Chúng ta

FPT vận hành công cụ quản trị OKR

Thứ tư, 20/2/2019 | 16:51 GMT+7

FPT vừa đưa vào vận hành tool quản lý OKR của Tập đoàn tại địa chỉ https://okr.fpt.com.vn. Từ nay, toàn bộ người nhà F đều có thể cam kết OKR cá nhân cũng như theo dõi mục tiêu của đơn vị/công ty trên công cụ này.

Tool có phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Khi đăng nhập, người nhà F dùng tài khoản email cá nhân. Công cụ có OKR cá nhân và tổ chức, trong đó trực tiếp là đơn vị/phòng ban; cao hơn là cấp công ty và cuối cùng là Tập đoàn.

Mỗi cá nhân, công cụ sẽ có năm và 4 quý. Trong đó, tool cung cấp nút Tạo mục tiêu (O). Khi tích vào, tool sẽ dẫn tới phần Tạo mục tiêu mới để người nhà F bắt đầu cuộc hành trình bằng những mục tiêu tham vọng và dài hạn: Mục tiêu – Các kết quả then chốt – Kết nối. Người nhà F đăng nhập tại link này.

2019-02-20-135049-8619-1550646855.png

Tool giúp người nhà F thiết lập OKR cá nhân.

Thiết lập OKR chính là mục tiêu “Leng Keng” đầu tiên của mỗi người nhà F trong những ngày đầu năm 2019. Xác lập mục tiêu và kết quả then chốt cụ thể trong từng giai đoạn sẽ giúp người FPT thực hiện công việc với định hướng rõ ràng và nỗ lực phấn đấu cho những mục tiêu thách thức hơn.

Với việc thiết lập OKR, mỗi người nhà F có thể chủ động kết nối công việc với mục tiêu của đơn vị, đồng thời hiểu được kỳ vọng của lãnh đạo, công ty với mục tiêu và những kết quả then chốt đã đề ra. Đặc biệt, “OKR toàn dân” là hành trình từ mục tiêu cá nhân thành 'điều kỳ diệu' của Tập đoàn.

Theo PTGĐ FPT IS - anh Nguyễn Hoàng Minh, từ nay đến ngày 22/2, lãnh đạo các phòng/ban/bộ phận nhà Hệ thống sẽ hoàn thành việc nhập OKR lên công cụ. Căn cứ vào OKR của đơn vị/bộ phận, CBNV FPT IS sẽ tiến hành nhập OKR cá nhân lên hệ thống trước ngày 26/2 và hoàn thiện đến hết tháng 2.

Trong khi đó, theo chị Trương Kiều Linh, Trưởng ban OKR của FPT Software, tính đến cuối ngày 18/2, nhà Phần mềm đã có 222 nhóm, đơn vị và 2.093 cá nhân hoàn thành cam kết về các mục tiêu và kết quả then chốt cho năm 2019. Các bộ phận và cán bộ nhân viên còn lại đang gấp rút hoàn thiện OKR để lan tỏa tinh thần quyết tâm “Leng Keng để làm nên điều kỳ diệu”. 

2019-02-20-140927-3571-1550646855.png

Mỗi cá nhân đều có thể theo dõi OKR của đơn vị/công ty và Tập đoàn.

OKR (Objectives and Key Results, tạm dịch: Mục tiêu và kết quả then chốt) là phương thức quản trị mới hướng đến thúc đẩy mỗi người FPT làm việc hăng say, liên tục sáng tạo, đổi mới.

OKR khai sinh và áp dụng lần đầu tiên bởi Andy Grove tại Intel vào cuối những năm 1970, hiện OKR được áp dụng rộng rãi tại các công ty công nghệ lớn như Google, Zynga, Twitter, LinkedIn… Mục đích chính của phương thức này là kết nối tổ chức, bộ phận và cá nhân để đảm bảo tất cả mọi thành viên tổ chức đi theo đúng hướng đã đề ra.

