Chúng ta

FPT Polytechnic Tây Nguyên trang bị phương pháp CDIO

Thứ hai, 21/8/2017 | 16:47 GMT+7

Hơn 20 cán bộ, giảng viên Cao đẳng FPT Tây Nguyên cùng bàn thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp cho người học hiểu rõ giá trị của việc học thông qua sự đánh giá, kiểm chứng từ các đơn vị doanh nghiệp”.

Sáng ngày 19/8, FPT Polytechnic Tây Nguyên đã tổ chức chương trình tập huấn về phương pháp CDIO dành cho 20 giảng viên, cán bộ đang giảng dạy và công tác tại trường. Đây là cơ hội để nhà trường trao đổi về những thay đổi trong công nghệ giáo dục đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Chủ trì là anh Huỳnh Ngọc Khoan, Giám đốc FPT Polytechnic Tây Nguyên. 

tap-huan-ve-CDIO-3-3930-1503297460.jpg

Cán bộ, giảng viên Cao đẳng FPT Tây Nguyên đặt câu hỏi trong phần tranh luận.

CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) là phương pháp đào tạo gồm: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Chương trình còn hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội.

“Hiểu rõ về triết lý đào tạo của một đơn vị sẽ giúp cho giảng viên yên tâm truyền đạt kiến thức cho sinh viên hiệu quả hơn, không mang tính lý thuyết hàn lâm quá nhiều. Việc kết hợp giữa triết lý đào tạo với thực tế làm việc từ chính doanh nghiệp sẽ cho sinh viên cái nhìn tổng quát, hiệu quả hơn trong quá trình học tập”, thầy Khoan chia sẻ.

Buổi tập huấn không chỉ chú trọng về khái niệm và cách áp dụng CDIO mà còn là dịp để các giảng viên thảo luận, thiết kế bài giảng vận dụng kết hợp các phương pháp giảng dạy, cách thức tương tác giữa giảng viên - sinh viên…

Lê Tuấn Lộc, giảng viên ngành Thiết kế đồ họa - Mỹ thuật đa phương tiện, còn giới thiệu môn học Anime, cách để tạo ra một đoạn clip hoạt hình.

Nhận xét về buổi học, Đỗ Thị bích Vân, giảng viên CNTT, cho biết: “Mặc dù chưa từng tìm hiểu về công nghệ làm phim hoạt hình nhưng qua cách giảng dạy của thầy Lộc, tôi cảm thấy khá dễ hiểu và có thể tạo được một đoạn clip ngắn sau khi kết thúc buổi học”.

FPT Polytechnic là đơn vị tiên phong trong hệ thống giáo dục FPT về áp dụng những phương pháp giảng dạy mới như Blended Learning (học tập tích hợp), Project Based Learning (học qua dự án). Tháng 5 vừa qua, ĐH FPT đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức CDIO toàn cầu. Trong đó khối đào tạo cao đẳng tham gia dự án bằng việc xây dựng chương trình học và học liệu theo Đề xướng CDIO (Conceiving - Designing - Implementing - Operating) cho hai ngành là Quan hệ công chúng - PR & tổ chức sự kiện và Digital Marketing, tiến tới mở rộng phạm vi triển khai sang các ngành nghề khác.

ĐH FPT cũng là trường đại học thứ 5 của Việt Nam sau ĐH Quốc gia HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Duy Tân và ĐH Thủ Dầu Một trở thành thành viên của CDIO. Từ khi ra đời năm 2000, đến nay, Hiệp hội CDIO chính thức kết nạp hơn 120 thành viên. Để tham gia Hiệp hội, các trường phải trải qua nhiều vòng thi, nộp hồ sơ bản mềm kèm các minh chứng cần thiết, sau đó là vòng thi trình bày và thuyết trình.

>> 'CDIO sẽ tạo ra một kỹ sư đúng nghĩa'

Việt Nguyễn - Phan Vi

Ý kiến

()