Chúng ta

Dự án SG3.1 - Thành công không trải hoa hồng

Thứ năm, 20/7/2017 | 18:33 GMT+7

Để xây dựng thành công Hệ thống Core Banking cho Ngân hàng nhà nước, các thành viên trong đội dự án đã trải qua rất nhiều thử thách. Đó là những ngày "over time" triền miên, những đêm thức trắng, những buổi làm việc xuyên lễ và cả những lúc nản lòng... cho đến ngày nở nụ cười rạng rỡ khi dự án chính thức "go-live".

Dư âm của Lễ Công bố vận hành hệ thống ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thuộc phạm vi Hợp đồng SG3.1 diễn ra ngày 11/7, vẫn còn đây, khi tôi lật giở từng hình ảnh, xem lại các video. Thật khó có thể nói hết về những chặng đường mà đội dự án đã đi qua.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, FPT và Ngân hàng Thế giới chính thức vận hành hệ thống.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, FPT và Ngân hàng Thế giới chính thức vận hành hệ thống 11/7 tại Hà Nội.

Những chặng đường gian nan đầu tiên

Tôi không tham gia dự án từ những ngày đầu tiên của giai đoạn phân tích yêu cầu nghiệp vụ, chỉ biết khi đó, nhóm CSD-AOM có đúng 2 thành viên nữ cùng khối lượng công việc dành cho 5 người. Đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của dự án. SG 3.1 có đi tiếp những chặng tiếp hay không phụ thuộc vào việc tài liệu yêu cầu nghiệp vụ có chốt và ký được với khách hàng không.

Chị Bùi Thị Minh Quyết - Trưởng nhóm BA và Đỗ Thị Ly (lúc đó đang mang bầu) đã trải qua những ngày họp hành, làm việc căng thẳng triền miên, luôn về nhà khi phố vắng người thưa, khi giọng đã lạc đi. Thế nhưng, đêm đến, họ vẫn miệt mài tổng hợp tài liệu, trả lời e-mail để có sản phẩm làm việc cho ngày hôm sau. Ly có lẽ nhớ mãi ngày dự sinh vẫn miệt mài làm việc tới 22h đêm, 1h sáng hôm sau chuyển dạ sinh em bé. Còn ông xã của chị Quyết chắc không quên những đêm đi đón vợ, không có chỗ đỗ xe nên phải vòng đi vòng lại quanh phố đến lần thứ 3 mới đón được chị về.

Thời điểm tôi vào, tài liệu đã được phê duyệt. Nhìn tập tài liệu với các quy trình được hoàn thành bao gồm: Nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu trái phiếu kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trái phiếu VAMC, đấu thầu vàng, nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ quản lý dự trữ bắt buộc... tôi không thể tin được rằng công việc đó hoàn thành chỉ bởi hai người phụ nữ nhỏ bé trong quãng thời gian không thể ngắn hơn.

Sau này, số lượng thành viên đã đông hơn, có điều, 3/4 là cán bộ mới, hầu hết là những bạn trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm hoặc có kinh nghiệm nhưng kiến thức về nghiệp vụ bằng không như tôi và một số người vừa mới vào công ty. Những khái niệm như OMO, CSD, giấy tờ có giá, cầm cố, thấu chi, vay qua đêm… với chúng tôi nghe như thứ ngôn ngữ nước ngoài chưa được học hoặc giống tên một loại… bột giặt nào đấy. Những buổi đào tạo chớp nhoáng diễn ra, trong khi chị Quyết khản giọng giảng giải thì phần lớn tân binh ngồi nghe cố hết sức không ngủ gật trên bàn.

Dần dần, mọi thứ đi vào quỹ đạo nhờ sự cố gắng của mỗi người, công việc cũng hoàn thiện theo kế hoạch đã đặt ra, nhưng khó khăn và thử thách thì không ngừng tiếp diễn.

Lịch vận hành OMO - ABS bị thay đổi bất ngờ khi Thông tư 42 ra đời và có hiệu lực từ ngày 3/5/2016. Thông tư mới khiến quy trình nghiệp vụ thay đổi và trở nên phức tạp hơn. Cả đội đều lo lắng không thể hoàn thành kế hoạch đúng hạn. Ngày làm việc nào cũng về muộn, cuối tuần nào cũng không có ngày nghỉ. Dịp nghỉ lễ bốn ngày 30/4-– 1/5, cả đội vẫn đi làm mà thấy việc sao còn quá nhiều. Những biệt danh như Ông hoàng bột giặt, Nữ hoàng bột giặt, Công chúa báo cáo... ra đời, gắn liền với tên tuổi mỗi thành viên trong đội.

Rồi mọi thứ cũng sẵn sàng trước ngày vận hành. Ngày đầu tiên, cả đội hồi hộp theo dõi từng diễn biến, đến hết ngày làm việc mới cảm thấy phần nào nhẹ nhõm. Đội hỗ trợ liên tục nhận được các cuộc điện thoại nhờ trợ giúp từ phía thành viên thị trường. 4-5 chiếc điện thoại tại phòng Thị trường tiền tệ liên tục đổ chuông khiến cho đội hỗ trợ trả lời không kịp thở. Những giờ cơm trưa, cả đội thay nhau đi ăn rồi về trực chờ phiên đấu thầu. Có những lúc cẳng thẳng đến nỗi nghe thấy cả hơi thở của nhau.

