Chúng ta

‘FE có nhiều điều kiện để toàn cầu hóa giáo dục’

Thứ hai, 5/12/2016 | 12:02 GMT+7

Từ phân tích bức tranh toàn cầu hóa giáo dục, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM, nhìn nhận, Tổ chức giáo dục FPT có nhiều điều kiện khách quan và chủ quan để toàn cầu hóa giáo dục trong bài chia sẻ tại EduCamp, diễn ra ngày 4/12 ở cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội.

Từ 7h30, chuyến xe đưa các diễn giả và người tham dự xuất phát tại cổng toà nhà Detech, số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Hà Nội. Người dự EduCamp có trọn một ngày bàn về học thuật tại “đại bản doanh” của ĐH FPT tại Hòa Lạc.  

Năm nay, hội thảo giáo dục thường niên lớn nhất năm của Tổ chức giáo dục FPT đã chọn “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục” làm chủ đề kỷ niệm 17 năm FE thành lập, 10 năm đào tạo đại học và đánh dấu sự chuyển mình hướng đến quy mô hoạt động lớn hơn, biên giới hoạt động rộng hơn của FE.

1-620.jpg

Tân Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành khai mạc EduCamp. Ảnh: FE.

Phát biểu khai mạc tại EduCamp, anh Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng ĐH FPT, chia sẻ: “EduCamp được tổ chức thường niên đến năm thứ ba là một việc tốt. Nếu chúng ta duy trì đều đặn được 10 năm nữa thì tôi tin đây sẽ là sự kiện vĩ đại. Chúc EduCamp từ tốt sẽ trở thành vĩ đại”.

Không gian trao đổi tại Educamp 2016 với 30 bài trình bày, 32 diễn giả, 2 key note, gần 200 đăng ký là cơ hội để mỗi CBNV, giảng viên có thể học hỏi, từ đó, làm tốt hơn công việc của mình, góp phần vào thành công tương lai của tổ chức. Trong đó, key note của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM, với tên gọi “Giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” được tổ chức ở hội trường lớn tòa nhà Beta thu hút đông đảo người nghe. Đây cũng là chủ đề đang nóng, đồng thời là một mục tiêu lớn của Tổ chức giáo dục FPT hướng tới trong bối cảnh giáo dục Việt Nam và thế giới hiện nay.

Bằng cách phân tích, tổng hợp hiện trạng giáo dục Việt Nam và các nước ở khu vực, trên thế giới, TS. Nghĩa phác hoạ được bức tranh toàn diện về toàn cầu hóa giáo dục. Những cơ hội, thách thức của Việt Nam trong cơ hội toàn cầu hóa giáo dục cũng được diễn giả đưa ra nhằm giúp dải đất hình chữ S có thể thu hút được học sinh nước ngoài và giữ lại những người con ưu tú ở lại nước học tập.

2-620.jpg

Key note của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM, với tên gọi “Giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”. Ảnh: FE.

Mở đầu bài phát biểu, Phó GĐ ĐHQG TP HCM dẫn chứng rất nhiều con số để thấy tình trạng "chảy máu chất xám" và thực tế đáng buồn “chúng ta chỉ xuất khẩu du học nhưng lại rất ít sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập”.

Theo đó, Việt Nam có 2 triệu sinh viên học đại học trong nước và 130.000 du học sinh đang du học ở nước ngoài. Đặc biệt, ở Mỹ, du học sinh Việt Nam tăng gấp 6,5 lần trong 10 năm qua. Không chỉ ở bậc đại học, số học sinh Việt Nam đến Mỹ học THPT là 3.328 em, chiếm 11,5%. Trong đó, chỉ có 5% có học bổng, phần lớn sinh viên Việt Nam tự túc đi du học do tài chính gia đình. Có một xu hướng dễ nhìn thấy của giáo dục Việt Nam là học sinh vùng sâu đổ xô ra thành phố lớn, còn ở thành phố lớn lại chọn du học nước ngoài.

