Chúng ta

Đồng lòng tiến ra toàn cầu

Chủ nhật, 21/9/2014 | 10:32 GMT+7

Người FPT ở hậu phương hay tiền tuyến đều chung niềm tin tập đoàn sẽ vững bước trên con đường Toàn cầu hóa. Họ chia sẻ với Chúng ta về trăn trở của mình khi FPT tiến ra ngoài biên giới.
> Dấu chân Toàn cầu hóa tại Hội thao Hà Nội

Chị Trần Thị Thu Phương, FPT IS ERP, cho hay, FPT IS đang gặp nhiều thuận lợi trong công cuộc bước ra toàn cầu bởi đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án quốc tế thành công tại Lào, Campuchia, Philippines, Bangladesh….

a

Chị Phương cho rằng FPT IS đã có những thành công bước đầu.

Đội ngũ nhân viên cũng đáp ứng được nhu cầu tham gia chinh chiến các dự án toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường nước ngoài của FPT IS hiện nay chủ yếu là các nước đang phát triển nên phong cách làm việc chưa thật sự chuyên nghiệp, khả năng ngoại ngữ, sự hiểu biết phong tục, tập quán và văn hóa làm việc của từng quốc gia mục tiêu còn nhiều hạn chế.

Để hướng tới thị trường các nước phát triển, FPT IS cần đào tạo nhiều hơn các khóa kỹ năng mềm trong giao tiếp với người nước ngoài, các buổi trao đổi kinh nghiệm sống và làm việc tại “chiến trường” để những nhân viên trẻ có thêm nhiều kiến thức và tự tin hơn khi đi toàn cầu hóa.

Theo anh Nguyễn Duy Tư, Giám đốc FPT Telecom Phú Thọ, đây là thời điểm chín muồi nhất để ra biển lớn. Chúng ta đang sở hữu đội ngũ trẻ tài năng, có bằng cấp giá trị quốc tế, các công ty con đang áp dụng nhiều quy trình sản xuất, quản trị được chấp nhận trên toàn cầu, có tầm nhìn, định hướng rõ ràng và tích lũy đủ nguồn lực.

a

Theo anh Tư, FPT Telecom cần xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp cho cán bộ onsite.

Nếu như ở thị trường trong nước, FPT đã gặt hái nhiều thành công, CBNV đâu đó có tư tưởng và tinh thần làm việc như trong “thời bình”, thì khi đi ra thế giới, chúng ta sẽ đối diện nhiều thử thách, được trải nghiệm không khí làm việc của “thời chiến”, rất hợp với sự máu lửa của người FPT.

Hiện nay, Viễn thông rất tích cực trong việc nâng cao năng lực để Toàn cầu hóa, tập trung vào ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ, văn hóa và ngôn ngữ bản địa một số quốc gia mà công ty đang hướng đến như Lào, Myanmar…

FPT Telecom cũng cần xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp để các cán bộ onsite yên tâm công tác và cống hiến như “thời chiến” tại các địa bàn mới. Công tác chuẩn bị tốt sẽ giúp công ty sẵn sàng kinh doanh, không phải ném đá dò đường tránh mất thời gian và cơ hội không cần thiết.

a

Anh Tùng đành giá toàn cầu hóa là bước đi đúng hướng.

Anh Trần Thanh Tùng, Quản lý khu vực Hà Nội - FPT Retail, cho rằng, chiến lược này là bước đi đúng hướng khi chúng ta sống trong một thế giới phẳng, là bước phát triển trong lối suy nghĩ và tư duy làm việc, đồng thời là thách thức cũng như cơ hội để mỗi cán bộ trong tập đoàn hoàn thiện mình hơn, từ đó, cánh cửa hội nhập sẽ mở ra cho mỗi chúng ta.

a

Chị Dung chia sẻ về thị trường Campuchia.

FPT Retail là “đứa con” còn non trẻ của tập đoàn song cũng đang đi những bước đầu tiên trong chiến lược mở rộng vùng phủ ra thị trường nước ngoài với thị trường đầu tiên là Campuchia. Chị Ngô Thị Thuỳ Dung, Quản lý Kinh doanh khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam- Cambodia, FPT Retail, cho hay, Campuchia là thị trường khó khăn trong ngành bán lẻ vì xu hướng mua sắm của người dân vẫn còn ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Đơn vị đang phải đối mặt với tình hình chính trị bất ổn và những khó khăn về nguồn hàng, nhân lực. Các hoạt động biểu tình rầm rộ thường xuyên xảy ra tại khu vực có cửa hàng làm ảnh hưởng tới doanh thu cũng như phương án triển khai thị trường, marketting.