Trước ngày vận hành VAMC, cả đội trực đêm để bàn giao hệ thống lên môi trường thật. Ai nấy đói, mệt mỏi, buồn ngủ rã rời. Có những lúc, Lê Thị Phượng đã phải dán băng dính vào mắt để mắt khỏi sụp lại vì buồn ngủ, chỉ bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng rao đồ ăn đêm, rồi lại thất vọng vì không thể trèo tường ra ngoài để mang vào.

Với hệ thống Lending, vô cùng khó khăn và phức tạp do yêu cầu nghiệp vụ phức tạp, dữ liệu phải kết nối tới hệ thống Core T24. Core T24 là hệ thống core được xây dựng theo chuẩn của nước ngoài nên rất khó để chỉnh sửa, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ khác biệt, đặc thù của NHNN ở Việt Nam. Trong khi đó, khách hàng dồn dập gửi yêu cầu thay đổi và không đồng ý với các phương án tích hợp. Ba đội AOM, ESB và T24 liên tục có các cuộc họp nội bộ để thảo luận và tìm phương hướng xử lý vấn đề. Sau rất nhiều lần chỉnh sửa, họp bàn, thuyết phục, cuối cùng khách hàng cũng đồng ý “Go-live”.

BB0R2231-4183-1500460345.jpg

Những thành viên của đội dự án SG3.1 phấn khởi trong ngày vận hành hệ thống.

Những chiến binh thầm lặng

Tôi dành một góc nhỏ trong bài viết này để nhắc đến họ, những chiến binh thầm lặng không mấy khi được chú ý đến. Thành công của dự án ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ đội ESB (đội triển khai Trục tích hợp hệ thống). Họ như là chiếc cầu nối giữa các đội trong dự án với nhau, giữa các phân hệ của toàn hệ thống. Nói một cách văn hoa, hệ thống vận hành suôn sẻ, mượt mà là nhờ có chiếc cầu được xây dựng chắc chắn như vậy. Và họ - những cái tên như Lê Khắc Đề, Nguyễn Hữu Dũng, Dương Văn Đô là những người bắc cầu cho các đội khác đi qua.

Thành công mà ai cũng nhìn thấy, như lời của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Nguyễn Kim Anh: “Qua 2,5 năm triển khai, đến giờ có thể khẳng định hệ thống SG3.1 đã được áp dụng thành công, là một bước chuyển lớn của NHNN. Toàn bộ hoạt động, nghiệp vụ kế toán, tài chính trên toàn quốc của NHNN đang thực hiện phân tán và trên nhiều hệ thống ứng dụng khác nhau trước đây đã được thay thế bằng một hệ thống SG3.1 duy nhất. Trong đó, các nghiệp vụ được chuẩn hóa và cung cấp dịch vụ theo nhiều kênh khác nhau trên toàn bộ hệ thống của NHNN tại 63 tỉnh thành và hơn 100 tổ chức tín dụng trên toàn quốc”. Điều đó khẳng định sự tin tưởng của khách hàng đối với anh em trong đội và đối với FPT IS.

Nhưng thành công lớn nhất mà tôi cảm nhận được chính là tình cảm gắn bó giữa những thành viên sau bao ngày vất vả. Mọi người hiểu nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn, thông cảm cho nhau qua những lần tranh luận. Trong mỗi thành viên, kể cả những người không còn tham gia dự án hoặc đã rời FPT luôn nhen nhóm những cuộc hẹn hò, những lần vui chơi để được gặp lại bao gương mặt thân quen ấy, nơi mà họ đã có hơn 2 năm gắn bó với cái tên gọi thân thương: đội AOM-CSD. 

Sau 2,5 năm triển khai, ngày 11/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với FPT IS tổ chức Lễ Công bố vận hành hệ thống ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, thuộc phạm vi Hợp đồng SG3.1 của dự án FSMIMS sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Với tính chất quan trọng của dự án, hơn 2 năm qua, FPT đã đầu tư 70-150 người thường xuyên tham gia với gần 200.000 giờ làm việc để đảm bảo SG3.1 được vận hành tốt nhất.

Hệ thống mới gồm 5 cấu phần: Hệ thống Ngân hàng lõi, Trục tích hợp với các hệ thống thông tin nghiệp vụ, Hệ thống Quản lý nguồn lực nội bộ (ERP), Hệ thống đấu thầu và thị trường mở, Cổng thông tin.

Với việc triển khai thành công SG3.1, NHNN đã có được một hệ thống thông tin hiện đại, tương đối hoàn chỉnh để hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tiền tệ cũng như công tác quản lý nguồn lực nội bộ của mình.

Lê Thanh Tâm

Ý kiến

()