Chúng ta

FTEL Small khuyên bố 'chọn nghề khác' vì vất vả

Thứ hai, 26/6/2017 | 18:47 GMT+7

Bên cạnh sự thông cảm, yêu thương khi bố làm việc vất vả, các bé còn bày tỏ sự trách móc khi bố vì bận công việc mà không có thời gian thoải mái cho các con và cho chính mình: “Con thương bố lắm, bố chọn nghề khác đi, con rất ghét bố làm nghề này".

FPT Telecom vừa tổ chức thành công sự kiện "Đi làm cùng bố mẹ" ở hai đầu Hà Nội và TP HCM với số lượng tham gia kỷ lục lên đến 150 bé. Điều đọng lại đằng sau sự kiện không chỉ là những nụ cười rạng rỡ khi các con có một ngày trải nghiệm mới mẻ mà còn là cảm xúc chân thành, yêu thương về bố mẹ, về công việc ở FPT trên những trang giấy.

Chị Vũ Mai Hương, PTGĐ FPT Telecom, không giấu được xúc động khi chia sẻ những bài viết đáng yêu của các bé. Có lúc giọng chị lạc đi và cố ngăn dòng nước mắt khi đọc những dòng chữ chân thực, ngây thơ và đầy yêu thương của FTEL Small về bố mẹ và công việc vất vả ở FPT.

ba3-2437-1498468558.jpg

Chị Hương rơi nước mắt khi nói về những bài viết của FTEL Small.

Trong những bài viết, các con đã hiểu được vì sao bố mẹ đi làm từ lúc tinh mơ và trở về nhà khi đêm đã muộn, thậm chí về rồi vẫn còn ôm máy tính, điện thoại để tiếp tục làm việc. Có bạn hôm nay đi làm cùng bố mẹ mới phát hiện rằng mỗi buổi sáng phải vượt qua chặng đường dài với mật độ giao thông đông đúc là một sự cố gắng lớn. Các con cũng mô tả những tình huống nửa đêm tỉnh dậy vẫn thấy bố đang nghe điện thoại, thậm chí trời giông bão nhưng bố vẫn dắt xe máy ra đường để khắc phục sự cố kỹ thuật. Và các bạn cũng có một chút trách móc rằng đôi khi vì bận việc mà bố mẹ quên cả đón con ở trường…

"Nhưng trong tất cả các bài viết, các con đều tỏ ra thông cảm với công việc bố mẹ đang làm, bạn nào cũng cảm thấy mình phải ngoan hơn, phải làm gì đó để bố mẹ đỡ mệt mỏi hơn. Hầu hết các con cũng mong muốn bố mẹ luôn vui vẻ, có nhiều sức khỏe để cống hiến cho công ty và có nhiều lương thưởng hơn. Có bạn mong muốn sau này lớn lên được học ĐH FPT và được làm công việc giống như bố mẹ. Nhưng cũng có những bạn nói chẳng thích nghề của bố vì rất vất vả và không có thời gian cho con. Những tâm sự ấy của các con rất chân thành, làm cho cô chú chấm bài vô cùng xúc động", chị Hương bày tỏ.

ba1-3377-1498468558.jpg

Chị Mai Hương trao giải Nhất cho bài thu hoạch chân thực và xúc động của hai cô con gái anh Trịnh Ngọc Kỳ, Trung tâm Kinh doanh Hà Nội 10.

Trong đó, bài viết đạt giải Nhất của Trịnh Hà My, con anh Trịnh Ngọc Kỳ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Kinh doanh Hà Nội 10, đã chạm vào lòng người đọc khi có những mô tả chân thực về nỗi vất vả trong công việc của bố. Bé Hà My cùng em gái cũng là tấm gương học sinh vượt khó học giỏi nhiều năm liền.

"Vào đến công ty, em nhận thấy rằng, các chú làm việc thật vất vả, dù nắng mưa nhưng vẫn kiên trì hoàn thành công việc được giao. Vậy nên da các chú đã rám nắng, tóc đã bạc nửa đầu, thân hình đã già đi theo thời gian. Lắp đặt mạng, truyền hình là công việc thường ngày của các chú, có chú phải đi kéo cáp ngoài đường hoặc đi xử lý sự cố rất vất vả nhưng tiền lương vẫn ít ỏi. Mong sao công ty tăng lương giúp các chú có cuộc sống ổn định hơn. Bố em làm Trưởng phòng Kỹ thuật nên luôn đi xa nhà. Dù về nhà những bố vẫn nghe điện thoại, vẫn gửi mail công việc. Đối với bố, công việc ở mọi nơi. Những buổi đêm đang ngủ, chợt nghe điện thoại rồi bố đi luôn đến sáng sớm mới về. Đôi mắt mờ nhạt vì mất ngủ, thân hình mệt nhọc do công việc quá nhiều. Em thương bố lắm. Nhớ đợt trước mưa to bão lớn làm những sợi cáp bị hỏng, mọi người thì ở nhà tránh bão nhưng bố cùng các chú phải đi khắc phục sự cố ngay. Trong hôm đó bố về bị ốm nặng phải nằm nghỉ mất hai ba ngày mới khỏi".

