Chúng ta

Em vẫn cười dù cuộc sống khó khăn

Chủ nhật, 30/8/2015 | 10:29 GMT+7

Đối với trẻ em vùng sâu vùng xa, nụ cười như một thứ bản năng thường trực cho dù ngày tháng luôn lấp đầy bằng những nỗi cơ cực mà chính các em chưa đủ lớn để nhận ra. Trẻ em nghèo vùng núi huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũng gieo vào lòng người FPT Online những ấn tượng sâu sắc như thế. 

Sáng 28/8, người FPT Online tất bật và khệ nệ vác lên xe lỉnh kỉnh đồ đạc cho một chuyến thăm với đoạn đường di chuyển gần 200 km. Có những đoạn ghồ ghề, khó đi, và càng đến gần địa điểm cuối cũng cũng đồng nghĩa càng cách xa với cuộc sống tấp nập ngoài kia. Con đường đất đỏ kéo dài thênh thang tưởng như bất tận, người trên xe nhìn ngắm mọi thứ trong không gian tĩnh lặng của một vùng quê nghèo với nhà cửa thưa thớt.

1-9804-1440829353.jpg

Gương mặt bẽn lẽn lấp lánh nụ cười của trẻ em nghèo nơi phố núi. Ảnh: Yến Nhi

Điểm dừng chân đầu tiên của người Trực tuyến phía Nam là trường tiểu học Hoa Hồng, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Gần 50 em bé dành ánh nhìn bẽn lẽn cho những vị khách phương xa, không giấu nổi vẻ thẹn thùng của trẻ em vùng núi. Nước da ngăm đen, quần áo ủ màu thời gian, gương mặt e ấp phản phất nhiều nỗi niềm, đa phần các em đều là con em gia đình dân tộc và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cũng thật không khó để hình dung về diện mạo gầy gò và khô khốc của các em. Sự mặc cảm hình như vẫn có chút gì đè nặng lên những suy nghĩ non nớt. Các em còn không có cả đồng phục để đi học.

“Quần áo mà các em học sinh mặc đều là đồ cho. Tất cả đồ dùng học tập và sinh hoạt của các em trường cũng đều phải đi xin vì cuộc sống ở đây còn quá khó khăn và thiếu thốn”, cô Nguyễn Thị Thảo Nhi, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự. Người ta vẫn thường bảo, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Bằng tấm lòng chân thành, người FPT dần làm lay chuyển sắc mặt các em học sinh nghèo nơi đây. Các bé độ tuổi mầm non dần nở nụ cười hồn nhiên như hoa tỏa nắng, mở lòng như giọt sương buổi sớm tinh khôi và lấp lánh. Phần quà dẫu chỉ là cái áo ấm, chút bánh kẹo và đồ dùng học tập cũng đủ làm các em hồ hởi, trong cuộc sống còn quá nhiều thiếu thốn và vất vả.

“Các em ở đây nhìn không được tươm tất cho lắm. Con nít rất nhạy cảm với bệnh tật. Tôi hy vọng là các bé sẽ được quan tâm hơn để đảm bảo sức khỏe”, chị Nguyễn Thị Thùy, Ban Kinh doanh bồi hồi chia sẻ.

2-5449-1440829353.jpg

Người FPT Online chia sẻ khó khăn với học sinh trường tiểu học Lộc Tấn B. Ảnh: Yến Nhi

Rời trường mầm non, cả đoàn cùng ghé qua trường tiểu học Lộc Tấn B vào lúc các tiết học buổi sáng đã kết thúc. Hầu như tất cả học sinh đều nán lại trường để chờ đoàn. Các em ngoan ngoãn vòng tay chào các cô chú FPT với nụ cười rạng rỡ. Trường tiểu học Lộc Tấn B đang ngổn ngang trong tình trạng tạm bợ chờ xây các phòng học mới. Dù đã thành lập được 15 năm nhưng trường vẫn còn thiếu thốn trăm bề do đây là vùng còn nghèo của tỉnh. Nhiều hộ dân ở sâu bên trong còn không có điện để dùng, học sinh phải thắp đèn dầu để tìm đến con chữ.