Theo thống kê của một tổ chức thuộc Unesco, trong năm 2015, có 53.546 sinh viên Việt Nam du học nước ngoài. Đây cũng là năm đầu tiên du học sinh sang Mỹ nhiều hơn Australia. Điểm đáng chú ý là trong 11 nước có nhiều du học sinh ra nước ngoài học nhất thì Việt Nam và Iran không thu hút được nhiều sinh viên nước ngoài đến học.

Nhìn lại giáo dục Việt Nam, có một hiện thực đáng buồn là chúng ta chưa phải thị trường hấp dẫn của du học sinh nước ngoài. Chỉ có 20.000 học sinh đến Việt Nam để học, trong đó hơn ½ Lào và Campuchia là học bổng do nhà nước Việt Nam cấp. Vừa mất nguồn du học sinh nước ngoài nhưng số học sinh trong nước cũng bị mất cân đối giữa thực tế và tình hình phát triển xã hội, ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Những năm gần đây có khoảng 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT mỗi năm nhưng chỉ có khoảng 700.000 học sinh chọn các trường Cao đẳng, Đại học, còn lại 300.000 học sinh chưa biết “đi đâu, về đâu”. Dù giáo dục Việt Nam vẫn nói nhiều về tình trạng thừa thầy, thiếu thợ nhưng thực tế số thầy ở nước ta cũng thấp hơn rất nhiều so với nước khác. Cụ thể, Brazil bậc THPT có 9 triệu học sinh thì tuyển cao đẳng, đại học được 7 triệu em; Indonesia 9,2 triệu học sinh THPT tuyển 6,2 triệu em vào bậc cao hơn; Nigeria 4 triệu học sinh và tuyển vào 1,7 triệu.

Nhìn vào con số trên và thực trạng giáo dục Việt Nam, TS. Nghĩa dù buồn nhưng cũng thẳng thắn: “Thách thức nhiều hơn cơ hội cho giáo dục Việt Nam thời kỳ toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục".

Tuy vậy, một con số đáng mừng là đến năm 2025, số lượng học sinh giao lưu toàn cầu 8 triệu người, cơ hội toàn cầu hóa giáo dục mở rộng cho tất cả các nước. Để thành công, Việt Nam phải đánh giá được thuận lợi và thách thức của mình để có những bước đi phù hợp tiếp theo.

Theo PGĐ ĐH Quốc gia TP HCM, các trở ngại của giáo dục đại học Việt Nam cần khắc phục ngay, đầu tiên là điều chỉnh thời gian đào tạo 3-5 năm. Hiện tại, ở Việt Nam, bậc đại học thường kéo dài 4 năm. Nhiều lý do như thất thu học phí, chất lượng đào tạo khiến các trường còn e ngại điều chỉnh chương trình đáp ứng 3 năm. ĐHQG TP HCM cũng mới có sự điều chỉnh chương trình kỹ sư từ 4,5 năm còn 4 năm.

Bên cạnh đó, kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam chậm và ở mức thấp, chỉ có 207 trường đại học tự đánh giá trên tổng số 253 trường, chiếm 80%. Tuy nhiên, mới có 20 trường đại học được trung tâm kiểm định đánh giá ngoài, chiếm 10% - một con số khá khiêm tốn.  

Ngoài khó khăn, giáo dục Việt Nam cũng có lợi thế khá lớn. Tiếng Việt xếp hạng 13 trong 25 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Chi phí sinh hoạt rẻ, học phí rẻ, tình hình an ninh chính trị khá ổn định, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình cũng dễ thu hút sinh viên nước ngoài.

Nhiều giải pháp được TS. Nghĩa vạch ra gợi ý cho giáo dục Việt Nam như: Ổn định chính sách giáo dục, tận dụng chương trình liên kết đào tạo, quảng bá nhiều về thông tin đời sống sinh hoạt, chương trình tiên tiến, chất lượng đào tạo, tăng chương trình giảng bằng tiếng Anh, hướng đến đẩy mạnh đào tạo ngành mũi nhọn (nông nghiệp, ngôn ngữ)...

