Chúng ta

Đón Xuân nơi xứ người

Thứ năm, 19/1/2012 | 10:30 GMT+7

Dù đã đi onsite hơn ba năm nay nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, anh Nguyễn Công Thành (FPT USA) lại nhớ nhà da diết.
> Miss FPT tỏa sáng cùng hương sắc mùa Xuân / Rộn ràng sắc Xuân trong 'Cóc thèm chơi'

Hầu hết những CBNV FPT đi onsite đều ăn Tết cổ truyền ở nước ngoài. Vì công việc, họ tạm gác lại mong muốn xum họp, quây quần bên người thân và đón những cái Tết xa quê.

a

Anh Nguyễn Công Thành đã có "thâm niên" ăn Tết ở nước ngoài. Ảnh: NVCC.

 Kể từ năm 2009 đến nay, anh Thành đều đón Tết ở Mỹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc Giao thừa là anh lại bồi hồi nhớ nhà, nhớ quê hương. Thông thường, Giao thừa thường rơi vào buổi sáng theo giờ Mỹ nên anh sẽ dành thời gian gọi điện về chúc Tết gia đình, họ hàng, sau đó lại tiếp tục công việc thường nhật của mình.

“Khoảng thời gian khiến tôi nhớ nhà nhất chính là dịp lễ Giáng sinh bởi ở Mỹ, đó là lúc mọi người quây quần ấm cúng bên nhau. Nhìn thấy họ sum họp như vậy, tôi nhớ nhà kinh khủng”, anh Thành chia sẻ.

Anh kể, nếu ăn Tết ở nhà thì dịp này chắc chắn anh đang cuống cuồng lo lau chùi, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Đúng đêm 30, anh sẽ ở nhà xem hết chương trình Táo quân, sau đó chạy lên Bờ Hồ xem bắn pháo hoa với đám bạn thân. Rồi mùng 1, mùng 2, mùng 3 sẽ đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Đặc biệt, nhà anh có tục lệ sáng mùng 1 phải đi chúc Tết ông bà.

Xa nhà dịp Tết, điều anh nhớ nhất là bữa cơm tất niên với cả gia đình vì đó là buổi quây quần, đầm ấm và hạnh phúc nhất trong năm.

Dù đã ba năm không được đón Tết cùng gia đình ở Việt Nam, nhưng năm nào cũng vậy, anh đều cố gắng tự tạo cho mình một cái Tết thật ấm cúng, tươm tất và nhiều kỷ niệm trên đất Mỹ.

Nhớ lại cái Tết xa nhà đầu tiên, vào năm 2009, khi đó anh vẫn còn chưa lập gia đình. Những tưởng gã trai độc thân sẽ đón Tết bằng việc trùm chăn nằm trên giường giết thời gian, nhưng do Tết rơi đúng vào dịp cuối tuần nên anh đã tranh thủ làm một chuyến “road trip” xuyên ba tiểu bang California, Nevada và Utah. Anh đã ăn Tết cùng với mấy người bạn đang học ở đó. Đến giờ, anh vẫn tự hào vì “thành tích” là người FPT đầu tiên thực hiện chuyến đi một mình dài như vậy trên đất Mỹ.

Cái Tết thứ hai xa quê nhà, anh đã “kịp” có thêm người bạn đời. “Hai vợ chồng đã có một cái Tết khá tươm tất. Mình phụ vợ gói bánh chưng và bày biện mâm ngũ quả để cúng. Đúng là vui như Tết”, anh hào hứng kể.

Năm nay, dù là cái Tết thứ ba xa nhà, nhưng chắc chắn anh sẽ bớt chạnh lòng hơn khi gia đình nhỏ của anh vừa chào đón cậu con trai đầu lòng.

Tuy hai vợ chồng, người đi học, người đi làm cộng thêm việc phải chăm sóc con nhỏ nhưng chắc chắn vợ chồng anh sẽ vẫn đón một cái Tết truyền thống như ở Việt Nam bằng việc gói bánh chưng, giò chả, bày mâm ngũ quả và cúng tất niên. Vợ anh sẽ ra chợ Việt sắm sửa các vật dụng cần thiết và anh lo việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa.

