Chúng ta

FLI HCM xông đất với ‘Triển vọng kinh tế 2015’

Thứ ba, 10/2/2015 | 08:16 GMT+7

Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) sẽ mời Giáo sư Phan Văn Trường, người được coi là "chuyên gia sắc bén đã làm cho nền công nghiệp điện của Nhật Bản đảo điên”, là diễn giả trong chương trình FLI Club tháng 2 với chủ đề “Triển vọng kinh tế 2015”.

Chương trình diễn ra lúc 16h30 thứ Năm, ngày 26/2 (mùng 8 Tết), tại phòng đa năng, Tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7.

Với việc giảm mạnh giá xăng dầu những ngày vừa qua, kinh tế năm 2015 được dự đoán có sự thay đổi đáng kể so với năm 2014. Có rất nhiều “kịch bản” được dự đoán cho nền kinh tế sắp tới: những thách thức song song với cơ hội phát triển. Những điểm sáng và thách thức của nền kinh tế cùng nhận định của Giáo sư hứa hẹn sẽ mang đến cho mỗi người FPT rất nhiều bài học và kinh nghiệm cho bản thân.

r2ef6aNe-7595-1423530564.jpg

Giáo sư Phan Văn Trường là diễn giả xông đất đầu năm Ất Mùi của FLI. Ảnh: Tuổi trẻ.

Giáo sư Phan Văn Trường là một trong số hiếm các công dân Pháp gốc Việt được phong tặng tước Chevalier de la Légion d'Honneur, một loại Bảo Quốc Huân Chương của Pháp, nhờ "công lao đóng góp vào việc phát triển nước Pháp". Sinh năm 1946, ông Trường theo học bậc trung học tại trường Jean Jacques Rousseau, tiền thân của trường Lê Quý Đôn, tại Sài Gòn, trước khi vào Lycee Janson de Sailly tại Paris để chuẩn bị thi vào trường đại học công chánh danh tiếng thế giới Ecole Nationale des Ponts et Chaussées vào năm 1970.

Sự nghiệp quốc tế của ông thực sự bắt đầu năm 1977 khi ông gia nhập Công ty SGTE (Société Générale de Techniques et d'Études) một chi nhánh của tổ hợp Spie Batignolles trong cương vị giám đốc đối ngoại. Ở vị trí này, ông đã có dịp nghiên cứu hệ thống cảng biểu sâu tại quần đảo Fiji và một số dự án công nghiệp cho Indonesia. Năm 1986, ông chuyển sang làm cho tổ hợp Alsthom, trong thời gian mà tổ hợp này lớn mạnh cực độ như hợp đồng cung cấp 300 đầu máy xe lửa và nhiều trung tâm năng lượng cho Trung Quốc. Chính trong giai đoạn này, Tổng thống Pháp vào lúc đó đã ký sắc luật tặng cho ông Trường Huân chương Chevalier de l'Ordre National du Merite, một Huân chương tạm dịch là Bắc Đẩu Bội Tinh.

Vào năm 1997, tổ hợp Suez-Lyonnaise des Eaux giao cho ông Trường trọng trách phát triển các hoạt động của tổ hợp tại Á Châu. Vào tháng 11 cùng năm, ông tham dự hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp (Sommet de la Francophonie) tại Hà Nội và đã ký một hợp đồng xây dựng, khai thác một nhà máy nước uống tại Sài Gòn. Nhưng trước đó, vào năm 1995, ông Trường là Cố vấn Ngoại thương cho Chính phủ Pháp.

Trong hơn 10 năm làm việc cho tập đoàn Alstom, ông từng đàm phán về dự án xây 7 nhà máy điện ở Iran (1989), dự án xây đường sắt cao tốc tại Hàn Quốc, dự án xây metro Santiago Chili, dự án xây metro Bangkok... Vào năm 2006, khi chọn định cư tại Kuala Lumpur, ông đã nhận giảng dạy tại trường Đại học Kiến trúc HCM.

Ông Phan Văn Trường nổi tiếng với câu chuyện về cuộc đàm phán lạ đời - đàm phán với một đứa trẻ sơ sinh. Ông kể, năm 2003, vợ chồng ông đón đứa cháu ngoại đầu lòng. Đứa trẻ cứ “oe oe” hoài mà không biết cháu khóc vì đói, khóc đòi ẵm hay cháu khó chịu vì bẩn. “Chỉ hai tiếng “oe oe” nghe nhức cả đầu khiến tôi muốn đàm phán với nó... Chưa bao giờ tôi gặp một đối tượng khó chịu như vậy trong thương thuyết. Và rõ ràng, vì tình thương, đứa trẻ ở thế tay trên”, ông nói.

Rồi ông rút ra những bài học nho nhỏ (trong đàm phán) từ câu chuyện trên, chẳng hạn không phải cứ có sức mạnh, nhiều lời, hay văn hóa cao là thắng; sự thành thật, không lừa dối cũng là sức mạnh; áp lực của con tim và tình thương rất lớn; kết cục hai bên đều vui...

Đặc biệt, ông Trường rất tâm đắc với nghệ thuật thương thuyết của người Việt Nam xưa qua bài ca dao về thằng Bờm. Theo ông, cả phú ông và thằng Bờm đều là những người rất giỏi trong thương thuyết - họ đều biết người biết ta. Ông thừa nhận rằng, trong những cuộc đàm phán về thương mại cam go, đôi khi nguyên lý thương thuyết trong bài ca dao thằng Bờm đã giúp ông thành công.

Với kinh nghiệm của mình, ông Trường cho rằng, đàm phán rất khó với những người thiếu văn hóa - thích ăn thua đủ vì tự ái chứ không chú trọng đến kết quả có lợi cho đôi bên. Đàm phán với những người không có mục tiêu, có thành kiến về đối tác... cũng rất khó. Đàm phán dễ thành công hơn với những đối tác có kinh nghiệm, biết rõ giá trị của các yếu tố đàm phán, biết tại sao hai bên ngồi với nhau...

Độc giả muốn tham gia chương trình đăng ký tại đây hoặc e-mail về Ms. Ninh Như Ngọc, cán bộ FLI: ngocnn2@fpt.com.vn, số điện thoại: 0905448633.

Nguyên Văn

Ý kiến

()