giám đốc 37 tuổi khoe với phụ huynh.

Giơ tay về phía các bàn làm việc, Tổng chỉ huy dự án "khủng long" cho hay, môi trường ở FPT Software là không gian mở: mệt thì ngủ, chán đi về và vui thì ở lại. Không gian tự do để hun đúc tính sáng tạo chứ không phải làm việc như một cái máy.

Ở ngôi nhà P3 không có khoảng cách. Lấy chính mình làm dẫn chứng, anh Nen cho hay dù quản lý 500-600 người anh nhưng tham gia hết mọi ngóc ngách: làm chung - ăn chung - chơi chung, từ uống bia đến bóng đá. Thậm chí, bà xã và các con của anh Nen đang ở Nhật để anh toàn tâm toàn ý cho công việc tại Việt Nam. “Mỗi 3 tháng, đơn vị sẽ tổ chức dã ngoại để anh em cùng xả stress và tạo sự gắn kết”, Giám đốc P3 bật mí.

Tổng chỉ huy dự án "khủng long" tin rằng sau khi "móng" và "phòng khách" được các kỹ sư hoàn thành, 1.300 chức năng tiếp theo sẽ trôi chảy hơn để toàn bộ sản phẩm đến tay khách hàng vào năm 2020. “Chúng con đang cùng nhau biến giấc mơ thành hiện thực. Giấc mơ ấy là phần mềm do người Việt làm ra từ số 0 sẽ chinh phục 250.000 doanh nghiệp Nhật Bản rất khó tính”, anh Nen khẳng định. “Nếu thành công, đơn vị sẽ viết tiếp giấc mơ chinh phục khách hàng Việt Nam và thế giới”.

Vừa bay bổng lãng mạn với giấc mơ phần mềm Việt, Giám đốc Lê Téc Nen liền quay về thực tế khi chỉ cách chỗ anh đang đứng chia sẻ vài mét là hơn 20 đồng nghiệp đang miệt mài OT.

Theo anh Nen, dự án này là một trận đánh lớn, thực hiện lần đầu nên có rất nhiều khó khăn, áp lực. Do vậy, chính Giám đốc dự án và các anh em đều phải làm nhiều hơn bất kỳ đồng nghiệp nào ở FPT Software. “Và việc về muộn hay làm cuối tuần là khó tránh khỏi. Rất mong các phụ huynh chia sẻ, thông cảm và tạo điều kiện cho con em mình. Mong cô chú chia sẻ, hỗ trợ nếu anh em chưa chu toàn công việc gia đình…”, anh Nen bỏ dở câu nói và quay mặt sang hướng khác để giấu đi những giọt nước mắt trực chờ rơi. Nhiều đồng nghiệp và phụ huynh cũng lấy tay gạt những giọt nước lăn dài trên má.

VAN-3426-JPG-4641-1544605450.jpg

Bác Phan Kim Thương, phụ huynh chị Lý Phan Thị Phương Thảo.

Bác Phan Kim Thương, phụ huynh chị Lý Phan Thị Phương Thảo, bày tỏ sự xúc động khi cảm nhận được sự chu đáo, đầm ấm trong buổi đón tiếp tại P3. “Lần đầu dự sự kiện, được nhìn ngắm không gian làm việc của con, được nghe Giám đốc dự án chia sẻ, tôi đã hiểu thêm về công việc của con, cảm thấy tự hào khi thấy con đã trưởng thành. Tôi thật hãnh diện khi con đang làm công việc có ý nghĩa lớn”, bác Thương trải lòng. “Và tôi cũng cảm thông hơn với những lần con đi làm về muộn hay than mệt. Nhưng hôm nay, tôi đã thật sự hiểu và chia sẻ với sự vất vả của con và đồng nghiệp”.

Đồng quan điểm, bác Đoàn Quang Tuyến, phụ huynh kỹ sư Đoàn Quang Tuấn, cho rằng con trai đôi khi làm thêm giờ đến 21-22h mới về tới nhà. "Đến đây, biết công việc nhiều khó khăn, thách thức của con và đồng nghiệp, tôi rất đồng cảm. Nhưng nhìn ở hướng tích cực, biết con về muộn do công việc cũng mừng. Tuổi trẻ cần dấn thân và dự án là cơ hội để con và đồng đội ghi dấu ấn trong hành trình công việc dài phía trước", bác Tuyến bày tỏ và cho hay, đến văn phòng, cảm nhận được sự máu lửa, chân thành và dễ gần của lãnh đạo khiến gia đình rất yên tâm.

>> Anh Trương Gia Bình: ‘FPT sẽ tăng gấp đôi doanh số tại Nhật Bản’

Tháng 6/2017, FPT Japan, thuộc FPT Software, công bố dự án lớn có giá trị 36,5 triệu USD, kéo dài trong vòng 3 năm. Theo đó, với dự án M35, lần đầu tiên trong lịch sử FPT Japan sẽ đảm nhận vai trò như một công ty SI (Systems Integrator - tích hợp hệ thống), thực hiện tư vấn và giải quyết bài toán công nghệ cho người dùng cuối (end user). P3 là đơn vị thực hiện hợp đồng, với mật danh “dự án khủng long” của FPT. 

Khách hàng của đơn vị là công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, chuyên làm các gói giải pháp ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại xứ mặt trời mọc. Lần đầu ở vị trí “tổng thầu”, FPT Japan sẽ hoàn thiện sản phẩm từ A-Z. Trong đó, về nghiệp vụ ERP, dù đã có đội triển khai hỗ trợ ở offshore nhưng bài toán không chỉ dừng lại ở từng phần việc mà là xây dựng tổng thể.

Chia sẻ về dự án, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho hay, M35 là sự pha trộn thú vị giữa FPT trẻ trung, năng động với công nghệ mới và đối tác là công ty sở hữu mạng lưới khách hàng lớn tại Nhật Bản. “FPT phải có trách nhiệm cao nhất với dự án bởi đối tác đã đặt niềm tin lớn lao”, anh Bình chia sẻ. “Tôi cam kết theo sát tiến độ công việc để các đối tác hài lòng với sản phẩm mới”.

Tân Phong

Ý kiến

()