“30 Tết rơi vào đúng ngày Chủ nhật nên cả gia đình sẽ đi chùa cầu an và chung vui với cộng đồng người Việt ở đây. Mình cũng sẽ gọi điện về nhà chúc Tết. Sang tuần thì nhịp sống sẽ lại như bình thường”, anh Thành hồ hởi nói.

a

Có vợ và con bên cạnh, anh Sơn cũng bớt cảm thấy cô đơn khi ăn tết ở nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Đồng nghiệp với anh Thành, anh Nguyễn Tiến Sơn đã trải qua hai năm ăn Tết ở nước ngoài. Năm 2010, anh đón cái Tết xa nhà đầu tiên một mình ở Mỹ. Còn năm nay, tuy vẫn xa nhà nhưng anh đã có thêm vợ và con gái ở bên.

Mặc dù cảm thấy buồn, hụt hẫng khi chỉ có một mình, nhưng anh cho rằng, cảm giác hồi hộp khi đó cũng là một trải nghiệm thú vị.

Nhớ hương vị Tết quê nhà, nên anh đã một mình lái xe đến khu người Việt để xem không khí đón Tết của bà con Việt Kiều. Không may cho anh, khi đến nơi thì “tiệc đã tàn”. Anh lại một mình một xe quay về nhà.

Xa nhà dịp Tết, anh nhớ nhất cảm giác ấm cúng khi cả nhà sum vầy và cùng nhau chuẩn bị đón Tết. Rồi cả những buổi đi chùa đầu năm cũng làm anh nhớ da diết khi xa quê.

Không chỉ vậy, anh còn “nhớ cả cảm giác đi ra đường ngày mùng 1. Lúc đó mới thấy Hà Nội thực sự là Hà Nội, chứ không ồn ào, náo nhiệt như những ngày thường. Cảm giác ấy thật tuyệt và khó tả”, anh Sơn nhớ lại.

Thông thường, nếu ở nhà, anh sẽ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc từ trước Tết vài ngày. Sau đó đến đêm 30, các thành viên trong gia đình sẽ phân công mỗi người một việc. Thường anh sẽ nhận nhiệm vụ đi chùa với mẹ, sau đó về xông đất và chạy ngay lên gác xem bắn pháo hoa.

Mùng 1, anh sẽ dành thời gian đi chúc Tết hàng xóm, họ hàng thân thiết. Đến mùng 2, mùng 3 sẽ đi chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp. Tục lệ không thể bỏ qua là lì xì cho mọi người. “Thông thường, nhà mình phải đến hết rằm tháng Giêng thì mới thực sự là hết Tết”, anh Sơn nói.

Năm nay, đón Tết xa quê, lại vừa chào đón thành viên mới nên anh có cái Tết bận rộn. Tuy nhiên, anh hy vọng sẽ dành chút thời gian để đi thăm thú cộng đồng người Việt đón Tết ở Mỹ.

Với chị Võ Linh, FPT Software HCM, dù đã 5 năm onsite ở nước ngoài nhưng đây là lần đầu chị ăn Tết xa nhà. Chị cảm thấy buồn và tủi thân vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Điều chị tiếc nhất là không được ở gần ba mẹ và người thân, không được họp mặt, vui chơi với bạn bè như những năm trước.

Tại Mỹ, Giao thừa của chị sẽ diễn ra tại văn phòng, với những công việc hằng ngày. Chị sẽ chờ qua khoảnh khắc 12h đêm để gọi điện về nhà và nói chuyện với những người thân. Sau đó, chị sẽ dành thời gian ngồi viết những dòng cảm xúc đáng nhớ trên Facebook và lắng nghe âm thanh của đêm về.

Dù giản dị nhưng chắc chắn tất cả những điều đó sẽ khiến chị đỡ buồn và chạnh lòng khi đón Tết xa quê.

Chị Phương Anh, FPT Software, chia sẻ, dù đã là năm thứ “n” chị ăn Tết ở Nhật nhưng năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp hoa đào nở rộ chị lại nhớ cồn cào, da diết cái Tết ở Việt Nam.

“Dù ăn Tết ở nước ngoài, chẳng mất tiền mừng tuổi ai, trốn được nhiều nghĩa vụ với gia đình, rồi cũng đón Tết với đủ hương vị của bánh chưng, giò lụa, canh măng, miến gà và cả cành đào phớt hồng, vậy mà vẫn chống chếnh đến lạ”, chị Phương Anh bùi ngùi.

Bình Nguyên

Ý kiến

()