Hiện nay, FPT Retail vẫn đang dần ổn định để nâng cao doanh thu và hình ảnh tại Campuchia. Trong năm tới, khi tình hình hàng hóa và chính trị ổn định, đơn vị dự kiến sẽ mở rộng thêm hai cửa hàng tại Phnompenh.

"Dù đã đạt một số thành công nhất định nhưng để có vị thế và uy tín vững chắc hơn trên trường quốc tế, FPT Software cũng cần nhiều thay đổi", anh Nguyễn Đức Tĩnh, FPT Software, nhận định.

a

Anh Tĩnh nhấn mạnh việc luân chuyển cán bộ.

Công ty cần phân chia thị trường theo đặc trưng của từng Đơn vị Phần mềm chiến lược (FSU) để đạt hiệu quả công việc cao. Nhân sự cần có chiều sâu về kỹ thuật, kinh nghiệm để tạo ra các sản phẩm công nghệ, giúp chủ động được nguồn việc và doanh số, không phụ thuộc vào việc tìm khách hàng.

FPT Software cũng cần thay đổi chính sách để có được những lãnh đạo, quản lý có cả Tâm và Tầm, luân chuyển cán bộ từ cấp Trung tâm phần mềm (BU) để giúp họ phát triển toàn diện, thay thế dần những người không thành thạo ít nhất một hoặc hai ngoại ngữ phổ biến…

x

Anh Trung cho rằng cần đẩy mạnh nhân tố con người.

Với anh Trần Trung, FPT IS Global, vấn đề quan trọng nhất là cần thúc đẩy mạnh hơn nữa về mặt con người, thông qua việc đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, chế độ chính sách. Quy trình, bộ máy hỗ trợ cán bộ cũng phải thay đổi, chuyên nghiệp hóa. Lãnh đạo công ty cần lắng nghe ý kiến cấp dưới để đưa ra quyết sách phù hợp, tránh việc duy ý chí, chủ quan.

"Cần thay đổi câu chuyện “thợ dạy”, đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu khoa học, tạo môi trường phát triển chuyên môn cho giảng viên xứng tầm trường đại học quốc tế. Có như vậy mới có thể thu hút và giữ chân những người thầy tài năng, tâm huyết đóng góp cho chất lượng đào tạo của ĐH FPT", chị Nguyễn Thị Thắm, ĐH FPT, góp ý.

a

Chị Thắm nhân mạnh việc thay đổi câu chuyện “thợ dạy”.

Hiện nay, cơ sở vật chất ở campus Hòa Lạc (Hà Nội) đã và đang được đầu tư quy mô, là nền tảng tốt để đẩy mạnh tuyển sinh nước ngoài, tạo môi trường giao lưu quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nhân sự và hệ thống thông tin hỗ trợ tốt cho việc mở các campus nước ngoài. Từ đó, con đường Toàn cầu hóa giao dục sẽ trở nên rộng mở hơn.

a

Anh Danh tin tưởng con đường toàn cầu hóa thành công.

Còn anh Nguyễn Mậu Danh, F9 - FPT Trading, nhìn nhận, hiện nay, FPT Trading có sản phẩm phân phối uy tín và chất lượng toàn cầu, thị trường phân phối tại Việt Nam và các nước bạn xung quanh như Lào, Campuchia, Myanmar... còn nhiều tiềm năng. Song, mảng Phân phối đang phải đối diện với khó khăn chung khi kinh tế Việt Nam và thế giới chưa phục hồi sau khủng hoảng. Bất ổn về chính trị tại một vài nước trong khu vực nên gây quan ngại về đầu tư. Văn hóa khác nhau cũng là vấn đề liên quan đến các hoạt động kinh doanh. Sự bùng nổ, phát triển cũng như sát nhập của các “ông lớn” trên thế giới về lĩnh vực phân phối. Khả năng giao tiếp, ngoại ngữ của cá nhân và nhân viên còn nhiều hạn chế…

Mỗi người FPT cần tự trau dồi vốn sống, kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, quản lý trong ngành phân phối… Tôi tin con đường này sẽ thành công, khẳng định sự phát triển không ngừng, giúp FPT đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

Nhàn Nhã

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()