Bên cạnh đó, những suy nghĩ chân thực, yêu thương nhưng không kém phần hài hước của bé Nguyễn Công Tuệ, con bố Nguyễn Công Toản, GĐ Trung tâm Chăm sóc Khách hàng, khiến người đọc như nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của chính gia đình mình trong cuộc sống bộn bề này.

Bố làm ở bộ phận Chăm sóc khách hàng. Ngày ngày, bố đi làm từ sáng cho đến khi tối mịt. Bố thường nói: "Làm việc ở đây rất áp lực". Và quả thực, chỉ nghe đến tên bộ phận mà bố làm con đã cảm thấy áp lực thay cho bố. Hằng ngày bị mẹ mắng con thấy rất áp lực rồi. Ấy vậy mà lại để cho một người lạ mắng thì vừa áp lực vừa ức chế. Không chỉ ở công ty mà bố còn có cả căng thẳng ở nhà. Mỗi khi có công việc, bố thường phải dán mắt vào chiếc điện thoại quả Táo 7 cộng. Thấy vậy, mẹ thường nói bố suốt ngày ôm điện thoại mặc dù mẹ cũng gần giống như bố (mẹ thường nhìn vào chiếc Táo 6 sờ để xem ảnh trên Instagram). Dù bố vất vả như thế mà vẫn lạc quan, yêu đời, con rất ngưỡng mộ bố. Đồng thời, con rất muốn giúp bố giải tỏa được căng thẳng phần nào”.

ba0-2691-1498468558.jpg

Giải Nhì thuộc về bé Trần Nguyễn Gia Linh, con bố Trần Ngọc Quỳnh, Trung tâm Chăm sóc Khách hàng, và Nguyễn Công Tuệ, con bố Nguyễn Công Toản, GĐ Trung tâm Chăm sóc Khách hàng. 

Cũng có bố làm trong Trung tâm Chăm sóc Khách hàng, bé Trần Nguyễn Gia Linh đã có những quan sát rất tinh tế và biết thấu hiểu cho công việc của ba mình. 

“Đối với con, việc của ba đang làm là một công việc khó bởi vì muốn chăm sóc khách hàng cần phải hiểu ý của khách, lại còn phải nói sao cho vừa lòng khách, không nên để cho khách phật lòng. Không những khó mà còn mệt nữa. Con nghĩ như thế là vì con đã được tận mắt chứng kiến ba làm việc, lúc thì làm trên điện thoại, lúc lại làm trên máy tính, tay ba đánh máy liên tục, mắt không rời khỏi màn hình. Đôi lúc, con đã ăn cơm xong xuôi, chơi với em trai và chuẩn bị lên giường đi ngủ ba mới về đến nhà. Nếu như được chia sẻ, con muốn nói rằng, con cũng cảm thấy thích công việc mà ba đang làm và con cũng mong công việc bớt căng thẳng để ba đỡ vất vả”.

Không chỉ nói lên những cảm xúc thương yêu dành cho mẹ, bé Hoàng Nguyễn An Phương, con mẹ Nguyễn Minh Hậu, FPT Play, Ban Dự án, còn tỏ ra có óc quan sát và miêu tả tỉ mỉ. Em viết về văn phòng công ty cho đến khoảng sân, khu lễ tân của tòa nhà PVI bằng giọng văn mượt mà, trong sáng. Khi nói về công việc của mẹ, Phương cũng khéo léo lồng ghép hình ảnh một người mẹ giản dị nhưng vĩ đại: “đảm việc nước, giỏi việc nhà”.

“Mẹ phải giải quyết nhiều công việc giấy tờ rất mệt mỏi. Có những hôm mẹ bận họp đến 8h tối mới về và nhiều hôm phải thức đến 11h đêm. Tuy mọi việc rất căng thẳng, áp lực nhưng mẹ vẫn luôn tươi cười. Chưa bao giờ mẹ than thở dù cả ngày làm việc vất vả, khi về nhà lại bận rộn không kém với việc nấu cơm, dọn nhà, phơi quần áo… Trong mắt con, mẹ là người tuyệt vời nhất. Mẹ hiểu con và luôn yêu con rất nhiều. Con cũng vậy, con yêu mẹ nhiều lắm. Con yêu cơ quan mẹ nữa, một nơi vô cùng xinh đẹp với chiếc piano yêu quý”.