Từ thực trạng chung của bức tranh toàn cầu hóa giáo dục, có thể thấy FE nói chung và ĐH FPT nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế. Trong khi trường đại khác còn đang loay hoay kiểm định đánh giá chất lượng, năm 2012, ĐH FPT là trường đại học đầu tiên đạt chuẩn 3 sao QS Stars. QS là một trong 3 tổ chức đánh giá các trường đại học nổi tiếng toàn cầu. Sau 3 năm, ĐH FPT đã đi được nửa chặng đường tới đích 4 sao vào cuối năm 2015. 4 tiêu chí quan trọng được đánh giá 5 sao (5 Stars) gồm: Đào tạo (teaching), việc làm (employability), cơ sở vật chất (facilities) và trách nhiệm xã hội (social responsibility).

Ngay từ khi thành lập, ĐH FPT đã xác định tiếng Anh là mũi nhọn trong đào tạo. Các sinh viên khi nhập học phải đáp ứng yêu cầu đầu vào tiếng Anh để có thể theo học chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Sinh viên được học giáo trình bản quyền chuẩn quốc tế, trang bị hai ngoại ngữ (tiếng Anh - tiếng Hoa hoặc tiếng Anh - tiếng Nhật) song song chương trình kỹ năng mềm…

Về cơ sở vật chất, ĐH FPT có rất nhiều trang thiết bị thể thao và các cơ sở y tế, xã hội dành cho sinh viên tham gia. Tại ĐH FPT, 100% sinh viên sử dụng máy tính xách tay theo chương trình hỗ trợ của nhà trường. Việc này đảm bảo cho sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi; dễ dàng tiếp cận với các tài nguyên học liệu online và áp dụng các phương pháp học tập tiên tiến nhất.

Nhờ nỗ lực đó, ĐH FPT đã tuyển sinh và duy trì được hơn 3% sinh viên quốc tế, tiếp nhận hơn 2% sinh viên trao đổi quốc tế với trên 40 trường trong 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có 4 trường quốc tế thuộc Top 500 của QS. Ngoài ra, ĐH FPT còn tổ chức chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn, cứ 5 sinh viên thì có một người được tạo điều kiện ra nước ngoài học tập theo các chương trình trao đổi, thực tập, hội thảo, hội nghị, các hoạt động hợp tác quốc tế… ngay trong quá trình theo học tại trường. Đây là điểm sáng về tư duy toàn cầu hóa trong bối cảnh giáo dục Việt Nam. 

Cũng trong khuôn khổ EduCamp còn có các bài chia sẻ về nhiều vấn đề cấp bách để toàn cầu hóa giáo dục như: Khi giáo sư "mất dạy" của Hiệu trưởng FUNiX Nguyễn Thành Nam, "QS 4 sao và Nghiên cứu" do Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT (FTRI) Trần Thế Trung trình bày…

3-620.jpg

Người tham gia hào hứng với các chủ đề tại EduCamp. Ảnh: FE.

Lần đầu tiên tham gia EduCamp, kỹ sư CNTT của FSU1.BU2 FPT Software Nguyễn Viết Hiền, hiện là mentor FUNiX từ tháng 8 năm nay, tỏ ra hào hứng. “Tôi rất quan tâm các chủ đề về đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo của EduCamp”. Trong bài chia sẻ của TS. Nghĩa, mentor FUNiX quan tâm đến kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế để thu hút du học sinh nước ngoài. Theo anh, các trường cần đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc để tạo nên thỏi nam châm hút người đến Việt Nam học. Năm nay, anh Hiền dự định tham luận với bài kiểm định khóa học FUNiX nhưng chưa kịp chuẩn bị. “Với kiến thức từ hội thảo năm nay, sang năm tôi sẽ chuẩn bị chu đáo để đóng góp cho EduCamp”, anh cho biết.

FPT EduCamp là hội thảo mở được FE tổ chức hằng năm nhằm kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. Năm thứ ba, FPT EduCamp tập trung vào chủ đề “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục". Năm 2014 và 2015 các chủ đề của EduCamp lần lượt là "Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa", "Vận hành tổ chức giáo dục".


Lưu Vân

Ý kiến

()