“Nhà tôi ở sâu trong ấp Thạnh Tây chỉ có 32 hộ thôi, điện không vào tới. Nhà ở xa nên tôi phải tranh thủ đưa đón cháu đi học chứ không để đi một mình được”, cô Võ Thị Nga, bà nội của một học sinh lớp 3 bộc bạch. “Ở đây tỷ lệ học sinh bỏ học rất nhiều vì điều kiện kinh tế còn thiếu thốn. Đặc biệt là ở lứa tuổi cấp 2 vì lúc đó các em phải thuê xe đò đi học do điểm trường rất xa, còn gia đình lại không có điều kiện đóng hơn 200 ngàn mỗi tháng cho khoản phí này”, cô Nguyễn Thị Ngọc, thành viên Hội chữ thập đỏ vùng núi Bình Phước, thở dài.

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên trường tiểu học Lộc Tấn B, học sinh của trường 70-80% là người dân tộc, cuộc sống rất khó khăn. Đa phần các em đi học một buổi, buổi còn lại phải theo cha mẹ ra rẫy làm việc hoặc ở nhà trông em, dọn dẹp. “Vào mùa mưa hay sau Tết các giáo viên rất vất vả trong việc động viên các em đi học vì gia đình thường cho các bé đi làm phụ giúp vào thời điểm này. Có lúc chúng tôi phải đội mưa, cuốc bộ và lội suối đến từng nhà để khuyên nhủ phụ huynh cho các em đến trường. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu”, cô Tuyết kể.

3-4392-1440829353.jpg

Niềm vui ngập tràn trong đôi mắt trẻ thơ. Ảnh: Yến Nhi

Đời sống còn nhiều khó khăn, vì thế mỗi khi có khách xa đến thăm là các em lại vui như mở hội. “Thường thì con đi học một buổi, buổi còn lại con phụ ba mẹ dọn dẹp, nấu cơm, chẻ củi, quét nhà. Hôm nay có các cô chú đến thăm con rất vui”, Điếu Hai, học sinh lớp 3 kể về cuộc sống và không quên nở nụ cười vui sướng trước sự quan tâm của các cô chú phương xa.

Cầm những phần quà nặng trịch trên tay, cô bé Thị Thủy, học sinh lớp 1 hào hứng thổ lộ: “Con vui lắm. Con hứa sẽ học tập thật tốt...”. Chưa nói dứt câu là cô bé đã chạy vội khi phát hiện người bà đang đứng chờ đằng xa. Trưa nắng, với chiếc đầu trần, dáng hình bé nhỏ lặng lẽ đưa gói quà cho bà cụ với niềm vui lấp lánh. Trời càng lúc càng nóng, đồng hồ điểm 12h trưa, những nụ cười vẫn không ngừng sáng rực một góc trời miền biên giới.

Từ năm 2010, FPT đã chọn 13/3 là Ngày FPT Vì cộng đồng để mỗi CBNV tham gia đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội bằng những hành động cụ thể. Năm 2014, trong ngày này, lần đầu tiên Quỹ "Người FPT Vì cộng đồng" ra mắt và nhận được số tiền ủng hộ 3,1 tỷ đồng từ CBNV.

Với thông điệp "Chắp cánh ước mơ", trong năm 2015, các hoạt động vì cộng đồng của FPT tập trung vào việc giúp trẻ em nghèo trên mọi miền tổ quốc tiếp cận tri thức mới và CNTT thông qua việc trao tặng hàng chục tủ sách và máy tính.

>> Người Trực tuyến chia sẻ khó khăn cùng trẻ em vùng núi

Yến Nhi 

Ý kiến

()