Đáng yêu không kém, Trần Minh Hùng, con trai anh Trần Thanh Hà, GĐ Vùng 3, còn mang cả những nỗi nhọc nhằn thường ngày ba gặp trên đường vào trong bài viết. Em miêu tả về cảnh ùn tắc giao thông và tỏ ra cảm thông cho những áp lực mà ba mình gặp phải mỗi ngày:

"Sáng sớm, mới 6h, bố đã gọi hai anh em thức dậy. Vì thường ngày hai anh em chỉ cần đi học lúc 7h nên không biết bố phải đi làm sớm như vậy. Vậy mới biết bố phải thức khuya dậy sớm, khổ cực từng phút từng giờ để kiếm từng đồng tiền cho em ăn học. Trên đường, khi hỏi bố vì sao phải đi sớm, bố bảo: “Lúc bố đi công tác tỉnh có lúc đi sớm, có lúc đi đêm, làm việc lúc nào cũng phải đúng giờ, không là phải chịu phạt”. Mà dĩ nhiên, nếu có thể đi một mạch để tới công ty thì không nói làm gì. Đằng này, bố vẫn luôn bị những cơn ùn tắc giao thông ngăn cản. Như sáng nay, chỉ vì một sự cố nhỏ mà thay vì đi hầm chui, bố lại phải đánh võng lên phía trên, kết quả là bị chậm vài phút. Thế mới hiểu, không chỉ bố em, mà cả các cô chú khác đều bị những yếu tố bên ngoài như giao thông, mưa gió, thiên tai… làm cản trở công việc".

Rồi sau khi quan sát và mô tả công việc bận rộn của bố ở công ty, Hùng kết luận: “Qua ngày hôm nay, em đã hiểu được công việc vất vả của bố. Sáng đi chiều về, làm việc thâu đêm, rất ít thời gian nghỉ ngơi. Đã thế, là GĐ Vùng, bố thường đi các tỉnh làm việc xa nhà. Công việc khó khăn là vậy mà bố vẫn cố gắng ngày đêm để cho chúng em miếng cơm manh áo. Vì vậy, em luôn có một mong ước được làm việc với bố, giúp đỡ bố”.

ba-3630-1498468558.jpg

Giải Ba được trao cho Trần Minh Hùng, con bố Trần Thanh Hà, GĐ Vùng 2; Hoàng Nguyễn An Phương, con mẹ Nguyễn Minh Hậu, FPT Play, Ban Dự án; Nguyễn Quý Linh, con bố Nguyễn Hữu Phúc, TIN INDO.

Bên cạnh sự thông cảm, yêu thương khi bố làm việc vất vả, bé Nguyễn Quý Linh, con bố Nguyễn Hữu Phúc, TIN INDO, còn có những trách móc khi bố vì bận công việc mà không có thời gian thoải mái cho các con và cho chính mình. Người đọc không giấu được xúc động khi em thốt lên “Con rất ghét bố làm nghề này”:

“Bố con làm việc giờ giấc thất thường, cả ngày lẫn đêm, bất cứ lúc nào mở máy ra cũng có rất nhiều thư phải giải quyết. Nhiều đêm bố không ngủ được vì điện thoại reo inh ỏi. Có những lúc bố phải về rất khuya và ăn sáng không đầy đủ. Con biết rằng phải có những người đi làm như thế mới có mạng cho mọi người dùng, khi hỏng máy tính mới có người sửa chữa. Con muốn nói với bố rằng: Con thương bố lắm, bố chọn nghề khác đi, con rất ghét bố làm nghề này. Nó khiến bố không thể thoải mái vui chơi với mọi người dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn vì công việc còn chất đấy sao bố yên tâm được”.

Xúc động trước những tâm sự của FTEL Small, chị Vũ Mai Hương đã có những chia sẻ về tương lai của công ty kèm trong đó là lời hứa sẽ giải quyết phần nào sự vất vả của bố mẹ và hiện thực hóa ước mơ của các con: "FPT Telecom đã có 20 năm hoạt động và 13.000 nhân viên làm việc trên toàn quốc và nước ngoài. Việc bố mẹ các con đi sớm về muộn, làm việc vất vả là điều không mong muốn và công ty đang nỗ lực phát triển những dịch vụ thông minh trong tương lai để giảm bớt những nỗi nhọc nhằn đó. Ví dụ như ngôi nhà thông minh, để khi các con về, điều hòa tự bật, rèm tự kéo lên, có cảnh báo về nguy hiểm khi ở nhà một mình, thậm chí khi tới giờ học các con chưa ngồi vào bàn hoặc ngồi sai tư thế cũng sẽ có cảnh báo, đến ánh sáng đèn cũng phải hợp lý để bảo vệ đôi mắt và mặc dù bố mẹ đang đi công tác nhưng vẫn biết con đang làm gì, có học bài không, bữa tối ăn món gì…Tất cả những thiết bị đó sẽ giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn trong công việc, từ đó có thể dành nhiều thời gian hơn cho các con, để cùng xem phim, đọc truyện, nghe tiếng Anh. Tương lai của các con đang có sự nỗ lực rất lớn của bố mẹ, các cô chú và chính bản thân các con".

>> 'Con mong lớn lên được làm ở FPT Telecom giống mẹ'

Tử Quyên

Ý kiến

()