OKR dần phổ biến và con số các doanh nghiệp thành công nhờ OKR cũng liên tục tăng. FPT và các công ty thành viên cũng bắt đầu áp dụng OKR cho mùa làm chiến lược mới với kỳ vọng tạo ra những đột phá.

Bước vào năm 2019, các đơn vị nhà F đã và đang triển khai cho toàn dân đều làm OKR. Với phương pháp OKR, cụ thể là OKR cá nhân, mỗi người nhà F sẽ có cơ hội tự đánh giá và xác định vấn đề ưu tiên trong công việc. 

Từ việc xác định chức năng, nhiệm vụ trọng yếu của đơn vị/phòng/ban, cá nhân sẽ xác định mục tiêu trọng tâm. Vậy cách thiết lập OKR như thế nào để tạo hiệu quả cao nhất? Andy Grove - người khai sinh OKR - cho rằng 50% OKR nên được đề xuất bởi quản lý và 50% bởi nhân viên. Trong hệ thống OKR, mỗi cá nhân thông thường chỉ nên có tối đa 5 mục tiêu, mỗi mục tiêu không nên có quá 4 kết quả then chốt để mọi người tập trung đạt được các kết quả trọng yếu, tránh dàn trải. 

Phương pháp mới khuyến khích mỗi nhân sự đối thoại với quản lý/lãnh đạo để nắm rõ mục tiêu. Từ việc xác định chức năng, nhiệm vụ then chốt, mỗi người nhà F sẽ khoanh vùng mục tiêu trọng tâm và ưu tiên căn cứ vào điểm mạnh, nhu cầu của bản thân để đăng ký mục tiêu thách thức, bứt phá. Đây chính là cách OKR tạo động lực giúp nhân sự có tinh thần, thái độ và hành vi tích cực để thành công trong công việc,  góp phần giúp nhà F "làm nên điều kỳ diệu".

>> OKR - từ mục tiêu cá nhân thành 'điều kỳ diệu' của tập đoàn

Qua 30 năm phát triển, FPT đã áp dụng nhiều phương thức quản trị khác nhau. Gần nhất là Balanced Score Card (BSC) được triển khai mạnh mẽ từ năm 2012 để đưa FPT phát triển nhanh chóng và trở thành một tập đoàn toàn cầu.

Bản đồ chiến lược của FPT được chia thành 3 mảng: Sản phẩm mới làm thay đổi FPT, Cải tiến lĩnh vực kinh doanh hiện tại và Quản trị hiệu quả. Trên bản đồ có các thẻ điểm gồm bộ mục tiêu chiến lược, chỉ tiêu đo lường và kế hoạch hành động tương ứng. Tất cả chỉ số đều được thể hiện bằng màu sắc: Xanh (đạt từ 100% trở lên), Vàng (đạt từ 80-99%), Đỏ (từ 20-80%) và Tím (dưới 20%). Điểm đặc biệt của Bản đồ chiến lược là cho phép lãnh đạo nắm được tình hình hoạt động tới công ty cháu và thấp hơn nữa.

Với OKR, FPT và các công ty thành viên đặt mục tiêu: FPT - Chuyển đổi số để trở thành tập đoàn vận hành bằng dữ liệu gần thời gian thực; FPT Software - Xây dựng đơn vị trở thành công ty dịch vụ CNTT tỷ đô đạt đẳng cấp thế giới (World Class); FPT Telecom - 500.000 thuê bao Internet và Truyền hình; FPT IS: Sản phẩm “Made by FIS”; FPT Education - "Doubling Every Two Years" - sau mỗi 2 năm tăng gấp đôi về các chỉ tiêu hoạt động cơ bản; FPT Retail - Tăng trưởng 20%; Synnex FPT - Mở rộng kênh phân phối: 4.000 đại lý hoạt động (active) hằng tháng; FPT Online: trở thành Đế chế truyền thông.

Tân Phong

Ý kiến

()